Mới đây, ngày 23-3-2014, trên báo Quân Đội Nhân Dân trong chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” có đăng bài “Không thể suy diễn chủ quan về tự do báo chí ở Việt Nam” của tác giả Yến Long – nói về trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông “thu hồi giấy phép hoạt động do thua lỗ, nợ đọng quá nhiều trong thời gian kéo dài, không đủ điều kiện về tài chính” của báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Tác giả Yến Long viết rằng “điều này ai cũng biết. Ấy vậy mà, một số báo, đài nước ngoài (RFA, BBC, VOA…) và nhiều trang blog lại cố tình tung tin sai sự thật rằng Báo SGTT bị “bức tử” do có nhiều bài viết đụng chạm đến vấn đề “nhạy cảm”, đồng thời cho rằng, vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam đang bị xâm phạm và đây là sự mở đầu cho chiến dịch thu hẹp hệ thống báo chí Việt Nam đến năm 2020 theo đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất”.
Tác giả khẳng định “báo SGTT bị thu hồi giấy phép hoạt động là do đề nghị của chính cơ quan chủ quản khi báo này thua lỗ, chứ hoàn toàn không vì bất cứ lý do “nhạy cảm” nào khác”. “Không có ai “bức tử” tờ báo này cả. Nói tờ báo bị “bức tử” là suy diễn chủ quan, vô căn cứ !”
Tác giả kết luận: “Sự việc của Báo SGTT càng chứng tỏ các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội có thể lợi dụng bất cứ vấn đề gì, hiện tượng gì trong đời sống xã hội của đất nước để xuyên tạc tình hình, kích động dư luận, đả phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Tuy nhiên, sự thật luôn là sự thật, không thể ai “đổi trắng thành đen””.
Tôi không có ý định phải tranh cãi gì với tác giả bài báo này, vì giữa chúng tôi có sự khác biệt về quan điểm, nhận thức trong nội hàm “quyền tự do báo chí” của công dân (được ghi nhận trong Hiến Pháp) và hoạt động báo chí tại Việt Nam. Nên nếu có tranh luận thì cũng chỉ là “ông nói gà bà nói vịt”.
Tuy nhiên, do hoạt động nghề nghiệp, tôi có trong tay một số văn bản chính thức (không thuộc diện “mật”) nêu rõ quan điểm và chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc thu hồi, chấm dứt hoạt động của báo SGTT. Ở đây, tôi công khai một trong số đó, ban hành trước thời điểm cơ quan chủ quản báo SGTT có văn bản đề nghị Bộ TTTT thu hồi giấy phép. Qua nội dung tại văn bản này, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về bản chất sự việc, và thấy những gì tác giả Yến Long viết chỉ là phần “ngọn”, phần “hình thức” của vấn đề. (Xem công văn).Qua đó, tôi cũng muốn nói rằng việc tác giả Yến Long lên giọng giáo huấn, dạy dỗ thiên hạ như vậy là không đúng. Và tác giả cũng không nên nghĩ rằng ai có ý kiến khác tác giả là không có trách nhiệm, không nặng lòng với đất nước, với hoạt động báo chí tại Việt Nam hay thậm chí là “thế lực thù địch” gì đó.
Cũng cần nói rõ là việc báo SGTT bị đình bản, thu hồi giấy phép là chuyện buồn và không mong muốn đối với cả làng báo TP.HCM nói chung, trong đó có nguyên nhân khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, nếu chỉ duy nhất vì khó khăn về tài chính, mà một cơ quan báo chí của Nhà nước bị thu hồi giấy phép là chuyện chưa từng xảy ra, không có luật nào quy định và cũng “cay đắng” lắm – nếu so với những tờ được bao cấp, không phải lo bán báo như tờ QĐND của tác giả Yến Long. Mọi người có thể thấy rõ điều đó qua những văn bản kiến nghị ký chung, những dòng tâm sự của phóng viên báo SGTT và chia sẻ của đồng nghiệp trên mạng xã hội, qua những giọt nước mắt có phần đắng cay của Tổng biên tập báo SGTT khi đọc Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động báo SGTT – được phản ánh trên báo Thanh Niên.
Tác giả Yến Thanh cũng nên thấy dòng chữ “Thông tin báo SGTT đình bản vào ngày 28-2-2014 đã gây chấn động đối với độc giả báo chí trên cả nước” – trên tờ SGTT online ngày 1-3-2014 cho thấy không chỉ có báo nước ngoài hay một số trang blog “thế lực thù địch” mà rất nhiều bạn đọc trên cả nước đã “chấn động” trước sự kiện SGTT đình bản. (xem ảnh)
Theo Quê Choa
Ls Trần Hồng Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét