Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Về một mô hình DÂN CHỦ XÃ HỘI

Trương Đình Trung
Nhân trong thời gian gần đây có luồng dư luận đề cập đến vấn đề Dân Chủ Xã Hội, người viết xin được ghi lại sau đây, rất sơ lược, về trường hợp của Thuỵ Điển, một quốc gia vẫn thường được xem là đại biểu của chế độ Dân Chủ Xã Hội ở Bắc Âu, để góp phần gợi mở việc tìm hiểu sâu hơn về hình thái chính trị rất đáng chú ý này.
Chia sẻ bài viết này


Nhân trong thời gian gần đây có luồng dư luận đề cập đến vấn đề Dân Chủ Xã Hội, người viết xin được ghi lại sau đây, rất sơ lược, về trường hợp của Thuỵ Điển, một quốc gia vẫn thường được xem là đại biểu của chế độ Dân Chủ Xã Hội ở Bắc Âu, để góp phần gợi mở việc tìm hiểu sâu hơn về hình thái chính trị rất đáng chú ý này.
Bị chìm khuất do sự đối đầu khốc liệt giữa hai khối Tư Bản-Cộng Sản, hình thái của chế độ Dân Chủ Xã (DCXH) hội tồn tại trong suốt gần một thế kỷ qua ở vài ba quốc gia nhỏ thuộc vùng Scandinavia dường như ít được người Việt Nam, ngay cả giới trí thức, chú ý đến.
Trong ba quốc gia theo chế độ DCXH vùng Scandinavia đó: Norway (Na-Uy), Denmark (Đan Mạch) và Thuỵ Điển (Thuỵ Điển), Thuỵ Điển được xem là đại biểu. Dư luận thế giới từ trước đến nay vẫn xem Thuỵ Điển là mẫu mực của chế độ Dân Chủ Xã Hội, nơi mà thành tựu kinh tế đã kết hợp hài hoà với tự do và bình đẳng xã hội. Trong hơn 70 năm qua, tuy chỉ là một quốc gia nhỏ với dân số chưa đến 9 triệu người, Thuỵ Điển luôn được xếp trong số những nước có vị trí cao nhất trên thế giới trong tất cả các bảng xếp hạng (World indices) về kinh tế (World Bank GDP per Capita), về an sinh, (Human Development Index), về nhân quyền (Freedom House Index), về bình đẳng (Gini Index), về mức trong sạch của chính quyền (Transparency International Corruption Perceptions Index), về tỉ lệ tội phạm (Crime Index for Countries), v.v... Thuỵ Điển và chế độ Dân Chủ Xã Hội, như vậy, thiết nghĩ đáng được tìm hiểu qua cho biết.
Một cách tổng quát, Dân Chủ Xã Hội (DCXH) (Social Democracy) là trào lưu phát khởi hồi cuối thế kỷ 19, đại diện cho quyền lợi chính trị của giai cấp thợ thuyền đang lên vào lúc đó. Phần đông giai cấp này, ở các nước công nghiệp hoá Âu Châu, lúc đầu chịu ảnh hưởng của học thuyết Marxism, nhưng dần dà về sau đã rời bỏ chủ trương đấu tranh giai cấp và giành chính quyền bằng cách mạng bạo lực của học thuyết đó, chuyển qua chủ trương hợp tác giai cấp và giành chính quyền bằng số lượng lá phiếu đông đảo của giai cấp mình. Hai điểm chính yếu trong quan điểm của những người có khuynh hướng DCXH, cũng là điểm khiến họ khác biệt với người Cộng sản, là sự thừa nhận quyền tư hữu và nền kinh tế thị trường. Khác với những lời chỉ trích vẫn thường gán chế độ của Thuỵ Điển nói riêng, và các chế độ DCXH nói chung, là xã hội chủ nghĩa (socialist countries) với ám chỉ rằng trong chế độ đó nhà nước - núp dưới danh nghĩa xã hội - quản lý hết mọi sự, nền kinh tế của Thuỵ Điển về thực chất là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, trong đó phần lớn các phương tiện sản xuất đều thuộc về tư nhân (private ownership of the means of productions), động lực chính của nền kinh tế vẫn là cơ cấu thị trường; chính phủ hay nhà nước chỉ đóng vai trò trọng tài xã hội, và điều tiết nền kinh tế (regulation), chứ không là công cụ chuyên chính của một giai cấp và không hoàn toàn chỉ huy nền kinh tế (planned economy) như trong chế độ cộng sản kiểu Stalinist.
Do thừa nhận sự khác biệt và tồn tại của mọi giai cấp, nhà nước của Thuỵ Điển, tuy chịu ảnh hưởng mạnh của giai cấp công nhân, không là công cụ của giai cấp này để trấn ấp giới chủ nhân và các thành phần khác trong xã hội. Nhà nước Thuỵ Điển, cũng như nhà nước của các nước theo chế độ DCXH, được hình thành trên cơ sở đa đảng, thực hiện vai trò trọng tài để hoá giải những đối kháng về quyền lợi của các giai cấp và thành phần trong xã hội, giúp tạo cơ hội và điều kiện để các bên thương lượng, đạt được những thoả hiệp nhằm phục vụ sự tồn tại và lợi ích chung cho cộng đồng quốc gia. Một thí dụ thể hiện rõ nét về vai trò vừa nói của nhà nước Thuỵ Điển là việc thực hiện chế độ mặc cả tiền lương thống nhất và đồng đều cho công nhân trong từng lãnh vực công nghiệp, trên phạm vi toàn quốc (centralized wage bargaining and wage solidarity). Trong chế độ đó công nhân, hầu hết thuộc về các công đoàn tư, thông qua các đại diện công đoàn được bầu ra, cùng ngồi lại với phiá chủ nhân để thương lượng về bảng tiền lương trong ngành công nghiệp của mình. Mục đích của những thương lượng đó là nhằm đạt đến một hệ thống thang lương công bằng, thống nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng thời kỳ, và đôi bên chủ-thợ đều cùng có lợi. Ở đây việc đạt được mục đích không phải là do vai trò quan trọng của nhà nước mà là do ý thức dân chủ xã hội của mọi thành viên trong hai giai cấp chính yếu: chủ nhân và công nhân.
Điều khiến cho chế độ của Thuỵ Điển trở nên tiêu biểu cho hệ thống DCXH là vai trò Nhà nước Phúc lợi (welfare state) và tỉ trọng lớn của chi tiêu công cộng (public sector) trong tổng GDP của quốc gia (đến gần 50%). Khu vực công, tức nhà nước, thu hút đến 20% tổng lượng lao động . Tuy là một bộ máy khổng lồ, nhà nước Thuỵ Điển không làm công việc vạch kế hoạch kinh tế, nhưng chỉ tập trung thực hiện các chương trình phúc lợi phổ cập cho hầu hết mọi công dân, từ lúc sinh ra cho đến lúc lià đời, với mức độ hết sức rộng rãi. Chẳng hạn như trợ cấp thất nghiệp ở Thuỵ Điển là đến 85% của mức lương và với thời hạn thụ hưởng tới 60 tuần lễ, so với ở Mỹ là 60% mức lương với thời hạn chỉ 26 tuần! Ở Denmark, một quốc gia theo chế độ DCXH khác, thì mức trợ cấp thất nghiệp và thời hạn còn cao hơn nhiều: 80% mức lương và 260 tuần! Thai phụ ở Thuỵ Điển được nghỉ phép 9 tháng với mức trợ cấp bằng 75% tiển lương; trong khi ở Mỹ chỉ được nghỉ 12 tuần không lương. Người về hưu ở Thuỵ Điển được hưởng tiền hưu bằng 61.5% tiền lương của mình; trong khi đó chính phủ Liên Bang Mỹ chỉ trả cho người về hưu bằng 38.7% mức lương!
Nhìn chung thì Thuỵ Điển để ra đến 29% GDP cho chi tiêu phúc lợi; trong khi Mỹ chỉ bỏ ra chừng 16% cho những chi tiêu đó. Điều đáng lưu ý ở đây là mức đánh thuế lợi tức ở Thuỵ Điển lại cao hơn ở Mỹ rất nhiều. Nói cách khác vấn đề chính yếu ở đây không phải là mức chi tiêu nhiều hay ít của mỗi chính quyền cho các chương trình phúc lợi xã hội, mà là ở phương cách tổ chức để tài trợ cho các chương trình đó. Ở Mỹ, chính quyền can thiệp ít và để cho cơ cấu thị trường chi phối các lãnh vực phúc lợi của công dân: giữ trẻ, nghỉ hộ sản, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tiền về hưu, v.v... Trong khi đó ở Thuỵ Điển và các nước DCXH khác, chính quyền can thiệp sâu hơn, thông qua mức đánh thuế cao, vào các lãnh vực đó của công dân. Sự khác biệt đó giữa hai quốc gia Mỹ-Thuỵ Điển, trong vai trò của nhà nước đối với vấn đề phúc lợi xã hội, có nguồn gốc trong sự khác nhau về quan điểm đối với vai trò của thị trường và với mối tương quan cá nhân-xã hội.
Vắn tắt thì người Mỹ đề cao vai trò của thị trường, đồng nhất thị trường với chế độ tư bản. Người Mỹ cũng đồng thời đề cao, có vẻ hơi quá mức, quyền tự do cá nhân. Trong khi đó người Thuỵ Điển cho rằng thị trường chỉ có vai trò giới hạn, họ ngay cả còn cho rằng có sự khác nhau giữa thị trường với chế độ tư bản. Họ viết: "The market economy is a system of distribution where goods and services change owners with money as the medium of exchange. Capitalism is a power system with a return on capital as the dominant norm." (Kinh tế thị trường là một hệ thống phân phối trong đó hàng hoá và dịch vụ sang tay thông qua phương tiện trung gian trao đổi là tiền tệ. Còn chủ nghĩa tư bản là một hệ thống quyền lực theo đó việc thu lợi nhuận từ vốn bỏ ra là chuẩn mực thống soái.) Sự phân biệt như vậy dẫn đến hệ quả là người Thuỵ Điển, trong khi xử dụng cơ cấu kinh tế thị trường, không quên lưu tâm đến việc hạn chế mặt tiêu cực của người anh em song sinh của nó là chủ nghĩa tư bản. Nói cách khác, người Thuỵ Điển đã chọn một giải pháp dung hoà giữa hai khuynh hướng đối nghịch: Marxist và Capitalist, để giải đáp cho bài toán kinh tế-chính trị của đất nước mình.
Giải pháp đó phần nào cũng bắt nguồn từ quan điểm về mối tương quan cá nhân-xã hội. Trong khi người Mỹ đề cao một cách thái quá quyền của cá nhân, từ đó hạ thấp, hay tìm cách giới hạn đến mức tối thiểu quyền lực của nhà nước, thì người Thuỵ Điển lại nghĩ khác. Họ cho rằng cần phải có một sự cân bằng giữa cá nhân và xã hội, vì đó là một quan hệ hỗ tương, vì con người là một "social creature" (tạo vật xã hội), phát triển và lớn lên trong sự hợp tác với người khác. Cũng từ đó họ cho rằng lợi ích chung, hay lợi ích cộng đồng, đòi hỏi sự đoàn kết giữa các cá nhân với nhau mà không loại trừ sự phát triển và thành công của cá nhân. Người Thuỵ Điển, nhất là những đảng viên của đảng DCXH, khẳng định lý tưởng của họ là một nền dân chủ cho toàn xã hội xét như một tổng thể, không có sự phân biệt giai cấp, phái tính hay chủng tộc. Quan điểm như vậy, người Thuỵ Điển nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà nước đối với xã hội, đối với việc điều hoà quyền lợi của các giai cấp, tái phân phối lợi tức thông qua chính sách thuế và phúc lợi , và nhất là trong việc giảm thiểu sự bất bình đẳng kinh tế giữa các công dân tạo ra do cơ cấu thị trường. Về mặt giảm sự bất bình đẳng kinh tế (inequality), chỉ số Gini co-efficient Index cho thấy rằng Thuỵ Điển đã tỏ ra tốt hơn so với Mỹ và với nhiều quốc gia khác trên thế giới: Mỹ là 45, còn Thuỵ Điển là 23. (Chỉ số Gini tính từ 1 đến 100, chỉ số càng nhỏ thì mức bất bình đằng càng thấp và ngược lại). Mức bất bình đẳng của Mỹ là 45 gần ngang với Trung Quốc, Nga và nhiều nước kém phát triển khác, và cao nhất trong khối OECD).
Quốc giaHoa KỳThụy Điển
Dân số:307,200,0009,100,000
Tử suất trẻ sơ sinh:6.22 / 10002.75 / 1000
Tuổi thọ:78.180.9
Tỉ lệ biết đọc, viết:99.0%99%
GDP theo đầu người:$46,400$36,800
Lượng lao động phân bố:- Nông nghiệp: 0.6%
- Công nghiệp: 22.6%
- Dịch vụ: 76.8%
- Nông nghiệp: 1.1%
- Công nghiệp: 28.2%
- Dịch vụ: 70.7%
Về mặt lịch sử, Thụy Điển vốn là một vương quốc, bước vào giai đoạn công nghiệp hoá chậm so với các quốc gia Âu Châu khác, bắt đầu từ những năm 1880s, nhưng đã tiến rất nhanh. Chỉ trong khoảng từ 1870-1914 lượng sản phẩm chế tạo tăng hơn 20 lần và lực lượng lao động công nghiệp tăng gấp 4 lần; trong khi đó lượng nông dân giảm từ 3/4 cuống còn 1/2 và từ đó giảm nhanh hơn. Cùng với sự công nghiệp hoá nhanh là sự phát triển của giai cấp công nhân; có thể nói giai cấp này phát triển mạnh, nhanh, và có tổ chức nhất ở Âu Châu vào thời đó. Song song theo đó là sự thay đổi chính trị, chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến với chế độ nghị viện (parliamentary system) vào cuối thập niên 1910s.
Trên phương diện chính trị, Thuỵ Điển được ông Arend Lijhart, một nhà chính trị học nổi tiếng, xem là tiêu biểu của nền "Consensual Democracy" (Dân chủ Đồng thuận) trong đó các định chế chính trị đề cao sự bao dung, thương lượng và thoả hiệp (inclusiveness, bargain, and compromise). Thuỵ Điển chủ trương rằng việc cai trị của nhà nước đặt trên nguyên tắc chỉa sẻ quyền lực (governing requires sharing power), và xem chính quyền liên hiệp như là một chuẩn mực sinh hoạt chính trị bình thường, ở đó ngay cả một chính đảng mạnh nhất, chiếm được đa số trong nghị trường vẫn phải nhận được sự ủng hộ của các chính đảng, các lực lượng khác trong xã hội, để thực thi chính sách của mình. Sự đồng thuận thể hiện ngay trong quá trình vạch chính sách, trong đó mọi đảng phái, mọi tổ chức xã hội đại diện các khuynh hướng khác nhau được mời gọi tham gia, đóng góp ý kiến vào trong mọi giai đoạn của quá trình hình thành các đạo luật và chính sách của quốc gia, từ dự thảo cho đến lúc ban hành và giai đoạn thử thách trên thực tế.
Để thực hiện sự tham gia chính trị rộng rãi vừa nói, Thuỵ Điển áp dụng nguyên tắc tuyển cử đại diện tỉ lệ (proportional representation electoral rules), theo đó các chính đảng chiếm số ghế tỉ lệ với số phiếu dành cho mình. (Nguyên tắc tuyển cử khác là nguyên tắc đa số (Plurality): ứng viên có phiếu bầu nhiều nhất chiếm ghế). Ở Thuỵ Điển, những đảng phái nhỏ, dù chỉ thu được một lượng cử tri khiêm tốn và chỉ đại diện cho quan điểm của một thiểu số, nếu chiếm được tối thiểu (threshold) là 4% tổng số số phiếu hợp lệ toàn quốc vẫn chiếm được một số ghế tương xứng trong quốc hội (Riksdag). Số ghế trong quốc hội như vậy được phân bổ cho các chính đảng tuỳ theo tỉ lệ phiếu bầu cho mỗi đảng. Công dân Thuỵ Điển, khi đi bầu, có thể chọn bầu chung cho một đảng, hay bầu đích danh cho từng ứng viên của mỗi đảng.
Chính đảng mạnh nhất và có lịch sử lâu dài nhất của Thuỵ Điển là đảng Dân Chủ Xã Hội (The Swedish Social Democratic Party, SAP), lập ra năm 1889. Trong những thập niên đầu, đảng này tỏ ra có khuynh hướng Marxist, và không gây được ảnh hưởng chính trị lớn. Mải đến cuối thập niên 1910s SAP xa rời dần quan điểm Marxist-Leninist, và bắt đầu có ảnh hưởng mạnh hơn, rồi về sau kể từ sau 1945 cho đến 1976, suốt một thời gia khá dài, SAP trở nên chính đảng thường xuyên có đa số đáng kể ở quốc hội, là đảng nòng cốt trong các liên minh thành lập chính phủ. Vắn tắt thì SAP không phải là một đảng cách mạng Marxist, mà chỉ là một chính đảng nghị trường. Đến đầu thập niên 1970s, do ảnh hưởng cuả cuộc khủng hoảng dầu hoả thế giới, Thuỵ Điển hứng chịu mức độ lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp cao, các chính sách phúc lợi nhà nước của SAP tỏ ra bất lợi cho xã hội, uy tín của Đảng sa sút, mất sự ủng hộ của cử tri và cuối cùng bị loại trong cuộc tuyển cử năm 1976. Mải đến năm 1982 SAP, với những chủ trương mới về phúc lợi nhà nước, mới phục hồi được vai trò thống lãnh trước kia của mình. Sự thăng trầm của SAP là kinh nghiệm đáng chú ý về tính uyển chuyển và năng động của một chính đảng nghị trường trong chế độ dân chủ, đồng thời cũng là thước đo tình hình sinh hoạt chính trị của Thụy Điển, cả về đối nội lẫn tương quan với bên ngoài.
Sau cùng, sự thành công của Thuỵ Điển với chế độ DCXH, bắt nguồn sâu ở các đặc điểm văn hoá của dân tộc Thuỵ Điển. Nhiều tác giả cho rằng văn hoá chính trị (political culture) của nước này là một hỗn hợp đầy mâu thuẫn, trong đó chủ nghĩa cá nhân và sự tôn trọng nhà nước (individualism and statism) đã không những không loại trừ mà còn bổ sung cho nhau. Trước khi công nghiệp ra đời và phát triển mạnh, nông dân chiếm tuyệt đại đa số. Nhưng khác với nông dân nhiều quốc gia khác, như Nga chẳng hạn, đa số nông dân Thụy Điển trong quá khứ, do đất rộng, người ít, không hề bị nạn nông nô và là những nông dân độc lập. Điều kiện đó khiến nông dân Thuỵ Điển dễ có truyền thống thiên về cá nhân chủ nghĩa. Người Thuỵ Điển hiện đại, do đó xem chủ nghĩa cá nhân, dân chủ và tự do là những giá trị bẩm sinh của con người. Nhưng đồng thời họ cũng đề cao quan hệ xã hội và tin rằng nhà nước là cơ cấu cần thiết để duy trì quan hệ đó như môi trường giúp bảo vệ và phát triển cho cá nhân. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa người Thụy Điển và người Mỹ; phần đông người Mỹ luôn nhìn nhà nước với ánh mắt hoài nghi và tìm cách hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào đời sống công dân. Đặc điểm khác là người Thuỵ Điển trọng sự bình đẳng; chẳng hạn họ thấy khó chấp nhận trước mức lương chênh lệch quá xa giữa người làm công ăn lương với nhau. Nhiều thăm dò cho thấy rằng người Thuỵ Điển chỉ chấp nhận mức chênh lệch gấp hai lần rưỡi giữa mức lương cao nhất và mức thấp nhất; trong khi đó người Mỹ và nhiều người Âu Châu khác sẳn sàng chấp nhận mức chênh lệch gấp 5, 7 lần như vậy, và xem mức chênh lệch lớn của lương bỗng là điều bình thường.
Ngoài ra, người Thụy Điển trọng óc thực dụng và sự đồng thuận. Đặc điểm văn hoá này khiến người Thuỵ Điển ít có khuynh hướng cuồng tín ý thức hệ, tỏ ra cởi mở, bao dung và sẳn sàng thỏa hiệp cho mục tiêu chung. Giới quan sát quốc tế cũng nhận ra rằng người Thụy Điển đối xử với nhau với mức tin cậy rất cao, có người gọi Thuỵ Điển là một "high-trust society" trong đó công dân tin tưởng lẫn nhau và tin tưởng vào nhà nước của mình; không tìm cách, chẳng hạn khai man lợi tức để hưởng phúc lợi hoặc trốn thuế. Đặc điểm nữa là người Thuỵ Điển rất quảng giao, có khuynh hướng giao tiếp mạnh. Một người Thuỵ Điển trung bình tham gia ít nhất là vài ba hội đoàn xã hội, nhất là vào các tổ chức thiện nguyện (Voluntary organizations). Số liệu cho thấy là mạng lưới thiện nguyện ở Thụy Điển là lớn và rộng khắp nhất so với nhiều quốc gia Tây Phương khác. Sự tin cậy giữa các thành viên trong cộng đồng dân tộc dành cho nhau và mối quan hệ xã hội rộng rãi của các công dân là điều mà các nhà chính trị học ngày nay xem là Social Captial (Vốn liếng xã hội); một yếu tố văn hoá nòng cốt giúp định hình những nét đặc trưng và tạo ra sức sống cho nền dân chủ của một quốc gia. Sự thất bại, hoặc trì trệ của nền dân chủ tại nhiều quốc gia Á-Phi và Mỹ Latin chính là do sự thiếu vắng yếu tố quan trọng này.
Tóm lại, đúng là có vài mô hình Dân Chủ Xã Hội trên thế giới, và một trong số đó là Thuỵ Điển, một quốc gia tuy dân số ít, nhưng đã trở nên thịnh vượng trong suốt một thời gian dài, đáng cho người Việt chúng ta tìm hiểu và suy ngẫm hầu rút ra cho mình những bài học bổ ích trong sự nghiệp kiến thiết đất nước. Điều dễ nhận ra trước nhất là dường như thế hệ những nhà lãnh đạo VN của những thập niên 1930s-40s đã không hề chú ý gì đến mô hình DCXH của các quốc gia Scandinavian, mà chỉ vội vàng vồ vập lấy chủ nghĩa Marxism-Leninism như là kinh thánh cho mình. Quá vội vàng đến độ họ không kịp nhìn ra khắp thế giới, để nhận ra rằng ngay những dân tộc ở gần cái nôi của chủ nghĩa ấy như người Thuỵ Điển, và nhiều dân tộc Âu Châu khác, cũng đã không đánh giá họ thuyết Marxism cao như người Việt chúng ta, đã không dễ dàng để cho học thuyết ấy mê hoặc đến độ trở nên mù quáng và cuồng tín. Thuỵ Điển, và nhiều quốc gia khác, đã không cần phải truất hữu giai cấp hữu sản bằng bạo lực, nông dân không cần phải đấu tố địa chủ, cũng không cần phải lập nền chuyên chính vô sản, và cũng không cần phải công hữu tư liệu sản xuất, nhưng vẫn bảo vệ được quyền lợi của giai cấp công nông và nâng cao mức sống của họ, vẫn có công nghiệp phát triễn cao, vẫn thực thi được công bằng xã hội, và đưa đất nước đi lên. Họ đã đạt được những thành tựu như vậy mà vẫn giữ được sự đoàn kết dân tộc và duy trì được truyền thống riêng.
Trình bày như trên không có nghĩa rằng Thuỵ Điển là một mô hình tuyệt hảo. Trái lại khi tìm hiểu về Thụy Điển nói riêng và các nước vùng Scandinavian nói chung, thiển nghĩ chúng ta cũng nên đặt mô hình ấy vào trong bức tranh chung của thế giới để tiện xác định được vị trí của nó giữa nhiều hình thái chính trị khác nhau, đồng thời nhận ra được tính cách tương đối của mô hình. Hiện nay mô hình DCXH của Thuỵ Điển, và của các nước vùng Scandinavian, được một số nhà chính trị học xếp vào nhóm các quốc gia phát triển và là xã hội tốt (good societies), căn cứ vào ít nhất 4 yếu tố: An toàn (safety), Vật chất đầy đủ (Physical needs), Giáo dục tốt (well-informed), và hưởng đầy đủ các Nhân quyền và Dân quyền căn bản (rights). Viết tắt của bốn yếu tố đó theo Anh ngữ là SPIR. Nhóm các quốc gia phát triển và xã hội tốt này lại được phân ra ba nhóm nhỏ. Thụy Điển và các nước Scandinavian thuộc về nhóm DCXH. Nhóm thứ hai được gọi là nhóm Extreme Market Domocracy gồm Mỹ, Canada và Ireland. Nhóm thứ ba là nhóm Christian Democracy gồm Áo, Bỉ, Hoà Lan và Đức. Sự phân loại như vậy cho thấy rằng việc có một định nghĩa chung, được mọi người cùng thừa nhận, về dân chủ không phải là điều đơn giản. Việc chọn lưạ mô hình chính trị thích hợp lại càng phức tạp trăm lần.
Mục đích của bài viết, do đó, chỉ là cung cấp chút ít thông tin và gợi mở sự tìm tòi, ngoài ra không gì khác hơn.

TRƯƠNG Đ. TRUNG.
- Eric Einhorn and John Logue, " Lesson from Scandinavia", Political Science Quarterly (Spring 2010), Vol. 125, No. 1, p.9.
- Arend Lijhard, Pattern of Democracy.
- Bo Rothstein, Social Capital in the Social Democratic State.
- Alan Draper and Ansil Ramsay, The Good Society.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét