Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Trận Siêu Cúp Chelsea – Bayern (30/8) và buổi Tọa đàm của Tiến sĩ Nguyễn Nhã (25/8) ở Praha

Thử chấm điểm buổi tọa đàm của TS Nguyễn Nhã tại Praha

LTS: Như đã đưa tin, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã có buổi nói chuyện tại Praha, Cộng hòa Séc hôm 25/8 vừa rồi. Chuyến đi châu Âu với mục đích thăm thân, nhưng TS Nguyễn Nhã tranh thủ nói chuyện về chủ quyền biển đảo ở nhiều nước như Đức, Pháp, Séc…
Những buổi nói chuyện mang tính chuyên đề thường rất khó thu hút được thính giả, nhưng buổi ở Praha đã có tới gần 100 người tham dự. Đó là một thành công lớn về số lượng người nghe. Nhưng những ghi nhận tại chỗ cho hay, một số người không hài lòng, thậm chí thất vọng khi TS Nguyễn Nhã không trả lời trực diện mà có phần “vòng vo” khi đụng chạm tới những vấn đề nhạy cảm như công hàm 1958 hay biểu tình phản đối Trung Quốc.v.v. Người khác lại cho rằng, ông ôm đồm quá nhiều, quỹ nọ, quỹ kia từ ẩm thực tới ca trù, rồi “Người Việt xấu xí” khiến cho trọng tâm bị loãng đi.
Rồi cũng có ý kiến nói, TS ăn nói y chang một cán bộ Ngoại Giao của chế độ và tư liệu hay bài giảng thì không có gì mới. Người nghe, nhất là những người ở nước ngoài mong đợi điều gì đó khác với truyền thông chính thống, điều gì chính quyền còn giấu giếm, hay những tình tiết thâm cung bí sử, đã ít nhiều cảm thấy thất vọng.
Nguyễn Cường là một thính giả, đồng thời cũng là thành viên của Ban tổ chức. Bài viết dưới đây anh đăng trên Facebook cá nhân. Chúng tôi đưa lại với sự đồng ý của anh để rộng đường dư luận.
——————————————————-
Trận Siêu Cúp Chelsea – Bayern (30/8) và
 buổi Tọa đàm của Tiến sĩ Nguyễn Nhã 
(25/8/2013) ở Praha
Xem xong trận Siêu Cúp giữa Chelsea và Bayern tối qua mặc dù rất buồn cho Petr Cech nhưng tôi thấy sung sướng vì được chứng kiến tinh thần sắt truyền thống của Bayern.
Dù đội ngũ cầu thủ không hoàn toàn Đức nhưng cái chất của người Đức đã thấm vào từng cầu thủ Bayern cho dù họ đến từ quốc gia nào và ngay cả ông bầu Pep Guardiola cũng không ngoại lệ.
Praha được vinh dự tổ chức một sự kiện thể thao tuyệt vời và đã thành công trọn vẹn, hoàn hảo đến từng chi tiết. Nếu chấm điểm, tôi chấm:
1/ Ban Tổ chức (Praha): 5/5
2/ Diễn giả (Chelsea – Bayern): 5/5
3/ Khán-Thính giả: 5/5
(điểm 5 = Tốt nhất)
Trở lại với buổi Tọa đàm tại Praha hôm 25/8 của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã ( Ts. NN) về đề tài Chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nhóm Văn Lang (VL) tổ chức, là một trong những người tham gia tổ chức, xin nêu mấy ý kiến cá nhân và nếu chấm điểm, tôi chấm như sau:
1/ Ban Tổ chức (nhóm VL): 4/5
2/ Diễn giả (Ts NN): 2/5
3/ Thính giả: 5/5
cuong
- Về Ban Tổ chức: Với một “nguồn lực” khiêm tốn, cả người lẫn tiền, chúng tôi phải cân nhắc đến từng đồng cho việc thuê phòng, mượn thiết bị, in tờ rơi, quảng cáo…
Sau phần 1, anh N. đại diện Hội NVN tại Séc có nói với tôi: “Sao không mượn Micro mà để Ts. NN nói không như vậy?”. Tôi phải thú thật: “vốn liếng của VL (xem tài khoản công bố mở trên web VL) hạn chế lắm anh. Vụ này VL trả tiền thuê phòng, quảng cáo do Vietinfo, EICVN và các báo cộng đồng: Tuần Tin Mới, Xa Xứ, Đàn Chim Việt…giúp miễn phí, còn lại từ in ấn tờ rơi, đi lại, in CD, gửi giấy mời….là do các cá nhân bỏ tiền túi anh ạ. Thậm chí, lúc đầu BTC cũng định mua nước uống nhưng suy đi tính lại đành phải để mọi người tự bấm… automat” (cũng may, Praha tối đó mưa to nên mọi người cũng không đến nỗi ….khát lắm).
Về chuyện tài chính, BTC quyết định ngay từ đầu là không dùng 1 xu nào từ tiền quyên góp và đúng vậy, toàn bộ số tiền quyên góp được, BTC đã trao cho Ts. NN cuối buổi Tọa đàm trước chứng kiến của nhiều người. Thiếu sót hay yếu kém của BTC là không kiểm chứng hay không có đủ thông tin về Diễn giả do mình mời, ở đây là Ts. NN.
Hy vọng sau 2 lần tổ chức (lần đầu là buổi chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” của ông Andre Menras Hồ Cương Quyết tháng 4/2012) VL sẽ có kinh nghiệm hơn.
- Về Diễn giả (Ts. NN): Buổi Tọa đàm có 2 phần. Phần 1 là trình bày của Ts. NN. Phần 2 là Thảo luận, Hỏi-Đáp.
Trong phần 1, từ cách trình bày đến giá trị của các tư liệu, số liệu..do Ts. NN đưa ra tôi thấy thiếu thuyết phục.
Những chứng cứ, số liệu Ts. đưa dẫn chỉ là những sao chép, thống kê lại từ những tài liệu, nguồn dữ liệu đã có sẵn. Cách trình bày của Ts. NN cũng không khoa học, có lúc tôi thấy như 1 ông thầy đọc lại cho học sinh những gì viết sẵn trên bảng. Tôi không thấy có thông tin hay chứng cứ gì do chính bản thân Ts. tìm ra hay chứng minh. Liệu với một cơ sở lý luận và chứng cứ như vậy thì Ts. NN (nói riêng) và Việt Nam (nói chung) có khả năng thắng không nếu như tới đây có 1 “trận siêu cúp” giữa VN và bên đối thủ là TQ cùng các quốc gia đang tranh chấp với chúng ta về chủ quyền, quyền lợi ở HS, TS?
Phần 2, đúng ra phải là phần lôi cuốn và hứng thú nhất bởi khi nhìn vào thành phần thính giả thì đa số là những khuôn mặt quen biết trong cộng đồng và là những người thực sự quan tâm tới chủ đề HS-TS, tới thời sự…Chắc Ts. NN cũng nhận ra sự thất vọng của thính giả, thậm chí có những tiếng nói không đồng ý với cách trả lời quá khéo léo, vòng vo của Ts. Một trong những thất vọng mà tôi cảm nhận rõ nhất là khi Ts. kêu gọi mỗi cá nhân hãy dũng cảm, đoàn kết phát huy nội lực…nhưng thuyết phục sao được khi bản thân Ts. là một trí thức, một người làm sử học lại tránh né, không dám thẳng thắn?
Anh N. người tổ chức buổi nói chuyện thứ hai tại Plzen (cách Praha 80km) nói với tôi: “Nhiều người đến dự (buổi ở Plzen) hy vọng được nghe những lời tâm huyết, ngay thẳng cuối cùng thất vọng vì cảm tưởng như nghe 1 ông cán bộ ngoại giao của chính quyền cử đến”. Và nhiều ý kiến thất vọng nữa do Ts. NN miên man, lạc đề khi nói quá nhiều tới chuyện ẩm thực, bếp núc…
Một chi tiết rất nhỏ, nhưng cũng không thể không nhắc tới, đó là đôi tất (vớ) của Ts. NN. Ngồi ngay hàng đầu nên tôi để ý và giật mình khi thấy ông mặc bộ comple đen nhưng mang đôi tất (vớ) trắng. Một lỗi rất hay thấy của đàn ông Việt Nam, may mà hôm đó không có truyền hình Séc.
- Về khán-thính giả: Theo tôi, có 2 lý do để có con số gần 100 người tham dự buổi Tọa đàm ở Praha. Một là do dư âm từ việc ông Pham Hữu Uyển, thành viên của nhóm VL vừa rồi trở thành Đại diện của nhóm người Séc gốc Việt tại Hội đồng dân tộc thiểu số thuộc Chính phủ Séc và hai là do đề tài HS-TS thật sự đang là quan tâm của người mọi VN. Và chính nhờ thành phần thính giả như vậy nên mặc dù không thỏa mãn hay hài lòng nhưng mọi người vẫn vui vẻ, nhiệt tình ủng hộ BTC (tinh thần) và Ts. NN (tài chính cho Quỹ dịch thuật HNNN).
Thay cho cảm ơn, tôi xin chấm điểm 5, điểm tốt nhất cho những người tới tham dự buổi Tọa đàm. Đặc biệt là sự ủng hộ và góp mặt của một số bạn bè từ Warszawa, Ba Lan.
Có câu “Người Việt mình nó thế” hay “Tây mà làm thì khỏi chê”.
Tôi thấy quá đúng trong 2 sự kiện xảy ra vừa rồi ở Praha.
Có thể tôi hơi quá khi dám cho buổi Tọa đàm do VL tổ chức là sự kiện để so với trận Siêu Cúp Chelsea – Bayern.
Nhưng không làm thì sao biết được hay – dở?

Nguyễn Cường, 
Praha, Cộng hòa Séc

Chuyện tình buồn Cá Nhím

Giá của Yêu Thương


“Một chàng nhím đã trót yêu thương một nàng cá.Chàng khao khát một lần được ôm nàng ta vào lòng.
Để được nghe hơi ấm từ trái tim nàng toả ra.
Nhưng chàng biết, chàng chẳng bao giờ có thể lại gần nàng.


Chàng sợ những chiếc gai trên người chàng sẽ khiến nàng đau.
Trăn trở.
Chàng nghĩ ra một cách.
Chàng bứt dần những chiếc gai trên người mình.


Những vết thương đẫm máu.
Những vết thương đau thấu tận tim gan.
Tận tim gan chàng – và tận tim gan người yêu chàng.
Nhưng nàng cá không cách nào ngăn cản nổi ý định ngông cuồng của người yêu.


Nàng nài nỉ.
Nàng van lơn.
Nhưng chàng nhím vẫn không từ bỏ.
Đến một ngày, nàng cá quay lưng bỏ đi.


- Thượng đế ơi. Tại sao cô ấy lại bỏ con đi?
- Con đã bao giờ thấy Nhím và Cá yêu nhau chưa?
- Nhưng con yêu cô ấy thật lòng. Con nguyện chịu đau đớn để được ở bên cô ấy.
- Những đau đớn của con, con có nghĩ cô ấy còn đau đớn hơn con gấp trăm ngàn lần không?


- Cá có nước mắt không hả Thượng đế?
- Có. Nước mắt của cá lẫn vào trong nước.
- Vậy là con đã tự làm tổn thương mình, tự làm tổn thương người mình yêu?
- Phải. Cô ấy phải ra đi để giải thoát cho con và cho chính cô ấy. Tình yêu đôi khi đơn giản chỉ là biết học cách từ bỏ thôi con ạ.”

Sưu tầm

Sự thật đau lòng sau bức ảnh kền kền đợi ăn thịt em bé



Vinh quang của giải thưởng Pulitzer 1994 không giúp gì cho đứa trẻ người Sudan hay con chim ăn thịt trở nên nổi tiếng nhưng đã khiến một nhiếp ảnh gia tài năng phải tự tìm đến cái chết.



Một bức ảnh quá... nặng

Tại festival ảnh Rencontres d'Arles đang diễn ra tại Pháp, nghệ sĩ người Chi-lê Alfredo Jarr đã trưng bày một tác phẩm có tên Âm thanh của Im lặng. Tác phẩm này dựa trên bức ảnh huyền thoại của Kevin Carter, nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer năm 1994. Khán giả sẽ được vào một phòng đen nơi màn hình sẽ trình chiếu trong im lặng một văn bản kể lại cuộc đời của nhiếp ảnh gia Nam Phi này.

Dưới ánh đèn flash nhấp nháy, hình ảnh một bé trai gầy nhom, gục xuống đất vì đói, bên cạnh một con kền kền ăn xác được tái hiện. Đây chính là bức ảnh đem đến cho Carter giải Pulitzer vào năm 1994 và... một vụ tử tự.
Nhiếp ảnh gia người Nam Phi Kevin Carter 33 tuổi, bước vào lịch sử của báo ảnh thế giới với bức ảnh này. Trong nhiều năm làm việc như một phóng viên ảnh, đặc biệt với tư cách là thành viên của câu lạc bộ Bang-Bang, một hiệp hội của bốn nhiếp ảnh gia muốn ghi lại quá trình chuyển đổi của Nam Phi, ống kính của Carter đã gắn liền với những sinh hoạt của những người nghèo khó.

Tháng 3 năm 1993, cùng với Joao Silva, một thành viên của câu lạc bộ Bang-Bang, Carter đến Sudan để điều tra về cuộc nội chiến và nạn đói. Trên đường đến làng Ayod, nhiếp ảnh gia Carter bắt gặp một đứa trẻ gầy giơ xương đang trên đường bò đến trạm cung cấp thực phẩm. Đột nhiên, một con kền kền đến đứng ở phía sau. Carter bị xúc động mạnh mẽ bởi khung cảnh của sự nghèo khổ tột cùng, anh nâng máy ảnh lên và chụp.

Carter đứng ở đó, chờ trong 20 phút, hy vọng con kền kền sẽ bay đi, giang đôi cánh của nó để có được một bức ảnh có sức nặng hơn, nhưng vô ích. Carter đuổi con kền kền đi và chạy một mạch hai dặm, vừa chạy vừa gạt nước mắt.

Khi gặp người bạn Joao Silva, Carter bị xúc động mạnh. Hai mươi năm sau, Silva kể lại: "Anh ấy rõ ràng bị quẫn trí khi giải thích cho tôi những gì anh ấy đã chụp được, anh ấy nói không ngừng và chỉ tay vào không trung. Anh ấy nói về cô con gái Megan và mong muốn ôm chặt cô bé trong tay. Chắc chắn Carter đã bị ảnh hưởng bởi hình ảnh ông ấy chụp được và nó đã ám ảnh anh cho đến những ngày cuối đời".

Ngày 26/3/1993, tờ New York Times công bố bức hình và nó có tác động ngay lập tức. Tòa soạn sau đó nhận được rất nhiều thư của độc giả yêu cầu được biết số phận của đứa trẻ trong bức hình. New York Times mấy hôm sau đăng tải một bài xã luận để thông báo rằng đứa trẻ có thể đã vào được trung tâm cứu trợ nhưng không chắc là bé được cứu sống.

Một năm sau khi bức ảnh được đăng tải, ngày 12/4/1994, Nancy Buirski, biên tập viên ảnh của New York Times gọi cho Kenvin Carter báo tin anh đã giành được giải Pulitzer với bức ảnh này. Giải thưởng uy tín này mang lại cho Carter một cơn lốc chỉ trích khắc nghiệt. Hầu hết mọi người đều tập trung vào đạo đức của các nhiếp ảnh gia trong một tình huống như vậy. "Người đàn ông không từ bỏ mục tiêu của mình để giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn chỉ có thể là một động vật ăn thịt, một con kền kền trên hiện trường", tờ St Petersburg Times viết, tự hỏi vì sao Carter không giúp đứa trẻ trong bức ảnh.


Công lý đến muộn 

Năm 2011, Alberto Rojas, một phóng viên ảnh cho tờ El Mundo, nhật báo của Tây Ban Nha, đi công tác tại Ayod. Bị ám ảnh bởi bức hình kền kền, anh bắt đầu tìm kiếm thông tin về nó. Rojas chỉ tìm thấy những bài báo chỉ trích Kevin Carter vì không cứu đứa trẻ nhưng không ở đâu có bằng chứng về điều đó. Rojas quyết điều tra để tìm ra công lý.

Rojas bắt đầu bằng cách nói chuyện với người bạn của mình, nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha José Luis Maria Arenzana, người cũng có mặt ở trại tị nạn Ayod vào năm 1993. Lời chứng của ông là một dấu mốc quan trọng mang tính bước ngoặt trong nghiên cứu của Rojas. Arenzana cũng chụp một bức ảnh tương tự. Trong bức ảnh của Arenzana, đứa bé không chỉ có một mình, nó chỉ cách trung tâm chăm sóc có vài mét, bên cạnh đó là cha đứa bé và các nhân viên y tế.

Bức ảnh đó đã đem lại cho Rojas niềm hy vọng, rõ ràng sự xuất hiện của các tổ chức nhân đạo là một thông tin tốt cho đứa bé. "Đứa bé có thể đã sống sót qua nạn đói, con kền kền và những lời nói gở của độc giả phương Tây", Rojas nói. Rojas tiếp tục điều tra bằng cách tìm đến các nhân viên y tế, các bác sĩ trong tổ chức bác sĩ không biên giới làm việc tại Ayod vào thời điểm đó. Sau đó, Rojas quay lại hiện trường.

Sau khi thực hiện các cuộc gặp trên, Rojas đã gặp được cha của đứa trẻ trong bức ảnh của Kevin Carter. Điều bất ngờ là trong làng Ayod, không một ai từng nhìn thấy bức ảnh này và biết rằng người làng mình đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Sự xuất hiện của con kền kền, một điềm xấu so với những người phương Tây thì ở đây thấy rất bình thường, kền kền nhiều không đếm nổi. Và một tin bất ngờ khác, đứa bé thực sự đã sống sót sau nạn đói nhưng đã chết 14 năm sau đó vì một cơn sốt rét.

Nhờ Alberto Rojas, bây giờ chúng ta biết rằng cậu bé trong bức ảnh không bị chết đói, không bị bỏ rơi để trở thành xác thối, làm bữa ăn cho kền kền như các độc giả đã "tiên đoán". Công lý đã được thực hiện. Nhưng Kevin Carter đã không còn để nhận được tin đó. Anh đã chết sau ba tháng nhận giải Pulitzer.

"Những ký ức dai dẳng về các vụ giết người và các xác chết" đã ám ảnh nhiếp ảnh gia này từng giây từng phút. Không có một chút vinh quang nào, không hy vọng, không niềm vui. Vinh quang của giải thưởng Pulitzer cũng không giúp gì cho đứa trẻ người Sudan hay giúp con chim ăn thịt trở nên nổi tiếng nhưng đã khiến một nhiếp ảnh gia tài năng phải tự tìm đến cái chết. Truyền thông đã trở thành một con kền kền đối với Kevin Carter, một đứa trẻ một mình, một mình thực sự trên thế giới.

Một nghịch lý cho đến nay mọi người đều phải công nhận: Bức ảnh này có giá trị gấp nhiều lần những cuộc biểu tình hay các cuộc chiến. Và, cái chết của Kevhọc cho cả thế giới.


Theo  (Người đưa tin)

Đọc Báo Vẹm 333, 334, 335

Đọc Báo Vẹm 333




Đọc Báo Vẹm 334





Đọc Báo Vẹm 335

Đọc Báo Vẹm 330, 331, 332

Đọc Báo Vẹm 330





Đọc Báo Vẹm 331





Đọc Báo Vẹm 332

Yêu thú vật

yeuthuvat0813
Huy Lâm

Ở Việt Nam hiện nay, hiện tượng người ta đua nhau ăn nhậu càng ngày càng nhiều, tràn lan như bệnh dịch. Nó trở thành thứ sinh hoạt thường ngày chứ không chỉ vào những dịp cuối tuần hay lễ nghỉ. Từ chuyện bạn bè gặp nhau cho đến chuyện làm ăn buôn bán đều thấy diễn ra quanh bàn nhậu. Nghe kể có ông giám đốc mới sáng ra đã phải nhậu. Làm vài ly xong, ghé sở một lát, đến giờ ăn trưa lại có hẹn nhậu tiếp. Rồi chiều tan sở nhưng đâu đã được về nhà nghỉ ngơi, lại thêm một bữa nhậu nữa đã ghi sẵn trong lịch trình sinh hoạt. Nghĩa là sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng có thể nhậu được. Mà những cuộc nhậu như trên lại không thể vắng mặt. Không đến là có đứa sẽ hớt tay trên mất cái hợp đồng ngay.

Người có chức có quyền nhậu đã đành. Đến ngay giới bình dân cũng nhậu như điên. Và trên bàn nhậu của giới bình dân, món được ưa chuộng nhất lại là thịt chó. Cũng vì thế mà ở góc hẻm nào cũng có những quán “cờ tây” mọc lên để phục vụ cho dân nhậu. Do nhu cầu tăng nhanh nên thị trường cung cấp thịt chó nội địa không đủ, người ta phải nhập chó vào từ những nước láng giềng như Campuchia hay Thái Lan. Gần đây, báo chí trong nước còn cho đăng nhiều bản tin về nạn “cẩu tặc” hoành hành từ thành thị cho tới thôn quê, gây ra không biết bao nhiêu chuyện đau lòng mà có lẽ chỉ có thể xảy ra ở cái đất nước Việt Nam khốn khổ của chúng ta.
Tuy nhiên, những chuyện trên không có nghĩa là người Việt Nam nào cũng ghét bỏ chó. Có lẽ chỉ có dân nhậu là xem thường chó thôi chứ vẫn có nhiều gia đình nuôi chó mèo, coi chó mèo không khác gì những thành viên trong nhà. Mà chiều hướng này có lẽ ngày càng tăng. Theo trang mạng VOA Tiếng Việt, ở Việt Nam hiện có một hội có tên là Yêu Động Vật mới chỉ hoạt động được mấy năm mà nay đã có khoảng 100.000 hội viên chính thức. Vậy thì, 100.000 hội viên này chắc phải là những người thật sự yêu thú vật mới chịu gia nhập và sinh hoạt với hội Yêu Động Vật trên. Hơn nữa, ở Hà Nội hiện nay đang có một dịch vụ ăn nên làm ra, đó là dịch vụ ma chay cho những chú chó. Thân chủ của dịch vụ trên không chỉ là những người yêu chó mà có lẽ còn dư tiền dư bạc, không biết nhét đâu cho hết. Những đám ma chó này còn mời cả thầy cúng kiếng cũng như đủ mọi thủ tục, nghi lễ rình rang. Thế nên, ở Hà Nội ngày nay, chó chết chưa hẳn là hết chuyện.
Nhưng nói đến chuyện yêu thú vật, có lẽ không đâu hơn được người Tây phương. Những người này không chỉ yêu thú vật, họ còn mê thú vật nữa là khác. Người nuôi thú vật ở trong nhà thường là những người cô đơn, không con không cái, hoặc con cái đã trưởng thành, nên họ cần có ai đó để bầu bạn. Đi ra đi vào có cái bóng lẽo đẽo theo sau, vẫy vẫy cái đuôi cũng đỡ tủi thân. Mà những thú vật như chó mèo không bao giờ biết phản chủ và nhất là không biết lèo nhèo hay cãi lại. Chả thế mà Tổng thống Harry Truman, lúc còn tại vị, đã nói một câu xanh rờn: “If you want a friend in Washington, get a dog” (Muốn có một người bạn ở Washington ư, hãy kiếm một con chó). Người bạn còn có lúc bỏ ta chứ chó mèo thì không bao giờ. Chúng theo ta cho đến chết.
Mặc dù có nhiều người nghĩ rằng việc coi chó mèo như những thành viên trong gia đình là chuyện mới đây, nhưng theo Giáo sư Standley Coren của trường Đại học British Columbia, thì nhiều thế kỷ trước đã có rồi. Vào thế kỷ 18, Đại đế Frederick, vua nước Phổ, yêu chó vô cùng và khi con chó tên Biche của ông chết, ông đã đau khổ và khóc lóc thảm thiết. Eugene O'Neill, nhà soạn kịch người Mỹ sống vào khoảng đầu thế kỷ 20, khi còn sống thì luôn xung khắc với con cái nhưng lại yêu say mê con chó đốm Blemie của ông, sáng ra đường thì mặc áo khoác, tối về ngủ thì có giường riêng, to rộng, bốn cột sừng sững ở bốn góc. Thời Julius Caesar, phụ nữ La Mã mỗi khi đi dạo phố, muốn cho hợp thời trang là phải ôm những chú chó được trang sức vàng ngọc khắp mình.
Để biết người Tây phương yêu thú vật ra sao thì hãy vào trang mạng Wikipedia. Theo trang mạng này, chỉ riêng tại Mỹ, có khoảng 78,2 triệu con chó và 86,2 triệu con mèo được nuôi trong nhà. Đó là chưa kể tới thỏ, chim, cá là những loại thú cũng được nuôi nhiều. Tuy nhiên, chó và mèo là hai loại được ưa thích nhất.
Theo thống kê, năm 2013 tại Hoa Kỳ, cứ bốn con chó mới có một trẻ nhỏ.
Nước Canada nằm kế cạnh, tuy dân số ít hơn Mỹ nhưng cũng không chịu thua kém. Thống kê cho biết có tổng cộng khoảng 25,5 triệu chó mèo đủ loại được nuôi trong nhà tại quốc gia này với khoảng 35% gia đình nuôi chó và 38% gia đình nuôi mèo.
Mà nuôi thú vật tại các quốc gia Tây phương đâu phải rẻ. Gia đình nào có nuôi chó mèo ở Mỹ, trung bình mỗi năm tốn cho mỗi con khoảng $502, theo tài liệu của Sở Thống kê Lao động vào năm 2011. So với tiền một người Mỹ chi tiêu cho bia rượu là $456 và quần áo là $404.
Chỉ nội tiền mua thực phẩm cho chúng, sơ sơ tốn trung bình mỗi năm mỗi con $183. Dịch vụ tỉa lông, tắm gội, trừ chấy rận sẽ tốn thêm $143.
Mặc dù kinh tế suy trầm trong mấy năm qua buộc nhiều gia đình người Mỹ phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu. Nào là bớt đi ăn tiệm, rút ngắn những chuyến du lịch mùa hè, làm bất cứ chuyện gì cũng phải theo sát ngân sách gia đình. Nhưng chi tiêu cho chó mèo thì lại không hề giảm mà còn tăng đều đặn mỗi năm. Theo thống kê của ngành kỹ nghệ chăm nuôi chó mèo, trong suốt 5 năm qua, tiền chi tiêu cho chó mèo tại Mỹ tăng 30%, đạt $53 tỉ vào năm ngoái.
Người ta tính ra, với một con chó kích cỡ từ nhỏ cho đến trung bình, một đời chó sẽ tốn cho người chủ của nó khoảng từ $7.240 đến $12.700. Với mèo thì tốn khoảng từ $8.620 đến $11.275. Thế nên, những ai đang có dự tính gia nhập vào nhóm người yêu thú vật thì hãy nên chuẩn bị tinh thần cho những tốn kém kể trên.
Theo nhà tâm lý học Hal Herzog, con người ta có những quan hệ kỳ lạ đối với thú vật - có con được chúng ta yêu, có con thì bị ghét bỏ và có con chỉ để làm thịt cho chúng ta ăn. Nhưng con thú nào đã được yêu thì yêu hết cỡ, chúng ta tiêu xài không ngại tốn kém cho chúng, và có con còn được mua bảo hiểm sức khỏe trong khi có hàng tỉ người trên thế giới hiện nay vẫn không có cái bảo hiểm đó. Nhức đầu cảm cúm thì đè ra cạo gió. Nặng hơn một chút mà ông thầy lang trong làng chữa không khỏi thì chỉ còn biết nằm rên chờ cho hết bệnh hoặc… đi luôn. Vì yêu những con vật ấy quá, có người muốn nói chuyện với chúng mà không biết làm sao nên phải nhờ đến chuyên gia. Thế nên, có những tay biết nói tiếng… chó (dog whisperer) như anh chàng di dân gốc Mễ, Cesar Millan, kiếm bạc triệu mỗi năm.
Trong một nghiên cứu mới đây của Đại học George Regents về mối quan hệ giữa người và thú vật với kết quả dễ làm nhiều người hốt hoảng. Những người tham gia cuộc nghiên cứu đã được hỏi là nếu giả định một chiếc xe buýt chẳng may bị lạc tay lái và trên đà sắp sửa tông vào một người và một con chó. Trong trường hợp đó, bạn sẽ cứu ai? Với sự hưởng ứng của hơn 500 người, câu trả lời là còn tùy: Người đó là người nào và con chó đó là chó của ai?
Hẳn nhiên là ai trong chúng ta cũng sẽ cứu những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em hoặc ngay cả bạn bè thân thiết chứ ai lại đi cứu một con chó ngoài đường. Thế nhưng khi người ta phải lựa chọn giữa con chó cưng và một người không hoặc ít có liên hệ với họ - một người bà con xa hay một người cùng quê nhưng lạ, không quen biết - thì sự lựa chọn nghiêng hẳn về chú chó. Có tới 40% những người tham gia cuộc nghiên cứu, kể cả 46% số phụ nữ, đã chọn cứu con chó hơn là người lạ. Chắc hẳn kết quả trên sẽ làm nhiều người phải não nề khi thấy mạng sống mình không bằng mạng một con chó.
Kết quả của cuộc nghiên cứu trên giúp chúng ta nghiệm ra được hai điều: thứ nhất, sống kiếp chó nhiều khi lại sướng hơn kiếp người; và thứ hai, sự yêu mến và đối xử với thú vật của một số đông người quả thật có hơi quá mức.
Tại nhiều quốc gia Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, có những đạo luật bảo vệ súc vật, cho phép nhân viên công lực bắt giam những ai có hành động hành hạ dã man những con vật ấy. Có những người sinh hoạt trong những hội bảo vệ thú vật như hội bảo vệ loài cá voi, sẽ làm bất cứ điều gì họ có thể, kể cả nhiều khi nguy hại ngay đến tính mạng của họ như lấy thuyền rượt đuổi những tàu săn bắt cá voi ở những vùng biển giá lạnh. Chúng ta có quyền mở rộng lòng thương xót đối với những loài khác cũng như cảm nhận được những đau khổ của chúng. Nhưng chúng ta cũng đừng quên là còn rất nhiều đồng loại của chúng ta ngoài kia cũng đang cần lòng thương xót đó. Và lịch sử đã từng chứng minh nhiều lần rằng chính chúng ta nhiều khi cũng hay lưỡng lự lựa chọn mỗi khi cần mở rộng lòng nhân từ ngay với chính đồng loại của mình.

Huy Lâm

Có nên sửa sắc đẹp?

lamdep0813
Bùi Bích Hà
Hỏi:
Thời gian qua rất nhanh và bằng những bước chân tuyệt đối im lặng. Chỉ tới khi tôi soi gương, thấy những sợi tóc bạc đầu tiên và khi ra đường mua bán trong khu vực người đồng hương, nghe các cô gái trẻ gọi mình bằng cô thì tôi mới giật mình, biết là đã bước vào tuổi xế chiều.

Khi không còn ảo tưởng với cảm nghĩ mình chưa tới nỗi nào vì tâm hồn tôi thực sự vẫn trẻ trung, tôi bắt đầu quan sát bạn bè xung quanh và lại giật mình thêm lần nữa vì nhận ra đa số đều có ít nhiều dùng tới dao kéo mỹ viện. Trông họ tươi tắn, đẹp đẽ, lịch sự và khỏe mạnh ở tuổi ngoài 60 tương đương với tôi. Bên cạnh các bạn ấy, nói tôi như cái bịch giẻ rách thì hơi quá nhưng thực sự tôi tự thấy mình nhầu nhòe sao đâu. Tôi nghiệm ra một khi mình không còn vẻ ngoài làm cho người khác để ý, có khi đi vào thương xá, thấy cửa sập vào mặt mình.
Bởi vì nhà tôi bỏ về Việt Nam đã lâu, lấy cớ làm ăn nhưng tôi nghe nói đang sống với một hay vài cô trẻ bên ấy, nên từ nhiều năm qua, tuy vẫn còn đi làm, tôi không có động cơ nào thúc giục phải chỉnh trang ngoại hình của mình, chỉ nghĩ sạch sẽ, tươm tất là đủ. Thêm nữa, tôi vốn nhát đau mà các con, các cháu thì cứ xúm vào khen mẹ, khen bà nội/bà ngoại đẹp gái, nên mặc dầu biết chúng nịnh cho mình vui, tôi cũng tin theo cho mọi người đều vui cả. Nay nghĩ lại, tôi tự hỏi ngoài nhu cầu tình dục mà tôi không cảm thấy cần phải chạy theo ông ấy, liệu ông ấy có nhu cầu nào khác hơn, tựa như một người vợ nhan sắc làm ông ấy hãnh diện không? Trái với phụ nữ, đàn ông có tuổi, có đôi chút sự nghiệp, trông họ càng có dáng và tất nhiên cũng có trọng lượng hơn hẳn phụ nữ chúng ta nếu không bốc hơi thì cũng giống như sợi nắng chiều nhạt thếch chờ tắt.
Bây giờ với tâm trạng có hơi nao núng, tôi bắt đầu mon men tới các chỗ làm skin care để hỏi cách săn sóc da mặt. Tôi được hướng dẫn tận tình nhưng càng nghe càng rối bời vì mỹ phẩm thì nhiều vô vàn, giá cả tuy mắc rẻ cũng là vấn đề nhưng căn bản là không biết nên chọn thứ nào và liệu nó có hợp với mình không? Có vị cố vấn muốn đi đường tắt, khuyên tôi nên nhờ phẫu thuật thẩm mỹ để có hiệu quả liền, nhưng con đường này lại quay về cái yếu điểm của tôi là rất sợ đau. Vả chăng, khi nhìn ra dấu hiệu sửa chữa trên dung nhan một người, bản thân tôi không tránh khỏi nghĩ về một điều gì như niềm tuyệt vọng, muốn níu kéo những điều mong muốn đã trôi xa tầm tay.
Bản tính tôi xưa nay hiền hòa, giản dị. Nay bỗng dưng hỏi han người này, người kia về việc ăn mặc, trang điểm, kể cả các con gái tôi, có vẻ như mọi người đều giấu một nụ cười châm biếm khiến tôi càng mất tự tin, sợ mình làm trò hề cho thiên hạ.
Câu hỏi của tôi là ở trong hoàn cảnh tôi hiện nay, 60 kể là già thì cũng được nhưng kể là chưa già cũng không phải là không biết điều, tôi có nên đi mỹ viện để làm mình đẹp lên không? Đa số bạn bè tôi đều không ít thì nhiều, ai cũng có sửa sang tí chút, có người sửa toàn diện, khiến tôi cảm thấy băn khoăn vì dường như không biết ứng dụng kinh nghiệm sống khôn ngoan của tiền nhân, “ăn theo thuở, ở theo thời”. Mong bà cố vấn giùm, cám ơn bà lắm.
Phượng Oanh

Trả lời:
Phải nói ngay rằng trong suốt thời gian hơn 20 năm làm công việc nhận và trả lời thư thắc mắc của thính giả/độc giả, đây là lần đầu tiên tôi nhận một lá thư lời lẽ rất đẹp, chải chuốt nhưng cũng không kém phần trào lộng, khiến tôi không khỏi nghi ngại tự hỏi không biết người viết và cái tên cũng thật đẹp ký ở bên dưới có thật là một phụ nữ không?
Dẫu sao, không thấy thì cứ đành xem như không biết, xin trả lời bà như sau:
1. Mọi sự luôn bắt đầu bằng nhận thức. Nhận thức sẽ khai mở đường đi, cách hành xử. Cần nhận thức thật rõ, ví dụ: Thế nào là đẹp? Đẹp để làm gì? Tuổi nào là già? Khi già, tại sao phải sống khác với trẻ? Khác thế nào, có gì hay hơn không? v.v...
2. Sống trên đời, mỗi người luôn thấy mình đứng trước sự chọn lựa. Có khi đúng, có khi sai, giữa sai và đúng là kinh nghiệm, là bài học. Đều tốt cả. Vậy, hãy mạnh dạn mà tự mình chọn lựa. Hỏi ý kiến người khác tựa như đi shopping hỏi ý kiến người đi cùng, bỏ lịch sự ra ngoài, nhiều phần trăm là trật lất vì mình ngắm mình mà còn không chắc có hợp không, sao đi nghe người bên cạnh, huống chi người bên cạnh đâu phải là mình?
3. Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ, nói chung, đem lại hạnh phúc cho nhiều người vì giúp họ chấn chỉnh một vài khuyết điểm bẩm sinh: nâng cái sống mũi, làm to đôi mí mắt, tẩy sạch mấy đốm tàn nhang v.v... Chọn bác sĩ là bí quyết của thành công. Đừng tham lam, cái gì cũng sửa sẽ đi tới quá đà. Đừng ham rẻ, sẽ hối hận. Nhát đau như bà, tôi không dám có ý kiến, tuy tôi cũng vì nhát đau nên... đành thôi. Trời cho sao nhận vậy.
4. Ở tuổi 60 mới bắt đầu nghĩ đến việc săn sóc da, tôi đoán bà có làn da khá tốt nên không có ai nhắc bà đi mua kem dưỡng da sớm hơn. Tôi nhớ ở tuổi 50, tôi được bạn cho biết da mặt tôi hơi khô, phải chữa cấp kỳ trước khi trông giống quả táo tàu. Bạn cho một chai vitamin E, dặn mỗi tối dùng một viên xoa đều lên mặt. Ba, bốn tháng sau, bạn bảo bây giờ dùng kem làm ẩm da được rồi. Bạn bảo bắt đầu với sản phẩm dành cho làn da Á đông, nhãn hiệu đã nổi tiếng thì an toàn. Thấy bà June, người Nhật làm cùng hãng, có làn da đẹp, hỏi. Bà mách hiệu Olay total effects. Bắt chước mua xài. Vitamin E mấy đồng một chai cả trăm viên, chỉ tội mùi hôi. Olay total effects $18.00 một chai, cũng dễ mua. Khi da tốt rồi, lâu lâu đổi nhãn hiệu, hoặc Nhật, hoặc Đại Hàn. Một làn da mịn, sáng, thần thái tươi tắn, khỏe mạnh, cứu được phần nào những chỗ bất như ý trên khuôn mặt, có khi giấu được cả tuổi. PNGĐ số 149 có công thức làm kem dưỡng da tại nhà do chị Quỳnh Chi chia sẻ, rẻ, tiện lợi, khó là phải mua cho được mật ong thật (bán ở các chợ Farms thường họp cuối tuần đâu đó) và bột nghệ thật. Bà An ở LA, làm theo công thức, xài mấy hôm, cho biết khi trang điểm, ăn phấn hơn.
5. Ở chặng đường này, cần cuộc sống thoải mái, không nên bận tâm thái quá về người xung quanh nghĩ gì? Chọn một màu áo, một kiểu tóc hợp với nhân dáng. Chọn một ông bác sĩ thẩm mỹ khéo tay, có nhiều thành tích nổi tiếng để kéo giùm bà đôi mí mắt bị sụp. Cho chính mình chứ không cho người khác, để khỏi băn khoăn về họ. Sau hết, bà viết thư hay như thế, thử viết văn xem sao? Biết đâu đây mới là vẻ đẹp đích thật của bà, không cần dao kéo và đẹp mọi lúc, mọi nơi, cả trong giấc ngủ?
Cám ơn bà đã gởi thư hỏi, hy vọng đã ít nhiều trả lời thắc mắc của bà. Kính chúc bà luôn an vui.

Bùi Bích Hà

Hoa Kỳ chuẩn bị tấn công vào xứ Syria

uss-san-antonio11
Hình: chiến hạm USS San Antonio
Hoa Thịnh Đốn: Trong bài diễn văn đọc hôm thứ bảy ngày 31 tháng 8, tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama cho biết, ông đã quyết định dùng biện pháp quân sự với chính quyền Syria khi cần thiết. Tuy nhiên tổng thống Obama nói thêm là ông sẽ xin sự đồng ý của quốc hội Mỹ về quyết định này trong việc dùng quân lực Hoa Kỳ để trả đũa cho một hành động mà ông gọi là “một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất trong thế kỷ 21”.

Tổng thống Obama cũng nghĩ rằng ông có quyền ra lệnh tấn công , với tư cách là tổng tư lệnh quân đội Mỹ, mà không cần hỏi ý kiến của quốc hội, khi có những nguy hiểm đe dọa cho nền an ninh quốc gia.
Tuy nhiên hiện nay các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ đang nghỉ hè, và phiên nhóm sớm nhất có thể diễn ra vào ngày 9 tháng 9.
Cũng trong ngày thứ bảy, các toán kiểm soát vũ khí của Liên Hiệp Quốc đã rời khỏi xứ Syria, mang theo những chứng cớ mà các nhân viên này sẽ đệ trình lên ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Tại Trung Đông, liên đoàn Ả Rập nhóm họp phiên họp khẩn cấp vào ngày chúa nhật, để thảo luận về tình hình Syria.
Nhiều chính quyền các quốc gia Trung Đông đã khuyến cáo các kiều dân của các xứ này, rời khỏi Syria phòng khi có cuộc tấn công của Hoa Kỳ trong những ngày sắp tới.
Trong ngày thứ năm trước đó, quốc hội xứ Anh đã bác bỏ lời yêu cầu của thủ tướng David Cameron đòi phải có những biện pháp quân sự đối với Syria.
Theo những nguồn tin báo chí, tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiết lộ là một cuộc không tập hay tấn công bằng hỏa tiễn, có thể sẽ xảy ra sớm nhất vào ngày thứ tư tuần tới.
Cũng trong ngày thứ bảy, thêm một chiến hạm Hoa Kỳ nữa đã vào đến biển Địa Trung Hải. chiếc dương vận hạm USS San Antonio với hàng trăm thủy quân lục chiến trên tàu. Đây là chiến hạm thứ 6 hiện có mặt trong vùng Địa Trung Hải.

Đặc xá do nhà tù quá tải, không phải do cải tạo tốt

“Có những đợt đặc xá là do nhà tù quá tải chứ không phải do giáo dục tốt nên tái phạm nhiều”, “Tên gọi SBC (săn bắt cướp) không còn phù hợp nên chuyển thành cảnh sát đặc nhiệm”… tướng Phan Anh Minh giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu HĐND thành phố.
Ảnh Vietnamplus
Ảnh Vietnamplus
Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM thêm độ “nóng” khi có rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi giải pháp trấn áp nạn cướp giật. Do thời lượng phiên làm việc buổi sáng kết thúc, vẫn còn 12 câu hỏi, 20 vấn đề của các đại biểu đang chờ lãnh đạo CA thành phố trả lời. Chiều 6/12, kỳ họp dành thêm 1 tiếng đồng hồ để Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc công an TPHCM đã tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu.
Đặc xá vì nhà tù… hết chỗ
Thiếu tướng Phan Anh Minh quả quyết, nhìn chung, không thể có chuyện “giấu trọng án” ở các đơn vị. Ông Minh không loại trừ động cơ thành tích nhưng cũng cho rằng, trường hợp này cũng chỉ xảy ra ở nhóm trộm cắp cướp giật qua lại giữa các phường, quận, không thống kê hoặc du khách nước ngoài không nhớ địa điểm nên không trình báo được nên anh em “ém” luôn. Còn trường hợp trọng án, có tử thi, bị hại bức xúc, ít có khả năng giấu án.
Nguyên nhân phạm tội hình sự, ông Minh trả lời đại biểu Nguyễn Quý Hòa, theo thống kê hơn 150 đối tượng phạm tội hình sự bị bắt trong tháng 11 vừa qua. Trong đó có 49% tội phạm là người thất nghiệp, hơn 50% khác là lao động tự do, không ổn định, thu nhập. Trước đây, cướp giật có 30% liên quan đến ma túy, tỷ lệ đến nay đã lên mức 46%. 24% đối tượng phạm tội có tiền án tiền sự, 41,13% đang bị truy nã.
Phó GĐ CA thành phố “tố” thêm chuyện nghịch lý, ít năm trước, thành phố hô hào bắt tội phạm nhưng sau đó, một năm lại phải đặc xá 1-2 lần vì trại giam quá tải chứ không phải do phạm nhân cải tạo tốt. Hai năm gần đây, tình hình có cải thiện hơn nhưng đó vẫn là vấn đề bức xúc của ngành.
Công tác đấu tranh với tội phạm, ông Minh cũng phân trần khó khăn vì tính chất giao thoa tội phạm lớn, cần các tỉnh phối hợp kịp thời hơn. Ngoài ra còn vấn đề đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội quá dễ. Hiện các loại tài sản dễ bị chiếm đoạt và tiêu thụ là xe gắn máy, điện thoại di động, laptop, nữ trang. “Trộm đột nhập 1h sáng, cướp 6 xe, thì 6h sáng chặn bắt xe đã tới An Giang, suýt qua Campuchia” – tướng Minh dẫn chứng một vụ việc cụ thể.
Trong khi đó, thách thức lớn đặt ra với lực lượng CA thành phố khi không được tăng biên chế. Toàn ngành đã cố gắng nỗ lực, nhìn thẳng vào thách thức, động viên anh em nỗ lực, không nên hứa hẹn gì trước.
Cảnh sát đặc nhiệm thành phố tương tự 141 tại Hà Nội
Phó GĐ CA thành phố trình bày, SBC là mô hình hoạt động hiệu quả, được báo chí ca tụng, nằm trorng lòng dân. Ông Minh khẳng định, khi thành lập lực lượng hình sự đặc nhiệm, lãnh đạo CA thành phố trực tiếp gặp ông Lý Đại Bàng và các cựu chiến sỹ SBC, trao đổi một số điểm hạn chế của lực lượng này, cần thay cần đổi cho phù hợp tình hình hiện tại. Theo đó, quan điểm xác định của CA thành phố, cướp cũng là người nên không thể săn bắt.
Lực lượng hình sự đặc nhiệm hiện đã kế thừa mô hình SBC, có cải tiến, thay đổi cho phù hợp. Ông Minh “trấn an” các đại biểu HĐND thành phố, không lo lắng là hiệu quả hoạt động của lực lượng hình sự đặc nhiệm thua SBC.
Ông Minh phân tích: “Chúng tôi đã nghiên cứu, kế thừa mô hình lực lượng phản ứng nhanh 141 của Hà Nội. Hà Nội có quá nhiều “đầu gấu”, hành vi ngênh ngang, thách thức như kiểu có nón bảo hiểm mà không đội, qua mặt công an, bị bắt lại xưng là con ông cháu cha. TPHCM chưa đến mức đó nên hướng đối phó là thông tin nhanh. Cảnh sát đặc nhiệm phát hiện trên camera hành vi vi phạm thì báo CSGT kiểm tra xe là ổn, không cần 2-3 lực lượng cùng ùa vào trấn áp”.
Đối với lực lượng CSGT, ông Minh khẳng định Ban Giám đốc CA thành phố vẫn xác định đây là lực lượng “nóng”, là bộ mặt của ngành. Vừa qua, CA thành phố đã triển khai những biện pháp chặt chẽ để quản lý như “cấm” mang tiền quá 100.000đ khi thi hành nhiệm vụ. Kiểm tra tất cả tiền bạc trong người CSGT, nếu có trên 100.000 đồng mà không được niêm phong, sẽ bị xem là tiền tiêu cực và bị xử lý. Tuy nhiên, tướng Minh cũng thừa nhận, việc thanh tra, kiểm tra hiện chưa phủ kín.
Công Quang (Dân Trí)

Những người chiến sĩ trong thời bình

Khánh Trâm
Chia sẻ bài viết này


Ngày 18 tháng 3 năm 1979 khi nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố trước thế giới rút quân khỏi biên giới phía Bắc nước ta, kết thúc 30 ngày đêm của thứ chiến tranh lấy thịt đè người, lớn bắt nạt bé (mà ông Đặng Tiểu Bình ngang nhiên tuyên bố là “dạy cho Việt Nam một bài học”), và những trận đánh cảm tử mà nổi bật là trận chiến Lão Sơn-Hà Giang (1984) hay trận chiến Gạc Ma ngoài biển Đông (1988), kể từ đó tiếng súng chiến tranh không còn vang lên trên lãnh thổ nước ta và từ đây Việt Nam mới thực sự bình yên (nói một cách tương đối) để bắt tay xây dựng đất nước. Tính ra suốt từ những năm 60 của thế kỷ XIX cho đến những năm 80 của thế kỷ thế kỷ XX, thời gian chỉ hơn một thế kỷ thế mà cái mảnh đất bé nhỏ hình chữ S này liên miên ngập tràn trong các cuộc chiến rất tang thương để rồi hơn 5 triệu người thiệt mạng (bằng dân số Phần Lan hiện nay). Trong thời chiến, vũ khí của những người lính và nhân dân là súng đạn, là lòng can đảm, là mưu trí, là tình yêu tổ quốc quê hương.
Hôm nay, chúng ta được hưởng những năm tháng không tiếng súng đã ba thập kỷ, một khoảng thời gian mà nước Nhật sau đại chiến thế giới thứ 2 tan hoang là thế, vậy mà họ đã vực dậy kiến thiết xây dựng lại đất nước của thần mặt trời trở thành cường quốc số 1 ở Châu Á, và cùng với Nhật các nước khác như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan... cũng kịp vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn của khu vực. So sánh như vậy để thấy Việt Nam mình hiện đang ở đâu. Nếu bỏ qua cái tính tự ty để mà nhìn thẳng vào sự thật thì chúng ta hiện đang tụt hậu rất xa so với các nước láng giềng về mọi mặt. Có lẽ bài vè trong dân gian “Việt Nam bây giờ mọi thứ đều nhất thế giới” đã nói lên tất cả: “Vợ rẻ nhất thế giới/ sữa đắt nhất thế giới/ xăng cao nhất thế giới/ xe hơi đắt nhất thế giới/ thuốc tây đắt nhất thế giới/ uống rượu nhiều nhất thế giới/ đánh bạc, số đề nhiều nhất thế giới/ trẻ em thất học, bỏ học nhiều nhất thế giới/ tai nạn giao thông nhiều nhất thế giới/ tham nhũng nhiều nhất thế giới/ dân lại nghèo nhất thế giới / bởi vô cảm và dối trá nhiều nhất thế giới (!)”. Hàng ngày chúng ta đọc báo, nghe đài, xem tivi… và nếu chịu khó xâu chuỗi những nội dung truyền tải trên các phương tiện truyền thông ấy sẽ thấy cái bức tranh tổng kết của dân gian qua bài vè kia là khá chính xác. Có thể nói chưa thời nào người phụ nữ Việt Nam lại chịu cái cảnh nhục nhã đứng xếp hàng cho người ngoại quốc chọn vợ, người công nhân bị các ông chủ ngoại quốc đánh đập, số khác phải ra nước ngoài làm thuê bị nhốt trong những xưởng may hay công trường xây dựng và phải làm việc đến kiệt sức, người dân nghèo ở các miền quê bản thân còn không đủ ăn mà phải cõng trên lưng nhiều thứ “đóng góp” bắt buộc, trẻ em miền núi thiếu đạm phải ăn thịt chuột, miền đồng bằng phải ăn khoai lang thay cơm, trẻ sơ sinh thì chết oan vì bác sỹ thiếu y đức… trong khi đó quan chức thì đánh cờ bạc tỷ, cảnh sát giao thông thì “làm luật” trắng trợn, hiệu trưởng thì môi giới bán dâm học trò, Việt Nam được thế giới cho đứng vào danh sách đầu bảng về các quốc gia tham nhũng nhất thế giới (ông chủ tịch nước thẳng thắn công nhận là “một bầy sâu”), đất nước đứng trên bờ vực thẳm về mọi mặt, thế nhưng những người thoát được cái “sợ” để cất tiếng nói thì đang phải chịu án hình sự vì “Việt nam không có tù nhân lương tâm”… Ôi, nếu còn kể tiếp thì người có trái tim sắt đá cũng cảm thấy choáng váng!
Đứng trước thực tại rất đau lòng này, những người công dân còn chút lương tri không thể không ngậm ngùi. Nhiều người vẫn cất tiếng nói. Vâng, thời bình cũng rất cần những “chiến sỹ” để “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để “sánh vai với các cường quốc năm châu”… Thứ vũ khí của người chiến sỹ thời bình là gì? Đó là cây bút, là trí tuệ, là lương tri, là lòng can đảm, và tất cả cũng chỉ vì tình yêu tổ quốc quê hương.
Tôi ngồi lặng lẽ ngắm nhìn những người chiến sỹ trên các “mặt trận”: từ văn hóa, giáo dục, môi trường, đấu tranh dân chủ đến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong số họ có đầy đủ nam, phụ, lão, ấu. Nhiều người còn khá trẻ nhưng cũng có nhiều người “mái đầu sương điểm” hay “phơ phơ đầu bạc”. Nhiều người hữu danh, nhiều người vô danh. Họ là những chiến sỹ thầm lặng nhưng trên đôi vai của họ cũng nén đầy trách nhiệm, hệt như những người ở hậu phương trong chiến tranh khi xưa cùng có chung mục đích “tất cả cho tiền tuyến”.
Về văn hóa giáo dục: Trong vài năm trở lại đây, đứng trước hiện trạng giáo dục ngày càng xuống cấp, giáo trình giáo khoa nặng về hình thức, quá tải về nội dung và những người chịu trách nhiệm trong ngành giáo dục vẫn duy trì việc “đem con em nhân dân ra làm thí nghiệm” hết năm này đến năm khác, thập kỷ này đến thập kỷ khác, một nhóm chuyên gia và giáo viên có kinh nghiệm và tâm huyết với giáo dục đứng đầu là nhà giáo Phạm Toàn đảm nhiệm chức năng trưởng nhóm, đã thành lập nhóm viết sách giáo khoa mang tên Cánh Buồm. Nhóm ra đời từ năm 2009 với mục tiêu làm ra một bộ sách giáo khoa (bắt đầu từ bậc tiểu học) nhằm “ hiện đại hóa nền giáo dục Việt nam” và “ đảm bảo hạnh phúc đi học cho trẻ em ”. Cho đến nay nhóm đã đưa ra xã hội, đã “trình làng” những sản phẩm cụ thể, đó là các bộ sách: Văn (lớp 1,2,3,4,5); Tiếng Việt (lớp 1,2,3,4,5); Lối sống (1,2,3); Tiếng Anh (lớp 1,2,3); Khoa học-Công nghệ (lớp 1,2)… và đã tổ chức được nhiều hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục và cha mẹ học sinh: “ Hiểu trẻ em-Dạy trẻ em” (2009); “ Chào lớp Một ” (2010); “ Tự học- Tự giáo dục ” (2011); “ Một cánh buồm-Một nhà trường hiện đại ” (2012); “ Nhìn bằng con mắt trẻ thơ ” (2013). Tiếp nối là các hoạt động khác. Tháng 7/2013 Cánh Buồm đã cho ra mắt “Ngày sư phạm Cánh Buồm ” là buổi sinh hoạt thường kỳ một tháng một lần, nơi trao đổi và chia sẻ những vấn đề liên quan đến tâm lý trẻ em, cách trẻ em học thế nào, chơi ra sao hay thảo luận về phương pháp dạy… Đối tượng tham dự gồm có giáo viên các trường tiểu học, phụ huynh học sinh, sinh viên các trường sư phạm, các nhà nghiên cứu giáo dục, những người quan tâm đến lĩnh vực này. Ngoài ra còn có những lớp dạy học theo chương trình của nhóm biên soạn... Trẻ em đến với với học đầy hứng thú, say mê vì ở đó các em được đối thoại, được “học mà chơi-chơi mà học” chứ không bị nhồi nhét kiến thức một chiều. Nhìn vào những nỗ lực không ngừng nghỉ này, chắc chắn một ngày không xa, phương pháp và giáo trình của Cánh Buồm sẽ dần dần làm lu mờ, thậm chí góp phần đẩy lùi “ Bốn căn trọng bệnh của giáo dục Việt Nam: bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh gian dối, bệnh suy dinh dưỡng”.
Chúng ta gọi họ là những CHIẾN SỸ bởi lẽ những con người này làm việc thiện nguyện, không có lương, không có thù lao, không cơ sở vật chất… vậy mà suốt 4 năm qua vì thế hệ trẻ, họ đã làm được nhiều việc mà những người được giao trọng trách, được hưởng lương bổng, được nhận nhiều ưu đãi của xã hội cũng không làm được.
Về môi trường: Giở những trang báo giấy, báo điện tử đưa những tin tức về môi trường ta có nhận xét ngay: Việt Nam cũng là quốc gia “đi tiên phong” trong vấn đề hủy hoại sinh thái và tàn phá môi trường . Sau chiến tranh, tốc độ khai thác rừng còn gấp nhiều lần số diện tích rừng bị tàn phá do chất làm rụng lá. Chẳng thế mà câu hát “gỗ miền núi về xuôi xây đời mới/ thắm tình giữa miền xuôi và miền ngược ” (bài “Hà Giang quê tôi”) nay được dân gian chế lời mới: “gỗ miền núi từ nay không còn nữa/ hết tình giữa miền xuôi và miền ngược”. Ai nghe cũng cười nhưng cái cười thật chua xót ! Chính vì thế, nhiều người đã lên tiếng bảo vệ môi trường. Không chỉ là gỗ, là rừng mà việc tận dụng khai thác khoảng sản hiện nay cũng đang là nguyên nhân tàn phá, hủy diệt môi trường (thậm chí có nơi còn thậm nguy đến an ninh quốc gia). Có thể kể ra đây 2 thí dụ tiêu biều: Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên (đang tiến hành mà kết quả thua lỗ nặng) và dự án xây dựng thủy điện 6, 6A đang trong quá trình thẩm định, nếu được phê duyệt sẽ tàn phá phần lớn diện tích cánh rừng Nam Cát Tiên và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ví dụ thứ nhất: Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên, ngay từ năm 2009 là năm bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy Nhân Cơ đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong giới tri thức và nhân dân vì nó “vi phạm luật di sản văn hóa và luật bảo vệ môi trường”. (Đơn kiện thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng của luật sư Cù Huy Hà Vũ). Ngay từ đầu ai cũng thấy dự án có nguy cơ thua lỗ về mặt kinh tế và tàn phá môi trường, là quả “bom hẹn giờ” treo trên đầu người dân ở hạ nguồn và làm ô nhiễm sông Đồng Nai… Hậu quả của nó thật là kinh khủng. Biết bao nhiêu bài viết khoa học, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học có chuyên môn trong và ngoài nước, kể cả thư ngỏ của danh tướng Võ Nguyên Giáp nhưng vẫn không ngăn cản được bởi vì đó là “chủ trương lớn của Đảng và chính phủ, là quyết tâm của Bộ chính trị ”. Đứng trước thảm họa nhìn thấy sờ sờ này, nhóm Bauxite Việt Nam do ba người khởi xướng: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GS Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng đã đứng ra lập nên trang mạng phản biện của giới tri thức do GS Nguyễn Huệ Chi điều hành bắt chấp nguy hiểm bản thân và nhiều lần bị chính quyền gây khó dễ. Ngày 12/4/2009 nhóm đã thảo ra “Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam” gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ đề nghị cho dừng dự án và đã nhận được gần 2800 chữ ký ủng hộ của rất nhiều nhân sỹ tri thức và nhân dân trong và ngoài nước.
Nhóm Bauxite và những người phản đối dự án khai thác bauxite Tây Nguyên ( ký tên hoặc ủng hộ kiến nghị) là những người CHIẾN SỸ.
Ví dụ thứ hai: Năm 2012 truyền thông đưa tin Thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật gửi tâm thư lên chủ tịch nước để thỉnh cầu việc cần thiết ngăn chặn ngay dự án thủy điện 6, 6A cắt ngang rừng Nam Cát Tiên, mất đi diện tích 137 hecta rừng trong vùng lõi, ảnh hưởng đến Bầu Sấu (khu ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới). Là cán bộ công tác ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, chuyên gia về đa dạng sinh học, là người có chuyên môn, nhận thức được việc đe dọa làm mất mát không chỉ tài nguyên rừng mà còn xâm phạm nhiều di chỉ văn hóa của tộc người Mạ (di chỉ Óc Eo), Thạc sỹ Thuật đã cùng nhóm bạn lập ra trang thông tin điện tử “Savingcattiennationalpark.blogspot.com”. Nhóm lấy tên “ Yêu quý bảo vệ Rừng Cát Tiên” để đưa tin và kêu gọi người dân đồng hành phản đối 2 dự án thủy điện trên bởi “Vườn Quốc gia Cát Tiên là tài sản quốc gia, là tài sản chung, nếu ai cũng bỏ mặc thì tài nguyên Việt Nam sẽ nhanh chóng mất sạch, mà cuối cùng, chỉ có người dân gánh chịu hậu quả”. Lời kêu gọi đã thu hút được 4700 chữ ký ủng hộ. Là người gửi tâm thư, cùng bạn bè tập hợp các nguồn ý kiến, theo đuổi đến cùng công việc gìn giữ môi trường này, thạc sỹ Thuật chấp nhận hy sinh cá nhân (anh không còn công tác ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên nữa).
Nhóm “ Yêu quý bảo vệ Rừng Cát Tiên” là những CHIẾN SỸ. Việc làm của các bạn là góp thêm viên gạch để xây dựng xã hội dân sự mà ở đó người dân được cất tiếng nói, được đóng góp xây dựng và gìn giữ môi trường sống.
Về đấu tranh dân chủ, xây dựng xã hội dân sự và bảo vệ tổ quốc: Những năm gần đây chúng ta được chứng kiến nhiều nhóm thiện nguyện, nhiều cá nhân đóng góp các hoạt động rất hữu ích cho xã hội. Đó là chương trình “ Sách hóa nông thôn ” của sáng lập viên (và trực tiếp điều hành) Nguyễn Quang Thạch. Đây là “thư viện của người dân” với các mô hình: tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh, tủ sách giáo xứ. Bắt đầu từ năm 2007, cho đến nay anh Thạch đã vận động được các cá nhân, tổ chức chung tay đóng góp (dưới nhiều hình thức) và đã xây dựng được hơn 160 tủ sách ở 21 tỉnh trên cả nước. Người sáng lập viên này đã chấp nhận hy sinh cá nhân, nghỉ việc lương cao để dành toàn bộ thời gian, công sức vào công việc thiện nguyện này. Anh và những người chung tay đóng góp mang sách, mang tri thức về tận vùng quê để khai sáng văn hóa cho nhân dân và học trò xứng đáng là những người CHIẾN SỸ.
So với các khu vực khác, khu vực miền núi ở nước ta còn rất nghèo. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, bằng nguồn kinh phí quyên góp từ nhân dân hay các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Các nhóm “No-U”, “Cơm có Thịt”, “Vì ta cần nhau” …đã lên tận vùng biên xa xôi như Háng Đồng (Sơn La), Suối Giàng (Yên Bái), và các trường ở Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang… để hỗ trợ trẻ em vùng cao như xây trường, ủng hộ dụng cụ học tập, áo rét, chăn ấm, sửa chữa trường, lớp học…
Tất cả những con người có tấm lòng cao cả này là những CHIẾN SỸ.
Những năm đầu thế kỷ XXI này, xã hội Việt Nam xuống cấp về mọi mặt và chưa lúc nào đất nước trong thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” như ngày hôm nay. Có lẽ một bức tranh xã hội, một dòng lịch sử khái quát nhất về chính quyền và đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng đã được nhà văn Phạm Đình Trọng, người chiến sỹ từ khói lửa chiến tranh năm xưa - người chiến sỹ cầm bút hôm nay khắc họa là tiêu biểu hơn cả. Chúng ta đọc để nghiền ngẫm, để chiêm nghiệm “đúng, sai”, để trả lời cho rất nhiều câu hỏi “VÌ SAO” tồn tại suốt hơn nửa thập kỷ qua, để…
Sau đây là những con chữ rất nóng của ông, cũng hiện ra các cặp phạm trù “được-mất”, “tốt-xấu”, “lưu manh-lương thiện”,“nguyên nhân-kết quả”,… để ông lý giải việc xuống cấp về mọi mặt của xã hội Việt Nam hôm nay là từ những “sai lầm lên tiếp trong quá khứ, tham nhũng không có điểm dừng trong hiện tại của đảng đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thảm họa này đến thảm họa khác:
Thảm họa cải cách ruộng đất đánh sập từ gốc rễ đạo lí Việt Nam, đánh tan tác văn hóa làng xã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, thảm họa ngụy tạo ra vụ Xét lại chống đảng đã giam cầm, đầy ải, giết dần giết mòn những tài năng, tinh hoa nhất của dân tộc Việt Nam.
Thảm họa cải tạo tư sản ở miền Bắc sau năm 1954, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975 tước đoạt quyền làm chủ của những chủ tư sản biết tổ chức sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm cho người lao động, tạo ra của cải cho xã hội.
Thảm họa tập trung cải tạo thực chất là tù đày lực lương ưu tú nhất của xã hội miền Nam cũng là tài sản con người của dân tộc Việt Nam, đẩy một nửa dân tộc Việt Nam ra khỏi vòng tay Mẹ hiền Tổ Quốc Việt Nam. Từ đó dẫn đến thảm họa thuyền nhân vùi xác hơn nửa triệu người dân Việt Nam dưới đáy biển.
Thảm họa mất đất mất biển. Những mảnh đất mang hồn thiêng tổ tiên người Việt Nam, thấm đẫm máu nhiều thế hệ người Việt Nam, những tên đất chói lọi trong lịch sử Việt Nam đã bị Nhà nước Cộng sản Việt Nam cắt sang đất Tàu Cộng!
Thảm họa khai thác bô xít Tây Nguyên tàn phá môi trường, tàn phá văn hóa Tây Nguyên, làm chảy máu lâu dài nền kinh tế đất nước. Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên liên tục ngốn nguồn vốn lớn hàng chục ngàn tỉ, hàng trăm ngàn tỉ đồng của nền kinh tế đất nước nhưng không làm ra một đồng tiền lãi, không bao giờ có lãi ở thời hiện tại!
Thảm họa Vinashin, Vinalines làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn ngân sách Nhà nước, tạo ra đổ vỡ dây chuyền làm cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đẩy nền kinh tế đất nước vào khủng hoảng kéo dài, không thể cất mình lên nổi.
Thảm họa tụt lại sau thế giới, lạc lõng với thế giới. Năm 1975 Thái Lan phải ngước nhìn lên sự phát triển của kinh tế, xã hội miền Nam Việt Nam thì nay Thái Lan phải ngoái lại phía sau nhìn sự ì ạch của kinh tế xã hội Việt Nam vì Thái Lan đã vượt xa Việt Nam vài chục năm rồi và càng ngày Thái Lan càng bỏ xa Việt Nam.
Thảm họa trách nhiệm. Ở các nước dân chủ, bằng lá phiếu và bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, người dân thực sự có vai trò quyết định đến việc chấp chính của đảng cầm quyền và người cầm quyền. Chỉ một đổ vỡ nhỏ trong đời sống xã hội hoặc đời sống kinh tế đất nước, người cầm quyền phải đứng ra nhận trách nhiệm bằng việc từ chức, đảng cầm quyền cũng mất quyền lãnh đạo. Ở ta những thảm họa lớn gây chết chóc hàng trăm ngàn người dân như thảm họa cải cách ruộng đất, giết chết cả nền văn học nghệ thuật như thảm họa Nhân Văn Giai Phẩm, làm đình đốn cả nền kinh tế như thảm họa Vinashin nhưng những người cầm quyền không ai chịu trách nhiệm, không ai rời vị trí quyền lực, cùng lắm là luân chuyển từ vị trí này sang vị trí khác như sau thảm họa cải cách ruộng đất. Đảng độc quyền thì cứ bình thản cầm quyền. Người yếu kém và có tội cứ thản nhiên nắm quyền. Thảm họa cứ tiếp diễn và lan rộng ra cả xã hội. Xã hội Việt Nam hôm nay thực sự là thảm họa đối với dân tộc Việt Nam văn hiến”.
Chúng ta, mỗi người sau khi “ngắm nhìn” cái bức tranh trên đây, phỏng có nghĩ gì???
Trước chúng ta đã có nhiều người lên tiếng và bị vùi dập, bị gây khó dễ trong cuộc sống, thậm chí bị trừng trị, mặc dù họ là những đảng viên quyền chức của chính phủ như Kim Ngọc, Nguyễn Hộ, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách… hay những tri thức, những văn nghệ sỹ: Phan Đình Diệu, Lữ Phương, Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Hà Sỹ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh… Tất cả họ là lớp CHIẾN SỸ đầu tiên đi tiên phong trên mặt trận đấu tranh dân chủ cho đất nước.
Tiếp nối truyền thống ấy là hàng trăm, hàng nghìn những tên tuổi khác, đó là những con người của “Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên” (2010), “Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ” (2011), “Kiến nghị về việc bảo vệ và phát triển đất nước” (2011),” “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc” (của 36 nhân sỹ trí thức Việt Kiều, 2011), “Thư gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang –về công dân Bùi Thị Minh Hằng” (2011), “Tuyên bố về vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực” (2012), “Thư khẩn gửi chủ tịch nước về vụ bắt Phương Uyên” (2012), “Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo hiến pháp và pháp luật tại Việt Nam” (2012), “Kiến nghị 72” (kiến nghị về sửa đổi hiến pháp, 2013), “Thư khẩn gửi chủ tịch nước và chính phủ Việt Nam về việc giải quyết tuyệt thực của blogger Điếu Cày” ( 2013), “Tuyên bố công dân tự do” (2013), “Tuyên bố 258” (2013) , “Tuyên bố nghị định 72” (2013)…
Các bản Kiến nghị, Tuyên bố, Thư ngỏ, Lời kêu gọi… đã đại diện tiếng nói trung thực, can đảm của giới trí thức và nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh vào nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, đòi tôn trọng các quyền tự do dân chủ của nhân dân, yêu cầu chính quyền thượng tôn pháp luật, bãi bỏ điều 4 Hiến pháp, bãi bỏ các điều 88, 79, 258 Bộ luật hình sự, thực thi quyền con người theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tôn trọng hình thức đấu tranh ôn hòa của các tổ chức quần chúng nhân dân trước thế lực bành trướng Trung Cộng, bảo vệ ngư dân, bảo vệ tổ quốc. Tất cả những con ngưới ấy họ là những CHIẾN SỸ.
Những người CHIẾN SỸ hôm nay không chỉ thể hiện trách nhiệm bằng lời nói, bằng bài viết, bằng chữ ký… mà còn bằng hành động. Đó là hàng chục cuộc xuống đường ôn hòa thể hiện tình yêu tổ quốc, đó là những con người đấu tranh đòi giới chủ phải tôn trọng người lao động, đó là những tri thức dấn thân. Thế nhưng nhiều người trong số họ hiện đang bị cầm tù. Thân thể các CHIẾN SỸ ở trong lao, nhưng tên tuổi họ rực sáng. Đó là : Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày- Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đinh Nhật Uy,Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào… chưa kể những chiến sỹ đã chấp hành xong án phạt nay lại tiếp tục con đường tranh đấu: Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Thăng Long, Lê Công Định…và gần đây nhất là người chiến sỹ trẻ Nguyễn Phương Uyên của phiên tòa xử phúc thẩm 16/8/2013 tại Long An. Người “chiến sỹ” Phương Uyên đứng trước tòa thân cô, thế cô, không có người thân, không có luật sư, chỉ có đầy “quần chúng tự phát”, an ninh mật vụ vây trong, vây ngoài tòa án, vậy mà em dõng dạc từng lời, đầy bản lĩnh: “ Tôi không cần giảm án, tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải là chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng có đánh đồng ”.
Tôi chỉ mong dân tộc ta có thêm nhiều CHIẾN SỸ trong thời bình như hình ảnh người con gái tuổi 20 này. Những người CHIẾN SỸ biết mình muốn gì và dân tộc mình cần gì… Tôi nhớ có câu nói khá nổi tiếng: “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải chỉ là đích đến”. Hành động thường quan trọng hơn kết quả là vậy (bởi nếu không có hành động thì làm sao có kết quả?). Tác giả của câu nói trên còn khuyên: “ Enjoy the journey! ” Hành trình dân chủ tuy nhiều chông gai, hiểm nguy (và đầy vật cản trên con đường ấy), nhưng tôi vẫn tin những “chiến sỹ” đã lựa chọn con đường này họ có cách vui hưởng hành trình của mình, bởi họ có niềm tin: “Nước nhà được độc lập mà người dân không được hưởng tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”, chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước mới mong có được Tự Do cho nhân dân.
Sài Gòn 8/2013
K.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN