Hiệu Minh
Tâm hồn nghệ sỹ và tiền. Ảnh: Internet |
Nếu Tố Hữu còn sống và hỏi chúng ta, ông nên theo nghiệp thơ hay tham gia vào chính trường. Có lẽ tới 99% khuyên ông nên tiếp tục sáng tác thơ, nhả những vần điệu lục bát, mang tính sử thi, hơi thở của cuộc sống, thấm đẫm tình người. Ông mà theo nghiệp chính trị và kinh tế, đất nước lại lầm than.
Theo ông kể, một cụ đồ đặt bút danh “Tố Hữu”, nghĩa là có “ý chí, khí phách tiềm ẩn trong người”. Có thể vì thế mà Tố Hữu tự tin chuyển từ nghệ sỹ sang chính trị. Sau 1975 ông phụ trách ban Nông nghiệp Trung ương, rồi vào Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kinh tế.
Mang kinh nghiệm gieo vần bằng trắc vào quản lý kinh tế quốc gia, Tố Hữu đã “đóng góp” không nhỏ trong việc quyết định giá lương tiền, lạm phát tới hàng ngàn %, đất nước đi vào suy thoái, đứng trước bờ vực thẳm sụp đổ.
Vì thế ông có biệt danh, nhà thơ làm kinh tế. Mà thời đó cũng loạn, ông chuyên chính trị lại in thơ. Thống chế chuyển sang phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Dân có bo bo thay gạo, một tháng may ra được hai miếng thịt ôi.
Nếu Tố Hữu tiếp tục làm thơ, không màng chính trị, kinh tế, chắc chắn ông là nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ 20 của Việt Nam. Nhưng nhảy vào làm kinh tế, thơ ông không còn, đất nước nát như tương.
Đầu những năm 1960, miền Bắc rất nghèo, ông đã “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”. Từ trong rừng Việt Bắc, ra đường cái quan, ông đã trầm trồ “Đường ta rộng thênh thang 8 thước”, trong khi thời nay, đường cao tốc rộng hàng trăm mét. Nhãn quan của thơ ca khó mà dự đoán được đồ thị lên xuống của thị trường vốn khô khan và khắc nghiệt.
Thời ngăn sông cấm chợ của nhà thơ đã biến từ dân tới quan, từ người bình thường đến nghệ sỹ, thành thương gia bất đắc dĩ.
Tôi đọc ở đâu đó, có thể trên facebook, một nhà thơ kể chuyện đi buôn. Lần công tác bên Lào, nghe nói bên đó có thể mua áo phông, son, quần bò Thái mang về Hà nội, bán có lãi, chị liền mượn vài chỉ vàng để buôn vặt.
Khi gom hàng xong, lên máy bay đi từ Vientiane về Hà Nội với hai va li hàng chật cứng, bỗng nhà thơ chảy nước mắt “Không hiểu làm thế này, mình còn gieo vần được nữa không”.
Nhưng cuộc sống là thế, thơ gì thì thơ, cũng phải có tiền mua sữa cho con. Một thực tế nghiệt ngã mà bất kỳ nghệ sỹ nào cũng phải nghĩ đến. Có người rất giỏi, vẽ tranh đẹp, nhạc hay, nhưng khổ đến lúc chết chỉ bởi không biết tiêu và sử dụng tiền làm ra.
Tranh của Gilbert Stuart treo ở Nhà Trắng |
Trong lịch sử, nước Mỹ cũng có họa sỹ nổi tiếng suốt lịch sử nhưng không biết quản lý nên thành người thất bại.
Tờ 1 đô la của Mỹ có bức hình vẽ Tổng thống George Washington, bởi đồng tiền này được sử dụng nhiều nhất, nhắc dân Mỹ về sự nghiệp vĩ đại của người dựng nước. Nhưng ít người biết rằng hình Washington do một họa sỹ, thương gia của Anh và Irland, là Gilbert Stuart (1755-1828)vẽ.
Là một họa sỹ đa tài, vẽ không cần nháp, nổi tiếng về vẽ chân dung, Stuart có hơn một ngàn bức vẽ khác nhau, bao gồm cả chân dung của 6 tổng thống Mỹ. Có một tranh vẽ Washington hiện treo trong Nhà Trắng. Hiện còn nhiều bức nổi tiếng khác trong các bảo tàng Hoa Kỳ.
Tranh của ông bán đắt như tôm tươi, với 100$/cái, giá cả thời đó, tiền rất nhiều. Tuy nhiên, nghệ sỹ không biết quản lý tiền bạc, vì thế của cải thay nhau đội nón ra đi, nợ nần chồng chất. Ông suýt bị bắt vào tù vì không có khả năng trả nợ.
Về cuối đời, sống ở Boston, dù tranh bán được nhiều, nhưng họa sỹ vẫn túng quẫn. Lúc chết, vợ con không đủ tiền mua đất để chôn, cuối cùng phải mua lại một mảnh của người thợ mộc và chôn ông ở đó.
Mấy tháng trước, ảnh gia Dương Minh Long và phu nhân tới nhà tôi chơi vài ngày. Chả hiểu các bà bàn thế nào, rủ nhau làm ăn, vì Tiger muốn mở quán phở Việt ở Virginia. Anh Long cùng hai cô đi tìm được vài nơi ưng ý, tiger mừng ra mặt.
Nhưng tôi lặng lẽ tính bằng những con số của dân IT. Thuê mặt bằng khoảng 15.000USD/tháng, một năm khoảng 200.000USD, thiết kế lại nhà hàng, lắp trang thiết bị, cũng cỡ vài trăm ngàn. Dưới nửa triệu đô la thì đừng nghĩ đến mở cửa hàng ăn, tính cua trong lỗ như thế. Đi vay ngân hàng, trả lãi hàng tháng, thuế cho tiểu bang và các chi phí khác chưa bao giờ được đưa lên bàn cân.
Thế mà nhiếp ảnh gia đã mơ mộng. Nếu nhà này mở quán, anh sẽ giúp trang trí bằng ảnh với các góc lạ chụp khắp năm châu, từ Hạ Long đến Mường Mán, từ châu Âu sang châu Mỹ. Khách vào ăn sẽ được tặng một ảnh đen trắng do chủ quán chụp. Phở đi với ảnh nghệ thuật, chắc phải mùi mẫn lắm.
Mới đây có bài của bác Alan Phan “Ghét ai thì xui người ta mở nhà hàng”, tôi đọc đi đọc lại và thấy lời khuyên rất chân thành. Ông nói “Đây là một ngành nghề khó khăn nhất với nhiều doanh nhân tại Mỹ, vì tỷ lệ thành công lớn rất hiếm hoi.”
Trong nghệ thuật thì mơ mộng, đôi khi coi 2+2=5 là sự hiển nhiên, theo logic cảm tính, trong khi làm kinh tế cần có công thức toán học 2+2 nhất định phải là 4.
Mấy tháng trước, cô ca sỹ Siu Black đứng trước nguy cơ vỡ nợ do mở nhà hàng bằng giọng hát sơn ca. Mấy tuần nay lại rộn lên chuyện diễn viên, đạo diễn Chánh Tín đang lo nhà bị ngân hàng phát mại vì đầu tư vào phim “Dòng máu anh hùng” bị thất thu.
Biết bao nghệ sỹ tài hoa, tiền làm ra như nước, chả hiểu sao nhảy vào thương trường, nhưng vì hiểu đồng tiên theo nghĩa “tâm hồn treo ngược cành cây”, thành ra của thiên trả địa. Chuyện xảy ra khắp thế giới, không riêng gì xứ Việt.
Nghe tin nhà này định mở quán phở, một chị bạn nhắn qua FB, chị yêu ảnh Dương Minh Long, và muốn Long đi theo nghiệp đã 30 năm, đừng đưa tác phẩm vảo quán phở. Chị sợ ca sỹ hát mà trang phục có mùi café Ban Mê. Còn tôi, chị khuyên, theo IT đã 40 năm, đừng trộn byte bít vào món mỳ xào thập cẩm.
Nghệ sỹ, ngoài tâm hồn và trái tim thi nhạc họa, nếu muốn kinh doanh, phải biết đôi chút về cơ chế thị trường, trước khi dấn thân vào nơi mà chỉ có đồng tiền ngự trị, không có chỗ đứng cho những trái tim giầu cảm xúc.
HM. 28-3-2014
PS. Nói vậy chứ, tôi cũng thích kinh doanh xem ra sao. Chị Siu Black còn làm được, tại sao mình không dám? Có mảnh đất gần thị xã Ninh Bình, dự định về hưu, tôi sẽ mở quán “Tổng Cua – tư vấn IT, bán thịt chó, kiêm viết blog”. Một tâm hồn nghệ sỹ trong CPU máy tính và món lộc tồn chấm mắm tôm. Liệu có được không các bạn :razz:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét