Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Vận mệnh dân tộc này nằm trong tay ai?

Người Việt chúng ta trong xã hội đương đại, liệu có thể nào gieo những… hạt khó phát triển, để gặt hái một mùa vàng nước Việt trong tương lai?
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày kỷ niệm những người lính đã dấn thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc- Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7.
Thì trong tuần, có hai sự kiện, dư âm của nó để lại cho xã hội không ít suy ngẫm, dù cái kết có vẻ có hậu.


Cao, thấp và…kỷ luật
Sự kiện thứ nhất, đó là sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm 47 nhân sự cấp cao của Quốc hội (khóa XIII), đến lượt các địa phương lần lượt hoàn thành cuộc lấy phiếu tín nhiệm của tỉnh mình.
Có vẻ có hậu, bởi kết quả cho thấy, không quan chức nào bị tín nhiệm thấp đến mức rơi vào vòng nguy hiểm, phải xem xét các bước xử lý tiếp theo.
“Có hậu” nhất, là đội ngũ cán bộ các HĐND, mức tín nhiệm khá cao, phổ biến đứng đầu bảng, so với nhóm cán bộ chính quyền (UBND), cán bộ lãnh đạo các ngành, các sở, nhóm mà sự “đụng chạm” về an sinh xã hội với người dân, diễn ra ở tất cả lĩnh vực.
Sự kiện thứ hai không hẹn mà gặp, là việc hàng chục quan chức cấp tỉnh, cấp ngành, cấp sở bị kỷ luật.
Mức kỷ luật cao nhất là cách chức Tỉnh ủy viên đối với một vị nguyên là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội một tỉnh. Người có chức vụ cao nhất là một vị Bộ trưởng một bộ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Còn lại các quan chức từ Chủ tịch UBND trở xuống đến các cán bộ các ngành, các cấp, các sở đều ở mức kiểm điểm, khiển trách, phê bình rút kinh nghiệm.
Hai sự kiện- lấy phiếu tín nhiệm, và kỷ luật các quan chức- khác nhau về bản chất, nhưng đều có phần “giao thoa” ở mục đích. Đó là có tính chất “cảnh tỉnh, răn đe”, nhắc nhở các quan chức- những “công bộc” của dân ý thức về bổn phận người lãnh đạo
Nhưng cũng giống như ở sự “nhờn” (hay cam chịu) của người dân với vấn nạn tham nhũng, kết quả có hậu của các cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở địa phương hay kết quả kỷ luật các quan chức mới đây, dường như đã không gây được nhiều…ấn tượng trong tuần với người dân.
Phải công nhận, các cuộc lấy phiếu tín nhiệm các cấp đã là tín hiệu bật…“đèn xanh” cho sinh hoạt dân chủ, từ nghị trường bước ra đời sống. Kết quả đầu tiên tại nghị trường cho thấy sự độc lập về tư duy, nhận thức của các đại biểu. Đó là điều đáng mừng nhất.
Nhưng ở cả hai cuộc lấy phiếu, rút cục, cho thấy không một quan chức nào “rơi vào vòng nguy hiểm”, thì điều đó, có phản ánh trung thực không? Câu hỏi này, không thuộc về người dân, mà thuộc về những quan chức được bỏ phiếu, về chính những người trong cuộc bỏ lá phiếu.
Có điều, nếu những năm sau, kết quả tín nhiệm vẫn tiếp tục là những tỷ lệ đẹp… như lá phiếu, thì nói theo cách của ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sẽ trở nên hình thức và nhàm chán (TP, ngày 15/7). Đáng sợ hơn cả sự nhàm chán, người dân sẽ không tin vào một chủ trương nghiêm túc. Vì sao?
Vì ngay từ đầu, bản thân sự trung dung của “ba tiêu chí” Tín nhiệm, tín nhiệm cao, và tín nhiệm thấp đã góp phần không nhỏ vào… thái độ trung dung, vào nền tảng ứng xử vốn “dĩ hòa vi quý” của người Việt xưa nay. Vô tình, làm loãng thái độ cần sòng phẳng, cần thẳng thắn của người bỏ phiếu.
Mặt khác, ba tiêu chí này có phần “đi” không giống với quy định hiện hành của Hiến pháp về việc bỏ phiếu tín nhiệm, mà theo ông Vũ Mão, thực chất phải là bỏ phiếu bất tín nhiệm với những người không làm tròn nhiệm vụ.
Những cái được và chưa được của các cuộc lấy phiếu tín nhiệm hẳn sẽ là những kinh nghiệm cần thiết, khi chủ trương này xuống cơ sở, trước đội ngũ cán bộ sau lũy tre làng, mà mối quan hệ làng xóm, dòng họ, chằng chéo phức tạp, chi phối đến nỗi, chân lý là…số đông chứ không phải ở thực tiễn.
Và đáng chú ý, thông báo kỷ luật hàng loạt các quan chức mới đây cũng không gây nên xúc cảm nào với người dân, ngoại trừ “xúc cảm” của những quan chức bị kỷ luật và gia đình họ.
Mà theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TW, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW: Xử lý kỷ luật đông thì có đông nhưng mức xử lý là những mức độ nhẹ nhàng…
Hay đó là cách giơ cao đánh khẽ, một cách xử thế truyền thống, nhân ái của người Việt?
Nhưng “nhân ái” giơ cao đánh khẽ với những cái dở, cái xấu, để “tình trạng vi phạm Luật Đất đai không được khắc phục; vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, buông lỏng công tác quản lý đầu tư xây dựng… Rồi vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ lãnh đạo…, gây dư luận không tốt tại địa phương…”, lại là không nhân ái với người dân, với đòi hỏi phát triển nước Việt hiện đại, văn minh và lành mạnh.
Liệu điều đó có “vênh” với đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Hay bộ phận không nhỏ đó, nằm ở số lớn đảng viên, cán bộ… không chức quyền?
Xin đừng quên, một cuộc lấy phiếu tín nhiệm, một vụ việc kỷ luật thật sự nghiêm minh hay chưa, cũng sẽ trở thành “đối tượng” để người dân sẽ bỏ phiếu tín nhiệmlại chính những chủ trương đó.

Vận mệnh dân tộc nằm trong tay ai?

Ai thiết kế- ai thi công
Để nói về vận mệnh một dân tộc, có câu nói: Nhân dân làm nên lịch sử.
Câu nói đó hoàn toàn đúng. Nhất là trong những giai đoạn, lịch sử, chủ quyền, độc lập tự do dân tộc bị đe dọa, bị dòm ngó, cần đến sức mạnh số đông. Nhưng câu nói đó mới chỉ đúng một nửa.
Bởi nhân dân, dù số đông, nói theo cách nói của GS Hồ Ngọc Đại trong nguyên lý của Công nghệ giáo dục, vẫn chỉ là người thi công những chủ trương, những quyết sách táo bạo, được thiết kế bởi một tổ chức chính trị- xã hội, hoặc bởi Nhà nước cầm quyền.
Mọi thành bại của dân tộc, của quốc gia, đều có vai trò của cả thiết kế, lẫn thi công
Trước thời khắc vận mệnh dân tộc đang phải đối mặt với câu hỏi phát triển hay tụt hậu, bỗng nhớ đến những năm 80. Khi đất nước đang chao đảo, thăng trầm, dân tộc Việt đã ý thức rất rõ về sự phải thoát khỏi cách tư duy nô lệ của phong kiến Bắc thuộc ngàn năm, với nền tảng triết học Khổng giáo, Nho giáo đã đè nén cá nhân con người Việt đau đớn.
Con người bị đè nén, thì cả dân tộc bị đè nén.
Ý thức đó, cộng với sự đổi mới, chuyển mình của cả cơ chế quản lý chính trị- kinh tế- xã hội, và hoàn cảnh thực tiễn mới, đã khiến người Việt thay đổi rất nhiều.
Ngày nay, liệu còn có nhiều người đàn bà Việt phải sống theo “tam tòng tứ đức” không: Tại gia tòng phụ (người con gái khi còn ở nhà, phải theo cha), xuất giá tòng phu (lúc lấy chồng phải theo chồng), phu tử tòng tử (chồng chết phải theo con trai)?
Có còn nhiều gia đình Việt chấp nhận sống “tứ đại đồng đường” không, khi mà bản ngã cá nhân được giải phóng, và luôn tồn tại sự khác biệt giữa các thế hệ về tư duy nhận thức, cách sống? Cho dù những thay đổi tư duy đó chưa có giá trị phổ quát.
Thế nên, sự thay đổi mang giá trị phổ quát, nói đúng hơn, sự điều chỉnh để dẫn đến những đổi thay thiết kế quản lý, thực sự phù hợp với tiến trình phát triển một dân tộc, gắn với quy luật thực tiễn, với văn minh văn hóa nhân loại, lúc này là vô cùng quan trọng, cho dù cực kỳ gian khó. Đây chính là nền tảng mang tính chất quyết định kích thích sự phát triển của cả quốc gia, của các lĩnh vực, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc.
Vận mệnh dân tộc nằm trong tay ai? Chợt nhớ câu trả lời của tướng Lê Văn Cương: Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển.
Nước Việt sẽ rất khó phát triển, nếu như không chữa trị nổi bạo bệnh tham nhũng, đã “di căn’ đến tận ngóc ngách của bộ máy công quyền cơ sở, của đời sống người Việt.
TS Đặng Ngọc Dinh (Liên hiệp các Hội KHKTVN) đã phải đặt câu hỏi về cái sự "bôi trơn" của người dân với bộ máy công quyền bị "khô dầu": Vậy cái máy khô dầu là tại ai? Tại người thiết kế máy, tại người vận hành hay tại người tu sửa không làm cho nó trơn?
Còn ông Lê Như Tiến, (Phó Chủ nhiệm UBVHGD Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH) khi trả lời báo VietNamNet mới đây, thì đặt câu hỏi:
Tại sao số lượng thanh tra (tham nhũng) nhiều đến mức như thế, trên 62.000 vụ mà chỉ đưa ra ánh sáng hoặc chuyển cơ quan điều tra có 464 vụ, chỉ chiếm 0,6%. Rõ ràng là có xu hướng hành chính hóa các vụ án tham nhũng.
Vì sao, đang “hình sự” lại chuyển sang “hành chính”?
Còn ở t/p HCM, nổi lên một vấn đề, từ năm 2010 đến nay, trong gần 50% số vụ án tham nhũng Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao đối với các bị can, bị cáo, nhưng khi xét xử Toà án tuyên phạt tù bị cáo thấp hơn nhiều so với mức án mà Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị. Viện Kiểm sát cùng cấp lại không có kháng nghị đối với bản án đó để được xét xử lại. Dư luận nhân dân đặt ra liệu có gì uẩn khúc hay không?
Những câu hỏi, tự nó, đã như một câu trả lời!
Nước Việt sẽ rất khó phát triển, nếu cứ tiếp tục… phát triển kinh tế theo cái cách mà Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra mới đây.
Đó là theo một loạt các báo mạng VietNamNet, TP, SGTT…, Việt Nam đang ở trong đợt tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi tiến hành cải cách kinh tế từ cuối những năm 1980, chậm hơn cả Indonesia và Philippines, GDP chỉ tăng ở mức 5,25% trong năm 2012 - mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Tăng trưởng chậm kéo theo tỷ lệ đầu tư giảm toàn diện. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia, và kể cả Myanmar cũng đang trở thành địa điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn, kể từ khi chính phủ nước này tiến hành những cải cách sâu rộng cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.
Nhưng lo ngại hơn nữa, tiến trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước «hết sức chậm chạp». Việc cải cách DNNN khó có thể thành công « nếu không có một cơ chế điều phối liên ngành hữu hiệu và không tăng cường tính minh bạch”. Ở đây, liệu có sự đóng góp… tích cực của các nhóm thân hữu, nhóm lợi ích, nhóm lợi ích cục bộ không?
Nước Việt sẽ rất khó phát triển, nếu như trong kinh tế, vấn đề “tam nông”: Nông nghiệp- nông thôn- nông dân bị… lãng quên, do quá chú tâm vào chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà thơ tình nổi tiếng của VN- Nguyễn Bính- hẳn không ngờ câu trách yêu của ông với người con gái thôn dã, trong bài thơ “Chân quê” nổi tiếng, 75 năm sau lại “ám” vào vận mệnh nước Việt.
Còn nói như một bài báo trên Tuần Việt Nam (3/7): Mới ra tỉnh đã quên mình chân quê.
Cái giá phải trả cho sự quên mình vốn “chân quê” khá đắt, nên giờ đây, đã đến lúc “cuộc cách mạng nông nghiệp ở VN” bắt đầu. Đó là quá muộn, nhưng còn hơn không. Bởi theo tác giả bài viết trên: Những lý thuyết cơ bản về thương mại quốc tế đều khẳng định mỗi quốc gia nên tập trung vào những ngành sản xuất mà quốc gia đó có lợi thế so sánh. Khi tham gia vào thương mại quốc tế, một quốc gia sẽ xuất khẩu những mặt hàng mà quốc gia đó có nguồn lực sản xuất dồi dào.
Nhưng cách mạng nông nghiệp ở VN cần bắt đầu như thế nào? Phải chăng cứ mãi cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau?
Cách đây gần 70 năm, (năm 1945) người Mỹ đã có một định nghĩa về ngành nông nghiệp của nước Mỹ rất đắc sách: Nông nghiệp là ngành công nghiệp hóa.
Định nghĩa ngắn gọn đó liệu có giúp gì cho các nhà chiến lược về nông nghiệp VN không?
Có câu gieo gì, gặt nấy. Người Việt chúng ta trong xã hội đương đại, liệu có thể nào gieo những… hạt khó phát triển, để gặt hái một mùa vàng nước Việt trong tương lai?
Chợt, cất lên trong chiếc loa phường đầu ngõ, bất ngờ và ám ảnh: Vết chân tròn vẫn đi về/ Trên con đường mòn cát trắng quê tôi / Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương…(Vết chân tròn trên cát- Trần Tiến)
Họ- những người lính đó bình thản chấp nhận những vết chân tròn- những bàn chân “khuyết tật” của chiến tranh. Nhưng đâu phải để cho nước Việt, dân tộc Việt hôm nay, cũng phải đi bằng “vết chân tròn”- bàn chân khuyết tật- của tham nhũng, của khó phát triển, của nhóm lợi ích…, trên hành trình hội nhập thế giới văn minh và hiện đại?
Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét