Phạm Trần (Danlambao) - Sau gần 3 năm cầm quyền Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ rất lúng túng trong vai trò lãnh đạo, chưa nhận diện được thù trong, giặc ngoài nhưng lại là người kiên quyết chống đa đảng và không muốn thấy có một nhà nước do dân làm chủ ở Việt Nam.
Qua những việc làm chuẩn bị cho Đại hội đảng XII, dự kiến đầu năm 2016, ông Trọng đã lôi kéo Ban Chấp hành Trung ương đảng, Quân đội, Công an, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tuyên giáo vào cuộc chiến đổ lỗi cho “diễn biến hòa hình”, “thế lực thù địch” để che đậy thất bại trước “đe dọa xâm lược của ngọai bang” và “những kẻ nội thù” do đảng đẻ ra và nuôi dưỡng.
Tất cả những “đòn phép” này đang diễn ra cùng lượt trên hai mặt trận: “Tổng kết lý luận – thực tiễn 30 năm đổi mới (1986-2016)” và “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Hàng loạt Hội nghị, Hội thảo và Cuộc họp đã được tổ chức để tìm ra ưu, khuyết điểm và những việc cần bổ túc cho chủ trương “Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa".
Nói năng thì nhiều và tốn phí tiền của dân cũng rất cao, nhưng tựu trung chỉ nhằm bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng và kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, che đậy dưới mỹ từ “xã hội chủ nghĩa” theo kiểu của Cộng sản Việt Nam, chả khác gì cái gọi là “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa Tập Cận Bình!
Lời nói và hành động
Trong Nghị quyết “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” tại Hội nghị Trung ương 8,họp từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013, đảng vẫn dùng chiêu bài “Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” và “Các thế lực thù địch” để che đậy thất bại của chính mình.
Nghị quyết viết: “ Hiện nay, bối cảnh quốc tế và trong nước tiếp tục có những biến đổi sâu sắc, diễn biến mới phức tạp. Môi trường hòa bình, ổn định chưa thực sự vững chắc, còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội và đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Tư tưởng, tâm trạng xã hội có nhiều vấn đề mới phát sinh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hơn, v.v… Những khó khăn, thách thức, hạn chế, thiếu sót trên đã và đang đặt ra những vấn đề, yêu cầu mới rất quan trọng và cấp thiết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
“Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” không có “mặt trái” vì nó đã làm cho Việt Nam phồn thịnh rõ rệt sau 28 năm đổi mới, mở cửa cho nước ngòai vào đầu tư. Hơn nữa Lãnh đạo Việt Nam vẫn khoe đang làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(cộng sản) chứ không phải theo chủ nghĩa “người bóc lột người” của Tư bản Chủ nghĩa !
Do đó, nếu có “mặt trái” thì cũng chỉ do đảng đẻ ra và nuôi dưỡng nó như đang có Tham nhũng, Lãng phí sống chung cùng nhà với cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền. Tuyệt đối người dân không được mon men làm kẻ tham nhũng mà phải nuôi tham nhũng cho đảng tồn tại, giúp cho cán bộ có nhà lầu, xe hơi để dân được sống qua ngày!
Còn nếu nói toàn dân, toàn đảng phải giữ vững “sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc” vì có “các thế lực thù địch tăng cường chống phá” thì đảng phải chứng minh cho dân thấy chúng là ai, từ đâu đến chứ không thể nói bừa, làm không được lại đổ quanh để buông trách nhiệm.
Đã có nhiều người hỏi: Thù địch ở đâu mà lắm thế ? Biết kẻ nào thì đảng cứ nói trắng ra cho dân biết mặt để tiếp tay với đảng lọai trừ chúng, cớ gì cứ nói huyên thuyên theo kiểu mơ hồ “diễn biến hòa bình”?
Cũng vì chỉ biết nói cho lấy được nên Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định kiểu nịnh dân cho xong việc: "Trong bất kỳ tình huống nào, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tập trung thảo luận sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới."
Vậy đảng CSVN đã “thực hiện tốt” như thế nào cho người dân được yên tâm làm ăn?
Có thể không sợ nhầm để khẳng định rằng họ chẳng làm gì cả. Ngay cả ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không biết làm gì, ngoài những câu nói nghe như pháo nổ để hù họa mọi người cho mục tiêu duy trì quyền lực cho một đảng độc tài.
Ông Trong đã nói những điều này tại Lớp Bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho 111 Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI, ngày 07/03/2014 tại Hà Nội: “Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết không để hình thành các tổ chức đối lập. Trong Đảng phải kiên quyết không để hình thành các hoạt động bè phái, phe nhóm, mà như trên đã nói là tội lớn nhất trong Đảng. Muốn thế phải hết sức giữ nguyên tắc, đề cao cảnh giác cách mạng và đây là nhiệm vụ tất cả các cơ quan, tổ chức Đảng phải làm. Rồi công tác đề phòng chính bản thân chúng ta tự diễn biến, tự chuyển hóa, vì bên ngoài bây giờ đang kích vào bằng rất nhiều cách.” (Trích Báo Đại Biểu Nhân dân, 10/03/2014)
Đề cập đến điều được gọi là “áp lực từ bên ngòai”, ông Trọng bảo: “Đó là chưa kể đến những thế lực bên ngoài vẫn kiên trì chống phá chúng ta, không phải chỉ chống phá về nhân sự mà chống phá cả về đường lối. Vừa rồi tại Đại hội XI, chống phá chúng ta về Cương lĩnh không được, lại tập trung vào dịp chúng ta sửa Hiến pháp. Cái đó quá rõ rồi. Mục đích là tìm mọi cách để xóa sự lãnh đạo của Đảng, xóa chế độ chính trị này, xóa Nhà nước này, muốn đi con đường khác, muốn đa Đảng...”
“Thế lực bên ngòai” là thế lực nào, ông Trọng không nêu tên nhưng ông cảnh giác tiếp:“Trước đây Bác Hồ đã nói, tội bè phái gây chia rẽ trong Đảng là tội lớn nhất. Gần đây, tình hình một số nước cho ta thấy rõ, ra đời bao nhiêu đảng phái, tổ chức đối lập, bên ngoài xía vào một cách ngấm ngầm, giúp tiền, giúp kế hoạch, bồi dưỡng cán bộ... đến một chừng mực nào đó, chỉ cần có một động thái nào đó thì ở bên ngoài hích vào một cái, cung cấp tiền... là xong. Cho nên phải hiểu mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, dân chủ và tập trung.”
Chống đa đảng
Chủ trương chống đa nguyên, đa đảng chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam không mới. Hiến pháp do đảng viên viết trong Điều 4 tự ý coi đảng của mình là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” mà không cần hỏi ý dân đã nói lên tất cả tính độc tài và tham lam quyền bính của những người CSVN.
Các lãnh đạo đảng qua nhiều thế hệ đã tự vẽ ra hình ảnh “đảng viên đi trước làng nước theo sau” để tô son điểm phấn phẩm chất cho đảng viên nên họ thấy không cần thiết phải tôn trọng quyền “làm chủ đất nước” của dân.
Vì vậy, họ chỉ quan tâm đến “dân chủ trong đảng”, nhưng phải “tập trung” vào một mối như ông Nguyễn Phú Trọng đã nói với 111 Ủy viên Trung ương đảng hôm 07/03 (2014): “ Nguyên tắc của Đảng ta là tập trung dân chủ là vô cùng quan trọng. Đây chính là nguyên tắc bảo đảm sức mạnh của Đảng ta, vừa phát huy được xu thế, không khí dân chủ, trí tuệ trong toàn Đảng, nhưng đồng thời bảo đảm Đảng là một tổ chức tập trung, thống nhất, đoàn kết, chặt chẽ cao. Nếu Đảng mà chia rẽ, Đảng mà có bè phái, có phe nhóm thì vô cùng nguy hiểm.”
Rất tiếc, vấn đề chia rẽ, bè phái, phe nhóm đang “nở rộ” trong đảng đã rõ như ban ngày mà tại sao ông Trọng không nhìn thấy, hay thấy mà cứ nói như chẳng có gì?
Đã có một thời gian trong hai năm 2012 và 2013, nhóm chữ “nhóm lợi ích” đang ăn gan, xẻo thịt hệ thống ngân hàng và các dự án xây dựng kinh tế đã được cả ông Trọng nói đến. Vậy chúng là ai? Chẳng nhẽ cũng là “thế lực thù địch” hay sao?
Khi giảng giải về quan hệ giữa “độc lập, bảo vệ chủ quyền, thống nhất đất nước, bảo vệ đất nước, bảo vệ đảng” và “giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, nhà lý luận Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta có nên nói một chiều giữ độc lập, bảo vệ chủ quyền mà quên mất rằng, các thế lực xấu bên ngoài đang tìm mọi cách để xóa bỏ chế độ của chúng ta, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu chế độ chính trị này mất, nếu Đảng này mất thì liệu có còn giữ được độc lập chủ quyền không? Trong khi đó lại có một yêu cầu nữa là phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, nếu không giữ được môi trường hòa bình, ổn định thì làm sao xây dựng và phát triển đất nước?”
Lại có thêm “thế lực xấu bên ngòai” được Tổng Bí thư Trọng trưng ra như một “con ma trơi” hiện lên giữa chiêu bài làm sao giữ nổi độc lập chủ quyền nếu đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo tòan diện ?
Nếu đảng mất quyền lãnh đạo thì “nước mất nhà ta”? Ông Trọng hù họa ngây ngô đến mức này thì có ai giật được “chiếc cúp vô địch” từ tay ông?
Ông Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản có nhớ trước khi ông Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng sản ngày 24/02/1930, và tuy Tổ quốc Việt Nam bị ngọai bang Tầu-Pháp-Nhật thay phiên nhau đô hộ trên 1.000 năm mà Tổ tiên người Việt vẫn giữ vững bờ cõi và dòng dõi Việt vẫn tồn tại đã trên 4.000 năm?
Và khi nghe ông Trọng nói “phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” thì ai cũng nhớ ngay đến lời nói tương tự phát ra từ cửa miệng các cấp Lãnh đạo cao trong đảng và nhà nước, trong đó có tuyên bố lập đi lập lại của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh chạy song song với các cuộc Công an đàn áp dân xuống đường biểu tình chống Trung Cộng trong hai năm 2011 và 2012 từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Trong ba tháng đầu năm 2014, người dân lại được nghe các viên chức Lãnh đạo và các “dư luận viên” của nhà nước hợp tấu khúc ca “cần ổn định để xây dựng và phát triển đất nước” khi nhà nước và công an ngăn chặn và phá rối các buổi tụ họp của dân tưởng nhớ 3 biến cố chống quân Trung Cộng xâm lược ở Hòang Sa 19/1, cuộc chiến biên giới Việt-Trung 17/2 và ở Gac Ma (Trường Sa) 14/3!
Ngòai những điểm then chốt kể trên, ông Trọng còn lưu ý 111 Ủy viên Trung ương đảng phải quyết tâm: “Chống cho được, phòng cho được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giải quyết những khiếu nại, tố cáo của dân.”
Và, ông còn xác nhận tính nghiêm trọng của tình trạng có nhiều đảng viên “đã” hoặc “đang” bỏ đảng: “Cũng là xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhưng phải được coi như một nhiệm vụ quan trọng, đó là chống cho được nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa, phai nhạt bản chất cách mạng, xa rời tư tưởng, mục đích của Đảng.”
Lời cảnh báo của ông Trọng cũng không mới lắm vì ông cũng biết đã có một số không nhỏ đảng viên không còn tin đảng nữa. Họ đã tự cho mình quyền “bỏ họp đảng”, “không khai báo với chi bộ nơi ở mới” hay “bỏ hẳn liên hệ với đảng sau khi đã nghỉ hưu”.
Đó cũng là chuyện thất bại của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (họp từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011).
Sau hai năm thi hành Nghị quyết 4, bên cạnh tình trạng ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo tiếp tục có những hành động làm mất lòng dân, đảng vẫn còn thừa nhận tại Hội nghị Trung ương 8: “Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội và đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Tư tưởng, tâm trạng xã hội có nhiều vấn đề mới phát sinh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”
Như vậy, những khó khăn trong nội bộ đảng như “kẻ thù tham nhũng, lãng phí”, “kẻ thù tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong hàng ngũ cán bộ đảng viên mới chính là mối lo âu hàng đầu hiện nay của đảng CSVN.
“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Hội nghị Trung ương 8 chẳng qua cũng chỉ là cái cớ khác, sau 7 Hội nghị không cải thiện được tình hình, để cho đảng tìm cách tồn tại.
Nhưng cũng đáng chú ý là khi hô hào toàn dân và toàn đảng phải kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền thì không thấy các ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói gì đến nguy cơ xâm lược của Trung Cộng đang ngày đêm rình rập ngòai biên cương với trăm mưu ngàn kế cực kỳ nguy hiểm.
Như vậy chẳng nhẽ họ chỉ sử dụng “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” để bảo vệ cho đảng khỏi tan, thay vì bảo vệ sự tồn vong của Tổ quốc và giống nòi ? -/-
03/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét