Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Con đường nội chiến


khungoangaicap0813
Nguyễn đạt Thịnh

Sáng thứ Bảy 17 tháng 8, lực lượng an ninh Ai Cập tiến vào thánh đường Al-Fath lôi 385 người biểu tình trốn bên trong ra, rồi bắt chở đi bất chấp sự phản đối của giáo dân.



Bộ Nội Vụ Ai Cập xác nhận con số 385 người bị bắt trong thánh đường và con số người bị giết đã lên đến gần 800.
Sáng thứ Năm 15 tháng 8, Nghị sĩ Dân Chủ Patrick Leahy, chủ tịch tiểu ban Cấp Phát, quản trị ngoại viện, tuyên bố: “Việc tổng thống ra lệnh ngưng tập trận chung với quân đội Ai Cập là điều quan hệ; nhưng việc cắt ngoại viện cũng rất cần thiết, nếu quân đội Ai Cập không tái phục hồi Dân Chủ,” nền dân chủ đầu tiên mà quân đội đã bóp chết bằng cách bắt giam vị tổng thống dân cử.
Quân đội Ai Cập cũng không có cách nào tái lập dân chủ, tái lập trật tự trong nước, vì thành phần Hồi Giáo—94% cử tri—đã tuyên bố họ không tham dự một cuộc bầu cử khác, do quân đội tổ chức; trong lúc họ vẫn tiếp tục xuống đường, đốt phá công sở và nhà thờ Thiên Chúa Giáo.
Nhiều tờ báo gọi cuộc đàn áp tại Cairo hôm thứ Tư 14/8 là cuộc tàn sát đặt Ai Cập vào đầu con đường nội chiến, con đường duy nhất phải đi, không còn một lựa chọn nào khác. Dù đầy thiện chí, giới cầm quyền quân sự và tín đồ Hồi Giáo cũng không tránh khỏi số phận đáng buồn của người Syria đang chìm đắm trong khói lửa nội chiến.
Nhân vật có kiến thức và uy tín nhất trong chính phủ dân sự được quân đội dựng lên là Phó Tổng thống Mohamed ElBaradei; ông này đã từ chức để phản đối cuộc đàn áp. Trong lá thư từ chức gửi cho Tổng thống Adly Mansour, ông ElBaradei viết: “Những kẻ hưởng thụ cuộc tàn sát hôm nay là bọn chủ trương bạo lực, bọn khủng bố và quá khích. Như ông đã biết, tôi vẫn nói là chúng ta còn nhiều lối thoát hòa hoãn để chấm dứt cuộc va chạm xã hội vừa rồi; chúng ta đã trao đổi và cũng đã chấp nhận nhiều giải pháp đưa đến tình trạng đồng thuận trên toàn quốc”.
“Tình hình đã đưa đến những quyết định mà tôi không đồng ý, cũng không thể chấp nhận; tôi khiếp sợ trước hậu quả của chúng. Tôi không thể gánh vác trách nhiệm cho việc đổ máu, dù chỉ đổ một giọt máu”.
Ông ElBaradei là một khoa học gia, một nhà ngoại giao và một nhân sĩ giải Nobel.
Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng hủy bỏ cuộc tập trận chung giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Ai Cập, dự định thực hiện vào tháng sau. Ông nói: “Hoa Kỳ cực lực lên án hành động của chính phủ tạm thời Ai Cập và những lực lượng an ninh của họ. Chúng tôi không chấp nhận việc dùng bạo lực với quần chúng dân sự. Hoa Kỳ xin được chia buồn với gia đình những người bị giết và bị thương”.
Đây là câu tuyên bố đầu tiên của Tổng thống Obama về tình hình đang nhanh chóng suy đồi của Ai Cập. Ông đang nghỉ ngơi tại vùng Martha Vineyard, Massachusetts.
Ngoài Hoa Kỳ, cuộc đàn áp tàn bạo còn bị nhiều quốc gia Hồi Giáo lên án; dư luận thế giới cho rằng tình hình Ai Cập trở thành khó khăn hơn. Phóng viên AP mô tả cảnh người biểu tình tháo chạy bỏ lại sau lưng những lều trại của họ bị đốt cháy.
Chính phủ ra lệnh quân đội nhập cuộc để duy trì tình trạng giới nghiêm ban đêm tại 10 tỉnh, và bảo vệ công ốc chống lại nỗ lực đốt phá của quần chúng.
Ngân Hàng Trung Ương Ai Cập ra lệnh cho nhiều ngân hàng thương mại đóng cửa những chi nhánh đặt trong vùng tao loạn, biện pháp này cho thấy cảnh sát và quân đội không còn kiểm soát được toàn thể lãnh thổ nữa.
Bộ Di Tích Cổ Truyền cũng ra lệnh đóng cửa tháp Giza và Bảo Tàng Viện Trung Ương, tạm thời không tiếp đón du khách.
Nhà thờ Thiên Chúa Giáo tại 4 tỉnh phía Nam Cairo—Minya, Assiut, Sohag và Fayoum—bị đốt; cảnh sát dùng hơi cay giải tán người biểu tình bạo động.
Cuộc khủng hoảng Ai Cập khởi diễn từ 6 tuần trước, bằng nhiều cuộc biểu tình của hàng triệu người Ai Cập tự do, đòi truất phế Tổng thống Morsi, vì ông dùng quyền hành tổng thống bành trướng ảnh hưởng của Hồi Giáo, trong lúc bỏ bê quốc sự, để mặc nền kinh tế kiệt quệ của Ai Cập ngày một tồi tệ hơn.
Vin vào đòi hỏi của quần chúng, quân đội bắt giam ông Morsi và thành lập một chính phủ lâm thời trong lúc tổ chức bầu cử lại. Cả hai biện pháp bắt giam tổng thống và tổ chức bầu cử lại đều mang tính chất táo bạo quá đáng và chưa có tiền lệ. Phản ứng của người Ai Cập là hàng triệu người biểu tình khác lại kéo nhau xuống đường, lần này những người xuống đường là tín đồ Hồi Giáo.
Quân đội và cảnh sát đàn áp biểu tình với hy vọng đưa Ai Cập trở lại tình trạng ổn định trong quân luật, tình trạng đã kéo dài được trên 30 năm dưới triều đại Hosni Mubarak.
Dĩ nhiên, điều đó không hề dễ thực hiện; từ trụ sở đặt tại Luân Đôn, văn phòng Hồi Giáo đánh điện cho truyền thông thế giới kêu gọi: “Nhân loại không thể ngồi đó chứng kiến cảnh thường dân, phụ nữ và trẻ em bị tàn sát; chúng ta phải đứng lên, đối phó với bọn quân phiệt và tội ác của chúng”.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận xét cuộc đàn áp xảy ra tại Cairo đang bóp chết hy vọng dân chủ cho Ai Cập; Thủ tướng Anh David Cameron nói chỉ có thái độ nhượng bộ của cả đôi bên—bên quân đội và bên tín đồ Hồi Giáo—mới tạo ra hy vọng hòa giải, nhưng hy vọng này quả là mong manh. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói ông rất tiếc việc nhà cầm quyền Ai Cập sử dụng bạo lực, và khuyến cáo đôi bên tập trung mọi nỗ lực vào việc hòa giải.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry gọi cuộc đàn áp là một “đòn độc” đánh vào những nỗ lực của Ai Cập trong việc mưu tìm dân chủ; sau khi thảo luận với ngoại trưởng của chính phủ lâm thời Ai Cập, Kerry kêu gọi sớm chấm dứt tình trạng thiết quân luật để tình hình bớt căng thẳng.
Nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham, nhận định: “Chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama không kiến hiệu”.
Tính đến hôm thứ Năm 15/8, con số người bị giết trong cuộc đàn áp ngày hôm trước đã lên đến hơn 500 người; Liên Âu đã đề cập đến việc ngưng viện trợ cho Ai Cập, và tổng thống Hoa Kỳ dùng nhiều chữ gay gắt chỉ trích việc làm của quân đội Ai Cập.
Bất chấp mọi phản ứng bất lợi của thế giới tự do, bộ trưởng nội vụ Ai Cập vẫn cảnh cáo quần chúng là cảnh sát có quyền sử dụng vũ khí để tự vệ và bảo vệ tài sản quốc gia. Ông cảnh cáo như vậy sau khi hai công thự bị đốt sáng sớm hôm thứ Năm.

Hai năm trước đây, cuộc nội chiến Syria cũng khởi đầu bằng những cuộc biểu tình ôn hòa đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ nhiệm chức vụ tổng thống cha truyền con nối từ năm 1971; tháng Tư 2011 quân đội nổ súng giải tán người biểu tình. Cuộc đàn áp ngày đó không bằng một góc nhỏ cuộc tàn sát tại Cairo hôm 14 tháng Tám vừa rồi.
Cuộc đàn áp Cairo không những to lớn hơn, tàn bạo hơn, mà cũng vô lý hơn cuộc đàn áp tại Syria, và tiền lệ Syria đang báo động là phản ứng của người Ai Cập sẽ vô cùng quyết liệt hơn.
Trong nội chiến, al-Assad được những người đồng đạo Sunni tiếp chiến; nếu nội chiến cũng bùng nổ tại Ai Cập, thì lực lượng đồng minh của Tướng al-Sissi chỉ có thể là Hoa Kỳ hoặc Do Thái; cả hai quốc gia này đều không muốn dây dưa thêm nữa vào những tranh chấp của người Ả Rập, mặc dù một nước Ai Cập dưới quyền cai trị của một chính phủ Hồi Giáo là điều Do Thái muốn tránh, và do chính sách bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ cũng muốn tránh.
Nhưng Tổng thống Obama hoàn toàn ý thức được rằng không cắt quân viện là vẫn dung dưỡng thái độ lộng quyền bạo ngược của quân đội Ai Cập và vi phạm pháp luật Hoa Kỳ.


Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét