Sài Gòn Cô Nương
Trong khi dân tình đang say mê theo dõi trận túc cầu Arsenal–Việt Nam với đủ thứ chuyện bên lề thì Petrolimex bất ngờ “đánh úp” với cú tăng giá xăng dầu đột ngột, cao nhất từ trước đến nay.
La ó mấy thì tăng vẫn tăng thôi. Ai nấy bất lực, méo mặt nhìn giá cả thi nhau vọt như hỏa tiễn, chẳng còn cách gì đối phó, thôi thì quay sang nói chuyện tầm phào cho... đỡ buồn vậy!
Rác xem chừng là chuyện tầm phào nhất.
Tuy nhiên nó lại gắn bó với đời sống dân chúng nhất. Thử một ngày không dọn rác xem thành phố ra sao. Ngày tết, công nhân vệ sinh làm việc đến tận đêm giao thừa để được nghỉ tết sau đó, nhưng chỉ tới mồng 2, rác đã lùm lùm từng đống ở đầu các con hẻm, và sang tới mồng 3, họ đã phải vất vả dọn từng đống rác cao nghệu. Sở dĩ đầu hẻm luôn có rác vì đương nhiên chẳng ai ném rác trước cửa nhà mình. Đầu hẻm dĩ nhiên không phải vỉa hè, vì căn nhà mặt tiền gần đó sẽ kiện cáo, mà rác sẽ ném thẳng xuống lòng đường, là một vị trí công cộng không thuộc về ai cả.
Đa số dân chúng thích bỏ rác ngoài đường. Thật ra mỗi con hẻm dù ngoắt ngoéo chật hẹp cách mấy cũng đều có xe ba gác vào tận nơi gom thùng rác từng nhà. Đó là xe tư nhân và rất nhiều người không muốn tốn mấy chục mỗi tháng. Xe rác nhà nước chạy ngoài đường không tốn tiền nhưng dù chạy theo giờ và có chuông kêu leng keng báo hiệu thì cũng không được mọi người mặn mòi cho lắm. Người ta chỉ bỏ rác ra bất cứ lúc nào họ thích mà thôi.
Thành thử mới xuất hiện “rác tặc” bên cạnh cát tặc, tin tặc, nghêu tặc... Trên cõi đời này có lãnh vực nào thiếu “tặc”? Đó là những người đợi đêm đến, vắng người lén đổ xà bần hoặc những thứ tương tự ra đường. Bãi đất trống, nền nhà chưa ở, lề đường vắng... đều là những nơi lý tưởng để đổ hàng xe xà bần xuống đấy, vừa tiện gần vừa rẻ vì không mất công và khỏi tốn phí đi xa. Chưa kịp giải quyết thì đống gạch đá vụn đã cao bằng tường đê.
Bây giờ bao nylon dùng quá nhiều do tiện lợi và rẻ mạt, các thứ hàng hóa mua sắm to nhỏ đều được đựng trong mấy lớp bao nên dân thành phố có thói quen đựng rác vào bọc trước khi ném ra ngoài. Đỡ hơn trước kia xách thùng rác ra đổ ụp một đống ngoài đường, cơn gió thổi qua đưa rác bay tứ tung khắp nơi. Cũng tại bao nylon dư nhiều quá nên nhiều gia đình không dùng thùng rác nữa. Gom hết rác vào bao lớn, bịch nhỏ buộc lại chứ đâu cần thùng rác làm chi.
Thật ra nơi đổ rác tuyệt nhất là sông. Thứ này Sài Gòn đâu có thiếu. Mặc dù đã bị lấp đi khá nhiều thay bằng cống hộp để lấy đất xây nhà cửa nhưng sông ngòi kênh rạch vẫn còn khá nhiều. Rác rưởi cứ ném xuống dòng nước xem chừng phi tang ngay chứ không chình ình như trên mặt đất. Bởi vậy cứ nhìn dòng sông thấy ngay cả giề vỏ dừa, vỏ dứa... chắc chắn từ hàng bán trái cây. Người ta ưa đổ tại đó là sản phẩm của các xe bán rong nhưng thực ra cửa hàng, cửa tiệm cũng thẳng tay đổ xuống, chẳng cứ hàng rong bình dân. Trôi nổi trong những giề rác, chứ không phải giề lục bình nên thơ, có cả nguyên tấm nệm, đống nùi giẻ... thậm chí vỏ ti vi. Thứ này mang bán lạc xoong được, chẳng hiểu sao cũng gia nhập giề rác. Đó là lúc nước lên mới thấy rác dập dềnh chứ triều xuống là cả một bãi bồi rác chẳng thấy mặt bùn đâu.
Gần khu trung tâm cần giữ thể diện cho bộ mặt thành phố nên dòng sông còn tương đối sạch, càng đi xa ra ven đô, rác càng dày, nước càng đen thui đặc lừ. Vài chiếc ghe vớt rác chèo loanh quanh kênh rạch, người này chống ghe, người kia dùng sào, dùng vợt vớt mỏi tay không xuể. Rác chút ít mới vớt kiểu thủ công này chứ mới vớt hôm nay, bữa sau đã nghẹt. Trừ phi người dân không đổ thôi, còn rác cứ cật lực ném xuống thì cách nào dọn nổi.
Đường phố phẳng phiu có vẻ phù hợp để dùng đến máy móc. Thế nhưng có tiền sắm máy rồi vẫn không dùng được.
Năm 2003, Sài Gòn nhập cảng sáu xe quét rác giá gần mười tỷ đồng. Sau gần bảy năm, vẫn loay hoay mãi không biết giải quyết ra sao. Lý do loại xe này chỉ phù hợp với ngoại quốc khi rác chỉ gồm lá cây và bụi. Còn rác của Việt Nam thì hỗn tạp, cả lon thiếc, chai thủy tinh, sắt vụn... nên máy thường xuyên bị nghẹt, hút rác không nổi. Do vừa dùng xe vừa không giảm số công nhân nên đương nhiên chi phí tăng lên. Vừa lương tài xế thêm tiền xăng dầu, bảo trì xén ở đâu ra. Tốn nhiều tiền mua chẳng lẽ xếp xó mà dùng thì thiếu kinh phí và không hiệu quả nên thoạt tiên một tuần xe quét sáu lần, rồi sau đó giảm xuống trình diễn mỗi tuần hai lần ở vài con đường chính nhiều du khách. Hiện nay, công nhân đi trước gom rác sạch sẽ, còn xe từ từ đi sau hút bụi và cát sát lề đường. Trước kia ở nông thôn, con trâu đi trước, cái cày theo sau. Nay thì ở đô thị, công nhân đi trước, xe quét lững thững đi sau.
Chắc đây là kết quả của các chuyến đi học tập nước ngoài về cơ giới hóa để giảm bớt sức lao động thủ công của ngành môi trường đô thị. Ở xứ người, rác chỉ là lá cây rụng, còn ở xứ ta rác là thượng (không phải thượng vàng mà là ghế bành, đống xà bần, tấm tôn...) tới hạ (bịch rác vương vãi, gỗ mối, xác chuột chết...). Dân mình có tật ném xác chuột ra giữa lộ cho xe cán. Nhìn xác chuột nằm phơi nắng chèm nhẹp cả buổi mà liên tưởng tới bệnh dịch hạch!
Rác xứ người có thể biến thành phân bón, tái chế thành nhiều thứ, nhưng ở xứ ta rác không biết để làm gì nếu cứ trộn chung vỏ rau quả với cát sỏi, thực phẩm dư thừa với vỏ chai nước...
Không còn đất trống để làm bãi rác. Bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) đã đóng cửa. Khoảng sáu ngàn tấn rác mỗi ngày được đưa về chôn lấp ở bãi Phước Hiệp (Củ Chi) và Đa Phước (Bình Chánh).
Cách đây mấy năm, có một chương trình của ngoại quốc “phân loại rác tại nguồn”, tức là phân loại rác từ nhà dân, được đưa ra làm thí điểm ở một phường quận 6. Mỗi gia đình được phát hai thùng rác khác màu nhau để chứa rác hữu cơ (tức rau, quả...) có thể làm phân bón và rác vô cơ (là giấy, nylon, vỏ lon...) có thể tái chế, trong khi một số nước trên thế giới phân ra tới 6 loại. Dân chúng răm rắp làm theo đúng hướng dẫn. Chỉ có điều mỗi nhà phân loại hai bịch rác đàng hoàng nhưng xe lấy rác chỉ có một thùng. Túi màu xanh cũng như túi màu đỏ đều vất chung vào một thùng. Rồi các xe nhỏ này lại đổ hết rác vào một xe to nhận đủ thứ rác từ các nơi. Thế là công cốc và... dẹp tiệm! Quận 5 kiên nhẫn thực hiện chương trình này suốt mười năm, các quận khác cũng ráng bắt chước nhưng kết quả số không như nhau.
Không giải quyết rác từ nguồn được thì xoay ra ngọn vậy. Thế nhưng một số máy phân loại rác mới nhập cảng về đã đau đầu vì chẳng hiểu nghiên cứu ra sao mà giống như máy quét rác, máy nhập cảng về không phân loại nổi đống rác quá sức tạp nhạp. Tốn tiền mua máy từ ngoại quốc về chẳng lẽ trùm mền để ngắm. Vì thế lại có đề nghị, không phải chuyện vui cười đâu nha, là nhập rác về để máy vận hành, để chạy thử dây chuyền. Cho nên mười ngàn tấn phế liệu nhựa và giấy đã được nhập cảng để chạy thử nhà máy rác Đa Phước.
Dẫu sao rác nhập cảng ở đây còn mang lý do chính đáng là cung cấp nguyên liệu để nhà máy có việc mà làm! Chứ hàng ngàn container chứa hàng chục ngàn tấn “rác bẩn”, rác thải, tức là rác tới mức chẳng còn tái chế hay làm gì nữa cả, lại được nhập qua cảng Hải Phòng, thì chẳng biết để làm gì.
Thật ra một số xe khi thu gom rác từ chợ búa, tức hầu hết là rác hữu cơ, đã mang bán cho vài cơ sở ủ thành phân bón, và bà đồng nát gom một phần đồ phế thải của các gia đình tới các đại lý ve chai.
Không kể khi ra tới đống rác ngoài đường, đội quân “móc bọc” kịp thời có mặt khắp nơi. Gọi “móc bọc” vì những người này thường mang đồ nghề là chiếc móc dài chuyên móc rách các bọc rác cho tung ra để thu lượm bao nhựa, lon nước... Trước kia họ làm ban ngày nhưng lúc đó nhiều hàng quán, nhiều người đi lại quá, rác bị bươi bay tứ tung tha hồ mọi người kêu ca. Chuyển qua móc ban đêm đỡ phiền hàng phố, lát sau công nhân vệ sinh sẽ quét đường và hốt hết các bọc rác tả tơi đó đi. Đêm khuya, những người móc bọc thường chạy xe đạp với rất nhiều túi móc quanh xe đựng các thứ nhặt được. Gần sáng khi công nhân quét sạch xong đường phố cũng là lúc kết thúc một đêm làm việc của dân “móc bọc”.
Khi xe lớn về đến bãi, rác lại được thu nhặt lần nữa. Cả ngàn người sống nhờ bãi rác lớn. Họ ở quanh quẩn gần đó để canh chừng khi rác đổ xuống thì ùa vào bới lượm. Kiếm ăn thông thường là các gia đình nhỏ, hai vợ chồng, thêm con, thậm chí cả ông bà, tứ đại đồng đường, cô dì chú bác cùng cần mẫn với bãi rác. Ngay cả công nhân chính thức của nhà máy đã phân loại rác thì sau đó người dân vẫn lao vào moi móc tiếp may ra vẫn còn lượm lặt được chút gì đó.
Dân chúng sống gần bãi rác không những khổ sở vì mùi ô uế, mà còn vì những người làm nghề nhặt rác trữ lại một số lượng lớn đồ phế thải. Nội bao nylon giặt rửa, carton chất đống, lon nước đập dẹp... đã mở rộng thêm biên giới của bãi rác. Không kể nước rỉ thấm xuống tầng nước ngầm, chảy ra kênh rạch xung quanh. Vì thế không lạ khi gần bãi rác đầy dẫy bệnh nhân ung thư. Đây là bệnh nhà giàu, nên ai mắc phải khỏi chữa, cứ tà tà đợi chết thôi.
Kể đến đây rác vẫn chưa chấm dứt. Một số bãi rác bỏ phế lâu ngày mưa nắng bắt đầu hoai mục. Đến chỗ tận cùng này chẳng còn gì để nhặt nhạnh nữa. Thế nhưng vẫn có nhóm người tìm đến dựng chòi ở trên núi rác Tân Hòa (Bình Dương). Để lên xuống nhà, họ phải dùng dây đu. Hằng ngày cào cuốc, sàng, phơi, đốt... lựa ra chất than, chất mùn đóng thành bao phân đem bán cho nhà vườn. Sống suốt ngày với mùi hôi thối của rác, khói khét lẹt từ đống rác cháy, để có thể kiếm được khoảng hai đến ba chục ngàn một ngày.
Cứ trôi dạt hết bãi rác này đến bãi rác khác, hết đời ông bà đến con cháu bám lấy rác mà tồn tại.
Xem ra rác cũng chẳng tầm phào cho lắm.
Sài Gòn Cô Nương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét