Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Thấy gì qua 258?

Thấy gì qua 258?

Lưu Gia Lạc - Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại, gần đây thôi, bắt đầu từ hoa cải Cống Rộc Tiên Lãng, đến Văn Giang, Dương Nội, Vụ Bản... rồi tuyệt thực của luật sư Cù Huy Hà Vũ, anh Điếu Cày, rồi với 2 bạn trẻ Phương Uyên và Nguyên Kha... kể thì không hết, nhưng tất thảy người dân đều lên tiếng, thậm chí các bậc nhân sỹ trí thức lên tiếng bằng cách gửi thư ngỏ, đến kiến nghị, thậm chí cả yêu cầu...

Tất thảy đều nhận được sự im lặng một cách vô văn hóa từ những nơi gửi tới, thế nên đến lúc sự kiện 258 diễn ra lẽ dĩ nhiên chẳng ai còn muốn gửi, muốn ngỏ, muốn thưa. Người ta đã chán ngấy cái cảnh phải gửi đến những nơi không có văn hóa ấy nên người ta chọn cách thông báo và sẵn sàng đón chờ sự phản ứng của nhà cầm quyền, của các bậc chức sắc nhà nước.

Tại sao tuyên bố 258 lại được đưa đến các đại sứ quán các nước dân chủ, tươi đẹp chỉ bằng 1 phần vạn lần xứ ta? Và tuyên bố ấy được các đại sứ quán đó đón nhận một cách trân trọng và cảm thông chia sẻ ( thể hiện ở cách đón tiếp và tiễn đưa ), chắc họ cảm thấy tự hào vì tuyên bố 258 của các đại diện Blogger Việt Nam đựa đưa đến, họ cảm thấy họ được tôn trọng và tin tưởng, có lẽ họ cảm thấy rất hạnh phúc và hãnh diện vì điều đó và ngược lại chính nhà cầm quyền Việt Nam - nơi đẻ ra cái 258 quái gở kia phải cảm thấy nhục nhã và hổ thẹn vì điều này, rất có thể cũng từ điều nhục nhã và hổ thẹn ấy họ đã không làm quá đến độ bắt bớ, hay hành hung những con người dũng cảm đi cùng với tuyên bố 258 kia, nhưng lặng im thì chắc họ không thể... và mọi thứ diễn ra như chúng ta đã biết: sách nhiễu, ngăn cản, rình rập, dọa dẫm... 

Hôm nay 5 người phụ nữ đã đến đại sứ quán Đức trao tuyên bố 258, chúng ta thấy những nhân viên đại sứ quán này đã quan tâm như thế nào, cử xử ra sao, từng động tác nhỏ nhặt nhất, từ đón, đến đưa chứng tở họ rất hiểu những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam, phải nói họ đã hiểu đến từng chân tơ kẽ tóc khi họ đã ra tận đường để đón đoàn và cho xe đưa đoàn ra về. 

Mọi sự đang đến rất gần với xã hội dân sự và sự mất điểm quá nhiều của nhà cầm quyền trong con mắt giới chức nước ngoài, điều đó càng cho thấy đoạn cuối của đường hầm xã hội chủ nghĩa càng ngắn lại. 

Ngắn đến đâu?




Blogger Hư Vô trả lời phỏng vấn VOA về Blogger VN trao Tuyên bố phản đối điều luật 258 cho đại sứ quán Đức

Trà Mi (VOA) - Cuộc quốc tế vận phản đối điều luật 258 do Mạng lưới Blogger Việt Nam khởi xướng tiếp tục lan rộng với chặng chừng dân tại đại sứ quán Đức hôm nay. 

Bất chấp các nỗ lực ngăn cản của an ninh, 5 đại diện của Mạng lưới Blogger Việt sáng ngày 28/8 có buổi gặp với giới chức tòa đại sứ Đức ở Hà Nội, trao Tuyên Bố 258 kêu gọi thế giới tăng cường áp lực buộc nhà nước Việt Nam hủy bỏ điều luật trong Bộ luật Hình sự quy định tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.

Ông Felix Schwarz, đại diện Đại sứ quán Đức và blogger Hư Vô 

Cô Đào Trang Loan, tức blogger Hư Vô, một thành viên trong nhóm, nói với VOA Việt ngữ:

“Sáng nay khi chúng tôi tập trung đi đến đại sứ quán Đức, xung quanh đại sứ quán rất nhiều an ninh mật vụ rải rác ở công viên Trần Phú đối diện. Có một số blogger đã bị chặn ngay tại nhà. Blogger Nguyễn Đình Hà bị chặn ngay trước cổng không cho ra khỏi nhà và Nguyễn Chí Đức bị mời lên công an phường làm việc, mới được thả về khoảng 5 giờ chiều nay.”

Tin tức phổ biến trên các trang mạng xã hội nói cuộc gặp giữa các nữ blogger gồm Phương Bích, Sông Quê, Lan Lê, An Đổ Nguyễn, và Hư Vô với ông Felix Schwarz, tham tán chính trị, và ông Jonas Koll, Bí thư thứ nhất phụ trách văn hóa, báo chí, và chính trị của đại sứ quán Đức diễn ra trong hai giờ đồng hồ xoay quanh các mối quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. 

Blogger Hư Vô cho biết thêm chi tiết:

“Cuộc gặp diễn ra rất tốt đẹp. Đại sứ quán Đức hỏi thăm chúng tôi về nhân quyền Việt Nam. Điều 258 giống như một chiếc dây treo cổ mà chính quyền Việt Nam dùng để chụp mũ để bắt bớ bất cứ ai trong khi điều luật này rất mơ hồ. Năm blogger chúng tôi hôm nay tại đại sứ quán Đức trao đổi về vấn đề đó và có nói thêm về Nghị định 72, nhờ họ lên tiếng thêm giúp chúng tôi vì tiếng nói của người dân Việt Nam nhà cầm quyền không nghe. Vì vậy, chúng tôi phải nhờ đến đại sứ quán Đức để yêu cầu chính quyền Việt Nam xóa bỏ điều luật 258 này. Đại sứ quán Đức ủng hộ và nhận lời sẽ lên tiếng cho các blogger Việt Nam về điều này.”

Các blogger cho biết đại sứ quán Đức đánh giá cao cuộc quốc tế vận đầu tiên của giới blogger Việt Nam với bản Tuyên bố 258 và hứa hẹn sẽ giúp vận động đưa Tuyên bố này ra trước phiên họp của Liên hiệp quốc Đánh giá Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (gọi tắt là UPR) vào đầu năm sau tại Geneva.

Vẫn theo nguồn tin này, tòa đại sứ Đức nói sẽ hợp tác với Liên hiệp Châu Âu kêu gọi Việt Nam hủy bỏ điều luật 258 và các điều luật vi phạm nhân quyền của công dân. 

Giới bảo vệ nhân quyền quốc tế tố cáo Việt Nam lạm dụng các điều luật có nội dung bao quát, mơ hồ như 258 để bắt bớ, giam cầm những ngòi bút chỉ trích nhà nước chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa.

Thời gian gần đây có 3 blogger bị bắt vì điều 258 gồm Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, và Đinh Nhật Uy.

Cuộc vận động của Mạng lưới Blogger Việt Nam đã đưa Tuyên bố 258 tới các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới trong đó có Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, Uỷ ban Luật gia Quốc tế, Uỷ ban bảo vệ ký giả, Liên minh báo chí Đông Nam Á..v…vv.

Ngoài các sứ quán đã đến như Hoa Kỳ, Thụy Điển, Australia, và Đức, các blogger cho biết Tuyên bố 258 này sẽ tiếp tục được chuyển đến các nước có cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.

Cuộc vận động đòi quyền tự do ngôn luận của giới blogger Việt Nam diễn ra trong lúc một luật lệ mới ban hành của Việt Nam về quản lý internet đang gặp chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế.

Liên minh về Quyền tự do Trên mạng, một tổ chức liên chính phủ gồm 21 quốc gia, đầu tuần này ra Bản Lên Tiếng bày tỏ quan ngại và chỉ trích Nghị định 72 của Việt Nam là hạn chế thông tin và giới hạn việc chia sẻ tin tức.

Bản Lên Tiếng chung của Liên minh nói Nghị định 72 không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về Quyền chính trị và Dân sự cũng như các cam kết của Việt Nam với bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền.




Mạng lưới bloggers Việt Nam gặp Đại sứ quán Đức - Blogger Phương Bích trả lời phỏng vấn RFA

Gia Minh (RFA) - Đại diện Mạng lưới các bloggers Việt Nam hôm nay 28 tháng 8 tiếp tục đến trao Tuyên bố 258 cũng như trao đổi vấn đề nhân quyền ở Việt nam với Đại sứ quán Đức ở Hà Nội, sau khi họ vừa thực hiện được hoạt động đó hôm 23 tháng 8 với Đại sứ quán Úc.

Tuy nhiên việc làm đó có phải ‘thuận buồm, xuôi gió’ hay không? 

Qua mặt an ninh 

Mạng lưới bloggers tại Việt Nam vào chiều ngày 27 tháng 8 loan tin cho biết vào ngày hôm sau 28 tháng 8 họ sẽ đến tại Đại sứ quán Đức ở Hà Nội để thực hiện công việc mà họ đang tiến hành trong thời gian qua. Trong thực tế, khi đến tại các cơ quan ngoại giao như thế trong thời gian qua một số bloggers đã gặp sự theo dõi và cản trở của phía cơ quan an ninh Việt Nam. 

Vào sáng ngày 28 tháng 8, những bloggers cho biết phía cơ quan an ninh cũng có sự chuẩn bị đối phó tại khu vực đại sứ quán Đức; nhưng rồi những bloggers đại diện cũng được vào bên trong cơ quan ngoại giao này theo như kế hoạch của họ đã định trước. Đó là các blogger nữ Phương Bích, Lan Lê, Sông Quê, Hư Vô và An Đỗ Nguyễn.

Blogger Phương Bích, một trong năm bloggers vừa nói sau khi từ đại sứ quán Đức trở về cho biết:

Việc chúng tôi đi hoàn toàn giữ bí mật cho đến phút chót, vì chúng tôi e ngại sự ngăn cản từ phía chính quyền. Thậm chí chúng tôi không biết ai sẽ đến đó, mà đến đó mới biết gồm 5 người nữ. Và chúng tôi có biện pháp gần như ‘đánh lạc hướng’, tức có một số bạn nam đi cùng. Nói chung mọi người không biết nhau, khi đến đó mới biết. Khi chúng tôi đến, sứ quán ra đứng sẵn đón chúng tôi. Theo như mọi người nói, quanh khu vực sứ quán đó từ sáng có rất nhiều an ninh, công an, dân phòng đứng rải rác quanh đó. Chúng tôi đến 5 người nữ như thế là một bất ngờ đối với họ, và chúng tôi cũng vào sứ quán một cách bình yên. 

Các blogger làm việc với đại diện sứ quán Đức. Mạng lưới Blogger VN 

Mới tuần rồi, vào ngày 23 tháng 8 đại diện Mạng Lưới Bloggers Việt nam cũng trao được Tuyên bố 258 của họ đến Đại sứ quán Úc ở Việt Nam; tuy nhiên họ cũng phải có cách để không bị phía công an ngăn cản.Blogger Gió Lang Thang cho biết cách thức đó vào hôm ấy:

Bên đại sứ quán Úc không muốn có những khó khăn như hôm gặp Thụy Điển nên hẹn gặp từ bên ngoài, và họ yêu cầu bí mật hơn!

Nội dung trao đổi

Tại các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội, cũng như văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc tại Bangkok và những tổ chức nhân quyền... khác, những đại diện của Mạng lưới Bloggers Việt Nam trao bản Tuyên bố 258 với nội dung kêu gọi chính quyền Việt Nam phải thay đổi điều luật này khi muốn tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc khóa 2014-2016. Hiện nay thêm một vấn đề nữa là phản đối Nghị định 72 của chính phủ sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 tới đây, qua đó nhằm siết chặt quyền thông tin trên mạng của những người sử dụng.

Blogger Phương Bích cho biết lại nội dung cuộc làm việc với Đại sứ quán Đức vào sáng ngày 28 tháng 8 như sau:

Sứ quán tiếp đón rất chu đáo. Họ lắng nghe chúng tôi nói và họ cũng nói sơ qua việc họ cũng đã biết và có những động thái từ phía chính phủ, không phải chỉ có Đức mà một số nước trong Liên minh Châu Âu, cũng đã lên tiếng về Nghị định 72. Chúng tôi đến chỉ trao Tuyên bố 258. Ngoài ra chúng tôi cũng trao đổi vấn đề bên ngoài một chút và nói thẳng với đại sứ quán là việc đấu tranh dân chủ phải là người trong nước, chủ yếu từ trong nước còn việc đề nghị hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế là cần thiết. Chúng tôi đề nghị họ có động tác nào đó can thiệp với chính phủ Việt Nam về những điều khoản mà Việt Nam đã ký với Liên hiệp quốc về nhân quyền.

Quyền được gặp

Cũng vào ngày 28 tháng 8, một blogger khác là anh Nguyễn Chí Đức, người có mặt tại cuộc gặp với đại diện sứ quán Úc ở Hà Nội bị Công an Khu phố Khâm Thiên, Quận Đống Đa nơi gia đình anh cư trú mời đi làm việc. Trong giấy mời ghi rõ nội dung hỏi việc liên quan đến đề nghị mà anh này nêu ra tại sứ quán Australia.

Blogger Phương Bích thừa nhận sau những cuộc trao Tuyên bố 258 và nói chuyện về tình hình nhân quyền ở Việt Nam với các cơ quan đại diện ngoại giao ở Hà Nội như sứ quán Hoa Kỳ, Thụy Điển, Úc và Đức như vừa qua; sắp đến đây trở ngại từ phía cơ quan chức năng sẽ tăng lên. Tuy nhiên các blogger vẫn kiên định việc làm của họ. Blogger Phương Bích nói:

Tôi nghĩ rằng sẽ có gặp trở ngại, sau những việc làm thế này truyền thông sẽ chú ý hơn và họ sẽ sẵn sàng ngăn cản chúng tôi. Họ sẽ có những ngăn cản từ xa, nhưng chúng tôi cũng có cách và mình phải chấp nhận chuyện đó. Nhưng không có lý do gì mà họ ngăn cản cả vì đây là việc nằm trong quyền của chúng tôi. Nếu kết tội chúng tôi phải đưa ra những điều khoản nào đó. Họ chỉ tìm những cớ rất vớ vẩn để ngăn cản; nhưng họ không hề có bất cứ lý do nào...

Xin được nhắc lại, việc trao Tuyên bố 258 của Mạng lưới Bloggers Việt Nam cho các cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế được bắt đầu ở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội vào ngày 24 tháng 7 vừa qua. Đến ngày 31 tháng 7 tại Văn phòng cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Bangkok và tiếp sau đó một loạt các tổ chức ở Thái Lan như Human Rights Watch, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, Ủy ban Luật gia Quốc tế, Liên minh Báo chí Đông Nam Á…

Hoạt động ‘quốc tế vận’ đó của Mạng lưới Bloggers Việt Nam được đánh giá bước đầu thành công.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét