Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

(REPOST) Đất nước Việt Nam dân chủ phải là mảnh đất "tôn trọng sự khác biệt"

Độc giả Lê Anh Tuấn

Các bài viết dưới đây được gửi lên Dân Luận dưới dạng các phản hồi, do chất lượng của chúng, Ban Biên Tập Dân Luận xin được chuyển thành một bài viết riêng để giới thiệu tới độc giả.
Chia sẻ bài viết này



Tôi thấy phải đặt ba phản biện về nội dung thư kiến nghị này của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ:
1) Đành rằng dân tộc Việt Nam có tục "kị húy". Nhưng trong thế kỉ 21, tục này có đem lại ích lợi gì cho xã hội không? Nếu nó vô dụng, mà hơn nữa còn tạo cớ để chúng ta giận nhau dữ dội chỉ vì những sơ ý rất nhỏ nhặt và vô hại trong giao tiếp, thì chúng ta có nên giữ không?
Đừng quên trước đây dân tộc ta cũng có tục "trung quân", hoặc tục "cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông" những phụ nữ ngoại tình. Đó là những tục lệ có hại mà chúng ta đã hoặc đang đấu tranh để vứt bỏ. Mà sự tiến bộ có là gì khác đâu, ngoài quá trình từ bỏ những thông lệ bất hợp lí xưa cũ?
2) Tại sao xúc phạm người đứng đầu nhà nước phong kiến Việt Nam lại đồng nghĩa với xúc phạm dân tộc Việt Nam? Tôi đã xúc phạm rất tệ hại ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết, người đứng đầu nhà nước độc đảng Việt Nam. Nhưng không ai, ngoài anh em Hồng Vệ Binh, cho rằng tôi đã xúc phạm cả dân tộc.
3) Tiến sĩ Vũ viết rằng bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” đã đưa ra những ý kiến sai về lịch sử Việt Nam. Tôi chỉ có thể đồng ý. Nhưng có nên cấm đoán việc phát biểu những ý kiến sai, hoặc nói đúng hơn, những ý kiến mà cá nhân mình cho là sai hay không?
Mọi người dân chủ đúng nghĩa đều ý thức rõ ràng rằng tự do ý kiến sẽ đem lại tiến bộ về trí tuệ. Nếu muốn đất nước có dân chủ, chúng ta phải đủ can đảm để thừa nhận quyền tự do của những người đối lập với mình. Phải bảo vệ quyền phát ngôn của họ, thay vì cấm đoán. Nước Việt Nam dân chủ phải là mảnh đất "tôn trọng sự khác biệt", như tôn chỉ của X-cafe, hoặc một môi trường mà "không có ý kiến nào cấm nêu ra, không có đề tài nào cấm bàn đến", như phương châm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Hai câu nói này phải được tôn vinh và ghi vào hiến pháp dân chủ.
Nếu tiến sĩ Vũ đồng ý với hai dòng luật tôi vừa đề nghị, thì chúng ta rất không nên cấm đoán bộ phim này. Luật pháp có tính phổ cập. Không thể dành một ngoại lệ tàn nhẫn cho những ý kiến mà chúng ta cho là "phản quốc". Ý kiến "phản quốc" cũng phải có quyền được phát biểu và được lắng nghe.
Nhân tiện, tôi hơi nghi ngờ giá trị của việc viện dẫn luật điện ảnh hiện thời. Luật này chưa bao giờ được nhân dân Việt Nam phê chuẩn, dù bằng dân chủ trực tiếp hay gián tiếp. Nó là thứ luật lệ mà một thiểu số bất lương đã tuỳ tiện áp đặt cho cả dân tộc. Nó chẳng khác gì cái ách đóng lên cổ chúng ta. Mà nhất là trong trường hợp này - một điều luật để kiểm duyệt thông tin. Tôi tin rằng cũng chính điều luật ấy, hợp với khả năng tuỳ tiện chụp mũ "phản quốc", "xúc phạm dân tộc", "xuyên tạc sự thật lịch sử", hay khả năng định đoạt ai là "anh hùng dân tộc", "vĩ nhân"... đã ngăn cản sự ra đời của rất nhiều bộ phim yêu nước.
Nên tôi nghĩ tiến sĩ nên viết lại kiến nghị, tập trung vào hai yêu cầu:
- Thứ nhất, đề nghị Quốc hội "Bãi bỏ hoàn toàn mọi chính sách và biện pháp kiểm duyệt", như điều 3.3 trong Phần VII của Dự án chính trị "Thành Công Thế Kỉ 21":
<< Hiến pháp mới phải long trọng nhìn nhận quyền tự do sáng tác và phát hành sách báo và văn hóa phẩm, và cấm chỉ mọi đạo luật theo chiều hướng kiểm duyệt. Trong nước Việt Nam tương lai sẽ không thể có một sự giới hạn nào về tự do phát biểu đến từ chính quyền cả. Luật pháp sẽ chỉ chế tài những văn hóa phẩm trắng trợn kêu gọi bạo lực, xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của các công dân hay các đoàn thể công dân và bị chính các cá nhân hay đoàn thể này truy tố. Các hiệp hội công dân như vậy sẽ nắm một vai trò then chốt trong việc bảo vệ sự lành mạnh của văn hóa. Chúng ta đừng quên rằng xã hội dân sự là nền tảng của thể chế dân chủ đa nguyên. >>
- Thứ hai, đề nghị chính quyền nghiêm túc thực hiện những thay đổi vừa nêu, để những bài viết phê bình bộ phim "phản quốc" được tự do đăng tải trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Bộ phim vẫn được phát sóng, nhưng nhân dân sẽ có đủ thông tin và sự sáng suốt để đánh giá. Tiến sĩ nên đặt niềm tin vào nhân dân. Không ai có thể quyết định thay cho họ.
Lê Anh Tuấn
______________________
Phản hồi của độc giả Nguyễn Nghĩa:
Nếu cực tả như Cù Huy Hà Vũ cũng không nên. Tôi không muốn tranh luận chi tiết với Hà Vũ, xong lỗi là do nhũng người làm văn hóa Việt Nam. Không phải một thế hệ mà cả chiều dài lịch sử Việt nam.
Khi Trung quốc xâm lược thì tinh thần bài phương Bắc lên cao như thời nhà Trần, thích chữ Sát Thát, như thời Lê Lợi viết Cáo bình Ngô. Thế nhưng thời hòa bình thì các cụ nhà ta cứ cho biết tiếng Tầu là giỏi hơn, trích dẫn điển tích Tầu là học giả hơn... Tôi chỉ nêu một ví dụ. Tích Chiêu quân cống Hồ. Một cô gái Trung quốc vào cung vua, mà vua không để ý tới thì chắc nhan sắc cũng không mặm mà xuất chúng. Dưới ngòi bút của văn hóa trung hoa cô ta thành một trong tứ đại mỹ nhân với biệt danh "nhạn sa" mô tả như sau: Đoàn người đưa Chiêu Quân gần đến biên giới rợ Hồ, Chiêu Quân nhớ quê nhà cầm đàn gẩy một khúc biệt li. Đàn chim nhạn đang bay về phương nam nghe tiếng đàn thánh thót lâm li ngoái lại nhìn. Thấy sắc đẹp của Chiêu Quân thì mải nhìn quên đập cánh mà sa xuống đất.
Lịch sử Việt nam ta cũng có công chúa thật (Chiêu Quân công là chúa rởm) nhà Trần gả cho Chiêm thành. Công chúa ta đẹp lắm hay không đẹp, ít ai biết. Hành động ái quốc của nàng, ít ai hay. Trần Hưng Đạo 3 lần đuổi địch mạnh, giỏi hơn nhiều lần Khổng Minh, mà ai đã viết những tiểu thuyết hay về ông? Đấy chưa kể đến những khảo cứu chi tiết như thời Lý Thái Tổ thì dân chúng, vua quan ăn mặc ra sao? Xưng hô như thế nào, giáp trụ ra sao...? Tóm lại theo tôi cứ nên cho chiếu phim, sau 10/10 này, ta còn nghèo, không nên vứt 100 tỷ vào sọt rác, hãy để cho dân giải trí như là xem một phim Tầu về Lý Thái Tổ. Âu cũng 1 bài học. Tôi tin rằng văn hóa Việt nam đủ mạnh để bộ phim nói trên không ảnh hưởng được bao nhiêu.
Vấn đề là các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đến lịch sử dựng nước của ta mà mô tả cho hay. Hãy tả Lê Hoàn là vị Thập Đại tướng quân oai dũng, trí tuệ hơn người, hãy tả Hoàng hậu Ỷ Lan là người đẹp nghiêng nước, nghiêng thành,... Hãy tả xem dân chúng, vua quan từng thời ăn mặc ra sao... Thì sau này các đoàn làm phim mới có tư liệu để làm tốt. Quan trọng là hãy thoát vòng nô lệ ý thức hệ Trung quốc. Hãy nêu bật tính nhân văn trong văn hóa Việt, khác hẳn với sự tàn bạo Trung Hoa.

Phản hồi của Minh Trí:
Theo tôi bất kỳ một bộ phim hay tác phẩm nghệ thuật nào cũng có những cái hay, cái dở, có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Hãy để khán giả tiếp cận và có nhận xét, đánh giá của riêng mình.
Khi chính khán giả nhận ra những cái dở, cái tiêu cực của tác phẩm thì cũng chính là lúc ý nghĩa giáo dục của tác phẩm đối với công chúng đã phát huy tác dụng tích cực của nó.
Bất kỳ ai, dù nhân danh bất cứ điều gì để cấm một tác phẩm nghệ thuật ra đời, thì cũng chính là mầm mống một sự độc tài về tư tưởng.


Phản hồi của   Nguyễn Ngọc Già (khách viếng thăm) gửi lúc 12:37, 04/10/2010 - mã số 20832

Tôi đồng ý với ý kiến cần nên đưa bộ phim ra chiếu cho toàn dân VN được xem, chỉ xin phân tích và đề nghị vài ý nhỏ:
- Đây không phải là bộ phim đầu tiên mà nhiều người phản ứng lai căng Tàu. Quá khứ những năm 80', 90' thế kỷ XX, có nhiều bộ phim dã sử của nhóm nghệ sĩ Lý Huỳnh như "Lửa cháy thành Đại La", "tráng sĩ bồ đề", "Thăng Long đệ nhất kiếm" (1), diễn viên ăn mặc cũng y như phim kiếm hiệp Hongkong, giới phê bình và người xem cũng đã từng lên tiếng phê phán và gọi là "phim mì ăn liền". Trong các phim này, hầu như người Việt đóng nhưng quần áo, phục sức, cung cách chào hỏi, ăn nói, đi đứng, lời thoại... vẫn như phim Hongkong. Tuy nhiên , rồi cũng qua có lẽ vì: Lúc đó, cuộc sống còn quá nghèo nàn về phim ảnh và các phương tiện giải trí khác, đặc biệt là internet chưa phát triển, nên người dân vì "đói giải trí" nên dễ chấp nhận?
- Nhiều giới phản ứng gay gắt bộ phim này vì:
+ Thời điểm những năm gần đây, mối bang giao Việt - Trung ngày càng xấu đi, với sự lấn lướt quá rõ của TQ về biên giời, biển đảo. Giới lãnh đạo VN phản ứng yếu ớt trước TQ mà lại đàn áp thô bạo nhân dân biểu lộ lòng yêu nước, gây nên sự phẫn uất trong nhân dân. Trong khi đó lại làm phim này theo hướng "cái gì cũng của Tàu", từ đạo diễn, biên kịch, cảnh trí, phục trang... chỉ có diễn viên là người Việt
+ Nếu đây là bộ phim tư nhân bỏ tiền ra chắc dư luận đỡ bất bình hơn. Tuy nhiên, đây là tiền của dân (hơn 200 tỉ đồng # 10 triệu USD, con số này đâu phải là nhỏ so với đời sống nghèo thiếu của nhân dân hiện nay). Sự phản ứng là đúng. Nếu là phim tư nhân tự khắc họ biết thế nào là lỗ tiền túi và đó sẽ là bài học nhớ đời cho họ khi làm phim.
+ Bộ phim được làm cho mục đích mừng 1.000 năm Thăng Long do đó ý nghĩa về bản sắc văn hóa dân tộc buộc nhiều giới phải săm soi là điều dễ chấp nhận.
+ Các cảnh quay đều từ TQ, đặc biệt phục trang là điều khá rõ, hầu như không thấy hồn Việt ở đâu! Tất nhiên, chỉ một đoạn trailer chưa đủ nói lên toàn bộ phim, tuy nhiên khi chọn trailer, nhà sản xuất phải chọn những cảnh "đắt nhất" để giới thiệu bộ phim. Nếu ai có xem qua trailer sẽ thấy: hình ảnh vua Lý Thái Tổ bước lên ngai được chọn góc máy nhìn nghiêng và từ xa, sau đó là cận cảnh diễn đạt chính diện mặt của vua, nếu ai đã từng xem phim Hongkong, TQ sẽ thấy góc máy và xử lý hình ảnh kiểu này rất quen và hầu như đều được đặc cách diễn đạt cho nhiều vị vua trong hà rầm các phim cổ của TQ, Hongkong. Bên cạnh đó, cảnh một viên tướng (không biết phải không) giương cung xạ tiễn được đạo diễn sử dụng góc máy quay cắt ngang, giật, lia, quét ngang cũng rất quen thuộc với ai hay xem phim cổ TQ, Hongkong. Theo cái nhìn của tôi, trong đoạn trailer chỉ có cảnh mục đồng, con trâu là biết ngay phim Việt, còn những cảnh khác (như trên) hoặc hình ảnh toán quân vội vã, dồn dập vó ngựa tung bụi mù trên một đoạn đường hai bên là rừng thật quả không khác phim tàu chỗ nào. Phục trang thì nhiều người đã phân tích, nếu bộ phận phụ trách phục trang không có đủ dữ liệu, kiến thức thì hãy nhớ rằng chẳng thà đừng nhận còn nhận làm phục trang mà theo kiểu tưởng tượng theo trí não của mình thì quả là thiếu tôn trọng người xem và tôn trọng lịch sử. Nếu đây là phim dã sử pha trộn kiếm hiệp và không cho dịp lễ thì có thể người dân sẽ phản ứng cách khác, xin nhấn mạnh đây là phim LỊCH SỬ và để ghi nhận một triều đại quan trọng trong lịch sử nước nhà mà đoàn làm phim đã thiếu hẳn sự chỉn chu và nghiêm túc khi làm phim.
- "Tôn trọng sự khác biệt" là một biểu hiện của sự đa nguyên (nguồn cội của dân chủ) là điều hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, "TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT" không có nghĩa "tôn trọng cái sai, cái bậy, cái vô trách nhiệm, thiếu nghiêm túc" của đoàn làm phim và càng không phải "tôn trọng cái vong bản". "Tôn trọng sự khác biệt" càng không đồng nghĩa 'tôn trọng cái quái dị", hơn nữa cái quái dị này xúc phạm dân tộc và một góc độ nào đó tiếp tay tuyên truyền cho sự lê thuộc TQ ngay trong tư tưởng và cách làm. Sự khác biệt , thậm chí dị biệt của ai đó đều nên và phải được tôn trọng, nhưng cần xác định những cái dị biệt, quái lạ này không làm ảnh hưởng người khác, đặc biệt là xúc phạm nhiều người.
Bộ phim cần được đưa ra chiếu rộng rãi và tôi cho rằng cần xếp bộ phim này vào loại "chiếu có điều kiện". Điều kiện gì? Song song với trình chiếu, cần tạo nhiều diễn đàn cấp quốc gia, cấp chuyên môn kể cả quảng đại quần chúng tham gia bình luận phân tích ở góc độ khách quan để đưa ra nhận định của số đông người Việt từ đó biết được ý dân, lòng dân kể cả trí dân (cái mà ĐCSVN hay chê còn thấp). Bộ phim cần được chiếu rộng rãi và thử đưa ra những đề cử cho phim xem thử (có thể có nhiều giải, ví dụ : giải dành cho khán giả, giải "cóc xanh" như của tuần san Tuổi Trẻ Cười , giải chuyên môn, giải đạo diễn, giải quay phim, giải chọn nhạc, giải diễn viên chính, phụ...
Riêng tôi, tôi nghĩ nó xứng đáng đạt giải "mâm xôi vàng" (2) giải diễn viên tồi nhất, đạo diễn bết nhất, biên kịch tệ nhất, phục trang (costume) ẹ nhất... như giải OSCAR đang thực hiện đấy, cũng rất có ý nghĩa, sao ĐCSVN không thử???. Làm điều này chính là đạt tính đa nguyên và dân chủ đấy chứ.
"Cây ngay đâu sợ chết đứng", đưa ra chiếu đi, tuy nhiên đừng nên chiếu dịp lễ này [cái này tôi lo là lo cho ĐCSVN đó, không phải cho dân chúng đâu(!!!)]. Nếu ĐCSVN dám đưa ra chiếu trong dịp này, tôi phải công nhận ĐCSVN đạt một bước tiến DÀI về sự tự tin và dân chủ. Dám không??? Tôi cũng thấy TS Luật CHHV lo xa quá! tại sao Hà Vũ không nghĩ, cứ đưa ra chiếu đi, cho toàn dân xem ĐCSVN làm ăn cỡ nào (!?) và càng biết rõ lòng dân, có gì đâu mà Hà Vũ lo thế! TS Luật Hà Vũ đã có nhiều lá thư hay, nhưng tôi nghĩ lá thư này không hay và không cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét