Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Riêng Chữ Với Người




Trương Vấn Trên Bàn Viết gọi Nguyễn đình Toàn là một khuôn mặt điển hình…ít nhất, là ở phương diện chữ nghĩa của một thế hệ sắp sửa chìm dần vào bóng tối, vào quên lãng, vào những lớp bụi thời gian đang từ từ đọng lại…và, [m]ột quá khứ dù rã mục cũng đã có vai trò riêng của nó trong lịch sử. Đọc những lời này lòng mình thấm đọng buồn.

Hôm đó mình ghé, thứ Hai, chưa kịp bấm chuông thì ông mở cửa, tất tả cùng bà bước ra.  Ông lôi mình theo vào thăm Thái Thủy đang hấp hối.  Trên xe ông nói về Thái Thủy đài Sài Gòn, đài Gươm thiêng ái quốc.  Mình không biết người này không biết người kia, không biết vân vân, nhưng biết những hạt bụi trong đang lắng xuống chỗ của nó bên bờ sông lịch sử.  Bốn giờ sáng hôm sau Thái Thủy qua đời.  Bên cái đau mất một người bạn, ông buồn bã xua mình về, rằng từ đây đừng la cà qua ông xao lãng gia đình buồn lòng người thân.  Mình ngồi đó tần ngần.  Con voi già đang dọn mọi hệ lụy trên đường đến chỗ nghỉ cuối đời của nó ở một nơi không ai biết đến.  Một thế hệ đang phai trước mắt, và mình vẫn chưa thực biết con người ấy, chưa thực hiểu những điều ông đã viết.  Có cần không và để làm gì?  Nguyễn đình Toàn đã tự lui vào bóng tối trước khi rã mục, đã tự quên mình trước khi thế hệ của ông qua đi.  Ông đã, đang, tự hòa vào bụi thời gian.  Sao mình phải tần ngần?

Buông dòng cuối Của chữ và người mình thấy rõ mình chưa nói hết những điều muốn nói về Nguyễn đình Toàn.  Ông vẫn là một thực thể xa lạ, ít nhất là cho lớp người như mình.  Mình đoán Trương Vấn không phải là người duy nhất trong thế hệ trước đọc Nguyễn đình Toàn, cũng như tin rằng không phải một mình Trên Bàn Viết nhận thấy vai trò một mình một chiếu của Nguyễn đình Toàn trong văn học nghệ thuật.  Nhưng cái gì của Nguyễn đình Toàn làm nên chiếu ấy?  Ông có lần nói, viết, nhiều khi chỉ để mà biết vì sao mình viết.  Cái ung dung tự tại của ông vững chắc như cái khẳng quyết của những người lính: biết chỗ mình đang đứng.  Nhưng đọc truyện ông mình lại luôn nghĩ đến những dòng thơ, đến ca từ lãng mạn, đến tiếng hát Khánh ly.  (A ha, Khánh Ly.  Ở cái giọng buồn phiền chán chường ấy tiếng nhạc Nguyễn đình Toàn mới vang đúng âm điệu khổ đau và chiếu ra được cái lãng mạn nên thơ của một tâm hồn.  Khánh Ly không chỉ có một ưu thế trong giọng thấp đặc biệt hát được những bài thích hợp cho giọng trầm.  Những bài giọng nam Khánh Ly hát còn hay hơn tựa như những nhân vật nữ mới chuyên chở được cái tâm trạng tinh tế, tỉ mỉ, mỏng manh mà sâu sắc trong truyện của ông.  Khánh Ly còn có instinct để lựa đúng note mà láy, thêm cho bài hát một âm điệu riêng, cũng như có người hòa âm thật tài tình (mình nghe bài Mưa khuya, bài Sương Mai hoài không thấy chán)).  Tại sao phải qua nhạc qua thơ mới thấy được cái lãng mạn nên thơ trong văn của Nguyễn đình Toàn.  Trong cái viết ấy như có điều conflict. 

Thêm một truyện Con đường, là thêm một điếu thuốc trên tay một cô gái chưa hề bước chân ra khỏi cửa, và thêm một cuộc trao thân hững hờ tựa dòng nước buồn thiu hoa bắp lay: “em đã cho anh hết tuổi thơ của em ngày em về thăm mẹ, vậy mà anh không biết em là ai, em cũng không biết anh là ai.  Có bao giờ em dám trở lại tìm anh nữa không” (Con đường). 

Lúc nhỏ, chưa thực biết đọc mình đã nghe những là triết lý, là buồn nôn, là phản chiến. là cuồng loạn, là chán chường.  Cái hệ trọng của con người dường như xoay quanh biến động và tâm thức của xã hội thời đó.  Cái hệ trọng đó trong văn của Nguyễn đình Toàn là chuyện trao thân.  Nhưng mà, Nguyễn đình Toàn chỉ nhắc đến nó thật lơ là hờ hững.  Mình đọc một lèo, đọc qua, đọc lại, vẫn chưa biết ông đang tả một cuộc trao thân: “Cũng cái ánh trăng đó, rồi như một làn suối tràn ngập thân thể tôi, cái ánh sáng long lanh ấy chảy suốt linh hồn tôi, bao lâu, tôi không biết. Tới một lúc, trăng soi nghiêng ngoài cửa sổ, tôi nhìn thấy nguyên vẹn một vừng trăng sau khung cửa mở rộng, tôi nhìn thấy loáng thoáng những sơi tơ trắng ngần soi trên rèm cửa. Tôi mơ hồ cảm nhận ra ánh trăng nặng nề thấm qua da thịt.”  Ông vẫn nói mình là đứa ngớ ngẩn, nhưng có trời biết, đứa lưu manh ranh con như mình phải leo hết đỉnh Everest cũng không thấy được cái điều ông muốn nói.  Ông gói một điều, với mình thì thật mới, vào một cách viết rất xưa, xưa hơn người 300 năm trước. 
     Trăng đã nhạt hết ánh vàng.
     Trăng không còn là trăng nữa.
     Trăng đã trở thành nguyệt bạch. (Đồng cỏ)

Chỉ nói ý mà thôi, người xưa vẫn vậy.  Nhưng “ý” của Nguyễn đình Toàn hơi lạ, với mình.  Cái chuyện trao thân, nó có một ý nghĩa riêng đặc biệt với ông nên truyện nào cũng có nó, mà chuyện nào ông cũng đều lướt qua nó nhanh như một ánh chớp.  Mình là người đọc cũng lỡ đà như những cô gái trong truyện, mải miết lao tới tưởng sẽ tìm thấy và mở cánh cửa đời bước vào con đường trước mặt mà không ngờ cánh cửa ấy vô hình.  Cắm đầu đi một đỗi rồi mới thấy mình thất lạc bơ vơ phải đi trở ngược để tìm lại mình cái thuở ban đầu. Cho đi lại từ đầu, không đi vội về sau…  “Tôi” của Con đường đi lại con đường cũ nhưng không còn tìm lại được mình.  Cái chuyện trao thân, với Nguyễn đình Toàn, không là hành động dục tính, không là hành động cảm tính, cũng không thể hiện một ý tưởng về tình yêu.  Với Nguyễn đình Toàn nó là một phần then chốt của sự sống, là bước ngoặt là chuyển biến quan trọng thứ nhất sau khi mầm cỏ đã bật ra từ đất nước gió lửa để hiện thân cụ thể.  Tả cái việc hệ trọng  ấy thì chỉ 3,4 dòng, và còn lồng nó vào ánh trăng của ngàn xưa, mờ ảo như sương, thật lãng mạn.  Nhưng cái hậu chấn thì 3 trang sách, cô Phụng của Đồng cỏ không còn là Phụng một giờ trước đây, và không còn có thể hôn trả em mình cái hôn thân mến nữa.  Cô đã bỏ tuổi thơ ngây, cô đã là một người khác, riêng cô, không dính líu gì đến người đã cùng mình hòa nhập.  Cái chuyện cần có 2 người lại chỉ là chuyện riêng của một người, “xin cho tôi được sống, chứ không phải chỉ là sa ngã,” “tuổi con gái tôi trao cho chàng cũng bí mật như đêm khuya, chắc đã trôi qua đời chàng như ngàn đêm khác, chỉ mình tôi còn nhớ…” (Con đường).  Với mình, chính cái cách ông nhìn việc đó mới là mới, lạ, và lãng mạn, trong cách viết từ từ kín đáo cẩn trọng của một nhà nho.

Mà bên cạnh nỗi sống khắc khoải, luôn là một cái chết, đã qua của bố, và sắp tới của ông nội, hay của người mẹ còn sống mà đã chết trong tâm tưởng từ thuở bé thơ (Con đường).  Nguyễn đình Toàn nói, người ta sống chỉ để chờ chết.  Với ông, cái chết chính là sự lớn lao thứ 2 của cuộc sống, nó rõ ngay trong dòng nhạc, trong lời thơ, và ẩn hiện trong những truyện ông viết.  Người cùng thời của ông viết ra những suy tư và tâm tình mang dấu ấn cái thời họ sống, những vấn đề lớn lao nhưng của một thế hệ.  Còn cái ông viết là cái muôn thuở: tình yêu và sự sống,  được viết bằng cái cách của người 300 năm trước nói chuyện 400 năm sau, mình ngẫm rất lâu mới cảm được điều ông muốn nói.  Những ý tưởng của ông như bị buried sâu xuống 2, 3 lớp vỏ.  Trên Bàn Viết nói đến cái (không khí) “ẩm ướt” trong truyện của Nguyễn đình Toàn, ẩm ướt, không phải sướt mướt.  Quả thật, đó là những bụi sương mờ, đọng trong một góc của trí óc.  Thật khó để trích để nhắc một câu gì đó trong những lời ông đã viết vì nó đưa mình đến một suy tưởng dài sâu mà ngắt ra thì không còn là gì nữa.  Mình nghĩ đó là điều khiến văn Nguyễn đình Toàn không popular trong thế hệ của mình về sau.  Mình phải qua thơ, qua nhạc, qua ca từ như thơ (là thơ) mới gọi tên được những ý tưởng ấy. 

Đã nghe đời xa ta
Người xa ta
Tình xa ta
Như cây khô trút dần hết lá
Ta bỗng nghe ra bằng thịt da
Đã thấy ta gần với cái xa (Đã Nghe)

Sống là sống với một người, nhưng chết ai cũng chết riêng một mình.  Còn lại những con chữ, khi đã buông ra nó có đời riêng của nó.  Nguyễn đình Toàn và thế hệ của ông đang qua đi.  Đến lúc, con voi già ấy sẽ đến chỗ của mình, một chỗ riêng, riêng chữ với người.  Nghĩ, lòng lại tần ngần.
Lưu Na

4/20/2011

Lưu Na 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét