Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Bầu cử và Dân chủ

baucuaicap081301
Nguyễn đạt Thịnh

Hai sự thật mà những kẻ ngổ ngáo nhất cũng không phủ nhận được là: sự thật THỨ NHẤT, thiếu sinh hoạt bầu cử là không thể nào có dân chủ chân chính, mặc dù Việt Cộng và Trung Cộng—hai chế độ chưa bao giờ dám tổ chức bầu cử—vẫn câng câng nói họ theo chế độ dân chủ; và sự thật THỨ NHÌ, một cuộc bầu cử thật 100% và không gian lận, vẫn không hề là việc làm bảo đảm sau ngày bầu cử, dân tộc liên hệ được sống trong thoải mái dân chủ.

Điển hình cho dị tích “bầu cử không tạo ra dân chủ” là trường hợp hiện đang xảy ra tại Ai Cập; cử tri Ai Cập không bầu ra một chính phủ dân chủ mà lại bầu ra một vị tổng thống và một quốc hội nặng tính Hồi Giáo, độc tôn và phản dân chủ, khiến những người Ai Cập dân chủ và những người không theo đạo Hồi xuống đường chống đối.
Nguyên nhân của hiện tượng bầu cử không đưa đến dân chủ cũng dễ giải thích: 94% người Ai Cập là tín đồ đạo Hồi; họ dồn phiếu cho những nhà lãnh đạo tôn giáo mà họ tín nhiệm.
Chuyện giản dị đó làm Hoa Kỳ bật ngửa trong bất ngờ, họ sững sờ như ông chồng Mỹ trắng, hoảng hốt thấy bà vợ cũng Mỹ trắng như mình lại hạ sinh một hài nhi đui then.
Tuy nhiên, việc tuyệt đại đa số người Ai Cập theo đạo Hồi cũng không hề là yếu tố khiến Ai Cập phải nhất thiết bầu lên một chính phủ thuần túy tôn giáo. Hoa Kỳ và đa số những quốc gia Âu Châu theo đạo Thiên Chúa nhưng họ vẫn không bầu Giáo Hoàng làm tổng thống, linh mục làm dân biểu, nghị sĩ. Một trình độ về tôn giáo và chính trị đủ trưởng thành giúp họ đặt tôn giáo ra ngoài chính trị, để tín ngưỡng không tạo ảnh hưởng trên mọi quyết định của chính phủ.
Việc bầu theo tín ngưỡng nói lên tình trạng chưa trưởng thành chính trị của cử tri Ai Cập, nhưng việc quân đội Ai Cập bắt giam Tổng thống Mohamed Morsi lại tố cáo là quân đội Ai Cập còn ấu trĩ hơn cả cử tri.
Đứng sau và hậu thuẫn cho quân đội Ai Cập ấu trĩ là Hoa Kỳ và con số quân viện mỗi năm 1.3 tỉ Mỹ kim; Quốc hội Mỹ đòi cúp quân viện, nại ra nguyên tắc quân viện không mang mục đích tạo ra sức mạnh quân sự để đảo chính và gây ảnh hưởng chính trị—cả hai việc này quân đội Ai Cập đều đang làm.

Trong chuyến thanh sát Ai Cập, hai nghị sĩ Cộng Hòa—John McCain và Lindsey Graham—khẳng định việc quân đội Ai Cập bắt giam tổng thống là đảo chánh. Điều khẳng định dứt khoát và quyết liệt này đáng lẽ phải đưa đến quyết định của quốc hội cắt viện trợ, nhưng lại đang chìm dần vào thế thụ động của cả quốc hội lẫn chính phủ Hoa Kỳ. Tình trạng êm re đó còn tố cáo một thái độ đồng lõa giữa hành pháp và lập pháp trước cuộc đảo chánh Ai Cập mà họ không dám quyết định một trong hai giải pháp.
Chỉ có hai giải pháp chứ không có một lối thoát thứ ba nào nữa cả: Giải pháp thứ nhất là cắt viện trợ, tạo ra sự thất thế của quân đội Ai Cập đưa đến cảnh tan hàng, rã ngũ như việc Hoa Kỳ đã làm tại Việt Nam năm 1975. Giải pháp này sẽ tạo ra 1 triệu người di cư—những người đã và hiện vẫn còn đang quyết liệt xuống đường chống chính phủ Morsi, những chính khách dân chủ, và những nhà trí thức Ai Cập—rồi biến Ai Cập thành một quốc gia Ả Rập khác chìm đắm trong máu lửa tương tàn, tương sát của những tín đồ đồng đạo Hồi Giáo, nhưng khác nhánh Sunni hay Shia. Tín đồ Sunni chiếm thành phần đại đa số tại Ai Cập.
Giải pháp thứ nhì là chọn con đường mà Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang chọn, dùng sức mạnh vũ khí đè bẹp sức nổi dậy của người đồng đạo, khác nhánh—con đường mà thân phụ ông ta Tổng thốngHafez al-Assad, và Tổng thống Saddam Hussein đã làm.
Bashar al-Assad đang sử dụng sức mạnh vũ khí chặn đứng đợt sóng nổi dậy của người Sunni đồng đạo, khác nhánh, trong cuộc chiến tranh mà Tổng thống Obama quyết định không võ trang cho phe Sunni, mặc dù Nga và Iran võ trang cho al-Assad.
Lần này, cuộc bầu cử Ai Cập không cho Obama “đứng ngoài” nữa. Cắt ngoại viện, ông sẽ giúp ông Morsi trở lại chính quyền; người Ai Cập—vì theo nhánh Sunni—sẽ gửi quân qua giúp quân nổi dậy Syria, việc làm này có thể bắt Iran nhập cuộc để bênh vực al-Assad; và chiến tranh Syria sẽ lan rộng hơn, ác liệt hơn.
Không cắt ngoại viện là duy trì tình thế hiện nay: dung túng việc quân đội dùng sức mạnh quân sự đàn áp khối 94% người Ai Cập đã bầu ra Tổng thống Morsi và quốc hội Hồi Giáo. Ai Cập sẽ trở lại tình trạng tiền cách mạng, trở lại với chế độ quân phiệt Hosni Mubarak, mà họ đã khổ công đấu tranh suốt nhiều tháng dài để lật đổ.
Tuy nhiên, việc trở lại với tình trạng tiền cách mạng cũng không phải là dễ, vì lần này phe quân nhân và những chính khách đang lập chính phủ dân sự bình phong cho quân đội, không tìm được thái độ tùng phục của dân chúng Ai Cập như Mubarack đã gặp trong gần 40 năm ông ngồi ghế tổng thống.
Người Sunni Ai Cập đang có thái độ tử thủ tại hai công viên họ chiếm giữ tại Cairo, trong lúc tại những thị trấn xa kinh đô, họ sẵn sàng chuyển từ những cuộc biểu tình chính trị sang một cuộc võ trang kháng chiến như người Sunni đang làm tại Syria.
Chính phủ do quân đội lập ra cũng chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với một cuộc nội chiến: họ chỉ định 19 tướng lãnh hồi hưu vào những chức vụ tỉnh trưởng; 2 trong 19 vị tướng này là tướng cảnh sát.

Giới hạn cuộc thảo luận về “bầu cử và dân chủ” vào tình hình Ai Cập, thì bầu cử quả đã không mang lại dân chủ, mà cũng không mang lại một chính phủ được toàn dân đồng ý chấp nhận. Ông Morsi và quốc hội Ai Cập được tuyệt đại đa số bầu lên, và phải trở thành hợp pháp tại bất cứ quốc gia dân chủ nào khác trên thế giới, thì giờ này đang bị giam.
Ý thức dân chủ của người Mỹ trắng cao đến độ họ dễ dàng chấp nhận ông Obama, một người Mỹ đen, vào Bạch Cung.
Vị tổng thống Mỹ đen của Hoa Kỳ lại đang a tòng với quốc hội Hoa Kỳ để tiếp tục chấp nhận việc đem tiền thuế người Mỹ đóng góp tài trợ cho quân đội Ai Cập trong việc đảo chánh chính phủ hợp pháp của Ai Cập.
Việc làm của Hoa Thịnh Đốn rất đáng trách, nhưng các chính khách liên bang không đủ can đảm làm ngược lại: cúp ngoại viện, gây cảnh tan hàng cho quân đội Ai Cập, chấp nhận việc ông Morsi trở lại ghế tổng thống, và chấp nhận 1 triệu người tị nạn mới.
Họ đang quyết định đi ngược lại kết quả của một cuộc bầu cử không gian lận, và sáng thứ Tư 14 tháng 8, quân đội và cảnh sát đã tấn công vào hai công viên do người Hồi Giáo tử thủ trong kinh đô Cairo.

Quyết định này sẽ gây ra nhiều hậu quả bất lợi cho Hoa Kỳ trong một thời gian rất dài.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét