Trần Quang Hạ
Sau bài viết của Ls Lê Hiếu Đằng và Nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, nhà cầm quyền cộng sản tỏ ra bối rối. Việc thành lập đảng phái chính trị để cạnh tranh với đảng cộng sản nhiều người đã làm từ lâu, nhưng kêu gọi đảng viên cộng sản rời bỏ hàng ngũ đứng ra đối lập thì nghe rất mới. Điều nầy chứng tỏ sự chia rẽ nội bộ đã đến mức báo động, nguy cơ tan rã từ bên trong không che dấu được. Dấu hiệu đáng lo ngại cho đảng cộng sản nhưng là tín hiệu tốt cho phong trào dân chủ toàn dân.
Xây dựng xã hội dân chủ cần dựa trên cơ sở đa nguyên, nhưng chấp nhận đa dạng trong hàng ngũ đấu tranh vẫn là một thách thức lớn. Lướt qua những bài viết phản hồi từ sự kiện Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận, dễ dàng thấy hai chiều trái ngược: Phản kích từ báo quốc doanh và sự ủng hộ từ phía những người mong muốn một Việt Nam thay đổi. Đâu đó có những phản hồi không thuận lợi vì quá khứ của hai ông từng hoạt động ở miền Nam trước năm 1975.
Nhà nước độc tài phản ứng gay gắt bởi vì họ sợ hiệu ứng bỏ đảng lan rộng, lung lạc hàng ngũ, dẫn tới sự phá sản hay sụp đổ toàn diện. Ủng hộ có mức độ, dè dặt hoặc phân tích góp ý để rộng đường dư luận thì đã có những phản hồi khá tốt. Nhưng một số bài viết bắt bí cá nhân hai ông mới là điều gây nhiều băn khoăn. Nếu đã chán ngán dàn đồng ca 700 tờ báo nhà nước, thì sự kiện Lê Hiếu Đằng, Hồ Ngọc Nhuận đáng được hoan nghênh như bước đột phá ngoạn mục từ bên trong hàng ngũ cộng sản. Họ càng cộng sản thì sự bứt phá càng mạnh, càng thu hút sự chú ý quần chúng, đặc biệt là những đảng viên không can dự vào quá trình buôn dân bán nước hiện nay.
Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Bùi Tín...chẳng phải là những đảng viên cộng sản (CS) kỳ cựu đã trở thành những người nổi tiếng trong phong trào dân chủ. Không có những người như thế, niềm tin chủ nghĩa cộng sản sụp đổ sẽ còn rất xa vời vì CS thực sự đoàn kết và luôn vững vàng. Ngờ vực và công kích quá khứ của những nhân vật cựu CS là việc làm thiếu cẩn trọng và xét ra không có lợi trong giai đoạn hiện nay - một giai đoạn cần tổng hợp sức mạnh để đương đầu với một đảng cầm quyền có rất nhiều thủ đoạn.
Có ý kiến đòi lời xin lỗi vì hoạt động của hai ông dưới chế độ VNCH. Công bằng mà nói, trong chiến tranh, sự vận dụng mọi phương tiện, hình thức để triệt hạ đối phương là chuyện bình thường. Những đảng viên cộng sản hoạt động công khai ở miền Nam làm rối loạn hậu phương VNCH cũng giống như người lính nhảy toán ra Bắc. Công việc của họ là phá rối hậu phương địch. Giả sử những toán biệt kích hoạt động hiệu quả gây thiệt hại to lớn, chắc không ai đòi Nha Kỹ Thuật phải xin lỗi dân miền Bắc. Như vậy tại sao đòi ông Đằng xin lỗi dân miền Nam trong lúc ông ta chỉ thi hành nhiệm vụ của một người lính?
Nếu nhân danh người dân miền Nam đòi xin lỗi thì có nhiều chổ đòi lắm, không riêng ở ông Đằng ông Nhuận. Trước nhất Mỹ phải xin lỗi vì đã bỏ rơi VNCH, sau đó những tướng lãnh đảo chính 1963 và những tướng lãnh đã bỏ đồng đội chạy trước ngày 30/4/75.
Giả sử ông Đằng nói lời xin lỗi, liệu có tăng tác dụng những bài viết gần đây không? Điều nầy rõ ràng không chắc, ngoại trừ lời xin lỗi của ông sẽ làm hài lòng một số người hiện nay tuổi đã xế bóng. Nhưng ông Đằng không nhằm vào những người nầy. Ông ta tính sổ với đảng CS và nhắn gởi những đồng chí của ông - những người đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu hiện đang bất mãn với chế độ.
Thế giới ảo có thể làm nên những sự kiện thật nhưng thế giới ảo cũng tạo ra những cảm giác ảo. Trong lúc chế độ cầm quyền đang lính quýnh chống trả, thế yếu của họ chưa được khai thác triệt để thì lại có những biểu hiện lệch hướng dựa vào số đông trên không gian ảo từ phía lề dân.
Trong loạt bài viết "Chúng ta phải làm gì?" (DLB) gây cảm giác phấn chấn như thể đoàn người cách mạng sắp sửa kéo vào Hà Nội tiếp quản. Chúng ta ở đây rất đông căn cứ vào hàng trăm comments trong một bài viết - nhưng ảo, còn bộ máy cầm quyền kèm kẹp công an mật vụ kia - mới thật. Cuộc đấu tranh không thể chỉ dựa vào mạng ảo mà cần kết hợp những con người thật trực diện với chế độ đương quyền, trong đó không thể không kể đến những đảng viên đấu tranh từ tư thế rất đặc thù của họ.
Săm soi vào quá khứ vô hình chung đã tạo nên bức tường ngăn cản những người đang hoặc đã từng là đảng viên CS đứng về phía nhân dân tranh đấu. Tệ hơn là đẩy những người nầy về lại phía nhà đương quyền, vừa vinh hoa vừa an toàn không bị ai xúc xiểm. Việc làm nầy cũng tạo tiền lệ không tốt khi đưa ra thông điệp: Muốn đứng vào phía lề dân hả? Hãy lên nhà nguyện xưng tội trước!
Người Buôn Gió lên tiếng: "Phải chăng đất cho những đấu tranh dân chủ đã chật chội?" Đất nhất định không chật, thưa anh Gió, nhưng tại chúng tôi đứng ngồi lộn xộn quá, chẳng ai chịu nghe ai.
Trần Quang Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét