Hoàng Xuân Phú
cũng chỉ là con dân
mà xưng là thiên tử
mà xưng là thiên tử
Có lẽ không điều khoản nào của Hiến Pháp 1992 và Dự Thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 lại được bàn cãi nhiều bằng Điều 4. Một bên thì cương quyết bảo lưu, bên kia lại muốn loại bỏ nó ra khỏi Hiến Pháp. Nội dung mà hai bên thường đề cập là duy trì hay không việc hiến định quyền lãnh đạo đương nhiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để tìm hiểu thêm phần tiềm ẩn, ta hãy đọc lại Điều 4 Hiến Pháp 1992 và cùng nhau suy ngẫm:
"Đảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội.Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật."
"Đội tiên phong" là gì vậy? Nghe mãi đâm quen, thấy oai oai, nhưng thực ra nó là cái gì? Trong ngôn ngữ thông dụng, cái từ này thường chỉ "đạo quân ở vị trí đi đầu để ra mặt trận". Thời xa xưa, khi còn đánh nhau bằng cơ bắp và vũ khí thô sơ, cả đạo quân ngàn vạn người cũng chỉ trông cậy vào võ nghệ của mấy vị tướng đầu quân, thì cả tướng lẫn quân của "đội tiên phong"cũng chỉ là thuộc hạ để nhà vua sai bảo. Ngày nay, lãnh đạo cao nhất lại càng cố thủ ở hậu phương, chứ không "tiên phong" ra mặt trận. Nếu vậy thì oai cái nỗi gì, mà lại gán cho đảng cái cương vị hạng hai, hạng ba, mà đôi lúc còn bị dùng để "thí tốt"?
Nếu cố gán cho từ "đội tiên phong" nội dung "thành phần ưu tú, đóng vai trò đầu đàn, đưa đường chỉ lối", thì lại nảy sinh câu hỏi: Một đảng mà đa số đảng viên và hầu hết lãnh đạo cấp cao đều không phải là công nhân, thì có thể coi là "đội tiên phong của giai cấp công nhân" hay không? Người của giai cấp công nhân – vốn được lý luận chính thống của ĐCSVN ngợi ca là ưu tú và cách mạng nhất – đi đâu cả, mà lại để cho cái hội thuộc giai cấp hay tầng lớp kém tiến bộ hơn xông vào choán hết "đội tiên phong" của mình?
Không chỉ được mệnh danh là "đội tiên phong", ĐCSVN còn được coi là "đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc". Tại sao lại ghi những thứ đó vào Hiến Pháp? Hiến Pháp là văn bản pháp lý gốc của cả Nước, của toàn bộ Nhân Dân, để hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất, chứ đâu phải là cuốn sử ca của riêng ĐCSVN để ghi vào đó những lời tự phụ?
Vấn đề đáng bàn hơn là: Liệu những khẳng định kiểu đó có đúng hay không? Dù hào phóng giả định rằng hiện tại chúng đang đúng, thì lấy gì để đảm bảo rằng trong tương lai chúng vẫn còn đúng? Đã là Hiến Pháp thì phải có hiệu lực lâu dài. Cho dù không tin vào sức sống của sản phẩm do mình tạo ra, thì chắc hẳn các tác giả Hiến Pháp cũng hy vọng rằng nó sẽ tồn tại được vài chục năm. Vậy thì tại sao lại tùy tiện khẳng định hay liều lĩnh bảo lãnh phẩm giá của cả đội ngũ cầm quyền mấy mươi năm sau, những người mà các tác giả Hiến Pháp không thể đoán trước sẽ là ai, sẽ cầm quyền thế nào và trong hoàn cảnh ra sao?
Cho đến nay, biết bao sự kiện bí ẩn và hành xử khó hiểu đã và đang xảy ra, đặc biệt là trong quan hệ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, kết hợp với tệ nạn tham nhũng và cướp đất tràn lan, khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: ĐCSVN (nói chính xác hơn là lãnh đạo của ĐCSVN) có còn trung thành với quyền lợi của Nhân Dân và Dân Tộc nữa hay không? Đối với không ít người thì câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Nếu muốn, giới cầm quyền có thể thông qua hành động thực tế để xóa bỏ nghi ngờ và chứng minh điều ngược lại. Thế nhưng, tại sao lại lạm dụng Hiến Pháp để "công chứng" cho cái phẩm hạnh đang bị nghi vấn, và bắt Nhân Dân phải mặc nhiên thừa nhận lòng trung thành của giới cầm quyền hôm nay và cả mai sau?
Giả sử ĐCSVN luôn thực sự là "đội tiên phong…" và "đại biểu trung thành…", thì điều đó đã đủ để Nhân Dân trao quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" hay chưa? Vẫn còn có nhiều "đại biểu trung thành" khác, thì tại sao lại chỉ trao quyền lãnh đạo cho một đại biểu duy nhất? Hơn nữa, giữa quyền lãnh đạo và tính tiên phong cộng với lòng trung thành là một khoảng cách xa vời, hai cái đó không nhất thiết là hệ quả của nhau. Chẳng hạn như Cún con, khi ra đường thì hay lon ton lên trước (nghĩa là rất "tiên phong"), và ít ai trung thành với chủ hơn Cún, nhưng chẳng vì thế mà Cún lại được chủ trao cho quyền lãnh đạo… gia đình. Rõ ràng, hai mệnh đề nhầm chỗ đó không đủ để biện minh cho quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN. Ngược lại, cái "hư hư thực thực", "hư" đến mức bất chấp cả "thực", đã làm suy giảm tính nghiêm túc và tính hợp lý của Hiến Pháp. Vậy thì cưỡng nạp những mệnh đề vu vơ ấy vào Hiến Pháp để làm gì?
Nếu quan niệm rằng hai đặc tính "đội tiên phong…" và "đại biểu trung thành…" là đòi hỏi, là điều kiện cần cho quyền "lãnh đạo Nhà Nước và xã hội", thì Điều 4 cần được hiệu chỉnh cho chuẩn xác về mặt lô-gíc, chẳng hạn như sau:
"Đảng Cộng Sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, … thì mớilà lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội."
Hoặc hoán vị đoạn cuối lên đầu và dùng chữ "để" thay cho hai chữ "thì mới":
"Để là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội, Đảng Cộng Sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…"
Đó là hai phương án hiệu chỉnh lô-gíc kinh tế nhất, chỉ thêm ba hoặc bốn chữ và giữ nguyên các thành phần khác. Kể cả trong trường hợp thừa nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN như một thứ đương nhiên, bất chấp hiện trạng của đảng, thì cũng nên viết lại như sau:
"Đảng Cộng Sản Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội. Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc."
Dù chọn phương án nào thì cũng cần thêm chữ "phải", để nhấn mạnh rằng: Đó là đòi hỏi mang tính pháp lý mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Liệu giới cầm quyền có muốn viết như vậy hay không? Chắc là không! Vậy thì nội dung về "đội tiên phong…" và "đại biểu trung thành…" trongĐiều 4 không phải là đòi hỏi, mà mang ý nghĩa "thừa nhận một thực trạng đã, đang và sẽ mãi tồn tại", tức là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản".
Vấn đề tương tự được đặt ra với khoản tiếp theo của Điều 4, viết rằng:
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật."
Đây có phải là một yêu cầu, một đòi hỏi hay không? Nếu là đòi hỏi thì cần bổ sung một chữ"phải" như sau:
"Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật."
Câu hỏi nảy sinh là: Tại sao lại thiếu chữ "phải" tại vị trí quan trọng như vậy? Có phải do vô tình hay không?
Muốn hiểu được ý tứ của các tác giả, hãy điểm mặt 39 chữ "phải" trong Hiến Pháp 1992 để nhận ra rằng: Từ "phải" là một trong những thuật ngữ đặc trưng trong Hiến Pháp, thường được dùng để chỉ những điều bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ:
"Điều 51 … Công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà Nước và xã hội…""Điều 76 Công dân phải trung thành với Tổ Quốc…""Điều 77 … Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân.""Điều 100 Đại biểu Quốc Hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…""Điều 122 Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn... Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định…"
Tại sao không viết tương tự, mà lại tránh dùng chữ "phải" trong Điều 4? Nếu quan niệm rằng chỉ cần viết
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật"
là đã hàm chứa chữ "phải", do đó có thể lược bỏ nó, thì sao không bỏ nốt chữ "phải" trong những trường hợp cũng "đã hàm chứa" tương tự? Chẳng hạn, sao không bỏ chữ "phải" trong hai điều khoản sau đây:
"Điều 115 … Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính Phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.""Điều 124 … Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phảithảo luận tập thể và quyết định theo đa số…"
Để hiểu hết thâm ý chứa trong Điều 4, nên so sánh nó với điều khoản sau:
"Điều 12… Các cơ quan Nhà Nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp, Pháp Luật…"
Vâng, không chỉ "các… tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân", mà cả "các cơ quan Nhà nước" đều "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp, pháp luật". NhưngĐCSVN và các tổ chức của đảng thì không bị liệt kê trong Điều 12, tức là chúng không nằm trong diện "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp, Pháp Luật".
Điều 4 chỉ viết là: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật". Khi đã ngăn chặn việc ban hành luật về các đảng chính trị hay luật dành riêng cho ĐCSVN, thì chẳng hề tồn tại "khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật" nào có thể khống chế và ràng buộc đảng. Vậy là ĐCSVN được mặc sức tung hoành. Hơn nữa, giả sử có ràng buộc pháp luật nào đó liên quan, thì ĐCSVN cũng không nhất thiết phải tuân theo, bởi vì câu hiến định "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật" không nhất thiết là một đòi hỏi, mà ngược lại, rất có thế là một hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản", cũng tương tự như việc "công chứng" cho đặc tính "đội tiên phong…" và "đại biểu trung thành…" mà thôi.
Hẳn là đạo diễn của Hiến Pháp 1992 đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, và cố tình không cho "diễn viên" tên "phải" lạc vào "màn kịch" Điều 4, để tạo ra một "hoạt cảnh thực thực hư hư", "nói dzậy mà không phải dzậy". Cái tinh vi ấy được kế thừa trọn vẹn trong Dự Thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 2 (được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 02/01/2013) và Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 3 (được trình Quốc Hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khoá XIII, ngày 17/05/2013). Chưa thỏa mãn với đặc quyền vô biên đã có, người ta đã sửa câu
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật"
trong Hiến Pháp 1992 thành
"Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật."
Hạ cấp từ chữ "Mọi" xuống chữ "Các", phải chăng là cố chừa ra thế lực bất khả xâm phạm? Tuy trong phương án sửa đổi có bổ sung thêm đối tượng "đảng viên", nhưng đó là "đảng viên thường". Còn các vị lãnh đạo đảng là "siêu đảng viên", và cá nhân họ cũng không phải là "tổ chức", vì vậy có thể hoàn toàn tự do "ngoài vòng Hiến Pháp và Pháp Luật".
Trong tham luận trình bày tại phiên họp Quốc Hội vào buổi sáng ngày 16/11/2012, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam) đã phân tích và kiến nghị như sau:
"Về Điều 4, hiện nay về Đảng thì chúng ta có 3 chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng Sản Việt Nam; Thứ hai là các tổ chức của Đảng; Thứ ba là đảng viên. Nhưng khi thiết kế Điều 4 thì chúng ta bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Đảng cho nên chúng ta chỉ quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật. Điều 4 tôi chỉ xin thêm một từ ở đằng trước, tức là 'Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến Pháp và Pháp Luật'."
Đề nghị của Luật sư Trương Trọng Nghĩa là rất hợp lý, để loại trừ khả năng biện hộ rằng: "Đảng không phải là một tổ chức của Đảng, nên Đảng không phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật". Nếu thực tâm muốn tôn trọng "khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật", thì chẳng tiếc gì mà không thêm chữ "Đảng" vào đầu câu như ông Nghĩa đề xuất. Thế nhưng, đề nghị ấy đã không được chấp nhận. Phải chăng việc khước từ đó càng thể hiện rõ hơn động cơ của đạo diễn và bản chất của Điều 4?
Một nét mới của Điều 4 trong phiên bản 2 và phiên bản 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp là khoản sau đây được chèn thêm vào giữa:
"Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Câu này đã khiến một số người hâm mộ đảng hân hoan ca ngợi. Nhưng thực ra có gì là mới ở đây hay không? Thế nào là "gắn bó mật thiết"? "Gắn bó" như hiện nay đã đủ hay đã quá "mật thiết" hay chưa? "Phục vụ nhân dân" thế nào thì bấy lâu đã rõ, xin kiếu, xin kiếu! "Chịu sự giám sát" hay "đành chịu sự giám sát"? Nhân Dân "giám sát" thế nào, khi mọi chuyện tày đình đều diễn ra ở những nơi kín cổng cao tường, được súng ống bảo vệ nghiêm ngặt? Giả sử bằng cách nào đó mà biết được chút chuyện "thâm cung", thì đành ngậm miệng, hay nông nổi phát ngôn, để rồi có thể bị khép vào "tội cố ý" hay "tội vô tình làm lộ bí mật nhà nước" (Điều 263 vàĐiều 264 Bộ Luật Hình Sự)? Và "giám sát" để làm gì? Nếu được phép "giám sát", nhưng khi phát hiện ra điều sai trái thì cũng chỉ có thể bó tay bất lực và thêm ấm ức, thì "quyền giám sát đảng" có hơn gì so với "quyền được tò mò, nhòm ngó chuyện riêng của nhà hàng xóm"? Thế nào là "chịu trách nhiệm trước nhân dân"? Ăn chán, phá chán cũng chỉ cần buông một câu "xin chịu trách nhiệm" là xong, vậy thì tội gì mà không ăn, không phá? Toàn là mỹ từ chung chung, vô định, phù hợp với mục đích tuyên huấn, nhằm mê hoặc và ru ngủ người đọc, chứ không thể dùng để diễn đạt các ràng buộc pháp lý.
Những băn khoăn vừa kể chỉ có ý nghĩa khi khoản mới bổ sung vào Điều 4 là đòi hỏi mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng đó thực sự là đòi hỏi, chứ không phải là tái diễn hình thức "công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản"? Nếu quả là đòi hỏi, thì cần thêm bốn chữ "phải" như sau:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Hoặc ít nhất cũng bổ sung một chữ "phải" để áp chung cho cả bốn nghĩa vụ:
"Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Như vậy không phải là quá máy móc, mà cũng chỉ hiến định giống như hai điều khoản sau đây của Hiến Pháp 1992, cũng về quan hệ với Nhân Dân:
"Điều 8 Các cơ quan Nhà Nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…""Điều 97 … Đại biểu Quốc Hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri…"
Quan sát kỹ sẽ nhận ra sự khác nhau "tinh tế" giữa yêu cầu đối với Nhà nước trong Hiến Pháp 1992 và yêu cầu đối với ĐCSVN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Các cơ quan Nhà Nước"phải tôn trọng nhân dân" và "lắng nghe ý kiến… của nhân dân", còn đảng thì không "phải tôn trọng nhân dân" và cũng không phải "lắng nghe…nhân dân"; các cơ quan Nhà nước phải "tận tụy phục vụ nhân dân", còn đảng thì cũng "phục vụ nhân dân" nhưng không cần phải "tận tụy". Thế cũng đã là tiến bộ vượt bậc rồi, bởi Hiến Pháp 1992 còn không hề nhắc đến quan hệ của đảng đối với Nhân Dân.
Có lẽ để "cởi trói" cho Nhà nước, nên "Các cơ quan Nhà Nước" được giải phóng khỏi Điều 8 của Dự Thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 2:
"Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân..."
Sau đó, không hiểu do sức ép nào mà người ta lại đành chịu để cho "Các cơ quan Nhà Nước" tái hiện trong Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 3:
"Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…"
Trong Dự Thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 2 và phiên bản 3, số lần xuất hiện của chữ"phải" ít hơn so với trong Hiến Pháp 1992. Vì sao như vậy? Một số chữ "phải" biến tướng thành thuật ngữ khác, như "có trách nhiệm", "có nghĩa vụ"… Chẳng hạn, đoạn
"công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà Nước và xã hội"
tại Điều 51 Hiến Pháp 1992 biến thành đoạn
"Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà Nước và xã hội"
tại Điều 20 của Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 2. Một số chữ "phải" thì biến mất hẳn, vì một số điều khoản được bãi bỏ. Ví dụ, quy định
"Đại biểu Quốc Hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…"
tại Điều 100 Hiến Pháp 1992 biến khỏi cả hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp. (Chả trách mà một số đại biểu Quốc Hội say sưa ca ngợi Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp.)
Có một ưu ái đặc biệt mà "Nhà Nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" dành cho Dân trong Hiến Pháp 1992, đó là "vinh danh" Dân hai lần trong mối quan hệ với pháp luật:
"Điều 12 … mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp, Pháp Luật…""Điều 79 Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến Pháp, Pháp Luật…"
Các tác giả Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 2 đã kết hợp nhuần nhuyễn tính kế thừa với tính sáng tạo, và thu được kết quả tương ứng như sau:
"Điều 8 … cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp và Pháp Luật…""Điều 49 Công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến Pháp và Pháp Luật…"
Trong Điều 8, từ "cá nhân" được dùng để thay thế cho từ "mọi công dân" ở Điều 12 Hiến pháp 1992. Nghĩa là Dân vẫn được "vinh danh" hai lần: Một lần dưới danh nghĩa "công dân" và một lần dưới danh nghĩa "cá nhân". "Chu đáo" với Dân đến thế là cùng.
Trong khi đó, họ lại "sơ suất" đánh mất hai chữ "Nhà nước" trong đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp và Pháp Luật". Quy định
"Điều 12 … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp, Pháp Luật…"
trong Hiến Pháp 1992 được sửa thành
1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến Pháp và Pháp Luật…3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp và Pháp Luật…"
trong Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 2. Khoản 1 Điều 8 học theo phong cách củaĐiều 4 Hiến pháp 1992, không hề sử dụng từ "phải" hay thuật ngữ tương đương, nên cũng không rõ đó là đòi hỏi hay ghi nhận (tức là "công chứng"). Nếu đó là đòi hỏi thì Nhà nước cũng chỉ cần "hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật". "Theo" được bao nhiêu thì "theo", chứ không bắt buộc "phải nghiêm chỉnh chấp hành…". Nghĩa vụ "phải nghiêm chỉnh chấp hành…" trong Khoản 3 Điều 8 chỉ áp vào "Cơ quan, tổ chức" chung chung, mà thường chỉ được hiểu là "cấp dưới". Rồi đến Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 3, Điều 8 chỉ giữ lại cái Khoản 1 mập mờ, còn Khoản 3 thì hoàn toàn biến mất, do đó cả "Cơ quan, tổ chức" chung chung cũng không còn bị đòi hỏi "phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp và Pháp Luật" nữa.
Chưa hết, cái quy định
"Ủy ban nhân dân … chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân"
tại Điều 123 Hiến pháp 1992 cũng bị xóa khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 2. Có lẽ họ đã kịp nhận ra như vậy cũng không ổn lắm: Hiến Pháp, Pháp Luật và Nghị Quyết của Hội Đồng Nhân Dân thì không thành vấn đề, nhưng nếu bỏ cả quy định "chấp hành … các văn bản của các cơ quan Nhà Nước cấp trên", ngộ nhỡ địa phương không chịu nghe theo trung ương nữa thì sao? Cho nên, trong Dự Thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 3, họ đã đưa ra hai phương án: Với phương án 1 thì Ủy ban nhân dân vẫn không bị nhắc nhở là phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến Pháp, luật…"; phương án 2 khôi phục nguyên văn quy định của Điều 123 Hiến pháp 1992. Nếu phương án 1 được thông qua, thì không chỉ các cơ quan của đảng, mà cả các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều được "giải phóng" khỏi "trách nhiệm chấp hành Hiến Pháp, luật". Còn nếu phương án 2 được thông qua thì chỉ Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương phải "chịu trách nhiệm chấp hành Hiến Pháp, Luật" mà thôi. Dù bất cứ phương án nào của Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp phiên bản 3 được chọn, thì công dân cũng vẫn được "chăm sóc chu đáo", không bị bỏ sót, bởi:
" Điều 49 Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến Pháp và Pháp Luật…"
Hóa ra, nghĩa vụ Nhà nước chỉ nhất thời, nghĩa vụ Dân mới vạn đại.
Để hiểu rõ hơn Điều 4 Hiến Pháp 1992 và các phiên bản biến dạng của nó, ta đã lan man sang một số điều khoản khác của Hiến Pháp. Đấy không phải là lạc đề, mà để có được tầm quan sát bao quát hơn, nhằm thấu hiểu hơn bản chất và ý nghĩa của Điều 4. Phải so sánh với cách cư xử mà họ dành cho Dân, thì mới thấy rõ mức độ ưu ái mà thế lực cầm quyền dành riêng cho mình. Thế mới biết, trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa đang tồn tại trên đất Việt, thì nguyên lý "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 52 Hiến Pháp 1992) cần được hiểu như thế nào. Vâng, "mọi công dân đều bình đẳng…", nhưng giới cầm quyền còn "bình đẳng hơn", và lãnh đạo cấp cao nhất thì tất nhiên phải được "bình đẳng nhất". Có lẽ vì cái không gian dân chủ xã hội chủ nghĩa quá chật hẹp, nên giới cầm quyền phải đứng ngoài khuôn khổ pháp luật, phải đứng trên hiến pháp, để… "nhường chỗ cho Dân".
Các điều khoản đã trích dẫn ở trên cho thấy: Chỗ nào thấy cần thì các tác giả Hiến Pháp đều nhớ dùng từ "phải" hoặc những từ đồng nghĩa để nhấn mạnh sự "đòi hỏi". Họ chỉ cố tình"quên" dùng từ "phải" ở Điều 4 mà thôi. Nhờ thế, Hiến Pháp trao cho ĐCSVN quyền lực lãnh đạo tối cao vô biên, nhưng lại không đòi hỏi ĐCSVN phải thực hiện bất cứ điều gì, kể cả việc"nghiêm chỉnh chấp hành Hiến Pháp, Pháp Luật", như quy định ở Điều 12 đối với các thành phần còn lại của xã hội. Hơn nữa, bất luận thực tế tốt xấu ra sao, thì ĐCSVN cũng được "công chứng" trong Hiến Pháp là đã "tiên phong…", đã "trung thành…", đã "hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và Pháp Luật", và đã "gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".
Lối viết lấp lửng tạo cho người đọc ảo tưởng rằng lãnh đạo đảng đã tự giác đặt mình vào khuôn phép, nhưng vẫn đảm bảo cho "đấng tối cao" chẳng phải chịu bất kỳ ràng buộc pháp lý nào cả, và bất kể thế nào thì cũng vẫn được vinh danh.
Liệu đó có phải là thâm ý của những người đã ấn định nội dung Điều 4 trong Hiến pháp 1992và hai phiên bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp hay không?
Điều 4 như vậy có hợp lý không?
Viết ra và tung hô một điều như vậy có phải là tử tế không?
Chúng ta có thể nhắm mắt mà chấp nhận một điều hiến định như thế hay không?
Viết ra và tung hô một điều như vậy có phải là tử tế không?
Chúng ta có thể nhắm mắt mà chấp nhận một điều hiến định như thế hay không?
29/08/2013 – Mừng Cháu tròn một tuổi
Hoàng Xuân Phú
____________________________________
Cùng tác giả:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét