Đoàn Dự ghi chép
I. Chuyện thứ nhất: Ma túy
Để động viên tinh thần của mẹ trong cuộc chiến pháp lý, hai người con của bà Nguyễn Thị Minh Loan đã bay từ Úc về Việt Nam để rõ hư thực chuyện bà bị bắt do người ta tìm thấy trong chiếc va-li lúc bà đem ký gửi tại sân bay Tân Sơn Nhất có chứa heroin.
Chiếc xe chở tội phạm chạy vào trong sân Tòa án Sài Gòn với những nhân viên cảnh sát tư pháp canh gác nghiêm ngặt, súng ống hà rầm. Đám đông thân nhân của các nghi can lao xao, ai nấy nét mặt buồn so, trong số đó có hai người con của bà Minh Loan. Nhìn mẹ bị giải xuống với hai cổ tay bị còng lầm lũi bước đi giữa các nhân viên công an làm công việc dẫn giải, một trong hai người con của bà bưng mặt khóc.
Điềm tĩnh đến lạ lùng, bà Minh Loan nhìn về phía hai người con, nhoẻn miệng cười đầy tự tin. Có lẽ trong thâm tâm, bà tin rằng mình hoàn toàn vô tội, rằng quan tòa sẽ trả lại công bằng cho bà. Nhìn mẹ tươi cười như thế, hai người con của bà Loan cũng phần nào an lòng. Họ lặng lẽ đi theo phía sau mẹ, lòng tràn ngập niềm tin rằng sau phiên toà, mẹ sẽ được tha bổng, mẹ con sẽ được đoàn tụ sau hơn một năm bà bị giam giữ, mẹ con cách biệt, ở bên ấy lòng họ nóng như lửa đốt, không còn làm ăn gì được.
(H.1: Bà Nguyễn thị Minh Loan tại toà)
Vào cuộc xét xử, vị chủ tọa điểm lại hành vi phạm tội của bà Nguyễn Thị Minh Loan, 56 tuổi, địa chỉ tại số 59 Boomerang Rd, Edensor Park 2176, NSW, Australia. Hơn một năm trước, vào lúc 18 giờ ngày 18-5-2012, tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi làm thủ tục xuất cảnh cho người phụ nữ có số hộ chiếu N1158248 của Australia cấp năm 2009, sẽ lên chuyến bay VN773 Sài Gòn đi Sydney, Australia, chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất phát hiện ra trong chiếc va-li ký gửi của người phụ nữ này có ngăn chứa bí mật, nên họ đưa vào phòng cách ly chuyên dụng để làm thủ tục kiểm tra. Người phụ nữ đó chính là bà Nguyễn Thị Minh Loan.
Trước khi tiến hành việc mở chiếc va-li, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất khuyến khích bà Loan khai thật, có gì giấu giếm trong chiếc va-li, nhưng vị Việt kiều có ngoại hình sang trọng rất tự tin, bà bảo hải quan muốn gì thì cứ việc lục soát chứ bà cây ngay không sợ chết đứng, chẳng có gì giấu giếm mà phải khai báo. Bà nhếch mép cười khi thấy cán bộ chuyên trách sau khi lục tung chiếc va-li màu đỏ của bà, chẳng thấy gì khác ngoài quần áo, mền, drap trải giường và mỹ phẩm. Lúc này chó nghiệp vụ được huy động vào cuộc nhưng cũng không phát hiện được gì. Đến nước này thì bà Loan giọng đầy tự tin: “Đấy, tôi đã nói là tôi không liên quan đến xì ke ma túy mà. Các anh các chị lầm người rồi”.
Dù quá trình lục soát kỹ thuật và chó nghiệp vụ không phát hiện được gì nhưng kết quả từ máy soi cho thấy ẩn giữa hai vách va-li có 5 dị vật, nên sau khi khám xét ban đầu, mặc cho sự tự tin của vị nữ Việt kiều, hải quan'Tân Sơn Nhất quyết định cắt chiếc va-li này. Họ phát hiện giữa các vách chứa bí mật của chiếc va-li có 5 bịch nylon với tổng trọng lượng 1.304kg.
(H.2: Chiếc va-li của bà Minh Loan)
Khi được hỏi trong những túi nylon ấy đựng gì thì bà Minh Loan tỏ vẻ ngạc nhiên, bà nói: “Tôi mua chiếc va-li này ở chợ trời. Mua về tôi đựng đồ vào trong đó, làm sao tôi biết bên trong có ngăn bí mật chứa các gói lạ”.
Khi cắt một trong 5 bịch nylon đó để kiểm tra, ngườl ta mới vỡ lẽ ra tại sao chó nghiệp vụ tinh khôn, khứu giác nhạy bén như thế lại không đánh mùi được thứ ''bột trắng tử thần''. Thì ra, để qua mắt chó nghiệp vụ, người ta đã phủ chồng lên mỗi gói heroin một lớp bột hạt tiêu và một lớp bột cà-phê rồi dán chặt từng gói này với vách bên ngoài và vách bên trong của chiếc va-li. Qua lấy mẫu đi giám định nhanh, chất bột trắng đó được xác là heroin, hải quan lập biên bản, bắt giữ bà Nguyễn Thị Minh Loan về tội cất giấu trái phép chất ma túy, đồng thời chuyển cả bà lẫn tang vật đến công an Sài Gòn để tiếp tục điều tra.
Phòng Kỹ thuật Hình sự công an Sài Gòn giám định, thấy toàn bộ số chất bột màu trắng đã thu giữ của bà Minh Loan đều là heroin, có trọng lượng tổng cộng 1,209.37 gram. Bà Minh Loan nói rằng bà không biết số heroin đó là của ai và nhất định không thừa nhận số hàng bị phát hiện trong chiếc va-li là của mình.
Bà khai: Ngày 9-5-2012, bà nhập cảnh về Việt Nam để đi làm từ thiện và giải phẫu thẩm mỹ. Đến chiều 13-5, bà tới khoảng đường gần Nhà thờ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng, Quận 3, Sài Gòn, mua 2 bộ drap trải giường, mấy chiếc áo gối và một chiếc mền len với giá gần 6 triệu đồng, rồi mua chiếc va-li màu đỏ của một người đàn ông không rõ lai lịch trên lề đường ở khoảng giữa Nhà thờ Tân Định với đường Võ Thị Sáu, với giá 860,000 đồng để đựng 2 bộ drap trải giường cùng áo gối và chiếc mền vừa mua trước đó.
“Mua xong, tôi đi taxi, đem chiếc va-li về cất giữ tại phòng 70-2 khách sạn Hoàng Ngọc Mỹ ở địa chỉ 11A-13 đường An Dương Vương, Quận 5. Đến chiều 18-5-2012, tôi đem chiếc va-li cùng một số hành lý ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục ký gửi để xuất cảnh về Úc thì bị hải quan chặn lại và phát hiện bên trong có chứa 5 bịch heroin. Tôi không nghiện ma túy mà cũng chẳng giao du gì với những người buôn bán heroin nên không biết về số ma túy nói trên”. Bà Minh Loan nói với các phóng viên với giọng oan ức, thảm sầu: “Trong khi giam giữ, cơ quan điều tra có dẫn tôi đến đường Hai Bà Trưng để chỉ rõ địa điểm và nhận diện người bán cho tôi chiếc va-li chứa ma túy. Nhưng lúc mua tôi hơi vội nên không nhớ rõ địa điểm cũng như nét mặt người bán”.
Tại phiên tòa xét xử vào sáng 24-6-2013 vừa rồi, bà Minh Loan vẫn nhất quyết khai rằng mình không biết trong chiếc va-ly có ma tuý. Bà nói có lẽ người đàn ông bán cho bà chiếc va-li đã rõ bà làViệt kiều nên bán cho bà chiếc va-li đã ém sẵn ma túy để mượn tay bà mang hàng quốc cấm xuất ngoại. Tòa hỏi vậy thì về tới bên Úc bà sẽ giao cho ai chứ chẳng lẽ họ “tặng không” bà số ma tuý đó hay sao? Bà im lặng không trả lời.
Hồ sơ ở cơ quan điều tra cho thấy từ năm 1999 đến 2012 tức 13 năm, bà Minh Loan có 64 lần từ Úc về Việt Nam, trong đó từ năm 2007 đến năm 2012 tức 5 năm, bà về hơn 30 lần. Tòa hỏi: “Bị cáo khai thất nghiệp từ 7 năm nay và sống bằng trợ cấp của chính phủ Úc. Mỗi lần về nước rất tốn kém, vậy tiền đâu để bị cáo đi đi về về như thế và tiền đâu để bị cáo đi làm phẫu thuật thẩm mỹ cũng như đi làm từ thiện?”.
Tưởng rằng với câu hỏi “bắt bí” đó bà Loan sẽ chịu thua, nhưng bà trả lời rằng khi ly hôn với chồng, bà được chia tài sản, đồng thời suốt trong những năm chung sống với chồng, bà cũng giữ riêng được một số tiền khá lớn. Bà cũng kể thêm là lần về Việt Nam này mọi chi phí là do một bà bạn đài thọ để nhờ bà mua giúp thuốc điều trị ung thư cho người thân. Lẽ ra, bà còn ở Việt Nam lâu hơn nhưng do thân nhân người bạn bệnh nặng nên bà ta đã gọi điện thoại sang hối thúc bà đem thuốc về gấp. Không ngờ... Bà Loan bỏ lửng câu nói với cặp mắt đỏ hoe. Tòa hỏi, bị cáo nói bị bạn hối thúc đem thuốc về gấp, vậy thì thuốc đó đâu, sao không thấy bị cáo đem theo trong hành lý? Hơn nữa một đất nước có ngành y tế tiến bộ như Úc, không lẽ lại phải mua thuốc điều trị ung thư từ bên Việt Nam? – Bà Loan im lặng không trả lời.
Trước khi vào bên trong nghị án, toà cho phép bị cáo được nói những lời sau cùng. Bà Loan khóc, bà vẫn giữ lập trường là mình không hề liên quan tới xì ke ma túy, mong tòa xét xử một cách công minh để bà khỏi bị hàm oan trong việc mua lầm chiếc va-ly bên trong có ma túy mà bà không hề hay biết.
Cho rằng những lời khai của bà Minh Loan không trung thực, trước sau chỉ là bà quanh co chối tội; dù bà không thừa nhận mình phạm pháp nhưng Hội đồng Xét xử thuộc toà sơ thẩm Sài Gòn vẫn khép bà vào tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” và tuyên án bà bị tù chung thân “với sự khoan hồng của HĐXX do bị cáo là một phụ nữ đã lớn tuổi, quốc tịch nước ngoài và chưa từng có tiền án, tiền sự”.
Đúng là họ có nhân nhượng thật bởi vì theo luật VN hiện nay, khi bị bắt quả tang vận chuyển hoặc buôn bán từ 300 gram xì ke ma tuý trở lên đều bị tử hình, trong khi đó trong va-li của bà có tới 1,209.37 gram heroin, tức gấp hơn bốn lần con số đó!
Tuy nhiên, bà Loan bị oan hay không bị oan? Điều này ngay chính tòa án cũng không biết đích xác mà chỉ “xử mù” theo suy đoán của tòa mà thôi. Nói cho cùng, dù bà Loan bị oan hay không thì đây cũng là một trường hợp hết sức đáng tiếc. Bởi vì, nếu đúng là bà đã mua lầm chiếc va-li bên trong bọn gian đã ém sẵn xì ke ma túy như lời bà nói mà bị tù chung thân thì đáng tiếc thật. Bất cứ một vụ án oan uổng nào cũng đều đáng tiếc cho người bị hàm oan. Còn nếu bà chủ mưu vận chuyển xì ke ma túy theo kiểu “quốc tế” như vậy thì đáng tiếc ở chỗ bà đã lớn tuổi rồi và hiện đang sống tại một đất nước mà mọi người ở bên VN nhìn sang đều thấy đó là “thiên đàng”. Điều kiện sống của bà ở bên ấy có thể nói chắc chắn là rất cao so với VN. Thậm chí, khi về già hoặc thất nghiệp bà cũng được chính phủ trợ cấp, không hề lo đói hoặc sống khổ sở, vậy thì tội gì phải đem tính mạng để đánh đổi lấy tiền bạc? Buôn bán xì ke ma túy đúng là giàu có lớn thật, nếu “thắng” bà có thể có hàng triệu đô la. Nhưng đã 56 tuổi, bà sẽ dùng làm gì với số tiền “khủng” đó, có thể tiêu xài hết được chăng mà phải đánh đổi bằng tính mạng? Nay, dù bà không bị tử hình nhưng ở tù suốt đời tại VN không phải là điều dễ chịu.
II. Chuyện thứ hai: Đùa
Ở thôn 8, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội, vụ tự tử của cháu Nguyễn Thị Chầm Linh (vừa tốt nghiệp lớp 12, trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng, Thạch Thất) bằng thuốc diệt cỏ đang làm xôn xao dư luận.
Nhà của cháu Linh nằm sâu trong một ngõ nhỏ. Khi phóng viên đến, ông Nguyên Văn Quế, cha của cháu Linh vẫn còn ngồi thất thần tại một góc nhà. Dường như ông vẫn chưa tin rằng đứa con gái ngoan ngoãn, hiếu thảo của mình đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Còn bà Vương Thị Loan, mẹ của cháu Linh thì vật vã: “Nào chúng tôi có biết “Phây búc Phây beo” (Facebook) là cái gì đâu mà chúng nó lại làm mất đi cuộc sống của con gái tôi”.
Sau khi được những người hàng xóm an ủi, ông Quế mới bình tĩnh hơn và kể lại sự việc:
Ngày 28-6-2013, ông đang ở Nghệ An thì người em trai gọi điện thoại từ Hà Nội vào báo tin cháu Linh vừa phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Thạch Thất. Chẳng hiểu đầu cuối ra sao, ông vội đi xe đò về ngay. Về đến nhà không thấy con gái đâu, ông lao tới bệnh viện. Ông như đứt từng khúc ruột khi phải chứng kiến cảnh đứa con gái vốn xinh xắn, ngoan ngoãn của mình đang vật vã trên giường bệnh. Ông kể: “Cháu yếu đến nỗi không thể nói được, chỉ ra hiệu cho người nhà kiếm cho cháu tờ giấy và cây bút. Rồi cháu nguệch ngoạc viết được mấy dòng, đại ý: trong những buổi học thêm môn toán để chuẩn bị thi vào đại học trước đây, một thằng bạn trai cùng lớp tên là Hải đã lấy trộm hình của cháu rồi ghép với một bức hình “nude” hở hang và đăng lên mạng xã hội Facebook khiến cả lớp xôn xao bàn tán. Linh rất xấu hổ, đòi tên Hải phải gỡ tấm hình đó xuống, nhưng tên Hải và các bạn lại càng trêu hơn. Linh dọa sẽ tự tử vì bức ảnh đó… - Nói đến đây người cha tóc muối tiêu nức nở một hồi: “Cháu Linh nhà tôi ngoan lắm. Từ bé đến lớn cháu sống rất tình cảm, ai cũng đều quý. Cứ đi học về là cháu lo quét dọn nhà cửa, nấu cơm, chăm sóc đàn gà đàn lợn đỡ đần bố mẹ. Ngày mùa cháu cũng đi cấy hái như người ta…”.
Ở trường, Linh được các thầy cô giáo khen ngoan ngoãn, chăm chỉ. Lực học của Linh chỉ ở mức khá nhưng đến năm lớp 12, Linh rất chăm, quyết tâm học thật giỏi để theo gương chị gái thi đậu vào đại học. Kết quả là cả hai kỳ Linh đều được giấy khen của nhà trường và đậu tốt nghiệp với điểm số cao.
Linh cũng là đứa sống rất tình cảm, cứ thấy bố hay mẹ đi làm về là cháu hỏi han, rót nước cho bố mẹ uống. Bữa cơm thì lúc nào cũng nhường thịt, cá cho các em, chỉ ăn rau dưa và chan nước canh. Bố đi làm xa, thỉnh thoảng Linh vẫn mượn điện thoại của chú, gọi vào Nghệ An hỏi thăm.
(H.3: Cháu Nguyễn Thị Chầm Linh)
Bà Loan giãi bày: “Gia đình chúng tôi tuy ít chữ nghĩa nhưng luôn dạy dỗ con cái phải vâng lời cha mẹ, không được chơi bời lêu lổng, không được ăn chơi, nhuộm tóc xanh tóc đỏ cho người ta cười. Cháu Linh nghe lời bố mẹ, chỉ biết học và chăm lo việc nhà, chẳng giao du với ai. Ngày tết cháu không có bạn bè đến chơi mà cũng chẳng đi đến đâu. Có lẽ chính vì tính tình hiền lành, chuyên sống khép kín nên khi bị ban bè tung ảnh xấu xa lên mạng, cháu Linh vô cùng xấu hổ. Tôi nghe các bạn của cháu kể rằng Linh cũng coi mạng và chính mắt thấy ảnh mình bị ghép với một cô gái khoả thân, bên dưới là những lời bình luận rất thiếu ý thức nêu rõ tên nó. Vì thế cháu Linh tức giận nói nếu các bạn không chịu gỡ xuống cháu sẽ tự tử. Lũ bạn thấy thế lại càng trêu chọc, nói thích khoả thân như thế, ai cũng chê cười thì tự tử đi, sống làm gì nữa. Nhất là thằng Hải, nó ra sức chế nhạo và nhận chính nó tung các hình đó lên mạng. Chúng đùa nghịch thái quá, cháu Linh không làm gì được nên trong lúc mất bình tĩnh, cháu đã đi mua 3 lọ thuốc diệt cỏ và ngày 28-6 đã uống một lúc cả ba lọ. Khoảng nửa giờ sau, cháu đau bụng quá, lăn lộn trên giường, lúc ấy ngươi nhà mới biết, đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu song đã quá muộn. Và bà mẹ cháu Linh kết luận: “Chúng nó đã 18 -19 tuổi, tốt nghiệp lớp 12 rồi chứ có bé nhỏ gì đâu mà đùa nghịch, giết hại con tôi như thế”.
(H.4: Những dòng chữ cuối cùng của cháu Linh)
Cháu Linh chắc chắn là một cô bé hiền lành, rất ít giao thiệp nên mới chọn giải pháp tự tử như vậy. Nếu vào tay các cô gái đáo để, họ sẽ chọn một trong hai giải pháp là báo công an can thiệp hoặc thuê cao bồi du đãng nện cho thằng Hải một trận thừa sống thiếu chết nó sẽ không dám “đùa” như thế nữa. Giải pháp tự tử của cháu Linh hết sức đáng tiếc. Thì ra, ngưởi hiền bao giờ cũng bị thiệt thòi hơn người lanh lợi.
III. Câu chuyện thứ ba: Oan
Ông Phạm Văn Thành, sinh năm 1946 tại ấp Ninh Hòa, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho cũ), có đứa con trai tên Phạm Văn Tuyền tự nhiên bỏ nhà đi đâu mất. Ông Thành lo lắng, đôn đáo tìm kiếm suốt mấy ngày liền nhưng không thấy. Chẳng hiểu có ai ghét bỏ gì không mà UBND và công an xã Hoà Tịnh nhận được tin… ông Thành giết con chôn ở góc vườn (!). Họ báo lên huyện. Ngay lập tức, huyện cho công an xuống điều tra, đào bới khu vườn nhưng không thấy gì cả. Ông Thành bị bắt, từ đấy gia đình ông tan nát, ông bị tù đầy và bị vu oan nhiều tội khác đến nỗi ông suýt mất mạng. Đây là một trong những vụ án oan thấu trời xanh mà ngay chính đương sự cũng không hiểu tại sao mình lại bị hàm oan một cách kỳ lạ và thiếu kiến thức như thế. Sự việc diễn tiến như sau…
Ngày 17-9-1989, dân chúng tại ấp Ninh Hòa xã Hòa Tịnh huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang đổ xô vào khu vườn nhà ông Thành để xem công an khám xét và thấy tận mắt gương mặt của kẻ làm cha đã nhẫn tâm giết hại con mình.
Sáu bảy chục cái hố to nhỏ được đào khắp vườn để tìm thi thể thằng bé. Nhưng mọi sự tìm kiếm đều không mang đến kết quả bởi vì: “Con tôi chưa chết. Nó là con tôi, dù có nhẫn tâm đến mấy tôi cũng không thể giết chết con mình”.
Ông Thành tường thuật với các nhà báo về chuyện oan trái đầy nước mắt của ông bằng việc công an tới nhà đào bới, khám xét và bắt ông về tội giết con như thế.
(H.5: Ông Phạm Văn Thành)
Chuyện bắt đầu khi thằng Tuyền, đứa con trai lớn của ông bỗng nhiên mất tích. Đang trong lúc bối rối, tìm con không thấy, chưa biết thằng nhỏ lành dữ ra sao thì công an tới nhà và cho biết một tin sét đánh: họ tình nghi ông đã tự tay giết chết con ruột, chôn xác trong vườn!
Ông Thành bàng hoàng trước lời buộc tội vô căn cứ đó. Sau khi công an đào bới không thấy gì hết, ông xin được tự mình đi tìm con trong thời hạn tối đa là một tuần lễ.
Thời gian trôi qua, thằng Tuyền vẫn biệt tăm. Thời hạn một tuần đã hết, ông trở về nhà và bị bắt vì những lời buộc tội kỳ lạ mà ông không hề biết: vu khống, chống đối người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản công dânv.v… “Hôm họ tới khám xét tôi có nói gì đâu, có đổ chuyện thằng nhỏ mất tích cho ai đâu. Còn việc huỷ hoại tài sản thì chẳng lẽ tôi lại hủy hoại ngay chính tài sản của tôi? Họ muốn bắt thì nói oan cho tôi như thế, nhưng đối với dân chúng, tôi bị bắt về tội giết con” - ông Thành chua chát nói.
“Lúc ấy bác có kêu oan không?”.
“Có chớ, song có ai chịu nghe tôi đâu! Muốn bắt người thì phải có giấy tờ, đằng nầy tôi bị bắt chẳng có giấy tờ mà cũng chẳng hiểu mình mắc tội gì. Nếu nói là tôi giết con thì họ có tìm thấy gì đâu”.
Sau khi bị bắt, ông Phạm Văn Thành bị tống vào nhà giam ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. “Bước vô ngục tối, tôi thấy như trong cơn ác mộng. Nhà giam nằm trong một cánh đồng hoang, mái cao chưa đầy 1 mét, nền đất đóng đầy rong rêu…”.
Ông Thành là chủ trang trại nuôi dê “Ba Thành”, nuôi hàng trăm con dê lớn nhỏ, làm ăn khá phát đạt, bây giờ ông vào tù, trang trại chỉ còn một mình vợ ông trông nom mà nhà lại có hai đứa con nhỏ, chăm sóc không xuể, coi như hoang phế.
Hơn một năm trong phòng biệt giam, ông không thể nhớ nổi mình đã sống cơ cực như thế nào. “Tôi từ một người to lớn, mập mạp, nhịn đói nhịn khát nên chỉ còn khoảng 36 – 37 kg. Nhưng tôi tin rằng con tôi vẫn còn sống. Ở trong trại biệt giam, cơ cực không biết là dường nào, tôi chết đi sống lại nhiều lần nhưng nghĩ rằng mình phải sống để gặp lại con và rửa sạch cái án oan mà họ đã chụp cho tôi”.
Sức khỏe quá sa sút, ông Thành sắp chết nên được chuyển ra bệnh viện tỉnh. Sau 2 tuần lễ được điều trị ở bệnh viện, ông đã “lên” được 37kg, sống sót và được vợ làm giấy bảo lãnh xin cho ông được tại ngoại.
Ông Thành trở về nhà với hai bàn tay trắng. Hàng xóm láng giềng ai cũng bảo ông đi tù về tội giết con. Sức khỏe của ông suy kiệt. Nhà cửa tiêu điều, tan tác, dê mẹ dê con xơ xác, nhiều con không được chăm sóc đã chết.
Trong lúc ông đi tù, lao động chính ở nhà là vợ ông. Dù chị khéo léo nhưng hai đứa con còn nhỏ nên chị cũng chỉ thu vén, lo liệu được rau cháo nuôi chồng trong tù, tình cảnh hết sức cơ cực.
Đứa con trở về
Mang tiếng xấu giết con nên ông Thành bị mọi người khinh rẻ, ghê sợ. Hai chân ông bị cùm lâu trên nền đất trong trại biệt giam nên bị tê thấp, rất yếu, đi đứng không vững, không còn làm được công việc nặng nhọc mặc dầu tánh nết ông rất siêng năng.
Giữa lúc mọi người đang khinh bỉ, xa lánh gia đình ông thì “đứa con bị giết” trở về.
Vừa nhìn thấy cha đang ngồi trên bậc thềm, thằng Tuyền vội vàng quỳ xuống, vừa khóc vừa bò lết từ cổng tới trước mặt cha, phục xuống lạy cha. Nó vừa biết tin, do nó bỏ nhà ra đi nên cha nó bị bắt oan, suýt bị mất mạng. Hàng xóm tới coi. Trước sự chứng kiến của mọi người, hai cha con ôm chầm lấy nhau cùng khóc vì sự oan trái.
Sau cơn xúc động qua đi, thằng Tuyền kể rằng hơn một năm trước, có người kêu nó xuống Mộc Hóa trong Đồng Tháp Mười làm ruộng rồi họ sẽ cho đất, cho trâu và gả con gái cho. Nhưng xuống đến đấy, làm ăn suốt hơn một năm mà chẳng được gì cả, vợ cũng không luôn. Nó thất vọng, muốn trở về nhà nhưng không có tiền đi xe. Sau, năn nỉ mãi, ông ta cho được một chút tiền xe nên nó trở về. Về tới bến xe, gặp người quen nó mới biết việc cha nó gặp oan trái, tù đầy, nó ân hận lắm.
Sau khi thằng Tuyền trở về ông Thành mới xóa bỏ được cái tội ác giết con đối với dân chúng địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là đối với dân chúng mà thôi còn đối với chính quyền thì ông vẫn chưa hết tội. Ông than với các phóng viên: “Không hiểu tôi sanh vào cái giờ nào mà sao lại khổ đến thế. Ở nhà được 5 năm thì ngày 18-4-1995, tôi lại bị bắt tạm giam và bị cưỡng bức lao động thêm 5 tháng nữa do cái tội vu khống và chống người thi hành công vụ lúc trước. Nhưng khi tôi hỏi tôi vu khống ai và vu khống như thế nào, tôi chống người thi hành công vụ hồi nào thì họ bắt là bắt, không ai trả lời cho tôi biết”.
Ngày 7-6-2004, tức 9 năm sau khi đã bị cưỡng bức lao động 5 tháng tại huyện Tân Phước, Tiền Giang, ông Thành đã được công nhận là oan sai theo quyết định số 622/QD-GQKN ký ngày 7-6-2004 của Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang. Vậy là huề cả làng, hay thiệt là hay, hết sức công minh chính trực, hoan hô cả tỉnh Tiền Giang!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét