Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Quốc thể và quốc kỳ

Dr. Nikonian
Chia sẻ bài viết này



Một

Như mọi trường học ở miền Nam thời ấy, trường tôi hồi đó cũng chào cờ vào mỗi sáng thứ Hai đầu tuần. Không mở băng cassette để phát quốc ca qua loa, chúng tôi, như những chú gà trống choai, ưỡn ngực ra hát bài quốc ca. Dù trẻ con thì hiếu động, không ai bảo ai, chúng tôi đều hiểu giây phút ấy là trang nghiêm và không có chỗ cho những trò nô đùa, nghịch phá.
Trong sách công dân giáo dục, người ta dạy chúng tôi phải đứng nghiêm mỗi khi quốc kỳ được kéo lên. Bài học ấy không nằm trên giấy, vì tôi đã không ít lần chứng kiến những thầy giáo, công chức, quân nhân… đã đứng nghiêm phăng phắc trên đường, mỗi khi lá quốc kỳ đang từ từ kéo lên ở một công sở, trường học nào đó.
Chào cờ, trong ký ức thơ dại của tôi, đã là một nghi lễ trang trọng và vinh dự. Không phải chỉ những quân nhân danh dự mới được thượng kỳ, mà chỉ những “trò” học giỏi, “thông tín bạ” đầy những điểm tốt trong tuần, mới được chọn lên kéo cờ trong mỗi đầu tuần. Vinh dự lắm, sung sướng lắm… cho những chú nhỏ như tôi hồi đó khi được cô Hiệu trưởng chọn lên kéo cờ trong những năm tháng ấy.
Lá cờ ấy, tôi nhớ nó đã xuất hiện trên tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam, đằng sau mái tóc chải brilliantine bóng nhoáng và nụ cười rạng rỡ của danh thủ Mai văn Hoà khi đoạt giải vô địch bóng bàn đơn nam Á châu năm 1954.
Bằng những cách nhẹ nhàng, tự nhiên như vậy, chúng tôi hiểu được quốc kỳ là biểu tượng của mảnh đất, quốc gia mình đang sống. Và nó là hình ảnh của một khái niệm vừa rất thiêng liêng, vừa vô cùng gần gũi. Cái mà ta gọi bằng hai từ viết hoa: Tổ Quốc!
Thái độ trân trọng với quốc kỳ thì chắc nước nào cũng vậy, thời nào cũng vậy.
Do đó, tôi đã lạ lẫm quá chừng khi thấy cách quốc kỳ mới xuất hiện trong nhiều sự kiện. Mít tinh, hội họp… đã đành. Ra quân làm sạch đường phố, đốt sách, đốt “văn hoá phẩm độc hại”, thậm chí đi làm thuỷ lợi… Ở đâu cũng thấy “cờ bay trăm ngọn cờ bay”. Cờ đỏ bay rợp trời như vậy, đâu có phải là chuyện lạ lùng gì trong các lễ hội ở Moscow, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng…
Ừ, mỗi thời mỗi khác. Mỗi quốc gia, vùng miền đều có quyền có những cách riêng để biểu thị lòng tự hào với quốc ca, quốc kỳ của mình.
Hình ảnh lá quốc kỳ lỗ chỗ vết đạn trên chiến hào là thiêng liêng. Nhưng cũng chính lá cờ ấy, khi xuất hiện rách nát, nhàu nhĩ trên mái taxi, trước công sở… lại là một sự bất kính, phạm thượng rất khó chấp nhận.
Do đó, khi xuất hiện tràn lan, không đúng nơi đúng chỗ, vô hình chung lá quốc kỳ đã được (bị) sử dụng như một vật trang trí, như một lá cờ phướn đuôi nheo trong các hội làng ngày trước. Việc ấy đã làm giảm đi nhiều lắm tính trang trọng của lá quốc kỳ của một đất nước.

Hai

Mới đây, chàng trai gốc Hải Dương Vũ Xuân Tiến đã làm nên một hiện tượng. Tuy người khen kẻ chê đủ điều, nhưng với tôi, chạy bộ 5 dặm theo đoàn xe của đội bóng mình hâm mộ quả thật đáng yêu. Nó là một cách thế biểu hiện tình yêu bóng đá rất đặc sắc mà chỉ có những người trẻ đang yêu mới nghĩ ra. Mặc dù, nó là một sự vi phạm luật giao thông, và cả liều mạng nữa, khi chạy bộ trên những đường phố hỗn loạn xe cộ của Hà Nội.
Nhưng tuổi trẻ – tình yêu mà không có chút điên rồ hay lãng mạn thì còn chi hay ho nữa?
Cách bày tỏ lòng hâm mộ “độc chiêu” như vậy không lọt qua khỏi mắt các tay chuyên nghiệp làm truyền thông sự kiện. Thật may mắn, bạn trẻ nhà ta được mời xuất ngoại đến Luân Đôn, tham quan cơ ngơi của câu lạc bộ Arsenal mà cậu ấy hâm mộ. Nhưng không phải ngần ấy, trước 60.000 khán giả của sân Emirates, cậu ta khoác cờ đỏ sao vàng trên vai, chạy một vòng trong tiếng reo hò của một đám đông khổng lồ.
Chúng ta hoàn toàn có lý do để mừng cho bạn trẻ ấy, một kẻ may mắn. Sự kiện truyền thông này, rõ ràng được sắp đặt bởi những tay nhà nghề, không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội độc đáo nào để quảng bá hình ảnh ra trước công chúng.
Và công chúng đó, với hiệu ứng đám đông, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hoàn toàn thành thực khi hò la cổ vũ cho Tiến. Họ phấn khích vì một người hâm mộ như mình, họ sung sướng khi chia sẻ tình yêu bóng đá trong một sự kiện, bất kể người trẻ kia đến từ đất nước nào.
Nói chung cùng, bóng đá vẫn là một trò chơi. Và mọi sự hào hứng từ bóng đá thì phi chính trị, như cách người ta hoan hô Tiến – như một người hâm mộ quá “độc chiêu”. Thế thôi!
Thế nhưng, rất nhiều dư luận trong nước lại biến sự kiện truyền thông được sắp đặt này thành một tự hào mang tầm quốc gia. Cả một đám đông quay cuồng, tung hê, tự hào, hãnh diện, xúc động… khi thấy cờ đỏ sao vàng trên sân vận động khổng lồ, với tiếng cổ vũ vang dội. Sung sướng quá, người ta quên mất đó là sự ủng hộ của một đám đông người hâm mộ, dành cho một người hâm mộ đã biết chọn một cách rất đặc biệt để bày tỏ lòng hâm mộ của mình.
Và tất cả đã xảy ra dưới bàn tay sắp đặt rất hoàn hảo của một tay PR chuyên nghiệp, thế thôi!
Không ai hoan hô đất nước chúng ta trong sự kiện đó cả! Quốc kỳ Việt Nam xuất hiện trên sân Emirates, không phải với tư cách của một quốc gia chiến thắng trong thi đấu thể thao. Hay một cường quốc bóng đá! Hay một giải Nobel từ một đất nước thịnh trị, thanh bình, lấy giáo dục ưu việt làm đầu. Hoàn toàn không phải thế!
Tự khi nào, tâm thế và tình tự của một dân tộc đã bế tắc, mặc cảm, thiếu thốn… khi lấy niềm vui từ sự xuất hiện của quốc kỳ trong những trò vui như thế?
Chớ quên rằng, đất nước mang hình chữ S được biết đến nhiều ở Anh vì những con dân của nó nổi tiếng là những tay trồng cần sa, buôn người… chuyên nghiệp. Hãy đến thử sân bay Heathrow, Luân đôn để thấy sự dè chừng tối đa của nhân viên an ninh, hải quan với tấm hộ chiếu Việt Nam như thế nào. Hay hãy thử xin visa đi Anh, vào cơ quan lãnh sự Anh để thấy tấm bảng cảnh báo to tướng đập ngay vào mắt: “không có chỗ cho người nhập cư trái phép!”
Ít ra đã có một lần, quốc kỳ của nhóm nhập cư khét tiếng bất hảo đó được xuất hiện trên truyền thông Anh quốc.
Do đó, cách duy nhất để tôn vinh lá quốc kỳ của dân tộc mình là vun đắp cho nó những giá trị tốt đẹp, văn minh, ngay thẳng, trung thực. Điều ấy, há chẳng tốt đẹp hơn phớt lờ những điểm đen, rất đen về hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới và hả hê sung sướng với một show PR dù rất hoành tráng hay sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét