Nguyễn đạt Thịnh
Hôm thứ Ba mùng 6 tháng Tám, hãng tin Nhật Kyodo News viết Phi Luật Tân báo động là hải quân chính quy của Trung Cộng đã ra mặt chiếm giữ Biển Đông; vai trò từ trước đến nay vẫn do các lực lượng bán quân sự như Hải Giám, Ngư Chính, đảm trách. Ngày đó, những tầu dân sự của lực lượng này cũng chỉ tuần tiễu mặt biển, lần này hải quân Trung Cộng thiết lập hẳn một vị trí cố định tại vùng Đá Vành Khăn.
Bản thông báo của Phi Luật Tân viết, “Mọi bãi đá, bãi cạn và đảo, kể cả bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong và đá Vành Khăn, đều nằm trong vùng kiểm soát của đồn hải quân Trung Cộng này.”
Theo thông báo của Phi Luật Tân thì trạm kiểm soát Đá Vành Khăn được xây dựng với một quy mô khá lớn, có cột neo tầu, bãi đáp trực thăng, ụ súng phòng không, ụ súng máy, đài radar và các thiết bị liên lạc vệ tinh, như đĩa parabol và ăng-ten song cực, pin mặt trời và thậm chí có cả một sân bóng rổ. Trên bãi đá còn có một tháp quan sát bê tông cao ba tầng. Mọi chi tiết vừa mô tả chỉ vẽ lên một đồn binh bình thường, mặc dù kiến trúc này không những không bình thường mà còn là một lá thư ngỏ thách đố và khiêu chiến.
Trước khi xây trạm kiểm soát Đá Vành Khăn, Trung Cộng đã từng xây dựng vài cơ sở trên đảo Trường Sa, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Xu Bi, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa.
Nhưng việc công khai đóng đồn hải quân trên Biển Đông thể hiện thái độ ra mặt đối phó với chiến lược pivot -chuyển mình về Á Châu-Thái Bình Dương- của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không thể không có phản ứng.
Có thể Tập Cận Bình đang thực hiện chiến lược A2/AD, viết tắt những chữ anti-access/area-denial - Ngăn Ngoại Nhập, Nắm Chặt Nội Tình để kiểm soát vùng Biển Đông và biển Hoa Đông; ngăn ngoại nhập là những biện pháp quân sự nhằm đối phó với chiến lược pivot của Hoa Kỳ đưa quân lực về Á Châu-Thái Bình Dương, và nắm chặt nội tình là chiến thuật vừa ép, vừa đàm, chúng đang áp dụng với Việt Nam, Nhật, và Phi Luật Tân.
Trung Cộng Ngăn Ngoại Nhập bằng hỏa tiễn chống chiến hạm,
và Nắm Chặt Nội Tình bằng tầu hải quân, hải giám, ngư chính.
Đối phó với chiến lược A2/AD là chiến thuật ASB (Air-Sea Battle-Hải Không Phối Hợp), mặc dù Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ phủ nhận là họ không có kế hoạch gì gây chiến với Trung Cộng.
Không tuần nào truyền thông không thảo luận về A2/AD và ASB; ký giả Harry Kazianis, chủ bút tờ The Diplomat viết một bài bình luận về chiến lược A2/AD, dài 10,000 chữ, đăng ngày 19 tháng Bẩy, gây nhiều dư luận khá sôi nổi.
Ông viết, “Nếu chiến thuật ASB được sử dụng chống với chiến lược A2/AD thì thắng lợi sẽ nghiêng về phía nào? Tôi e không bên nào thắng cả. Tuy nhiên cũng cần hoãn câu trả lời để tìm hiểu xem giao tranh diễn ra trong môi trường nào.”
Môi trường đó đang thành hình qua “cái chốt” đóng tại Đá Vành Khăn; lực lượng “chốt” tại đây chỉ là cấpđại đội trừ -dưới 100 người. Đơn vị này lại không có khả năng “bám chốt” như những tiểu đội Việt Cộng chốt trên Quốc Lộ 13 năm 1972, tạo chướng ngại cho những đơn vị thuộc Sư Đoàn 21 từ Chơn Thành tiến vào An Lộc tiếp chiến với Sư Đoàn 5.
Đá Vành Khăn chỉ mang giá trị một tiền đồn, có thể thất thủ bất cứ lúc nào; Phi Luật Tân chỉ cần sử dụng vài phi vụ khu trục phóng pháo để biến chốt Đá Vành Khăn thành một đống đá vụn trên cái nền đá lấp xấp ngập nước hiện nay.
Nhưng những phi vụ do trên dưới một chục phi công Phi Luật Tân thực hiện đó sẽ khai pháo, mở màn một cuộc chiến tranh lớn giữa Trung Cộng với Phi Luật Tân và Hoa Kỳ quốc gia đồng minh với Phi. Nhìn qua góc cạnh này, cuộc chiến có thể trở thành Thế Chiến Thứ Ba.
Nói theo ngôn từ của túc cầu thì sau vụ Trung Cộng xây đồn hải quân trên viền Đá Vành Khăn, “quả bóng đang nằm bên sân Phi Luật Tân -hoặc chính xác hơn nữa, bên sân Mỹ”; cũng hôm thứ Ba mùng 6 tháng Tám, Phi tổ chức lễ tiếp nhận một chiếc tầu cũ 46 tuổi, của cảnh sát biển Hoa Kỳ, và biến nó thành chiến hạm BRP Ramon Alcaraz, để sử dụng như một tầu tuần tra gần bờ.
Tân chiến hạm BRP Ramon Alcaraz được chính phủ Phi Luật Tân trịnh trọng tổ chức đón chào tại Vịnh Subic -một căn cứ hải quân cũ của Mỹ. Trong buổi lễ, Tổng thống Benigno Aquino đọc diễn văn, nó một đất nước chỉ có thể phát triển khi ổn định và hòa bình, để đảm bảo điều đó thì “quốc gia phải xóa đi hình ảnh quân đội trang bị nghèo nàn. Giờ đây tàu BRP Alcaraz đã đến Philippines, chúng ta sẽ tăng cường các cuộc tuần tra trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Con tàu sẽ thúc đẩy khả năng của chúng ta trong việc ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào”- Tổng thống Aquino phát biểu.
Song song với việc võ trang thêm cho Phi Luật Tân, Hoa Kỳ còn giúp Phi trên sinh hoạt kinh tế, nhập cảng thêm nhiều sản phẩm của Phi khiến kinh tế Phi đạt mức phát triển kinh tế mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 7,8% trong quý đầu tiên năm 2013, tốc độ cao nhất châu Á.
Vai trò của Phi Luật Tân tại Biển Đông cũng mới chỉ là một mặt của chiến lược Hoa Kỳ đối phó với chủ trương bành trướng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Cộng; Nhật và cuộc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư là mặt thứ nhì; và vai trò của Việt Nam là mặt thứ 3.
Nhưng chiến lược của Hoa Kỳ tại Á Châu-Thái Bình Dương nó như thế nào? Người Châu Á vui mừng thấy Hoa Kỳ chuyển nỗ lực chính của họ sang Thái Bình Dương, nhưng không ai biết chiến thuật ASB (Air-Sea Battle-Hải Không Phối Hợp) nó như thế nào cả; mọi người chỉ phỏng đoán.
Đã đến lúc chính phủ Obama phải minh bạch phổ biến những điều không cần giữ bí mật về chính sách của họ tại Á Châu-Thái Bình Dương. Thí dụ: thái độ của Hoa Kỳ đối với những đòi hỏi quá đáng của Trung Cộng về chủ quyền Biển Đông. Lập trường Hoa Kỳ không bênh vực phe nào trong cuộc tranh chấp hiện nay cũng giống như lập trường không bênh vực Âu Châu, ngày Đức Quốc Xã tấn công và chiếm đóng gần trọn vẹn châu lục này.
Việc Mỹ võ trang cho hải quân Phi Luật Tân một chiếc tầu Coast Guard cũ đến gần nửa thế kỷ, gần giống như thái độ trung lập của Hoa Kỳ ngày Đức chọc phủng chiến tuyến Maginot của Pháp năm 1939.
Phải lập lại đồn hải quân Đá Vành Khăn là một thái độ khiêu chiến, và lá thư khiêu chiến đó chưa được Bạch Cung trả lời.
Nguyễn đạt Thịnh
Cho mấy quả bom là tan ý mờ. Đợi chúng nó xây lại thì còn lâu... Nhưng T+ khôn thì bố đẻ ra bọn nó còn... khôn hơn. Cứ chờ coi phim hài đi?
Trả lờiXóa