Thục Quyên
Đúng ngày 11/03/2013, ngày kỷ niệm 2 năm thảm họa Fukushima, chính phủ Nhật và Công ty Tepco phải khởi sự trực diện đơn khiếu kiện trước tòa án của một nhóm 1650 nạn nhân, gồm những người đã di tản hay còn đang sống tại những vùng miền đông nước Nhật (1): các nạn nhân đòi hỏi phải được bồi thường sao cho họ có thể trở lại đời sống bình thường của họ như trước ngày 11/03/2011 (Số tiền tương đương với những thiệt hại được ước lượng lên tới 5.3 tỷ ¥en hay 55.2 triệu US$) và chính phủ phải xây cất lại cũng như tẩy uế phóng xạ nơi sinh sống cũ của họ.
Người dân khiếu kiện và các luật sư đang giăng biểu ngữ tại thành phố Chiba đòi hỏi chính quyền và công ty Tepco chịu trách nhiệm về sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 1 (Atsuko Kawaguchi)
Tổng số đơn kiện 1650 gồm 800 nộp tại tòa án huyện (Ken) Fukushima. Những người đầu đơn là dân sống tại Miyagi, Yamagata, Tochigi và Ibaraki khi thảm hoạ xảy ra.
Con số lớn nhất là 822 đơn tại toà án nam-Fukushima của những người dân thành phố Iwaki.
Còn lại là 8 đơn tại tòa án Tokyo do những người đã di tản về Tokyo và đầu đơn tại nơi sinh sống tạm của họ, cũng như 20 đơn tại tòa án huyện Chiba.
Tiếp nối là làn sóng kiện thứ hai của khoảng 140 nạn nhân đã di tản về miền tây nước Nhật, được đầu đơn tại tòa án Osaka và Kyoto (17/09/2013) và toà án Kobe (cuối tháng 9) đòi bồi thường thiệt hại tổng cộng là 1 tỷ ¥en hay 10 triệu US$. Đó là 12 người dân thuộc Minami-Soma, Namie và Tomioka cùng khoảng 130 người dân tỉnh Fukushima, Miyagi và Ibaraki.(2).
Ông Katsutoshi Sato, một người đứng đơn kiện chính phủ Nhật và công ty Tepco, đang trả lời báo chí ngày 26/08 tại Osaka. (Gen Okamoto)
Theo tin chính thức của Cơ quan tái thiết (Fukkō-chō) cho tới ngày 12/08/2013 có tổng cộng 61.355 dân tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate đã rời bỏ nơi sinh sống cũ. Làn sóng người dân đứng đơn kiện chính phủ và Tepco do đó chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng thêm, đòi bồi thường cho những tổn thương tinh thần và tâm lý cũng như thiệt hại vật chất của họ.
Những người dân đã đồng loạt buộc Tepco (3) tội đã gây ra tai nạn nhà máy Điện Hạt Nhân và ban giám đốc điều hành TEPCO có thể sẽ phải ra tòa hình sự vì đã cố tình hạ thấp nguy cơ sóng thần để tránh những khó khăn về mặt xin giấy phép cũng như giảm thiểu chi phí.
Tuy cho tới nay không có trường hợp tử vong do thảm họa nhà máy chính thức được ghi nhận, một báo cáo quốc hội năm ngoái đã kết luận rằng tai nạn Fukushima là kết quả của nền văn hóa "vâng lời phản xạ" Nhật, và đặt nó trong danh mục của những thảm họa nhân tạo, đưa đến việc chính phủ Nhật bị dân kiện vì tội không cung cấp "các biện pháp an toàn đầy đủ" và nhất là vì đã lựa chọn lập trường ủng hộ điện hạt nhân trong chính sách quốc gia của mình.
Mục đích tối thượng của những vụ kiện là gây áp lực buộc chính phủ Nhật phải hòan tòan chấm dứt xử dụng Điện Hạt Nhân để tránh hiểm họa và cấp tốc đẩy mạnh những chương trình năng lượng tái tạo.
Sau những loạt tự tử vì không còn đường thóat của những người nông dân thấp cổ bé miệng khi chính phủ Nhật ra lệnh cấm bán những thực phẩm nhiễm phóng xạ như gạo, sữa, rau, quả....người dân Nhật với dân trí cao đã biết hợp lực để tự bênh vực, và tranh đấu cho sức khỏe, quyền sống của họ và con cháu họ.
Có bao giờ một dân tộc Việt Nam tự nhận là con Rồng cháu Tiên lại có thể có được những quyết định sáng suốt và những hành động trách nhiệm như họ?
Thục Quyên
__________________________________________________________________
(1)http://ajw.asahi.com/article/0311disaster/fukushima/AJ201303120094
(2)http://ajw.asahi.com/article/0311disaster/fukushima/AJ201308270069
(3)http://japandailypress.com/fukushima-victims-file-lawsuit-against-japanese-government-tepco-1224946/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét