Cho dù tương lai của cá nhân mình ra sao, ta không thể không cố sức trong hiện tại. Cho dù thất bại hay thành công, ta không thể không góp gió cùng với dân tộc.
Cuốn phim mang tựa đề Sliding Doors (Những Cánh Cửa Kéo), ra đời vào năm 1998, kể về hai cuộc đời của một cô gái tên là Helen. Vâng, hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt xảy ra cùng một lúc, nhưng lại là hai cuộc đời trong hai vũ trụ song hành. Helen vừa mới bị đuổi việc và được cho ra về sớm. Trên đường về nhà cô vừa kịp đến cửa xe điện ngầm thì hai cánh cửa đang từ từ kéo khép lại. Chỉ cái tíc tắc đó đã phân hóa cuộc đời của Helen ra làm hai: Một cuộc đời trong đó cô đã nhảy kịp lên xe trước khi cửa khép kín; và một cuộc đời khác khi cô đã lỡ chuyến tàu. Trong cái vũ trụ cô lên kịp tàu, Helen đã gặp một người đàn ông tên là James bắt chuyện suốt cuộc hành trình. Nhưng chỉ vì được về nhà sớm hơn mọi bữa nên cô đã bắt gặp một sự thật phũ phàng, lại làm đời cô càng thêm xáo trộn. Để dành sự bất ngờ cho những độc giả sẽ tìm xem phim này, tôi chỉ xin tiết lộ là cuối cùng khi James thố lộ là đã yêu cô thì ngay sau đó, trong lúc trái tim đang tràn ngập với những xúc cảm yêu đương, cô đã bất cẩn để bị xe đụng trong lúc vội vã băng qua đường. Và Helen đã chết trên tay người yêu.
Trong cái vũ trụ khác nơi cô đã lỡ chuyến tàu, cuộc đời Helen cũng đã phải trải qua bao sóng gió. Nhưng trong một giấc ngủ, cô cũng đã mơ thấy loáng thoáng cuộc đời của chính mình trong cái vũ trụ song hành kia, nơi cô đã bắt kịp chuyến tàu và chết trong một tai nạn xe cộ. Nhưng cũng ở đoạn kết trong cái vũ trụ này, Helen lại tình cờ gặp James lần đầu tiên, y hệt như trong đoạn đầu của cái vũ trụ cô đã lên được tàu điện. Đạo diễn đã kết thúc cuốn phim nơi đây, để dành cho người xem tự suy đoán là Helen và James rồi sẽ đi về đâu ở cái thế giới này.
Nhắc lại câu chuyện phim thú vị này nơi đây là vì tôi muốn qua đấy nói lên các vấn đề: về sự ngẫu nhiên/bất định, về các vũ trụ song hành, về định mệnh và quyền tự quyết dưới cái nhìn của vật lý hiện đại.
Theo “diễn dịch đa vũ trụ” hay “đa tâm” được đề ra trong khuôn khổ của cơ lượng tử, ngay sau mỗi lần đo đạc thì nhiều thế giới được nảy sinh ra, mỗi một thế giới tương ứng với một kết quả có thể có được của việc đo lường. Đấy đã được tiểu thuyết hóa qua hai cái vũ trụ song hành của Helen, một vũ trụ khi cô đã lên được tàu và một vũ trụ khác khi cô đã lỡ chuyến tàu — với những diễn tiến hoàn toàn khác biệt trong hai cái tương lai khởi nguồn từ hai sự việc/kết quả tưởng chừng như vô thưởng vô phạt này.
Những vũ trụ này có thể là những “hiện thực” trong ngoặc kép của thế giới vật chất (như theo thuyết “đa vũ trụ”) hay có thể chỉ là những “hiện thực” trong tâm tưởng của người quan sát (như theo thuyết “đa tâm”).
Vào năm 1964, một nhà vật lý người Ái Nhĩ Lan tên là John Bell đã công bố một định lý toán học, về sau được gọi là Bell’s Theorem (định lý của Bell). Về mặt toán học thì đây là một định lý có vẻ đơn giản, không cần dùng các phương pháp toán cao cấp để chứng minh. Nhưng về ảnh hưởng trên khoa học thì Định Lý Bell được coi là quan trọng nhất trong lịch sử khoa học từ xưa đến nay. Động lực đã khai sinh định lý này chính là cái “quấn quít bất khả phân” trong hiệu ứng EPR của cơ lượng tử.
Một mai này thuyết lượng tử nói riêng và lý thuyết khoa học nói chung có thể sẽ bị loại bỏ một khi chúng không phù hợp với thế giới thực nghiệm nữa. Nhưng cái hay của một định lý toán học là nó luôn có giá trị trường tồn trong khuôn khổ luận lý. Như mọi định lý toán học khác, Bell đã bắt đầu từ giả thuyết A để đi đến kết luận B. Cái kết luận B này của Bell lại có thể được kiểm chứng hay bác bỏ qua thực nghiệm.
Các thí nghiệm vật lý lượng tử sau đó đã đưa đến kết luận là kết luận B là “sai”, là bị bác bỏ bởi hiệu ứng “quấn quít bất khả phân”, là không phù hợp với thế giới vật chất lượng tử của chúng ta.
Nhưng đấy không có nghĩa là định lý Bell là sai. Theo toán học, một khi A suy ra B thì có nghĩa là trong một thế giới nào đó (tuân thủ theo luận lý toán học) nếu có A thì ắt phải có B. Ngược lại, trong một thế giới nào đó nếu không thể có được B thì chỉ có nghĩa là giả thuyết A là sai. Và đó là giả thuyết gì trong định lý Bell? Giả thuyết A của Bell gồm có hai phần: Một là cái thế giới vật chất này là tự nó tồn tại và có tự tính riêng; và hai là không có một tín hiệu nào có thể truyền đi một cách tức thời.
Nói tóm lại, định lý Bell và sự thành công của thuyết lượng tử đã buộc ta phải đi đến cái kết luận hoặc là cái thế giới vật chất của chúng ta không tự tồn tại, không có tự tính; hoặc là mọi vật trong thế giới này có thể liên hệ tức khắc với nhau, bất kể không gian cách biệt. Hoặc là cả hai điều này! Hay là cái thế giới này lại không tuân thủ theo luận lý toán học? Nhưng nếu vậy tại sao các phương trình cơ lượng tử lại được kiểm chứng chính xác? Chủ đích của Bell lúc đầu khi nghiên cứu vấn đề này là nhằm chứng minh cơ lượng tử là vẫn còn thiếu sót, chưa phải là lý thuyết cơ bản sau cùng của vật chất. Nhưng một cách ngoan cố cơ lượng tử vẫn tiếp tục đứng vững và đã cho ông và cho chúng ta từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
**
Nếu những điều trên đây là quá trừu tượng hay khó tin, thì cũng không phải chỉ có chúng ta là bị nhức đầu không thôi đâu. Đến ngay chính cha đẻ của phương trình sóng là Erwin Schrödinger cũng có lúc đã phải bực mình: “Tôi không thích cơ lượng tử, và tôi hối hận là đã từng dính dáng tới nó” – “I do not like it, and I am sorry I ever had anything to do with it.”
Còn Einstein thì cũng chẳng hơn gì, ông có lần đã thú nhận trong bức thư cuối cùng gởi cho Max Born rằng:
“Điều mà tôi muốn nói là như vầy: Trong hoàn cảnh hiện tại, cái nghề duy nhất mà tôi sẽ chọn lựa là một cái nghề nào đó mà cách kiếm sống không liên quan gì đến công chuyện tìm tòi về kiến thức!”
“What I wanted to say was just this: In the present circumstances, the only profession I would choose would be one where earning a living had nothing to do with the search for knowledge.”
Cơ lượng tử là một lý thuyết vật lý nghịch lý nhất. Không một cá nhân riêng lẻ, tỉnh táo nào mà lại có thể đương không đi tạo dựng ra cơ lượng tử. Và bình thường thì không một ai hiểu biết lại có thể đi tin vào cái thuyết nghịch lý này. Nhưng cuối cùng vật lý đã phải đi đến thuyết này, không phải vì nó hợp lý, mà chỉ là vì hằng hà vô số các thí nghiệm và quan sát đã dẫn chúng ta đến cái thuyết tất yếu, phải có này. Tất yếu là vì trong khoa học hiện nay, duy nhất chỉ có cơ lượng tử là có thể dự đoán được và đã được kiểm chứng chính xác tất cả các kết quả thực nghiệm.
Nhưng cơ lượng tử càng ngày lại càng kỳ bí. Một thuyết khoa học bắt nguồn từ hiện tượng / bản thể của vật chất nay lại đi bàn về cái tâm! Chính Einstein thời sinh tiền đã thấy được điều này nên đã cho rằng: “Nếu cơ lượng tử là đúng, thì nó đánh dấu cho sự cáo chung của vật lý như là một bộ môn khoa học” — “If [quantum theory] is correct, it signifies the end of physics as a science.”
Thật vậy, cái lối “diễn giải đa tâm” của cơ lượng tử lại rất gần gũi với cái vũ trụ quan “vạn pháp do tâm tạo” trong ngoặc kép của Phật giáo.
Theo Nguyễn Tường Bách, thì Kinh Lăng Nghiêm của phật giáo nói về một thể tạm mệnh danh là “Chân Tâm”. Chân Tâm là phi hình tướng, phi tính chất, không thể nghĩ tới bàn tới. Nhưng Chân Tâm lại có thể nhận thức ngay chính mình.
Xuất phát từ Chân Tâm đó, nếu bỗng có “vọng tâm” nổi lên, thì đó là lúc Chân Tâm sẽ quay qua tự nhận thức chính mình và thấy có một thể bị nhận thức (tướng phần) và một thể nhận thức (kiến phần). Tức là, với vọng tâm, xuất hiện một lúc hai thể tính: người quan sát và vật bị quan sát. “Vọng tâm” được Kinh Lăng Nghiêm so sánh với giấc mộng, trong đó có người có ta, có cảnh vật, có diễn biến thông không gian và thời gian. Nếu tỉnh dậy thì tất cả cảnh vật trong mơ cũng không còn. “Nếu vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi, vọng tâm diệt đi thì các pháp đều diệt.”
Theo Phật giáo, cái thế giới vật chất mà ta đang cảm nhận thật ra được hình thành và duy trì dựa trên vọng tưởng của tâm – vì vật chất không có một tự tính riêng biệt (pháp vô ngã), mà chỉ tồn tại trên cơ sở tương quan đối với người quan sát. Đây không có nghĩa là cái tảng đá đằng kia chỉ có trong sự tưởng tượng của ta và luôn đè nặng lên cái tâm tưởng của ta. Nhưng chính là do tâm thức của ta mà vật chất mang một “tính chất” nào đó, “hiện hữu” dưới một dạng nào đó, như trong thí dụ hạt và sóng.
Mỗi thế giới như thế tuy chỉ có giá trị đối với mỗi cá thể riêng lẻ, nhưng chúng cũng lại có thể hòa vào nhau, tưởng chừng như thể của chung của nhiều cá thể. Lúc ấy, dường như toàn xã hội, toàn loài người đều có chung một thế giới. Đó được giải thích là vì cái gọi là “cộng nghiệp”, tức là cái nghiệp chung của nhiều cá thể làm cho những cá thể đó thấy chung một thế giới — như thể chỉ có một thế giới duy nhất. Do đó khái niệm cộng nghiệp là hết sức quan trọng để giải thích thế giới hiện tượng “chung” của cái thế giới “riêng” của chúng ta.
Điều này còn dẫn đến một triết lý sâu xa hơn nữa, đó là “pháp vô ngã” và “nhân vô ngã”. Pháp vô ngã thì cho rằng không có sự vật nào tồn tại với tự tính riêng của nó cả, tất cả đều chỉ là sự biến hiện làm ta thấy “có” khi đủ điều kiện (nhân duyên sinh) để cho sự vật trình hiện trước mắt ta. Nhân vô ngã lại cho rằng con người mà ta tưởng là có một cái “Tôi” đứng đằng sau, thật sự chỉ là sự vận hành vô chủ của ngũ uẩn. Triết lý nhân vô ngã và pháp vô ngã cho thấy mặc dù thế giới hiện tượng và thế giới tâm lý vận hành liên tục nhưng đó chỉ là sự vận động nội tại của nó, và không một ai làm chủ chúng cả. Sự vận động đó chủ yếu xuất phát do động cơ tâm lý được gọi là “nghiệp” hay “nghiệp lực”. Nghiệp lực (bao gồm “biệt nghiệp” của cá thể và “cộng nghiệp” của toàn thể) chính là tác nhân làm thế giới vật chất được duy trì, làm cho vũ trụ được sinh ra và phát triển.
Tóm lại, cái nhìn của nhà Phật là thế giới vật chất chỉ là dạng xuất hiện của tâm, là sự trình hiện của tâm trước mắt người quan sát, mà người quan sát cũng là tâm nốt. Vì có người quan sát nên có vật được quan sát. Ngược lại, vật được quan sát không thể tồn tại được nếu không có người quan sát.
Điều này có thể giải đáp một câu hỏi quan trọng của vật lý là, nếu thực tại bên ngoài là độc lập với ý thức thì tại sao con người có thể nắm bắt được thực tại, và tại sao thực tại lại tuân thủ theo những công thức toán học của con người.
Vì vật chất chỉ là dạng xuất hiện của tâm, không có tự tính riêng, chỉ tùy “duyên khởi” mà trình hiện nên Phật giáo không thấy có mâu thuẫn giữa hai dạng sóng-hạt của vật chất. Cả sóng lẫn hạt đều xuất hiện khi đầy đủ nhân duyên hội tụ thì chúng xuất hiện. Trong vật lý, cái “duyên khởi” chính là cách đặt câu hỏi của người quan sát và cách xếp đặt thiết bị đo lường. Sự nghịch lý sóng-hạt chỉ có khi ta cho rằng vật chất tự nó phải có một tự tính riêng.
Cũng vậy, mọi nghịch lý trong hiệu ứng EPR, quấn quít bất khả phân, cũng có thể giải đáp được bằng vũ trụ quan này của Phật giáo — tương tự như cách giải thích qua cái “diễn dịch đa thế giới” hay “đa tâm” của vật lý lượng tử.
Mỗi thế giới trong muôn vàn thế giới này của “đa thế giới” cũng có thể được so sánh như một giấc mơ sinh ra từ cái tâm của ta. Trong giấc mơ đó mọi sự đều hài hòa, không tự mâu thuẫn, và vận hành theo những quy luật nhân quả.
Như trong Hồ Mộng Điệp khi Trang Châu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Châu nữa. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Châu. Không biết phải mình là Châu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm nằm mộng thấy hóa Châu. Trang Châu với bướm tất có phải là khác nhau không?
Hay cũng như khi cô Helen ở vũ trụ này mà lại nằm mơ về cái vũ trụ nơi cô đã bước lên được chuyến tàu kia. Với cô thì cái vũ trụ nào là thật hơn cái vũ trụ nào?
Nhân vật tên là Prospero trong kịch bản The Tempest (Cơn Bão) của Shakespeare, trong một cuộc vui để mừng đám cưới con gái mình, đã giải thích cho hai trẻ rằng:
“These our actors,
As I foretold you, were all spirits and
Are melted into air, into thin air:
And, like the baseless fabric of this vision,
The cloud-capp’d towers, the gorgeous palaces,
The solemn temples, the great globe itself,
Ye all which it inherit, shall dissolve
And, like this insubstantial pageant faded,
Leave not a rack behind. We are such stuff
As dreams are made on, and our little life
Is rounded with a sleep.”
Những kịch sĩ này,
Như cha đã nói trước với con, đều là những bóng ma và
Sẽ tan chảy vào không khí, vào hư vô:
Và, cũng như cái cấu trúc không nền tảng của cái ảo tưởng này,
Những ngọn tháp cao thấu mây, những hoàng cung tráng lệ,
Những đền thờ trang nghiêm, và ngay cả trái đất này,
Tất cả những gì nó thừa hưởng, sẽ tan biến
Và, cũng như đoàn diễn hành thưa thớt dần dần mờ nhạt
Không để lại dấu tích gì. Chúng ta chỉ là những vật liệu
Tạo nên những giấc mơ, và cuộc đời nhỏ bé của chúng ta
Chỉ là nằm gọn trong một giấc ngủ
Có lẽ Shakespeare muốn nói rằng khi ta chết đi cũng là lúc ta rời cuộc sống mộng mị này để tỉnh dậy trong thực tại. Hay rồi, chỉ để tỉnh dậy lại trong một giấc mộng khác — chẳng thực hơn, chẳng hư hơn giấc mộng này?
“Một mai qua cơn mê Xa cuộc đời bềnh bồng Tôi lại về bên em. … Ta sẽ thăm từng người Sẽ đi thăm từng đường Sẽ vô thăm từng nhà. … Tình người sau cơn mê vẫn xanh Dù bao tháng năm đau thương dập vùi …
Rồi đây qua cơn mê Sông cạn lại thành dòng Xuôi về ngọn quê hương.”
(Trịnh Lâm Ngân – Qua cơn mê )
Đo lường là nền tảng cốt lõi của cơ lượng tử, trong đó kết quả của đo lường lại là ngẫu nhiên và bất định trong mỗi lần đo đạc – như sự ngẫu nhiên trong việc Helen đã hay không đã bước lên được chuyến tàu trước khi đôi cánh cửa kéo kín.
Nhưng chính cái ngẫu nhiên đó (xuất phát từ cơ lượng tử hay từ đâu đi nữa) đã cho sự sống cái cơ hội được hình thành. Vũ trụ vào lúc sơ lập, chính cái giao động ngẫu nhiên trong “nồi súp” khởi thủy đã phá vỡ sự cân bằng hóa học, tạo cơ hội cho các chất hữu cơ được hình thành từ các chất vô cơ trong nồi súp đó. Các chất hữu cơ này bao gồm luôn cả các amino acids là nền tảng của các proteins. Rồi kế đó là sự hình thành của những tế bào có thể tự sinh sản, mặc dù chúng chưa hẳn là sự sống. Và sau cùng là sự xuất hiện của sự sống từ những tế bào đơn sơ này.
Và khi sự sống đã được hình thành thì sự phát triển đa dạng của sự sống theo thuyết tiến hóa của Charles Darwin lại cũng phải nhờ vào cái yếu tố ngẫu nhiên. Các thế hệ về sau của sinh vật sẽ có những thay đổi trong các di truyền tử (genes). Sự khác biệt này một phần là do sự kết hợp từ các di truyền tử khác nhau của bố và mẹ, một phần khác là do những biến động ngẫu nhiên, tình cờ gây ra những biến dạng của gene. Môi trường sống sẽ gạn lọc, chỉ những di truyền tử nào thích hợp thì sẽ tiếp nối trong các thế hệ sau, và dần dần loại bỏ những sự sống không thích hợp. Nhất là khi môi trường có những biến động lớn về khí hậu hay điều kiện sống, thì chỉ có những sinh vật nào thích ứng được mới có thể sống còn và phát triển.
Nếu không có những sự thay đổi ngẫu nhiên, tình cờ trong các di truyền tử thì các thế hệ đi sau sẽ có cấu trúc tương tự như bố mẹ của mình và, do đó, sẽ không thích ứng và sống còn được với những biến đổi to tát của môi trường sống này. Đây là trường hợp diệt chủng của loài khủng long giống máu lạnh hàng triệu năm trước đây trên trái đất này, khi mặt trời đã bị bụi che kín trong một khoảng thời gian dài.
Nếu sự ngẫu nhiên, tình cờ là không thể thiếu được cho sự nảy sinh và tiến hóa của sự sống, thì nó có vai trò gì trong cái khả năng tự do quyết định (free will) của chúng ta không?
Theo vật lý cổ điển khởi nguồn từ Isaac Newton thì một khi các điều kiện ban đầu đã được xác định thì mọi tiến trình sau đó sẽ là cố định. Theo thuyết xác định (determinism) này thì mọi việc, nhỏ hay lớn, đều là do định mệnh định đoạt cả: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định” — ăn một miếng, uống một hớp, không gì là không do quá khứ quyết định trước. Theo đó, con người chúng ta thật ra không có cái khả năng tự do quyết định gì cả.
Cô Helen trong phim “Sliding Doors” dù ở trong cái thế giới nào đi nữa thì cũng đã gặp James, dù sớm hay muộn. Đấy có phải là định mệnh không tránh được của cô ấy hay không?
Ngược lại, trong một thế giới mà cái gì cũng là ngẫu nhiên bất định thì không thể có định mệnh, vì không có gì có thể định trước được. Nhưng trong thế giới đó thì ta cũng lại không có luôn cả cái khả năng tự do quyết định. Quyết định làm sao được khi những biến cố kế tiếp sau đó lại hoàn toàn là bất định!
Cơ lượng tử lại nằm giữa hai thái cực này. Vì bản chất ngẫu nhiên trong sự đo đạc, cơ lượng tử không hẳn là một thuyết định mệnh, vì nó còn có chỗ trống cho sự ngẫu nhiên, bất định. Nhưng cái bất định lượng tử này lại bị giới hạn phần nào trước đó qua hàm sóng Schrödinger. Hơn thế nữa, cơ lượng tử cũng lại cho người quan sát cái tự do để chọn lựa tính chất nào, hạt hay sóng, trong việc tương tác với các đối thể bị đo lường.
Với một cấu trúc như thế, cơ lượng tử có chỗ cho cái gọi là định mệnh qua hàm sóng, nhưng cũng lại có thể dung chứa cái khả năng tự do quyết định trong khuôn khổ của hàm sóng định mệnh này.
Nhưng đấy chỉ là điều mạn đàm, vì đi từ vật chất vi mô lượng tử đến thuyết định mệnh, đến cái tự do chọn lựa của con người là một bước quá dài. Có lẽ ta đã bước ra ngoài giới hạn của vật lý nói chung rồi đấy.
Dịch học là một triết học bàn về đạo lý thịnh suy, lành dữ, hạnh và bất hạnh của cá nhân và xã hội, đất nước. Nhưng tinh thần của dịch học là “đức năng thắng số” chứ không hẳn con người là phải phục tùng số mệnh. Nghĩa là dù gặp phải cảnh ngộ khó khăn, gian khổ, nhưng nếu biết giữ đức hạnh, sống chính đáng thì dữ biến thành lành, hung biến thành cát:
“Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” — nhà nào tích chứa nhiều điều thiện thì sẽ có thừa điều lành, nhà tích chứa nhiều điều ác thì sẽ gặp nhiều chuyện dữ.
Gia đình như vậy, cá nhân cho tới xã hội, đất nước cũng đều như vậy. Trị nước mà tàn bạo, hà hiếp, bóc lột dân quá đáng thì trước sau gì dân cũng sẽ phải nổi dậy, phá bỏ gông xiềng.
Phật giáo, vì được xây dựng trên thuyết nhân quả, nên cho rằng định mệnh không nằm trong bàn tay quyết định của thần linh hay người nào khác, mà nó tuỳ thuộc ở ngay hành động và ý tưởng của chính người ấy, thường được gọi là nghiệp. Nghiệp được tạo mỗi khi có dụng tâm, dù đó chỉ là ý nghĩ, lời nói hay hành động.
Kinh “Tiểu Nghiệp Phân Biệt” có câu: “Người là chủ nhân của nghiệp, cũng là thừa tự của nghiệp.” Nghiệp do chính mình tạo ra và nghiệp trở lại chi phối mình:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”
(Nguyễn Du – Kiều )
Phật giáo khẳng định rằng định mệnh chỉ là hình bóng của nghiệp, và không hẳn là bất di bất dịch không thay đổi được. Định mệnh có hay không là do ta. Nếu ta thụ động đổ thừa cho số mạng, hay ngồi đó chờ một phép lạ xảy ra thì lúc đó định mệnh là có thật, vì ta đã không tận dụng khả năng thay đổi cuộc sống của ta. Con người chúng ta lúc nào cũng có cái quyền, cái tự do chọn lựa, ít nhất là trong thái độ của ta đối với những biến cố trong đời sống.
Cái quan trọng không phải chỉ ở những gì đã và sẽ đến với ta, không phải là có hay không có định mệnh. Mà quan trọng cũng ở chỗ ta đã học được những gì trong quá khứ và sẽ phản ứng ra sao trong tương lai. Quan trọng là cái nhìn, cái suy nghĩ và phản ứng của ta. Hay nói cách khác, quan trọng là ở chỗ cái tâm của ta. Cái tâm của ta có thể không hoàn toàn đồng nghĩa với thế giới gọi là hiện thực ngoài kia, nhưng cái tâm này đã góp phần nào tạo nên cái thế giới đó. Chính cái tâm này ít nhất đã gán ép cho cái thế giới ngoài kia cái giá trị và ý nghĩa của nó.
Trong muôn vàn điều ngẫu nhiên và bất định của cuộc sống, chính cái tâm của ta lại là chủ thể của sự chọn lựa trong một giới hạn nào đó. Nếu như người làm thí nghiệm có sự lựa chọn để đo tính hạt hay tính sóng của vật chất, mặc dù cuối cùng hạt đó nằm ở đâu lại là một sự hoàn toàn ngẫu nhiên, thì ta cũng có thể chọn lựa để nhìn cuộc sống dưới nhãn quan nào, như một ly nước vơi một nửa hay như một ly nước đầy một nửa, cho dù cái kết cuộc sau cùng có bất định ra sao đi nữa.
Ca nhạc sĩ Bob Dylan cũng đã từng hỏi:
“Yes, how many years can some people exist
Before they’re allowed to be free?
Yes, how many times can a man turn his head
Pretending he just doesn’t see?”
Vâng, một dân tộc phải tồn tại bao lâu
Trước khi họ “được phép” tự do?
Vâng, một người phải ngoảnh mặt đi bao lần
Để giả vờ không trông thấy gì?
Và:
“Yes, how many times must a man look up
Before he can see the sky?
Yes, how many ears must one man have
Before he can hear people cry?”
Vâng, con người phải ngóc lên bao lần
Thì mới có thể thấy được bầu trời kia?
Vâng, một người phải có bao nhiêu tai
Thì mới nghe được tiếng kêu gào của con người?
“The answer my friend is blowin’ in the wind
The answer is blowin’ in the wind.”
Câu trả lời, bạn hỡi, đang thổi bùng trong gió
Câu trả lời đang bừng bừng trong gió
Cho dù tương lai của cá nhân mình ra sao, ta không thể không cố sức trong hiện tại. Cho dù thất bại hay thành công, ta không thể không góp gió cùng với dân tộc. Ta không thể giả điếc không nghe tiếng kêu gọi đánh thức lương tâm của tuổi trẻ, của người dân Việt Nam. Ta không thể giả đui không thấy nguy cơ mất nước, khi giặc ngoại xâm đã xiết chặt từ bên ngoài, nghênh ngang ngay ở bên trong.
Định mệnh của đất nước, của dân tộc Việt là ở sự chọn lựa ở mỗi cá nhân trong chúng ta.
TS. Kiều Tiến Dũng
Melbourne, Úc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét