Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi

Chia sẻ bài viết này



Trong bài phỏng vấn do Trà Mi thực hiện, Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi được nhiều người xem như một “biểu tượng” của lòng can đảm và của tuổi trẻ, nêu lên một ý nguyện, đồng thời cũng là một tham vọng của em: “Tôi không muốn mắc phải căn bệnh rất khó trị ở các thanh niên cùng tuổi tôi. Tôi muốn làm một bài thuốc để thanh niên Việt Nam nhìn thấy mà làm hết mình, ‘cháy’ hết mình, không còn bị vô cảm và sợ hãi vốn đã bị tiêm nhiễm ngay từ bé.”
Tôi không biết hiệu quả của “bài thuốc” ấy thế nào. Nhưng tôi nghĩ Phương Uyên đã bắt đúng căn bệnh kép không phải chỉ của giới trẻ mà còn của người Việt Nam nói chung lâu nay: bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi.
Bệnh sợ hãi, thật ra, là một bệnh lâu đời. Chế độ phong kiến, ở đâu cũng vậy, bao giờ cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng chính: sự sùng bái và sự sợ hãi. Sự sùng bái được xây dựng trên hai nền tảng chính: tư tưởng thần quyền (nòng cốt là tư tưởng thiên mệnh) và các nghi lễ đầy tính đẳng cấp trong xã hội. Sự sợ hãi được tạo thành và được duy trì chủ yếu bằng một biện pháp chính: khủng bố. Trong các tội trạng, tội nặng nhất là tội phản nghịch. Hình phạt dành cho tội này thường là tử hình, có khi không phải tử hình một cá nhân mà còn tử hình nguyên cả một dòng họ (tru di tam tộc). Tử hình không phải chỉ nhắm đến việc giết chết tội nhân. Mà còn nhắm đến việc giết chết mọi ý đồ phản nghịch của những người còn sống bằng cách khiến họ phải sợ hãi. Do đó, người ta bày ra đủ thứ kiểu giết người, từ kiểu chặt đầu, treo cổ đến kiểu cho voi giày, ngựa xé, ném vào vạc dầu sôi, tùng xẻo, v.v.. Bởi vậy, chuyện ngày xưa dân chúng thường xuyên sống trong sợ hãi là điều dễ hiểu.
Sau này, chế độ cộng sản tiếp tục duy trì sự sợ hãi ấy bằng các trại cải tạo và nhà tù, hơn nữa, bằng chế độ lý lịch: Con cháu những người bị xem là phản động trở thành một thứ con ghẻ, thường xuyên bị nghi kị và kỳ thị, có thời gian, lại là thời gian khá dài, còn không được nhận vào đại học. Bây giờ, do sự phát triển của kinh tế thị trường, chế độ lý lịch ấy đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, hệ thống nhà tù thì vẫn dày đặc. Mà không cần nhà tù, chỉ cần sự hiện diện của công an, mọi người đã khiếp sợ.
Tất cả những sự khủng bố và đe dọa ấy khiến mọi người nếu không run sợ thì ít nhất cũng thu mình lại, né tránh mọi đụng chạm đến công an hoặc rộng hơn, đến chính trị, từ đó, làm nảy sinh ra một thứ bệnh khác: bệnh vô cảm.
Nếu sợ hãi là một căn bệnh lâu đời, vô cảm lại là một căn bệnh rất mới. Trước, hầu như không ai nói người Việt vô cảm bao giờ. Thậm chí, ngược lại, hầu như ai cũng cho người Việt sống bằng tình cảm nhiều hơn lý trí. Với tư cách cá nhân, người ta quan tâm đến nhau; láng giềng quan tâm đến nhau; cả làng quan tâm đến nhau. Chuyện một người biến thành chuyện của cả tập thể. Sự quan tâm lớn đến độ lấn át cả sự riêng tư của từng cá nhân một.
Vậy mà, những năm gần đây, hầu như bất cứ người nào để ý đến xã hội Việt Nam một chút, cũng đều nhận thấy ngay một hiện tượng: người ta đối xử với nhau thật vô cảm.
Ngoài đường, nhìn người khác bị cướp giật, hầu như mọi người đều dửng dưng; thấy có ai đó bị tai nạn nằm giãy đành đạch, phần lớn vẫn đứng trố mắt nhìn. Trồng trọt hay buôn bán thực phẩm, biết việc sử dụng nhiều hóa chất có thể gây nhiễm độc hay bệnh hoạn cho xã hội, người ta vẫn mặc kệ. Làm các dịch vụ du lịch, biết việc chụp giật hay lừa đảo có thể gây ấn tượng xấu cho cả đất nước, khiến du khách ngoại quốc khinh bỉ và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, người ta vẫn bất chấp.
Chưa hết.
Hiện tượng con cái đánh đập hoặc đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà càng lúc càng phổ biến. Chỉ giận hờn hay cãi cọ nhau một chút là học sinh, có khi là nữ sinh, đã đánh nhau một cách tàn nhẫn. Để cướp một chiếc nhẫn, thay vì trấn lột, người ta nghĩ ra một biện pháp cực nhanh: chặt đứt nguyên cả cánh tay. Ăn trộm một con chó cũng bị cả làng xúm vào đánh chết.
Dù sao, ở trên cũng là những chuyện… nhỏ.
Lớn hơn là những chuyện liên quan đến số phận của cả đất nước. Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng ư? Người ta nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!” Nạn tham nhũng hoành hành, các công ty quốc doanh thi nhau phá sản để lại những núi nợ nần không những cho thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ sau này nữa ư? Người ta cũng nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!”
Quan trọng nhất là chuyện chủ quyền. Hầu như ai cũng biết Trung Quốc đang toan tính cướp biển và cướp đảo Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống của nhiều ngư dân Việt Nam, chi phối tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam. Ai cũng biết vậy. Nhưng phần lớn đều nhún vai: “Làm gì được?”. Rồi thôi.
Người Việt vẫn thường tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất và anh dũng của mình. Nhưng thời gian gần đây, nhìn đâu cũng thấy những cái nhún vai bất cần, kiểu sống chết mặc bay như thế.
Tại sao?
Lý do, thật ra, khá đơn giản. Một phần vì sợ, như đã nói ở trên. Phần khác, vì đó là chính sách của nhà cầm quyền. Dưới mọi hình thức tuyên truyền, nhà cầm quyền chỉ muốn mọi người vô cảm. Bày tỏ sự quan tâm của mình đối với chủ quyền của đất nước dưới hình thức biểu tình thì bị đạp vào mặt hay bắt thảy vào các nhà tù; dưới hình thức bài viết trên các blog thì bị vu cho tội… trốn thuế.
Trước, mọi nhà độc tài đều duy trì chế độ của mình trên sự sợ hãi của người dân; sau này, ngoài sự sợ hãi, người ta sử dụng một biện pháp nữa: làm cho mọi người trở thành vô cảm.
Tôi không biết hiệu quả của bài thuốc trị sự vô cảm và sự sợ hãi của Phương Uyên như thế nào. Nhưng ít nhất, nhìn ánh mắt, dáng dứng và những câu phát biểu của em trước tòa, cả tòa sơ thẩm lẫn tòa phúc thẩm, và đặc biệt, nhìn cả trăm người từ khắp nơi đến tham dự phiên tòa phúc thẩm của em, tôi nghĩ, ít nhất cũng có nhiều người đã vượt qua được hai căn bệnh hiểm nghèo ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét