Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Giới thiệu tác phẩm của nhà văn trẻ NGUYỄN THỊ TỪ HUY:"GỬI NGƯỜI YÊU VÀ TIN"

 Nhà văn Nguyễn Thị Từ Huy (hình internet)

Lời giới thiệu của Nhà Xuất Bản 
Ðỗ Quý Toàn

Đề tài chính của cuốn sách Gửi Người Yêu và Tin là Dối Trá. Sống trong một xã hội chỉ thấy toàn gian dối, người ta cần một chỗ nương tựa, cần tâm sự với một người mình có thể tin, một người mình yêu thì càng quý báu. Vì vậy, cuốn sách này gồm những lá thư của một người đàn ông viết gửi cho người yêu. Cô nàng là một phụ nữ không thuộc cùng một chủng tộc mà lại sống ở một xứ rất xa xôi. Cô sống hoàn toàn ngoại cuộc, không chia sẻ hoàn cảnh của anh, mà cũng không mang chung những hoài vọng, ước ao mà anh ôm ấp muốn thực hiện cho đồng bào của mình. Vì vậy, anh có thể nói thật, nói đầy đủ những tư tưởng, ý kiến, hy vọng hay nghi ngờ của mình.

Quý độc giả có thể đọc cuốn sách này như một tiểu thuyết. Có một nhân vật, có một câu chuyện, có những thăng trầm trong cuộc đời nhân vật, có những chuyện tình, có hôn nhân và ly dị, có những đứa trẻ ra đời, có người chết hay người muốn tự tử. Đủ các yếu tố tạo thành một tiểu thuyết.

Nhưng quý độc giả cũng có thể đọc cuốn sách này như một bản tự phán, lời thú tội. Nhân vật chính cố gắng thích ứng với xã hội giả dối quanh mình, và nhân đó đã phân tích, tìm hiểu cuộc sống đó ảnh hưởng thế nào đối với bản thân, với vợ, con, bè bạn, đồng nghiệp, đến tất cả những người chung quanh không quen biết. Đây là chủ ý của tác giả. Tác giả chỉ dựng lên một nhân vật, cho nó sống, bắt nó trải qua nhiều cảnh ngộ, để dùng đó làm điểm tựa phân tích một xã hội sống giả dối nó biến thái ra sao. Nhân vật chỉ là một “hình nộm” hoàn toàn do tác giả điều khiển. Hắn được dùng như một con thỏ nuôi trong phòng thí nghiệm cho công cuộc nghiên cứu y học. Nghiên cứu xong thì vứt bỏ cái xác con thỏ đi. Quý độc giả cần được báo trước như vậy ngay từ đầu, để không chờ đợi được gặp một con người sống thật.

Ngay từ đầu, tác giả Nguyễn Thị Từ Huy đã yêu cầu nhân vật của mình tự nguyện tuân hành theo quy luật sống dối trá. Cả xã hội chấp nhận sống giả dối với nhau, ngay từ lớp mẫu giáo mỗi đứa trẻ đã được dậy hát những lời giả dối. Vậy nếu muốn tồn tại, phải tập sống như mọi người. Hắn bèn nhờ một bác sĩ chữa trị cái lương tâm của mình. Thay đổi lương tâm, tẩy sạch cái lương tâm cũ, có thể vứt bỏ nó đi, thay thế bằng một cái “lương tâm” hoàn toàn mới. 

Có thể biện minh quyết định như vậy là hợp lý. Khi tất cả mọi người trong xã hội thỏa thuận với nhau cùng sống dối trá, thì họ chỉ cần đồng ý một điều, là thay đổi ý nghĩa tất cả hệ thống ngôn ngữ và giá trị đang dùng. Nói cái gì là “thật” thì mọi người đều hiểu nó là “giả;” gọi cái gì là “đúng” thì ai cũng biết nó là “sai.” “Thiện” bây giờ đặt tên là “ác;” “ác” đổi thành “thiện,” “xấu” tức là “đẹp;” “đẹp” chính là “xấu,” vân vân. Chỉ cần thay đổi toàn thể hệ thống thông tin, đảo ngược tất cả các ý nghĩa, sau đó mọi người có thể tiếp tục sống với nhau trong hệ thống ngôn ngữ mới. Người ta vẫn hiểu được nhau, và guồng máy xã hội vẫn tiếp tục vận hành, không thua gì khi còn sử dụng hệ thống ngôn ngữ và giá trị cũ. Cũng giống như khi chúng ta thay thế “hệ thống điều hành” của một cái máy vi tính, dùng “operating system” mới, các phần mềm đều thay đổi, nhưng cái máy vẫn chạy! 

Nếu tất cả xã hội đồng ý đổi “hệ thống điều hành” cũ của lương tâm, kể từ nay tất cả cùng theo “hệ thống điều hành” mới, hoàn toàn dối trá, thì chỉ cần tập luyện một thời gian ai cũng sẽ quen. Giống như đang dùng Microsofts với máy PC mà đổi sang dùng máy Mac cả Apple vậy. Người ta đùa ông Bill Gates, kể câu chuyện ông Steve Jobs sau khi chết có lần trở lại trần gian, gặp đối thủ của mình trên thương trường máy vi tính. Gates hỏi thăm Jobs, sống ở thế giới bên kia thấy gì. Jobs bảo: “Tuyệt vời. Ở đó không ai cần ở trong nhà, cũng chẳng cần có cái vườn, cái sân nào cả!” Như vậy thì có gì mà tuyệt vời? “Tuyệt chứ! Tự nhiên, không ai cần đến Cổng, cũng không cần Cửa Sổ!”


No Gate! No Window! Ông Gates lên cơ nghiệp nhờ bán hệ điều hành Windows cho các máy PC, rồi bán các nhu liệu chạy với hệ thống đó! Nhưng ông cũng biết, chẳng cần sang thế giới bên kia, ngay ở cõi trần gian này nhiều máy vi tính không dùng hệ thống Windows mà vẫn chạy ngon lành!

Nhưng xã hội loài người có thể thay đổi “hệ thống điều hành” của lương tâm rồi vẫn chạy được như thường hay không? Đây là đề tài mà tác giả Gửi Người Yêu và Tin đem ra phân tích.

Sau khi nhân vật chính tự chích ngừa cho cái lương tâm của mình, để tự mình quen dần, rồi sống thản nhiên được với các vi trùng dối trá, hắn đã thành công. Mới đầu anh ta cố thích ứng, rồi tới lúc anh hoàn toàn quen với cái lương tâm mới được “cải tạo,” được “giác ngộ,” và anh còn phấn đấu để trở thành một người cổ động cho “hệ thống điều hành” dùng dối trá thay cho các giá trị cũ. Cứ như vậy, anh ta tiến bước, leo lên các bậc thang xã hội cao hơn, đạt tới địa vị cao nhất là thành một ủy viên Bộ Chính Trị.

Trong quá trình thăng tiến đó, anh vẫn theo dõi, quan sát, phân tích những hậu quả của việc sử dụng“hệ thống điều hành” mới. Và anh thấy nó tạo ra những biến chứng trong xã hội, những biến chứng không chỉ đảo lộn các thứ giá trị, mà còn gây bao nhiêu đau khổ, còn làm chết người nữa. Tác giả Nguyễn Thị Từ Huy khai sinh nhân vật chính trong môi trường đại học, cho nên những biến chứng được mô tả phần lớn diễn ra trong môi trường đó. Nhưng chúng ta có thể suy đoán trong mảnh đời nào của xã hội cũng thấy diễn ra bấy nhiêu biến chứng. Thí dụ, người ta sẽ làm nhục lẫn nhau, mà kẻ làm nhục người khác chính hắn cũng nhục nhã. Người ta đối sử độc ác với nhau, mà cũng độc ác với chính bản thân mình. Người ta độc ác một cách tự nhiên, vô tư, giống như đang thở vậy. Một hậu quả của “hệ thống điều hành” dối trá là đưa tính độc ác lên thành nền tảng của xã hội. Cũng như tính vô cảm. Đại học được biến thành nơi người ta giết các thanh niên, giết trí thông minh, giết óc phán đoán và ngay đến khả năng cảm xúc của họ. Còn những biến chứng như nạn tham nhũng, hệ thống phong bì, vân vân, chỉ là những bệnh nhỏ, những chuyện hàng ngày ở huyện.

Trong quá trình phân tích đời sống chung quanh mình, nhân vật chính được hai nhân vật khác giúp “soi sáng.” Một là người yêu cũ ở xa, một người yêu lý tưởng, không còn đụng chạm gì tới nhau, cũng không bao giờ gặp nhau nữa. Hai là người vợ, mà anh ta rất yêu và rất kính trọng. Người yêu của anh đã tuyệt giao. Vợ anh đã mang con bỏ đi. Nhưng không cần đến các diễn biến đó. Chính anh, tới một lúc sẽ thấy chính mình góp phần tạo ra một xã hội đầy ung nhọt, thối nát, đang sụp đổ. Chính anh, sau cùng đã quyết định phải từ bỏ con người đang sống của mình.

Nguyễn Thị Từ Huy kể chuyện một nhân vật hư cấu để mượn cớ viết bản cáo trạng lối sống giả dối bao trùm trên xã hội hiện tại. Không cần nói ra, ai cũng biết, tác giả muốn mọi người thức tỉnh, từ chối cách sống đó. Bắt đầu, phải có người nói ra: Tôi đang sống trong dối trá! Tôi từ chối, không muốn sống dối trá nữa! Giống như một em bé lên ba, sau khi hát, được cả nhà vỗ tay khen và thưởng, em tròn mắt nói thật: Nhưng đêm qua em có nằm mơ thấy cái gì đâu? Nguyễn Thị Từ Huy bắt chước em bé ngây thơ đó.

Nhà Xuất bản Người Việt, 2014 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét