5 giờ chiều thứ hai 24-3 vừa qua, dân số Việt Nam được báo là 90.520.196 người, nợ công là 80.114.754.098 đô la Mỹ; bình quân 886,82 đô la Mỹ/người, tương đương 48,09% GDP; chưa hết, so với năm ngoái tăng 11,2%.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà các thông tin, dữ kiện không còn là bí mật nữa.
Tỷ như ai cũng có thể chỉ cần vài cú nhấp chuột trên trang web của The Economist, là có thể biết ngay vào thời điểm này nước mình, nước kia đang nợ nần bao nhiêu, như thế nào! Tỷ như 5 giờ chiều thứ hai 24-3 vừa qua, dân số Việt Nam được báo là 90.520.196 người, nợ công là 80.114.754.098 đô la Mỹ; bình quân 886,82 đô la Mỹ/người, tương đương 48,09% GDP; chưa hết, so với năm ngoái tăng 11,2%.
Thật ra, số tiền vay chừng đó quy ra đầu người, so với nhiều nước mới chỉ là “cái móng tay”. Thế nhưng, vay như thế nào, trong những điều kiện nào với lãi suất bao nhiêu, cũng như vay để làm gì, lấy cái gì và làm gì trả nợ cho đặng... mới chính là vấn đề. Tất cả những thứ đó tạo thành cái gọi là hệ số tín dụng (credit rating) của một nước mà nói một cách nôm na là độ tin tưởng vào khả năng trả nợ của nước đó ở mức nào. Cũng như thẻ tín dụng, trước khi cấp ngân hàng phải kiểm tra xem khách nợ tiềm năng ấy thu nhập bao nhiêu, như thế nào, có tài sản gì không... để quyết định có thể cấp thẻ hay không và cho hạn mức bao nhiêu.
Nhắc chuyện này vì nhớ đến tình cảnh ta mới được MIGA, Cơ quan Bảo lãnh đầu tư đa phương chuyên bảo hiểm rủi ro chính trị và tăng cường tín dụng của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đứng ra bảo lãnh rủi ro cho vay 500 triệu đô la để sửa quốc lộ 20! Nếu như vào năm 2005, khi lần đầu tiên tung trái phiếu ra bán để vay 750 triệu đô la cho ngành công nghiệp đóng tàu, còn là khá dễ dàng, với mức lãi suất phải trả hàng năm là 7,125%, thì nay với khoản vay 500 triệu này lại cần phải được bảo lãnh rủi ro có lẽ vì mối e ngại khả năng tiếp tục hoàn trả rất dễ bị suy giảm trước thay đổi tiêu cực của môi trường kinh tế và kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, sự chênh lệch giữa con số 3.149 tỉ đồng (khoảng 150 triệu đô la Mỹ) mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự báo chi cho Asiad vào năm 2019 với con số mà đại diện Bộ Tài chính sơ bộ đưa ra, khoảng 300 triệu đô la Mỹ, càng làm tăng thêm mối lo ngại về lời hứa hẹn đây sẽ là một kỳ Đại hội thể thao châu Á tốt nhất, thiết thực, tiết kiệm, chống lãng phí. Càng ái ngại khi đăng cai SEAGames 22 cách nay 10 năm ta đã phải chi khoảng 4.700 tỉ đồng, lớn hơn số tiền mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dự chi cho sự kiện Asiad. Làm thế nào mà một Asiad 2019 với những 45 đoàn tham gia với gần 10.000 huấn luyện viên, vận động viên lại có kinh phí tổ chức rẻ hơn SEAGames 2003 với chỉ 11 đoàn tham dự và cách nhau những 16 năm? Đó là còn chưa nhắc đến những công trình cần phải xây để đáp ứng yêu cầu tổ chức ASIAD như trường đua xe đạp hay tổ hợp thi đấu các môn thể thao trong nhà, mà theo Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa, tổng kinh phí ước khoảng 580 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn xã hội hóa.
Các câu hỏi về các số tiền sẽ phải chi, lớn thì lớn thật đấy, song vẫn chỉ là những “câu hỏi phụ”, câu hỏi chính cần đặt ra là: mục tiêu nhắm đến Asiad 2019 là gì? Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, hoài nghi mục tiêu giành 10-15 huy chương vàng (HCV), do lẽ theo ông thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ở 3 kỳ Asiad gần đây nhất (2002, 2006, 2010) số HCV giành được cứ giảm dần từ 4 (2002), xuống còn 3 (2006), rồi còn vỏn vẹn 1 HCV (2010)! Cây đũa thần nào sẽ làm tăng đột biến từ 1 lên 10-15 HCV ở Asiad 2019?
Nếu có ai đó lên tiếng: “Chẳng lẽ bây giờ bỏ cuộc à?” thì cũng đành phải trả lời: “Chẳng lẽ bỏ cả mấy ngàn tỉ đồng để rồi chứng kiến nền thể thao của một quốc gia có số dân đông đứng hàng thứ 8 châu Á, đứng thứ 14 thế giới, tan hàng với vài HCV hiếm hoi à?”. Nợ, vay, thì phải trả. Nợ tiền đã là lớn, song nợ niềm tin càng lớn hơn!
Thiên Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét