Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Ai sai lầm, lệch lạc: Lê Hiếu Đằng hay Linh Nghĩa?

Huỳnh Phan
Chia sẻ bài viết này


Trên báo Công an nhân Dân ngày 24/8/2013 có đăng bài ‘Nhiều sai lầm, lệch lạc trong bài viết trên giường bệnh của ông Lê Hiếu Đằng’ của tác giả Linh Nghĩa. Qua bài báo, không thấy tác giả vạch ra được chỗ sai lầm, lệch lạc thật sự nào trong bài viết của ông Lê HIếu Đằng mà chỉ thấy nhiều lệch lạc sai lầm của chính tác giả, xin được nêu những điểm chính như sau.
Ngay phần mở đầu bài viết tác giả đã cho thấy sự lệch lạc của mình khi cho rằng khi đọc phần đặt vấn đề của bài viết ông Lê Hiếu Đằng với câu ‘ …“tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới’ thì ‘người đọc ngỡ ngàng rằng sắp có vụ thanh toán nhau của các băng nhóm tội phạm!’ Có lẽ do tác giả có kĩ năng đọc hiểu tiếng Việt quá kém hoặc là do bị ảnh hưởng của các chủ đề thường ngày trên các báo nhất ‘lề phải’, nhất là báo Công An, là ‘cướp, giết, hiếp’, một nét ‘ưu việt’ của xã hội ta, nên mới hiểu một câu trong ngữ cảnh về chuyện lớn lao của đời người ra chuyện hèn mọn, phi pháp. Một người với vốn tiếng Việt trung bình không ai lại hiểu như thế. Tiếp theo, tác giả lại chê bai bài viết là dài, kể lể, đọc sốt cả ruột… là những thứ thuộc về hình thức chẳng có liên quan gì tới việc sơ sót, lệch lạc về nội dung của nó. Rõ ràng hai điều này chỉ nhằm mục đích bêu rếu cá nhân hơn là phê phán nội dung bài viết nhưng có vẻ chỉ tác dụng ngược lại cho tác giả.
Bây giờ xin đi vào phần chính của bài viết nhưng chỉ xin điểm qua một số lập luận ‘mới’ của tác giả so với những bài đã đăng cùng chủ đề.
Trước nhất, khi đọc phần 1 của bài viết LHĐ tác giả đã ‘khái quát’ là ông LHĐ đã ‘phủ nhận mọi thành quả của cách mạng VN, đồng thời ca ngợi, [sic] chế độ cũ’. Tác giả không nêu ra được dẫn chứng nào cho việc ông LHĐ ‘phủ nhận mọi thành quả của cách mạng VN’, còn về ‘ca ngợi chế độ cũ’ tác giả dẫn chứng việc ông LHĐ nhắc lại vụ ông bị chính quyền cũ bắt giam nhưng vẫn cho ông ra đi thi. Ở đây ông Đằng chỉ nêu ra một việc có thật (có thể kiểm chứng được) từ kinh nghiệm của chính bản thân để cho thấy rằng chế độ hiện nay còn có điều chưa tốt so với chế độ cũ. Có lẽ theo quan niệm của tác giả, hễ là đã xem ai là ‘địch’ thì dù họ có ưu điểm, thế mạnh gì thì cũng không được phép nói ra và nếu nói ra sẽ là ca ngợi địch!
Thứ hai, để phản biện phần ‘đa nguyên, đa đảng’ tác giả nêu ra câu hỏi ‘Vì sao dưới chế độ kinh tế “đa nguyên” thời Mỹ và tay sai ở miền Nam, người ta đã ra Đạo luật 10/59, “bắn bỏ tất cả bọn Cộng sản”, không cần xét xử?’ Hình như tác giả còn nhỏ tuổi nên không nắm được sự kiện hoặc thiếu tra cứu nên đã phạm sai sót khi viết điều này. Trước nhất, luật 10/59 được ra khi VNCH đã đặt trong tình trạng chiến tranh và thứ hai là luật này quy định việc lập ra các Toà án quân sự để xét xử nhanh ‘các tội ác chiến tranh chống lại Việt Nam Cộng Hòa’. Như vậy, đây là một luật trong thời chiến và người phạm tội có qua xét xử của Toà án [quân sự], dù có thể qua loa, chiếu lệ nhưng không phải không cần xét xử như tác giả viết sai. Và lưu ý rằng lúc đó ở miền Nam ‘bọn Cộng sản’ là một tổ chức có vũ trang, tuy chưa đủ sức thực hiện việc lật đổ chế độ VNCH nhưng cũng có các hoạt động ám sát, phá hoại mà theo quan điểm của nhà cầm quyền VNCH thì ít ra đó cũng là một tổ chức khủng bố, phiến loạn chứ không phải là một tổ chức chính trị đấu tranh qua nghị trường. Vì thế, người CS dĩ nhiên bị đặt ngoài vòng pháp luật, và do đó không thể coi là một đảng phái hợp pháp trong hệ thống đa đảng của VNCH như các đảng Đại Việt, VNQDĐ… Tác giả có lẽ quên rằng trong bất cứ chế độ nào, dù đa đảng hay không, việc lật đổ chính quyền bằng bạo lực đều không thể chấp nhận. Vì vậy, câu hỏi tác giả đưa ra như trên chẳng có giá trị gì trong phản bác mà lại cho thấy tác giả là người vừa kém hiểu biết vừa thiếu óc suy xét.
Ngoài ra, trong phần này tác giả cũng phê phán ông Đằng là ‘thách thức pháp luật và kêu gọi xóa bỏ chế độ hiện hữu, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.’ Để chứng minh cho luận điểm này tác giả đưa ra trích dẫn “[v]ậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội… Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng, chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? … Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa… Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay.’’ Nếu không có vấn đề về đọc hiểu thì qua đoạn trích dẫn này (ngay cả khi tác giả đã cố ý gian lận bỏ bớt ý cũng rất quan trọng ‘[m]à nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm’) ai cũng có thể thấy ông Đằng chỉ đề xuất thành lập đảng mới dựa theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành của chế độ (dù tính chất ‘của dân, do dân, vì dân’ của chế độ này còn phải xét lại). Chưa có văn bản pháp lí nào cấm thì người dân được phép làm, đó là nguyên tắc không có gì là thách thức ở đây. Và trong bài cũng hoàn toàn không thấy chỗ nào ông Đằng ‘kêu gọi xoá bỏ chế độ hiện hữu’. Về ‘kêu gọi xoá bỏ …. vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam’ cũng thế, ý ông Đằng trong bài chỉ muốn đảng CS phải phấn đấu cạnh tranh với các đảng phái khác, nếu có, để giành quyền lãnh đạo một cách chính danh chứ không phải tự nhân danh hay đúng ra mạo danh như hiện nay thôi (mấy bài phản biện trên báo QĐND, ND, ĐĐK vừa qua cũng chỉ nói lấy được chứ chẳng nêu ra được bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo này). Nhưng cũng lưu ý rằng với Hiến pháp và pháp luật hiện tại, ngay cả khi có đảng hay nhiều đảng mới ông Đằng cũng cho rằng đảng CSVN vẫn có khả năng lãnh đạo cho tới một tương lai không ngắn. Nếu vào một lúc nào đó đảng CS mất vai trò lãnh đạo chủ yếu chỉ là do tự đảng phấn đấu kém nên nhân dân không chọn lựa, chứ không ai lật đổ cả. Ngoài ra, tác giả cũng có nhắc nhở ông Đằng ‘pháp luật Việt Nam quy định rằng mọi tổ chức chính trị xã hội đều phải đăng ký, xin phép Nhà nước, kể cả các tôn giáo’. Có lẽ tác giả nên nhắc nhở điều này đối với đảng CS của tác giả trước. Đảng này chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền nhưng đã và đang hoạt động theo mặc định như thời chiến tranh, chẳng theo khuôn khổ pháp lí nào cả và do đó cũng không có việc đăng kí. Thật ra, theo nghiên cứu của luật sư Trần Vũ Hải thì không có luật pháp hiện hành nào của VN có quy định việc thành lập đảng chính trị phải được sự cho phép hay công nhận từ nhà nước. Hơn nữa, qua bài ông Đằng cũng không có ý nào là không tuân thủ các quy định, luật lệ đang có của chế độ.
Thứ ba, để bác bỏ lời phê phán ông Đằng về thái độ của đảng CS và Chính phủ trong vấn đề biển Đông, tác giả lập luận ‘phải hiểu được Việt Nam cần có một chiến lược thông minh, kết hợp sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm” mới có thể bảo vệ được lãnh hải của mình. Chẳng lẽ Việt Nam mua tàu ngầm Kilo, máy bay SU 30, tên lửa S.300 là trò chơi ảo trên mạng!’ Sức mạnh ‘cứng’, sức mạnh mềm là gì trong khi TQ bắt bớ, đánh đập ngư dân ta đánh cá ngay trong vùng biển truyền thống, đơn phương cấm bắt đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền VN, chiếm đóng, xây dựng phi pháp trên đảo của VN… mà chính phủ vẫn làm ngơ hay chỉ phản đối chiếu lệ, còn khi dân chúng thể hiện lòng yêu nước qua việc biểu tình ôn hoà lại bị đàn áp không thương tiếc. Đó có phải là ‘hèn với giặc, ác với dân’ không? Tàu ngầm, máy bay, tên lửa sẽ chẳng là gì khi nhân dân không đồng lòng cùng chính quyền chống giặc như lịch sử cho thấy, chưa kể việc mua sắm các trang bị này có thể chỉ là cách hợp pháp để cho các tay to, mặt lớn của đảng có dịp ‘phết phẩy’ kinh phí quốc phòng vào túi riêng.
Thứ tư, trong nội dung chính cuối cùng tác giả tóm tắt phần cuối bài viết của ông Đằng ‘trong đoạn này, LHĐ kể về “bản lĩnh” của bản thân và những sai lầm khuyết điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều giai đoạn đã qua. Đồng thời chép lại những “khuôn mẫu” của thể chế “đa nguyên”, “tam quyền phân lập” đầy rẫy trên mạng ai cũng biết.’ Đây là một tóm tắt khá mập mờ, nhất là cách dùng từ ‘đồng thời’ khiến người đọc có thể hiểu tác giả ngầm chấp nhận những điều mà ông Đằng viết trong đoạn này, kể cả những sai lầm, khuyết điểm của đảng CSVN! Sau đó, tác giả dẫn “Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (theo ngôn ngữ của Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu)…” và phán ‘[đ]áng tiếc LHĐ lại nhận thức về tự do của thời kỳ tiền sử – xin lỗi có thể nhận định này hơi quá đáng! Đặc trưng của con người, của loài người không chỉ ở, không chủ yếu ở cái gọi là “tự do” như LHĐ nói mà chính là ở ý thức về mối quan hệ cá nhân với tổ chức xã hội, với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng của mình.’ Đọc kĩ phần trích dẫn và đọc suốt đoạn này cũng như cả bài của ông Đằng, khó ai có thể hiểu được tác giả lấy từ chi tiết nào để phán ‘LHĐ lại nhận thức về tự do của thời kỳ tiền sử‘ hoặc ông Đằng không ý thức ‘về mối quan hệ cá nhân với tổ chức xã hội, với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng của mình’. Rõ ràng tác giả chỉ nói lấy được mà thôi.
Phải nói đây là một bài phản biện hết sức ‘củ chuối’ về nội dung. Về mặt hình thức, bài viết cũng không khá gì hơn. Tác giả và ban biên tập tập báo để những lỗi hết sức ngớ ngẩn và sơ đẳng về chính tả, dùng từ… chẳng hạn để/ không để dấu câu đúng chỗ, dùng từ ngọng ‘tựu chung’ thay vì từ đúng ‘tựu trung’, thậm chí lại dùng cả từ tiếng Anh từ ‘Mr’ thay vì ‘ông’ trong bài báo tiếng Việt này…
Có lẽ trước thực tế ‘bầy hầy‘ của chế độ hiện tại khó ai có thể đưa ra một phản biện logic, thuyết phục ngoài việc nguỵ biện hoặc nói lấy được nên các giáo sư, tiến sĩ lí luận của đảng dù ăn bổng lộc bao năm nay đã không dám mở miệng phản bác vì sợ ô danh hay lo có hệ luỵ tương lai. Vì thế, các báo lớn không có cách nào khác hơn là tìm những kẻ vô danh, tiểu tốt, ‘chịu đấm ăn xôi’, chẳng biết ‘trời cao đất dày’ là gì để làm chuyện phản biện ‘chữa cháy’ vượt quá khả năng của họ.
H.P.
(* Những chỗ nhấn mạnh trong cách trích dẫn là do người viết thêm vào)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét