Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Khởi diễn tuồng mới


uss-freedom
Nguyễn đạt Thịnh

Tuồng mới khởi diễn trên Biển Đông sáng Chúa Nhật 28 tháng Bảy, với Phó tổng thống Joe Biden hiện diện bên cạnh thủy thủ và phi công Hoa Kỳ sử dụng chiến hạm Freedom tuần tiễu mặt biển, góp phần bảo đảm tự do cho các quốc gia ven biển Thái Bình. Hãng thông tấn Pháp AFP tường thuật lời ông, “Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương; tôi tuyên bố sự thật hiển nhiên này mà không cần xin lỗi ai cả; tôi khẳng định chúng tôi sẽ ở lại đây và sẽ duy trì vị thế cường quốc”.


Phó tổng thống Mỹ còn khẳng định sự hiện diện của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương đang “góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và giúp các quốc gia khu vực tập trung phát triển kinh tế”. Ngoài ra, ông Biden còn cảnh báo tình trạng tranh chấp và hành động hung hăng của một số bên ở biển Đông gần đây là mối đe dọa đối với an ninh khu vực.
Ông kêu gọi các bên đẩy nhanh quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để ngăn chặn xung đột. Hôm qua, phó tổng thống Mỹ đã lên đường trở về Hoa Kỳ.
Tuồng mới cũng được tường thuật trong số báo Chúa Nhật 28 tháng Bảy của tờ Thanh Niên – phát hành trong nước – với bài báo mang tựa đề “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ”; cơ quan này – CSIS-Center for Strategic & International Studies – đã từng nghiên cứu, viết, và phổ biến nhiều bài giá trị về cuộc tranh chấp Biển Đông giữa Trung Cộng và các lân quốc.
Qua những đoạn video trên truyền hình, người Việt hải ngoại có cơ hội biết rõ về ông Sang; họ đánh giá ông là một diễn viên hạng B trên sân khấu chính trị quốc tế. Tại CSIS ông đọc một bài soạn sẵn bằng Việt ngữ, được thông dịch ra Anh ngữ cho cử tọa hiểu ông nói gì; nhiều người vỗ tay.
Ông tạo được thích thú cho mọi người không vì nội dung bài thuyết trình, mà vì yếu tố ông là một trong hai lãnh tụ quốc gia đồng minh của Trung Cộng, vừa bị bóc ra khỏi thế đồng minh này, (nhân vật thứ nhì – chưa bị bóc – là nhà lãnh tụ nhi đồng, Thống chế Kim Jong-Un chủ tịch Bắc Hàn).

Sau bài phát biểu, ông Sang đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi của cử tọa và phóng viên truyền thông; nhiều câu hỏi xoay quanh lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền tại biển Đông trước yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Một phóng viên hỏi quan điểm của ông Sang về việc chính phủ Phi Luật Tân đưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế luật biển, yêu cầu tòa án phán quyết yêu sách đường lưỡi bò của Trung Cộng là phi pháp.
Sang đáp, “Tôi nghe nói CSIS là cơ quan nghiên cứu cấp cao của Hoa Kỳ. Liệu các bạn có thể tìm giúp cơ sở pháp lý cho đường lưỡi bò đó không, chứ chúng tôi không thấy nó hợp pháp tí nào”. Cử tọa vỗ tay tán thưởng câu hỏi lại của ông Sang; ông nói tiếp, “Lập trường của Việt Nam chúng tôi trước sau như một là không tán thành, hay nói trắng ra là phản đối đường lưỡi bò”.
Mặt khác, tuồng mới cũng khởi diễn tại Ấn Độ: trong số phát hành ngày Chúa Nhật 28 tháng Bảy, tờ nhật báo THE HINDU loan tin chính phủ Ấn dành cho Việt Nam khoản tiền 100 triệu Mỹ kim để mua 4 chiếc tiểu hạm tuần dương.
Ấn cũng xác định ý muốn trở lại khai thác giếng dầu Phú Khánh đã được Việt Nam chuyển nhượng trước đây. Về giếng dầu này Việt Nam khẳng định họ có đầy đủ chủ quyền, mặc dù Trung Cộng nói Phú Khánh nằm trong đường Lưỡi Bò của họ.
Thứ vũ khí mà Việt Nam muốn mua của Ấn là hỏa tiễn Brahmos, do Ấn và Nga hợp tác sản xuất; Nga không muốn đứng ra bán cho Việt Nam loại hỏa tiễn này vì những liên hệ tế nhị với Trung Cộng.
Nhiều quan sát viên cho là mặc dù cam kết không theo phe nào trong những phe đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ vẫn giúp Việt Nam và Phi Luật Tân qua Ấn và Nhật.
Ngày 27 tháng Bảy trong cuộc đối thoại với Tổng thống Benigno Aquino III ở Manila, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố nước ông sẽ hỗ trợ Philippines cải thiện khả năng tuần tiễu hải phận.
Đài NHK dẫn lời ông Abe nói rõ rằng Tokyo sẽ cung cấp 10 tiểu đĩnh cho lực lượng tuần duyên Philippines theo hình thức vay hỗ trợ, đồng thời hứa giúp xây dựng hệ thống truyền tin hiện đại cho lực lượng này.
Abe cũng kêu gọi các bên liên quan tại Biển Đông tuân theo luật pháp quốc tế và kiềm chế hành động đơn phương. Đáp từ, Tổng thống Aquino III tuyên bố hai bên nhất trí tăng cường hợp tác an ninh biển, một trong những quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Nhật.
Trong chuyến công du 3 nước ASEAN – Malaysia, Singapore, và Phi Luật Tân – ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của thái độ tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông; ông chủ trương hợp tác với ASEAN để bảo đảm vùng Châu Á-Thái Bình Dương “được kiểm soát bởi luật pháp, chứ không ép mình dưới sức mạnh quân sự, và khủng bố tinh thần”.
Cũng trong ngày 27/7, báo The Philippine Star dẫn lời một quan chức Philippines cáo buộc Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hải quân phi pháp được trang bị radar, bãi đáp trực thăng và cầu cảng ở bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vị quan chức này cho biết thêm rằng tất cả các tàu chiến và bán quân sự do Trung Quốc triển khai đến khu vực đều sử dụng cơ sở này.
Bên cạnh đó, nhiều mạng điện tử Trung Quốc đã lên tiếng phản đối dữ dội hành động của du khách Trung Cộng phá hoại môi trường và ăn hải sản quý hiếm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi họ đến du lịch trái phép.
Theo báo South China Morning Post, nhiều du khách khoe trên internet những bức ảnh chụp cảnh họ ngang nhiên lặn, bắt và ăn hải sản quý hiếm tại Hoàng Sa. Nhiều người bất bình viết trên mạng xã hội: “Hãy ngưng phát triển du lịch, trước khi quần đảo bị hủy diệt” và “khai thác du lịch trên đảo này không phải là một sáng kiến đáng khuyến khích”. Trung Quốc bắt đầu mở tuyến du lịch phi pháp đến Hoàng Sa vào cuối tháng 4 năm 2013, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.

Điểm chưa minh bạch của tấn tuồng mới là sự vắng mặt của một số diễn viên chính, nhất là hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng; nếu hai ông này đồng quan điểm với ông Sang thì tình hình Việt Nam đang sáng sủa hơn.
Ngược lại, nếu Dũng và Trọng có lập trường thân Trung Cộng, cuộc tranh chấp ảnh hưởng sẽ vô cùng quyết liệt. Tình hình đang rất mập mờ vì trong vài trăm tờ báo quốc nội, chỉ một tờ Thanh Niên tường thuật hoạt động của ông Sang trong chuyến công du. Những tờ báo khác giữ thái độ im lặng, tránh né.
Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét