Nguồn: Blog Cấu Nhật Tân
Cách đây tròn 29 năm, ngày 12/7/1984, ta mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm đánh bật quân bành trướng bá quyền Trung Quốc khỏi điểm cao 1509 (Vị Xuyên – Hà Giang), 4 sư đoàn được tung vào trận. Ngoài những người con quả cảm và kiên cường đất Nghệ An, lính Từ Liêm (Hà Nội) cũng được tham chiến. Giao tranh ác liệt đã diễn ra, cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc chịu tổn thất lớn về quân số. Riêng phía ta, số cán bộ chiến sỹ hy sinh trong chiến dịch này lên đến hàng nghìn để rồi 29 năm sau, không một dòng thông tin nào đề cập sự hy sinh vẻ vang, to lớn và đầy ý nghĩa này. Tệ hơn, mẹ liệt sỹ tham gia chiến đấu trong chiến dịch này còn bị chính quyền quận Tây Hồ (HN) đối xử bất công.
Khu vực cầu Nhật Tân cũng có một đồng chí tham gia chiến đấu tái chiếm điểm cao trên tại Hà Giang. Đồng chí Hoa Hạ, quê Từ Liêm (lúc đó chưa thành lập quận Tây Hồ). Trước chiến dịch, đồng chí là Trung đội trưởng, được giao nhiệm vụ chỉ huy một mũi tấn công mang lá cờ Tổ quốc cắm lên điểm cao 772. Mặc dù bị sốt rét cấp tính, đã có lệnh cho chuyển đồng chí về tuyến sau điều trị, nhưng đứng trước nhiệm vụ đầy vẻ vang, đồng chí đã không từ nan và xung phong ở lại cùng đồng đội chiến đấu giành lại tấc đất yêu thương của Tổ quốc từ tay bọn bành trướng bá quyền. Đồng chí đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đẫm máu nhất này khi tuổi đời vừa tròn 20.
Chiến dịch quân sự này với nhiều gương chiến đấu hy sinh dũng cảm đã nhanh chóng rơi vào lãng quên. Số phận các thương binh, liệt sỹ cùng gia đình họ cũng hẩm hiu không kém. Gia đình đồng chí Hoa Hạ có mảnh đất ở tại ngách 7/9 đường An Dương Vương quận Tây Hồ (tổ 47 A, cụm 7, phường Phú Thượng) mặc dù là đất ở đã bao nhiêu năm, vẫn bị các quan tham quận Tây Hồ xếp vào đất “không xác định được nguồn gốc” và cho cưỡng chế mẹ liệt sỹ Hoa Hạ lấy mặt bằng phục vụ nhà thầu thi công cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, ngay sát nhà liệt sỹ Hoa Hạ là thửa đất của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Vận tải bỏ hoang bao năm thì bỗng chốc được UBND quận Tây Hồ xác định ngay được nguồn gốc và phù phép thành mấy chục suất đất ở cho các quan chức Bộ GTVT, quan chức quận nhằm hưởng trái phép tiền đền bù và suất tái định cư (xem chi tiết).
Cùng anh dũng hy sinh trong chiến dịch này có liệt sỹ Phạm Hữu Tạo, em trai nhà văn/blogger Phạm Viết Đào – người bỏ công sức trong suốt gần 30 năm qua, sưu tầm & nghiên cứu tư liệu về cuộc chiến đấu chống quân bành trướng của quân và dân ta. Vừa rồi, ngay trước chuyến đi Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cây viết chính về đề tài chiến tranh chống bá quyền Trung Quốc, nhà văn Phạm Viết Đào, đã bị An ninh bỏ ngục.
Nhân 29 năm chiến dịch tái chiếm điểm cao 1509 (12/7/1984 – 12/7/2013), xin tưởng niệm những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét