Một buổi sáng nọ, bãi đất trống trước xóm tôi bỗng xuất hiện một đống phế thải xây dựng. Có lẽ là của một công trường xây dựng nào đó quanh khu, lười đi xa nên sang đây đổ bậy. Đợi vài tuần không thấy ai dọn, tôi bàn với mẹ tôi rằng hay là nhà mình vận động cả xóm góp tiền để dọn đi cho sạch sẽ. Mẹ tôi mắng át ngay: "Đấy là việc chung cả cả xóm, hơi đâu mà bận tâm? Cứ để cho ông tổ trưởng lo!"
Năm ngoái trong cao trào chống lạm thu lệ phí làm lại hộ chiếu của các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, tôi đã quyết định đứng ra làm nhân chứng cho việc lạm thu này. Bạn bè và người thân của tôi biết chuyện đều cho tôi là dại. Họ bảo: "Mày rảnh rỗi quá hay sao mà đi lôi phiền phức vào người?"
Tham gia thảo luận trên diễn đàn X-cafevn.org, tôi thấy đa số mọi người đều nhìn nhận dân chủ là một thể chế đem lại lợi ích cho cá nhân và cho cả đất nước. Thế nhưng khi đề cập tới chuyện đóng góp sức lực cho phong trào dân chủ nọ kia, nhiều người trong số đó lại lảng tránh. Họ đợi ai đó thực hiện những thay đổi mà mình mong muốn, để rồi họ chỉ việc ngồi tận hưởng những thành quả đó.
Ba câu chuyện trên dường như chẳng có điểm gì chung, nhưng trên thực tế chúng là những ví dụ về cái gọi là Song đề Xã hội (Social Dilemma). Song đề Xã hội là trường hợp một nhóm người có cùng chung một mục đích cuối cùng, nhưng sự đóng góp của mỗi cá nhân lại mang tính tự nguyện. Khi sự đóng góp mang tính tự nguyện, lựa chọn "hợp lý nhất" cho một cá nhân là "ăn sẵn" (free-ride), tức là không đóng góp gì nhưng hưởng thành quả chung của cả cộng đồng. Người Việt chúng ta vẫn thường gọi nôm na trường hợp này là "Cha chung không ai khóc".
Trong câu chuyện chống lạm thu lệ phí hộ chiếu, một người quen của tôi ở Đan Mạch đã vui mừng khi không phải vất vả "ra mặt chống chính quyền" mà vẫn được giảm lệ phí làm mới hộ chiếu sau đó. Vâng, nếu không phải làm gì mà vẫn được hưởng thành quả, tất nhiên là rất đáng vui mừng! Nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu mọi người đều chọn phương án "ăn sẵn", liệu cộng đồng có đạt được mục đích cuối cùng theo ý muốn hay không?
Người nọ nhìn người kia, không ai chịu đứng ra dọn, đống phế thải trước xóm tôi mỗi ngày một lớn. Bây giờ nó không chỉ là vật liệu xây dựng, mà còn cả nilon, vải vụn, vỏ bắp, rau củ hư, thậm chí cả xác súc vật chết... bốc mùi hôi thối mỗi khi ẩm trời. Ruồi nhặng cũng từ đó mà ra, bay vào quấy nhiễu bữa cơm ngon lành của mọi nhà trong khu. Vậy đấy, cùng có suy nghĩ "ăn sẵn" giống nhau, bây giờ của cả xóm được hưởng "thành quả" là sự ô nhiễm, mất vệ sinh và mất mỹ quan chung.
Nhìn rộng ra, xã hội Việt Nam cũng đang phải chịu đựng những "bãi rác" tương tự như xóm tôi, bởi thái độ "ăn sẵn" của đa số trong xã hội. Những tệ nạn trái tai gai mắt như tham nhũng, nghiện hút, ô nhiễm môi trường... là kết quả của sự thụ động của người dân, những người luôn trông đợi vào Đảng và Chính phủ hoặc đoàn thể nào đó sẽ ra tay dọn dẹp tệ nạn cho mình. Có thể nói, nếu quyền lợi của bản thân chưa bị động chạm trực tiếp, đa số chúng ta sẵn sàng "sống chung với rác".
Song đề Xã hội không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Ngay cả các quốc gia phát triển như Pháp, Anh, Mỹ... cũng vấp phải vấn đề tương tự, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Người dân ở các quốc gia này có dân trí cao, được thường xuyên khuyến khích và giáo dục về bổn phận cá nhân với xã hội, do đó họ hiểu được mối đe dọa từ việc lựa chọn phương án "ăn sẵn", cũng như họ biết lợi ích mà họ nhận được sẽ tăng lên tương ứng với công sức mà họ bỏ ra. Quan niệm này có lẽ trái với truyền thống văn hóa của Việt Nam, nơi mà "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" vẫn còn được coi là một việc làm hết sức dại dột.
Muốn Việt Nam đi lên, người Việt trước hết phải thay đổi quan niệm truyền thống sai lầm này. Không phải ngẫu nhiên "dân chủ" bắt đầu bằng từ "DÂN". Mỗi người dân trong xã hội cần phải hiểu rằng mình sẽ là người hưởng thành quả của dân chủ, và thành quả đó không đến nếu chính mình không vận động. Những lời khuyên nhủ của cụ Phan cách đây gần 100 năm vẫn còn nguyên tính thời sự:
"Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường.
Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì phải mau mau góp sức lo toan việc nước mới mong có ngày cất đầu lên nổi. " - Phan Chu Trinh (1872 - 1926)
Khi nói tới vận động dân chủ, người ta vẫn thường tưởng tượng ra những hoạt động có vẻ như nằm ngoài khả năng của mình, như rải truyền đơn, phát động hoặc tham gia phong trào nọ kia, biểu tình công khai phản đối chính quyền trung ương hoặc địa phương... Thực ra, vận động dân chủ không nhất thiết phải đao to búa lớn như vậy! Mỗi người đều có thể lựa chọn đóng góp cho tiến trình dân chủ tùy theo khả năng của mình. Kinh tế gia có thể viết bài trên báo tranh luận về đường lối kinh tế, hoặc tạo dựng những doanh nghiệp làm giàu bằng con đường chính đáng. Khoa học gia có thể đàm luận về định hướng phát triển khoa học, hoặc tham gia các hoạt động truyền tải công nghệ mới vào Việt Nam. Học sinh - sinh viên có hiểu biết về dân chủ có thể trao đổi kín với bạn bè và người thân của mình, để sao cho họ cũng hiểu được lợi ích của dân chủ. Với người dân bình thường, chúng ta có thể chọn "sống thực" với bản thân mình, không chấp nhận đống rác "thực" trước của nhà mình, cũng như những đống rác "ảo" trong xã hội; không tiếp tay cho những hành vi hối lộ - vòi vĩnh trong giao thông, y tế, giáo dục hay hành chính; không nhắm mắt làm ngơ trước mại dâm, ma túy và cờ bạc. Như vậy đã là vận động dân chủ hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn rồi đó!
Núi rác trước xóm tôi trông lớn thật, nhưng nếu cả xóm mỗi người một chân một tay, việc dọn sạch nó cũng không khó. Chỉ cần tất cả chúng ta bắt tay vào, việc cải tạo xã hội cũng sẽ xong ngay thôi!
Tqvn2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét