Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Vì sao đồng chí X la to, hạ giọng, rồi… im bặt?

Tạ Nhất Linh (Danlambao) - Mọi người đều biết: trong tứ trụ triều đình csVN, đồng chí X là kẻ la to nhất về vụ giàn khoan Haiyang 981 của Tàu.

Ngày 11 tháng 5, tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Myanmar, đồng chí đã nói một bài dài, với giọng điệu cực kỳ gay gắt, trong đó có câu: "...Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.” 

Tiếp theo, ngày 22 tháng 5, trong cuộc họp báo chung với tổng thống Philippines tại Manila, đồng chí đã nói: “Nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”

Có vẻ như lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân đã làm cho thủ tướng kiên quyết vứt bỏ cái thứ “hữu nghị viển vông” đó. Hơn thế, một số bậc đại trí thức của nước nhà còn quả quyết phen này thủ tướng sẽ thay đổi thể chế, đưa Việt Nam lên con đường dân chủ đa đảng!

Vì sao có chuyện lạ, một kẻ từng ráo riết xúc tiến các dự án Bauxite Tây Nguyên vì quyền lợi của Trung Cộng, từng ký kết tay đôi các văn bản “hợp tác” với các tỉnh trưởng của TQ, bỗng tỏ ra bất bình với tập đoàn Tập Cận Bình đến vậy? Chắc vì cuối đời đồng chí bỗng thấy tội lỗi của bản thân (và của bè đảng) nên quyết tâm sám hối, dành hết những ngày tháng còn lại để phục vụ dân nhằm chuộc lỗi chăng?

Theo các bậc đại trí thức nước nhà thì đúng là vậy đó.

Nhưng ta hãy thử nhìn lại diễn biến tình hình gần đây để nhận định cho chính xác hơn.

Tháng 6 năm 2013, Tư Sang thăm TQ. Trước đó, ông này là nhân vật trong tứ trụ lạnh nhạt nhất với Tàu Cộng. Sau chuyến thăm đó, ông Sang bắt đầu nói những lời tốt đẹp hơn về ông bạn láng giềng “bốn khốn nạn”, bất kể sau đó mấy hôm ông đã qua Mỹ gặp Obama.

Cũng trong năm 2013, ông Sang và ông Trọng (Lú) đã thay nhau đi thăm một số quốc gia đối tác quan trọng, trong khi đồng chí X do đang yếu thế chỉ được đi thăm những nước kém quan trọng hơn.

Mặc dù thế trận giữa phe ông Dũng và phe hai ông Trọng-Sang luôn giằng co, khi nghiêng về bên này, lúc lệch về bên kia, nhưng hiện tại phe Trọng-Sang đang lấy nguyên tắc đảng ra để gây sức ép, trực tiếp “chỉ đạo” cả công việc hành pháp, tạo ra những khó khăn đáng kể cho đồng chí X. Vì vậy, X thường xuyên ở trong tình trạng ức chế.

Một điều mà có vẻ như đồng chí X chỉ được biết mập mờ, do có kẻ từ “cung vua” mách bảo, là có một thỏa thuận béo bở giữa cánh Trọng-Sang với TQ trong thời gian gần đây. Điều này chỉ lộ ra trong lần ông Sang “tiếp xúc cử tri” tại Sài Gòn vừa qua. Một cử tri đã chất vấn ông Sang về thông tin TQ cung cấp 20 tỉ USD ODA và 100 tỉ USD tín dụng cho VN. Ông Sang đã lờ đi như không nghe thấy câu hỏi này.

Như vậy, có thể đoán rằng trước khi giàn khoan của Tàu Cộng xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, đồng chí X đã được nghe nói về các khoản ODA và tín dụng đó, và tất nhiên đồng chí vô cùng căm tức, vì từ trước đến giờ những vấn đề như vậy được ủy thác cho đồng chí ấy, do các đồng chí kia quá ấm ớ về kinh tế - tài chánh. Đến khi cái giàn khoan vào nằm chềnh ềnh trong vùng biển VN thì không gì còn có thể ngăn được sự “bùng nổ” của đồng chí ấy. Và cơn giận đến điên người của đồng chí X đã được trút ra không phải vì “quyền chủ quyền” hay “quyền tài phán” con mẹ gì, mà đơn giản vì miếng ăn mà thôi!

Tất nhiên là sau đó thì phe “vua” đã tức khắc phải vỗ về đồng chí X. Biểu hiện rõ ràng nhất là đồng chí này đã chuyển tức khắc từ thái độ khuyến khích biểu tình chống Tàu sang răn đe và cấm tiệt biểu tình.

Tuy nhiên, cơn giận của đồng chí vẫn chưa xẹp hẳn. Và chuyến sang Hà Nội của sứ giả Dương Khiết Trì có mục đích chính là vỗ về đồng chí X (hứa sẽ bảo cánh Trọng-Sang chia phần cho, thậm chí cho điều hành phần vốn chính). Vì vậy mà, trong khi PTT ngoại trưởng Phạm Bình Minh (vốn là con trai ông cựu ngoại trưởng ghét Tàu Nguyễn Cơ Thạch) trừng mắt nhìn Trì, thì chính Ba X không hề tỏ thái độ giận dữ như đáng lý phải vậy. Và cái cụm từ “đứa con ngỗ ngược” không chỉ nói về VN, mà còn ngụ ý chính đồng chí X nữa. Trên thực tế thì đồng chí này đã gần như ngậm miệng từ sau khi giáp mặt Dương Khiết Trì. Cũng chính vì vậy mà sau đó TQ đã ngang ngược huy động thêm 4 giàn khoan nữa rập rình gần vùng biển VN.

Cũng nên nhớ rằng X, mặc dù lớn tiếng về giàn khoan, nhưng lại lờ hẳn đi một vấn đề có thể còn nghiêm trọng hơn, đó là việc Tàu Cộng đang xây một căn cứ ở Gạc Ma, điều mà chính quyền Philippines kiên quyết phản đối, còn nhà cầm quyền VN thì lờ tịt.

Thật khôi hài vì có những người vẫn đang hý hửng trông chờ đồng chí X làm “cách mạng dân chủ”.



Chiến thuật của Việt Nam trên Biển Ðông

Gần hai tháng nay, không có ai ít nhiều quan tâm đến Việt Nam mà không tự hỏi: Việt Nam đối phó với hành động lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc như thế nào? Về phía Trung Quốc, hầu như mọi người đều biết họ muốn gì. Và thật ra thì họ cũng không hề giấu giếm ý đồ của họ: Chiếm toàn bộ Biển Đông (bao gồm cả Trường Sa, dĩ nhiên!) Còn phía Việt Nam? Không ai biết gì cả. Tất cả các nhà lãnh đạo đều im lặng, hoặc nếu mở miệng thì chỉ nói những điều chung chung, vô thưởng vô phạt, ra vẻ đầy quyết tâm nhưng lại không chỉ ra, hoặc gợi lên, một chiến thuật nào cả.

Trở lại với câu hỏi trên, Việt Nam sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào?

Có hai cách trả lời: tiêu cực và tích cực.

Tiêu cực, như những gì chúng ta thường thấy nhan nhản trên các mạng lưới xã hội, từ blog đến facebook, nhiều người cho rằng Ciệt Nam đã bán đứng Biển Đông cho Trung Quốc rồi; hoặc nếu không phải bán đứng thì cũng, ít nhất, một số khá đông ủy viên trong Bộ Chính trị hoặc Ban Chấp hành Trung ương đảng chủ trương nhượng bộ, để Trung Quốc tha hồ làm chủ trên Biển Đông. Theo cách nhìn này thì những lời phát biểu này nọ hoặc việc đưa tàu hải giám hay tàu đánh cá ra chạy lòng vòng giàn khoan HD-981 chỉ là một vở kịch nhằm đánh lừa dân chúng để không ai quá phẫn nộ có thể đổ xuống đường biểu tình chống lại họ. Nói cách khác, theo cách nhìn này, “mặt trận” chính mà chính quyền Việt Nam muốn đối phó không phải là Trung Quốc mà chính là dân chúng Việt Nam.

Khả năng trên không phải không có. Có nhiều bằng chứng: Một, từ lịch sử, họ đã từng làm vậy qua công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958; hai, qua cách họ hành xử với Trung Quốc kể từ sau hội nghị Thành Đô năm 1990; ba, qua sự lúng túng của họ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trong mấy tháng vừa qua. Không thể nói sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến Biển Đông là bất ngờ được. Làm chính trị, không thể không biết trước những việc đơn giản như vậy. Không biết là ngu. Nhưng nếu biết trước mà không chuẩn bị gì cả, thậm chí, không thống nhất được ý kiến trong một nhúm 14 người trong Bộ Chính trị là sao?

Nhưng thôi, ở đây, tôi xin nhìn vấn đề theo hướng tích cực, là, chính quyền Việt Nam, một, thực tâm muốn chống lại Trung Quốc; hai, đang toan tính một chiến thuật gì đó để bảo vệ Trường Sa và Biển Đông. Nếu vậy, chiến thuật của họ là gì?

Theo tôi, có hai chiến thuật chính: Câu giờ và bêu xấu Trung Quốc.

Họ ra lệnh cho các tài hải giám, hải ngư và tàu đánh cá tư nhân Việt Nam ra chạy lòng vòng chung quanh giàn khoan HD-981 nhưng không đối đầu để tránh leo thang xung đột. Họ chạy lòng vòng như vậy để chứng tỏ với dân chúng trong nước là họ cương quyết bảo vệ lãnh hải Việt Nam nhưng đồng thời cũng để tàu Trung Quốc húc vài chiếc chìm để… quay phim.

Vâng, để quay phim. Mới đây, trên các cơ quan truyền thông Tây phương đã xuất hiện một số hình ảnh tàu Trung Quốc xịt nước vào tàu Việt Nam, đâm sầm vào một số tàu Việt Nam, làm hư hại nhiều tàu đánh cá Việt Nam… Những bức ảnh và những thước phim ấy đều do phóng viên ngoại quốc thực hiện. Việc mời gọi phóng viên chụp ảnh và quay phim để công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế như vậy có hai mục đích: Một, để cả thế giới thấy sự xâm lược hung hãn và tàn bạo của Trung Quốc, từ đó, càng thêm ghét và sợ Trung Quốc. Hai, để thế giới thấy Việt Nam, tuy nhỏ và yếu, nhưng vẫn nhất định không chấp nhận việc Trung Quốc làm bá chủ trên Biển Đông. Vì ghét và sợ Trung Quốc nên càng cảm thấy có nhu cầu đoàn kết với nhau để chống lại Trung Quốc. Vì thấy Việt Nam có quyết tâm nhưng yếu ớt nên càng cảm thấy có nhu cầu ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam.

Nhớ, sau năm 1975, khi Khmer Đỏ quấy nhiễu ở biên giới phía Tây, Việt Nam cũng thực hiện chiến thuật ấy. Trong suốt mấy năm, từ cuối năm 1975 đến năm 1978, Khmer Đỏ nhiều lần xua quân tràn qua biên giới bắn giết đồng bào Việt Nam, chính quyền chỉ la làng chứ không có phản ứng gì quyết liệt cả. Nếu lúc ấy, chính quyền quyết định phản công, họ có thể làm được một cách dễ dàng. Nhưng họ không làm. Chủ yếu để chứng minh cho thế giới thấy họ là nạn nhân, và khi họ tràn quân sang chiếm Campuchia, thế giới cũng dễ dàng thông cảm: Đó chỉ là một phản ứng tự vệ. Một việc chẳng đặng đừng.

Lần ấy, Việt Nam không thành công trong nỗ lực tuyên truyền của mình cho nên khi Việt Nam chiếm Campuchia, các nước Tây phương vẫn đồng loạt kết tội là Việt Nam xâm lược và càng gia tăng mức độ cấm vận đối với Việt Nam. Tôi nhớ, trong một bài viết sau chuyến thăm Việt Nam năm 1980, khi nhắc đến phong trào vượt biên, Gabriel García Márquez cũng cho Việt Nam hoàn toàn thất bại trên mặt trận tuyên truyền đối ngoại.

Lần này, Việt Nam có nhiều lợi điểm hơn. Thứ nhất, hiện nay trên thế giới đang có rất nhiều người ghét Trung Quốc và cũng sợ sự phát triển của Trung Quốc. Âm mưu bành trướng của Trung Quốc đã quá rõ ràng. Hơn nữa, kẻ thù của Trung Quốc cũng rất nhiều. Ngoài Việt Nam, ít nhất Nhật Bản và Philippines cũng là đối tượng để Trung Quốc giành giật và uy hiếp. Thứ hai, Việt Nam hiện nay, tuy bị phê phán nhiều nhưng quan hệ với các nước trên thế giới tương đối tốt đẹp. Mọi người đều thấy Việt Nam chỉ nguy hiểm đối với chính đồng bào của họ nhưng không hề nguy hiểm đối với bất cứ một nước nào khác. Với hai lý do này, việc Việt Nam thành công trong nỗ lực tuyên truyền của họ không có gì khó hiểu.

Nhưng đó chỉ là một thành công nhỏ. Cuộc tranh chấp với Trung Quốc hiện nay rất phức tạp, bao gồm nhiều bình diện khác nhau: tuyên truyền, pháp lý, ngoại giao và, ở trường hợp xấu nhất, ít người mong muốn nhất, quân sự. Việc đóng vai trò nạn nhân để tranh thủ sự đồng tình của thế giới chỉ thuộc bình diện tuyên truyền. Giả dụ chiến dịch tuyên truyền ấy thành công thì, sau khi tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới, Việt Nam sẽ làm gì nữa?

Ở đây có hai vấn đề:

Thứ nhất, nên lưu ý là Việt Nam không có nhiều thì giờ để làm một cái gì đó. Đến giữa tháng 8, khi Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 về nước theo kế hoạch dự trù một cách yên ổn, họ đã thành công trong việc chứng tỏ với thế giới là Biển Đông thuộc về họ, nơi họ muốn đến lúc nào thì đến, muốn đi lúc nào thì đi. Việc bất động của Việt Nam  cũng được xem là một sự xác nhận điều đó: Họ không hề phản đối.

Thứ hai, việc tranh thủ sự đồng cảm của thế giới chỉ là bước đầu và không hứa hẹn bất cứ một sự hậu thuẫn nào cả. Xin lưu ý: Ukraine được cả thế giới, đặc biệt Mỹ và Cộng đồng châu Âu, thương cảm và ủng hộ nhưng điều đó không hề ngăn chận được bàn tay tham lam, xảo quyệt và tàn bạo của Putin.

Nguyễn Hưng Quốc 

Một Quốc Gia Ðang Tự Sát?!


Trước họa xâm lăng đang chẹn cổ, nếu Việt Nam chậm cải cách thể chế nghĩa là tự sát.

Một quốc gia gần trăm triệu dân mà tự sát trong thời đại đầy những cơ hội cứu dân cứu nước và cường thịnh này thật khốn nạn thảm khốc biết chừng nào!

Ta nghe, nay dường như trong không trung, trong bầu trời Việt Nam, trong sự đớn hèn và đồng lõa đã thoảng mùi tự hoại từ tấm thân vô giá của đất nước. Nếu cứ đà này, một mai thôi, khi nhìn đến, nước Việt đâu chẳng thấy, chỉ còn là mảnh hồn oan. Hồn oan nước Việt dật dờ ngàn đời oán khí chẳng tan.

Kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào cắm chốt ở lãnh hải Việt Nam, ngày một tăng thêm những hành động xâm lấn, lòng dân một mặt sục sôi căm hận hành động của Trung Quốc, một mặt lại phẫn nộ vì nhà cầm quyền Việt Nam đã chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ đất nước, thậm chí còn cấm đoán, đàn áp dân xuống đường bày tỏ lòng yêu nước. Nhiều câu hỏi đặt ra: Đất nước này đang thuộc về ai?

Trách nhiệm cứu nước đang dồn lên vai mọi công dân Việt Nam. Con đường nay đã khác. Muốn thoát họa xâm lăng thì phải “thoát Trung”. Muốn “thoát Trung”, trước hết phải thoát ý thức hệ lạc hậu, phản tự nhiên, nền tảng của chính thể độc tài để cải cách thể chế. Đó chính là thực hiện cuộc Cách mạng Nhung Việt Nam, vừa cứu nước, vừa tránh được thương đau cho muôn dân.

Thời cơ Cách mạng Nhung Việt Nam đã đến, nhưng thời cơ không đợi những kẻ chần chừ. Chần chừ trước họng súng Trung Quốc là tự sát.

Người có lý trí không khỏi sửng sốt tại sao lãnh hải Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm trắng trợn, nhiều nước trên thế giới còn phải phẫn nộ lên tiếng; đất nước Việt Nam đang trôi dần vào cổ họng tham lam của bành trướng bá quyền Trung Quốc, trước bao nhiêu giục giã của người trong và ngoài nước mà nhà cầm quyền Việt Nam đến giờ này vẫn không có hành động tự vệ tối thiểu nhất là khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Nguyên nhân, như mọi khi, vẫn nằm ở thể chế chính trị. Thể chế nào hành xử ấy. Trong thể chế độc tài, quyền lợi của nhiều nhà cầm quyền tách rời, đi ngược lại quyền lợi của toàn dân. Đó cũng chính là “gót chân A sin”, để đến một ngày, không những dân Việt Nam bị nước mất nhà tan mà sớm muộn quyền lợi của nhà cầm quyền cũng mất.

Một thể chế thiếu minh bạch, dân chủ và tự do chính là nơi dung dưỡng loài đỉa- người tham nhũng. Loài đỉa – người chỉ biết ăn bám, không bao giờ bảo vệ cơ thể mà chúng đang hút máu, để đến một ngày, cơ thể ấy khô kiệt, thì chúng cũng bị hoại tử.

Nhân dịp này, mời bạn bè đọc bài “Loài đỉa - người và Hiến pháp”. (Bài này đã đăng một phần trên BBC.Vietnamese với tên gọi do Tòa soạn đặt là “Ngày tang khốc cho dân tộc Việt Nam”).

Xin giới thiệu nguyên văn bài viết cùng bạn đọc trong dịp vấn đề cải cách thể chế và Hiến pháp để cứu nước càng trở nên cấp bách như hiện nay.

LOÀI ĐỈA - NGƯỜI VÀ HIẾN PHÁP

Võ Thị Hảo

Thể chế phản tự nhiên dẫn tới thảm họa đỉa-người. Những lỗ hổng trong thể chế ấy tạo ra và che chở cho hàng ngàn, thậm chí cả triệu con đỉa – người kếch xù đeo bám trên cổ và “hút máu” người dân Việt Nam…

* Ngày tang khốc cho tự do và nhân quyền Việt Nam

28/11/2013, ngày mà QH khóa VI thông qua bản Hiến pháp sửa đổi (HP), với tỉ lệ tán thành gần tuyệt đối 97, 59% đã tiếp nối bữa tiệc mừng kéo dài của một nhóm quyền lợi gần như vô giới hạn, nhưng lại là một ngày tang khốc cho tự do và nhân quyền của người dân Việt Nam.

Tại điều 4 tại HP này quy định đặc quyền cho đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội, với chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế thì đó là một sự thụt lùi hoàn toàn về dân chủ so với HP 1946 cách đây đã gần một thế kỷ bởi chính điều này sẽ biến tất cả những quy định khác về tự do và nhân quyền của người dân Việt Nam ghi trong HP và các bộ luật khác trở thành giả hiệu.

Trong lời nói đầu của HP ghi rằng”nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Điều đó có đáng tin?

Ông Uông Chu lưu, Phó chủ tịch QH đã trả lời PV báo Tuổi trẻ(ngày (29/11/2013): “… quá trình tham gia, quá trình chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp thì có thể nói rằng đây là một quá trình thể chế hóa cương lĩnh, cụ thể hóa những điểm lớn, những mục tiêu lớn mà Đảng đã đề ra”.

Thực tế là người dân có góp ý về dự thảo HP, nhưng đây là HP của QH, dưới chỉ thị trực tiếp của đảng, và HP đã gạt ra ngoài những điều cơ bản nhất để bảo vệ cho quyền lợi nhân dân, chẳng hạn như quyền sở hữu về đất đai, và quy định đảng CS là lực lượng lãnh đạo xã hội Việt Nam như trên. Trong các chương quy định về quyền tự do và quyền con người, nghe có vẻ kêu, nhưng lại chốt đuôi một “thòng lọng” khiến tiếp nối tình trạng lạm dụng và vô hiệu hóa các quyền đó như đã xẩy ra lâu nay : “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Người dân Việt Nam đã quá cay đắng khổ ải với câu “Theo quy định của pháp luật” này. Nghĩa là, sẽ tiếp tục thảm trạng muôn thuở tạo điều kiện cho nhà cầm quyền ban hành vô số luật và văn bản dưới luật trái HP để hạn chế quyền của người dân, tạo lợi ích cục bộ và kẽ hở cho tham nhũng, tiếp tục ưu tiên những tập đoàn, doanh nghiệp độc quyền thụt két nhà nước hàng tỷ USD, đẩy Việt Nam tới bên bờ vực của sự vỡ nợ khốn đốn khi nợ công đến nay đã vượt 95% GDP, có người cho rằng là 105%, (ngưỡng an toàn là dưới 60%) nếu tính cả phần nhà nước bảo lãnh cho Vinashin như thực tế đã diễn ra ngày một trầm trọng nhưng trong HP vẫn quy định “doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ đạo…”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhận định, việc ban hành các văn bản hướng dẫn không đảm bảo nhiều yếu tố về thời hạn, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quy trình, thủ tục ban hành văn bản cũng bị vi phạm. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật. Không chỉ ban hành chậm, trong số 1.761 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đã có 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm…, không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật…Trong một số trường hợp là do lợi ích cục bộ của bộ, ngành((theo Đầu tư và chứng khoán, 22/10/2013).

Tình trạng vi hiến của các Bộ ngành và vô số tổ chức, cá nhân nắm quyền lực khác đã diễn ra kể từ khi có mặt thể chế độc tài, ngày càng nghiêm trọng và không thể khắc phục được, dù ở các bộ ngành đều có những bộ phận phụ trách pháp chế.

Vi hiến là một tội rất nặng, mang tính bất tuân luật pháp và phá hoại đất nước, nhưng những người soạn và ban hành những văn bản vi hiến, phạm luật lại không hề hấn gì, vẫn ngang nhiên tồn tại, vi hiến và thăng tiến tiếp. Biết tình trạng đó, nhưng HP này vẫn bỏ ra ngoài đề xuất về cơ chế bảo hiến, chẳng hạn như Tòa án HP, nghĩa là các tổ chức và cá nhân có quyền lực cứ tiếp tục vi phạm khi họ muốn.

Thực tế đã chứng minh, môi trường thể chế ấy đã sinh ra và dung dưỡng vô số những kẻ lạm dụng – tham nhũng. Đó là loài “đỉa – người” đang hút kiệt xương máu của nhân dân.

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, việc xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án. Tham nhũng trong các cơ quan tư pháp cũng diễn ra nghiêm trọng, chiếm 10% các vụ án tham nhũng đã phát hiện trong toàn quốc (kể từ 1/10/2010 đến 30/4/2013) .

Theo một khảo sát quốc tế trong năm 2011, người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) chiếm 18,2% dân số Việt Nam (16,1 triệu người), người lao động thu nhập 5 đôla/ngày chiếm đến 70,4% dân số (63,1 triệu người). Tổng số khoảng 79,2 triệu người so với khoảng 89,2 triệu dân tại Việt Nam (theo TBKTSG Online). Số dân nghèo ấy cho đến năm 2013 thì càng kiệt quệ thêm do khủng hoảng kinh tế, do lạm phát phi mã, cao nhất châu Á (?), do hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh mỗi năm và do thất nghiệp, đặc biệt do lũ lụt gây ra bởi thiên tai và thủy điện xả lũ “hủy diệt” nhiều mạng người và tài sản, môi trường sống của người dân. Trong khi đó, giá của các mặt hàng độc quyền như điện, xăng dầu, giáo dục, y tế, dịch vụ, các loại phí, lệ phí đều tăng phi mã.

Đã thế trên đầu mỗi người dân, tỉ lệ nợ công cũng tăng vọt. Tính đến ngày 24/11/2013, mỗi người dân Việt Nam, kể cả đứa trẻ mới sinh ra, cũng phải gánh trên vai mình hơn 18.000.000đ nợ cho một chính phủ hoạt động kém hiệu quả và để tham nhũng tràn lan, ở mức một trong những nước đứng đầu thế giới về chỉ số tham nhũng.

Theo TS Vũ Quang Việt - nguyên Vụ trưởng vụ Tài khoản Quốc gia của cơ quan thống kê Liên hiệp quốc, thì nợ công Việt Nam lên tới 105% GDP, vượt xa so với con số báo cáo của CP và vượt xa ngưỡng an toàn(65%) cho một nền kinh tế. (TBKTSG Online).

Cứ 3 tháng, người dân Việt Nam, thông qua ngân sách quốc gia, lại oằn lưng trả khoảng 1 tỉ USD tiền nợ công thay cho những kẻ “hút máu” của đất nước. Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước, được ưu đãi mọi cơ hội từ cơ chế, sự độc quyền, vốn…đã đem lại những khoản nợ khổng lồ.

Báo cáo của nhóm chuyên gia trong Ủy ban kinh tế của QH kết luật rằng khu vực DNNN “có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả đã góp phần kéo dài giai đoạn suy thoái kinh tế của Việt Nam hiện nay”.

Thế nhưng những con nợ kếch xù ấy vẫn được QH ưu đãi tiếp trong HP “DN nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

* Sự “cài đặt” từ thành phần QH

Tỉ lệ tán thành thông qua HP gần như tuyệt đối ấy không đáng ngạc nhiên. Nó đã được “cài đặt” từ trong thành phần của QH, khi hơn 90% ĐBQH là đảng viên cộng sản, và hầu hết đều đang nằm trong hoặc dính dáng tới hệ thống quyền lợi của bộ máy thể chế hiện tại. Họ chọn bỏ phiếu ưu tiên cho quyền lợi mình và nhóm mình.

Có thể thấy rõ, HP độc đảng là bấu víu sống còn của hệ thống tham nhũng Việt Nam. Để tha hồ tham lam, cấu kết bằng mọi giá để thu lợi riêng, để không phải chịu trách nhiệm về bất cứ việc gì, họ phải có được một HP hỗ trợ cho thể chế khiếm khuyết. Những tiếng nói trung chính trong QH cực kỳ hiếm hoi và bị át đi bởi dàn đồng ca rầm rộ cho quyền lợi riêng, quyền lợi nhóm mà đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và đất nước.
Khi HP ấy được thông qua, đó là lúc tiếng kèn xung trận của đám tham nhũng, dối trá, vô trách nhiệm, bán nước, tàn hại đất nước cũng vang lên chói tai, cố tình át tiếng khóc và tiếng kêu của hàng chục triệu dân lương thiện.

Khi đó sẽ tiếp tục là tháng năm dằng dặc của những người nông dân bị cướp đất, là những đêm đen quan - cướp lộng hành, tiếp tục những doanh nghiệp nhà nước độc quyền bóp chết các doanh nghiệp tư nhân, tiếp tục sự tăng giá vô tội vạ nhằm vét máu mỡ của dân để chi tiêu vô độ, những dự án ma, những kẻ rút ruột hàng ngàn hàng ngàn tỉ, của nạn nhà chức trách kết hợp côn đồ ăn hiếp dân lành, là nạn suy đồi đạo đức và văn hóa, là nạn bằng giả tràn lan, vô số người hành nghề y tế đợi dân ốm đau để xâu vào moi móc tiền bạc như giống diều quạ ăn trên xác chết… .

Đó sẽ là bản trường ca như nhiều người đã nhận định: cả Việt Nam chỉ có một Tổng biên tập là Ban tuyên giáo trung ương” nên sự thật lại tiếp tục bị bưng bít, tiếp tục vô số vụ oan án vì bức cung ép cung , chạy án và án bỏ túi. Và những “trái bom nước” thủy điện sẽ tiếp tục nổ trên đầu người dân, mà những kẻ vận hành điềm nhiên một tay tận diệt rừng quốc gia, một tay bỏ tiền vào túi riêng, một tay “bấm nút bom nước nổ” giết hàng loạt dân và tận diệt tài sản, môi trường sống của họ mà không thèm báo trước để họ chạy tìm đường sống nhưng vẫn được nhà chức trách bảo kê bằng câu “xả lũ đúng quy trình”.

Không phải không tiên liệu trước điều này, nhưng những ai còn chưa vô cảm, còn quan tâm đến tương lai đất nước vẫn không thể không thêm một lần chít chiếc khăn tang khốc cho tự do và nhân quyền của người Việt Nam.

Loài đỉa – người và thể chế

Làm sao có thể không buồn đau khi chính HP này đã khước từ thời cơ tránh cho Việt Nam họa ngoại xâm, nguy cơ nội loạn, diệt trừ được loài đỉa – người tham nhũng đang đeo bám hút máu trên cổ người dân Việt Nam để làm lành mạnh thể chế?!

Làm sao không là tang khốc cho đất nước, trước việc kéo dài những “lỗi hệ thống, lỗi thể chế” dẫn tới hàng trăm hàng ngàn con đỉa – người kếch xù đeo bám hút máu trên cổ người dân?!

Loài đỉa thật chỉ hút máu no thì tự rơi xuống, chúng chỉ kiếm máu đủ nuôi bản thân chúng mà thôi.

Nguy hại hơn, những con đỉa – người đó hút máu không biết thế nào là no chán, chúng không ngơi tích trữ hàng kho máu, hồ máu, sông máu cho lũ con cháu nhiều đời sau.

Chúng hút máu no kễnh mà không rụng xuống, vì chúng đã biến thành “ma cà rồng” và được nâng đỡ bảo vệ bởi những khiếm khuyết thể chế.

Và ngay cả so sánh những kẻ đó với ma cà rồng cũng là xúc phạm cả ma cà rồng, vì ma cà rồng dù ác nhưng cũng chỉ hút máu đủ no nuôi thân chúng trong vài ngày rồi đến lúc đói lại mới lại đi hút máu tiếp.

* Kiên trì cho một QH “sạch” của những người yêu nước…

Điều gây phẫn nộ đối với người Việt Nam là có cơ sở từ công lý đương nhiên.

HP không có quyền loại trừ sự tồn tại của Đảng Cộng sản hoặc ép buộc một nhóm người nào đó từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, nhưng tuyệt đối không được phép quy định quyền lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản hay bất kỳ đảng phái nào khác, vì HP không được tước đoạt quyền bình đẳng của hơn 90% người Việt Nam còn lại.

Hơn 90% người Việt Nam này hiện đang chưa chọn là đảng viên Cộng sản, không lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng, vì thế, không có lý do gì lại chấp nhận sự lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản. Nhiều người trong số họ có thể không biết đến HP, nhưng họ biết thực tế nhỡn tiền rằng, ngay cả những nước vốn là cái nôi kếch xù của Cộng sản như Đông Đức, Liên Xô và khối Đông Âu, sau khi theo đuổi chủ nghĩa này trong hơn nửa thế kỷ, cũng đã phải ghê sợ từ bỏ ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Bởi vậy mới càng đau xót rằng, người Việt Nam dù đã đổ bao xương máu để dựng lên và nuôi dưỡng thể chế này, nhưng chưa bao giờ có được một thành phần QH đủ khách quan và công bằng. Muốn có một QH “sạch” như vậy, ngoài việc được ứng cử và bầu cử một cách tự do và dân chủ không giả hiệu, họ phải khước từ mọi chức vụ trong các cơ quan công quyền…. Đây là điều tối thiểu phải có đối với một QH – nghị viện đúng nghĩa, mà HP Mỹ và nhiều nước phát triển trên thế giới đã quy định và bảo vệ như con ngươi của mắt mình:

“Không một Thượng nghị sĩ nào hoặc một Hạ nghị sĩ nào trong suốt nhiệm kì của mình, có quyền được bổ nhiệm giữ một chức vụ hành chính nào thuộc thẩm quyền Hiệp Chúng Quốc sẽ được thành lập sau này, và có một số lương bổng sẽ được gia tăng trong nhiệm kì đó; và không một người nào đã giữ bất cứ một chức vụ nào trong chính phủ Hiệp Chúng Quốc có quyền được là một nhân viên của bất cứ viện nào trong hai viện, trong khi hãy còn giữ chức vụ trong chính phủ.(Phụ bản 1: Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa kỳ ngày 4/3/1789).

Tu chính án Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng quy định:
“Nghị viện sẽ không thảo một đạo luật nào để thiết lập một tôn giáo hoặc để cấm đoán tự do tôn giáo; để hạn chế tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí; hoặc để hạn chế quyền của dân chúng được hội họp ôn hòa và đưa lên chính phủ các điều thỉnh cầu bày tỏ những nỗi bất bình của họ”.

Từ ngày lập quốc đến nay, Việt Nam đã luôn bỏ qua điều kiện tối thiểu này nên dẫn tới một QH mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia là sau khi thông qua HP 2013 đã “có tội với người dân và đất nước Việt Nam”.

Những quy định được nhiều người bất bình cho là “cưỡng đoạt” quyền lợi của nhân dân” trong HP mới đã ngay lập tức gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên mạng truyền thông xã hội trong và ngoài nước, dù còn nằm trong đe dọa của Nghị định 72 và Nghị định 174/2013/NĐ-CP – hai Nghị định được ban hành dồn dập gần đây mà nhiều luật gia và Tổ chức nhân quyền, Hội Văn bút quốc tế …và nhiều nước cho là vi hiến, ngược lại những cam kết quốc tế về tự do ngôn luận và quyền con người.

Bên cạnh đó, một “Hội những người phản đối HP mới” đã được thành lập và ngay lập tức có tới hơn 1.000 thành viên được công bố công khai trên mạng Internet.

Nhiều nhân sĩ trí thức và những người ủng hộ cũng đã đưa ra “Bản tuyên bố phản đối HP mới”:
“…Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình…”.

Bản tuyên bố này yêu cầu Đảng, CP và QH tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, không để cho những quy định dưới HP vô hiệu hóa những quyền này và làm mọi việc để sắp tới có một cuộc bầu cử QH trung thực, đồng thời kêu gọi những người có lương tri trong giới cầm quyền cùng nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoà i”tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước kiên cường, đoàn kết và hợp sức đấu tranh bằng các phương thức ôn hòa để thực hiện các quyền con người và quyền công dân của mình, để thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và lạc hậu, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia”.

Đương nhiên lịch sử sẽ ghi nhớ và phán xét về trách nhiệm của QH trước Tổ quốc, trước nhân dân vì đã chối bỏ mệnh lệnh của thời đại, tiếp tục tước đoạt thời cơ cho nhân dân Việt Nam có được một thể chế lành mạnh hợp tự nhiên, đã được quy định ngay trong Tuyên ngôn độc lập và HP 1946. Bằng việc đặt cho mình vị trí độc tôn, qua HP này, đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tự triệt tiêu mọi cơ hội cho chính đảng này tự cắt bỏ những khối ung thư trong cơ thể mình để thoát khỏi tình trạng nguy ngập toàn diện hiện nay và để có năng lực cạnh tranh. Nên nhớ, gươm súng là một sức mạnh, nhưng lịch sử loài người đã chứng tỏ lòng dân cuối cùng bao giờ cũng mạnh hơn gươm súng.

Người Việt Nam biết 28/11/2013 là ngày tang khốc cho tự do và nhân quyền Việt Nam, nhưng là để lương tri người người tiếp tục tỉnh thức, để không ngã lòng và tiếp tục kiên trì cho lẽ sống cùng chung tay phấn đấu cho công lý và bình đẳng cho mọi người Việt Nam.

V.T.H
Đăng lại từ BVN

Võ Thị Hảo 

Lần trỗi dậy đầy đe dọa của Trung Quốc


Cuộc xung đột ở biển Đông đánh thức dậy những nỗi lo sợ có gốc rễ sâu xa tại Đông Nam Á: một sự thống trị của Trung Quốc. Một chuyến viếng thăm Việt Nam cho thấy việc đối phó với cường quốc mới khó khăn cho tới đâu.

Sao vàng trên nền đỏ. Học viên sĩ quan chỉnh tề trong những bộ đồng phục trắng. Thêm vào đó là mặt trời lặn trên biển và những bài ca về quê hương. Trong truyền hình nhà nước Việt Nam, việc tạo khí thế yêu nước ngày càng đạt tới những đỉnh cao mới. Chính phủ ở Hà Nội dựa vào xúc cảm – và thông điệp là rất rõ ràng: Trường Sa và Hoàng Sa, như hai quần đảo ở biển Đông được Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền có tên trong tiếng Việt, là thuộc Việt Nam. Chấm hết.

Trung Quốc nhìn điều này có khác đi: Sau khi giàn khoa đầu tiên của Trung Quốc được neo lại trong vùng biển tranh chấp vào đầu tháng Năm thì giàn khoan kế đến đã tiếp theo đó vào giữa tháng Sáu. Trung Quốc tiến hành một hình thức mới của chính sách đối ngoại bành trướng ở biển Đông, cái không bao lâu nữa cũng có thể được áp dụng ở những vùng khác, điều này thì các chuyên gia châu Á thống nhất với nhau. Và qua đó, Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng từng bước một – khiến cho Đông Nam Á lo ngại, nhưng cũng cả Nhật Bản và Hoa Kỳ nữa. Và các quốc gia tương đối nhỏ ở xung quanh đối phó rất khó khăn với siêu cường quốc mới, mặc cho có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ như trong trường hợp của Philippines. Cơn thịnh nộ về bước tiến đơn phương của láng giềng to lớn đã bùng phát thành những cuộc biểu tình bạo lực vào giữa tháng Năm trong nhiều tỉnh của Việt Nam. Trong đó đã có bốn người bị thiệt mạng. Chính phủ Việt Nam đã đối phó một cách cương quyết với những người biểu tình bạo lực. Hiện giờ tình hình đã kiểm soát được.

Cuộc xung đột đời đời

Khi nói chuyện với người Việt về tranh chấp lãnh thổ thì lịch sử đầy xung đột của hai nước sẽ được nhanh chóng đề cập tới. Người ta sẽ nói về Ngô Quyền, người năm 938 đã giành được nền độc lập cho Việt Nam từ Trung Quốc. Hay Lê Lợi và hai bà Trưng, những người đã đánh đuổi người Trung Quốc. Nghe giống như là những nhân vật của thời hiện tại.

“Từ 1000 năm nay, các hòn đảo đó thuộc Việt Nam. Những gì Trung Quốc đang làm là bất hợp pháp”, một người đàn ông cao tuổi nói, người đang ngồi nghỉ tại hồ Hoàn Kiếm trong trung tâm của thủ đô Hà Nội vào một ngày nóng nực. “Cuộc đấu tranh chống Trung Quốc”, trưởng phân tích về địa chính trị của thinhtank Mỹ Stratfor, Robert D. Kaplan, đã viết như vậy trong quyển sách mới nhất của ông về xung đột ở biển Đông, “là cốt lõi của lịch sử Việt Nam.”

Vì vậy mà người khách đến thăm nhìn thấy cuộc tranh chấp biển đảo ở khắp nơi trong nước. Ở lối vào của Bảo tàng Lịch sử thủ đô Hà Nội, ba tấm bản đồ có nhiệm vụ chứng minh cho quyền sở hữu các hòn đảo lâu đời hàng nhiều trăm năm. Cả tại các cảng hàng không, khách du lịch cũng được thông tin về việc này bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những ngày này tại thành phố cảng Đà Nẵng ở trung phần Việt Nam, trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế, một cuộc triển lãm đã được khai mạc, sưu tập nhiều tài liệu và bản đồ qua nhiều thế kỷ như là những bằng chứng. Ngay cả trên những hòn đảo nhỏ ở biển Đông cũng có những cuộc triển lãm di động, có nhiệm vụ chứng minh cho các quyền lịch sử của Việt Nam.

Chiến đấu? Hay chấp nhận bị áp bức?

“Người Việt căm ghét những gì người Trung Quốc đang làm trước bờ biển Việt Nam”, người đàn ông già ở cạnh hồ nói tiếp. “Nhưng cũng cần phải bình tĩnh và tìm một giải pháp hòa bình.” Một người đàn ông khác thêm vào: “Tôi không thể nghĩ rằng sẽ có chiến tranh trong tương lai gần đây. Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mối quan hệ chặt chẽ trên nhiều bình diện.” Và ở một nơi thuộc ngoại ô Hà Nội, một cựu chiến binh nhấn mạnh với Làn sóng Đức: “Không có ai muốn chiến tranh cả.”

Nhưng xung đột này có thể được giải quyết cụ thể như thế nào thì không ai biết. Những người đàn ông ở hồ Hoàn Kiếm nhất trí với nhau, rằng Việt Nam cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, vì so với Việt Nam thì Trung Quốc là một kẻ khổng lồ. “Nếu không thì chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhập sự đàn áp của Trung Quốc.”

Nhiều phương cách, không có giải pháp

Ở hội nghị kéo dài nhiều ngày tại Đà Nẵng, các chuyên gia từ mười nước cũng rất khó khăn trong việc tìm một phương cách cụ thể. Jerome Cohen từ New York Scholl of Law nói: “Trung Quốc sẽ ở lại đó. Không thể chấp nhận việc không làm gì cả. Và cũng không thể chấp nhập mạo hiểm một cuộc chiến.” Phải thúc đẩy Trung Quốc đi vào khuôn khổ của luật lệ quốc tế. Điều đó có thể tiến hành ra sao thì vẫn không rõ – vì cho tới nay thì Trung Quốc cự tuyệt điều nói chung là có một cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Leszek Buszynski, giáo sư về chính sách đối ngoại tại Đại học Quốc tế ở Nhật Bản, cho rằng điều chính là Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải phóng mình khỏi đảng anh em Trung Quốc. Và Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington ủng hộ một cách tiếp cận khu vực: đặc biệt là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải tiếp tục phát triển một bộ quy tắc ứng xử.

Carl Thayer của đại học Úc không còn tin vào thành công của những quy tắc như vậy nữa, vì Trung Quốc ngay từ bây giờ không tuân thủ theo bản ghi nhớ do ASEAN và Trung Quốc đưa ra năm 2002, nhằm phát triển một bộ quy tắc ứng xử. Ông đề nghị đưa ra Liên Hiệp Quốc. Điều đó lại bị nhiều chuyên gia cho rằng ít có triển vọng, vì Trung Quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an.

Sự pha trộn từ cảm xúc dân tộc mạnh mẽ và oán giận lâu đời nhiều thế kỷ khiến cho một giải chính trị trở nên rất khó khăn, Gerhard Will từ Viện Khoa học và Chính trị ở Berlin nói. Các chính phủ ở mọi bên đều hứa hẹn với người dân của họ nhiều cho tới mức hầu như không còn có không gian cho thương lượng nữa. Thay vào đó là chỗ cho xúc cảm, tuyên truyền và học viên sĩ quan chỉnh tề.

Phan Ba 

'Trung Quốc đã đi quá đà ở Châu Á'

Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton ký sách “Hard Choices.” (photo: internet)

Trong tập hồi ký vừa mới xuất bản tựa đề “Lựa Chọn Khó Khăn” (Hard Choices), cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton nhận xét, “Trung Quốc đã đi quá đà ở Châu Á” qua những hành động ngày càng hung hăng đối với các nước láng giềng, trong lúc Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ đang vắng bóng ở Châu Á vì còn bị chi phối bởi hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan.

Bà Hillary Clinton còn nhắc lại tại cuộc họp của khối ASEAN ở Hà Nội năm 2010, bà đã nhấn mạnh vấn đề tự do hàng hải là “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ để đối lại với “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Ðông. Lời phát biểu mạnh mẽ của bà làm Ngoại Trưởng Bắc Kinh Dương Khiết Trì, nay là Ủy Viên Quốc Vụ Viện “giận tái người.” Bà nói ông ta “nhìn chằm chằm vào mặt tôi, gạt đi những xung đột ở Biển Ðông và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài.”

Tình trạng gây cấn lúc đó khác với bây giờ, nó trở nên trầm trọng hơn, đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực nhiều hơn. Trung Quốc lấn lướt, đi từng bước, ngày càng “quá đà,” với những khiêu khích từ sự nhận dạng phòng không, đến giàn khoan HD-981, và mới đây thêm 4 giàn khoan khác nữa, Nam Hải số 2, 4. 5, 9. Tương lai Bắc Kinh sẽ còn những hành động nào tiếp nối để thách thức phản ứng của Mỹ, Nhật và đồng minh với mục đích xác định chủ quyền của mình trên cái lưỡi bò phi pháp? Nếu các cường quốc không tỏ thái độ quyết liệt ngăn cản thì điều đó có nghĩa là chấp nhận Biển Ðông sẽ là ao nhà của Trung Quốc. Chắc chắn thực tế sẽ không dễ dàng như thế. Bởi vì quyền lợi kinh tế và chính trị của nhiều nước không cho phép Trung Quốc “đi quá đà.” 

Con đường di chuyển hàng hải trên Biển Ðông là huyết mạch sống còn của Nhật Bản. Gần 95% nhu cầu về nhiên liệu của Nhật phải nhập cảng và được vận chuyển ngang qua Biển Ðông. Hầu hết 99% hàng hóa xuất-nhập khẩu của Nhật, mua bán sang các thị trường Châu Âu, Ðông Nam Á đều phải vận chuyển qua Biển Ðông. Theo sự ước tính của các chuyên gia, nếu hàng hóa của Nhật phải đi vòng sang phía Ðông Philippines thì giá thành của các sản phẩm chế tạo tại Nhật Bản tăng 25%. Do đó Nhật sẽ không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép,” đó là lời tuyên bố của Thủ Tướng Shinzo Abe qua cuộc phỏng vấn ngày 23 tháng 5, 2014 dành cho tờ Wall Street Journal khi ông chỉ trích việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ông nói rằng hoạt động khoan dù đơn phương của Trung Quốc làm cho căng thẳng leo thang.

Ðối với Mỹ Biển Ðông là khu vực hoạt động chính của Hạm Ðội 7 có trách niệm bảo vệ sự di chuyển tự do trên tuyến đường hàng hải có 90% hàng hóa của Mỹ và đồng minh chuyên chở qua lại hàng ngày. Biển Ðông là đường giao thông nhộn nhịp đứng hạng thứ nhì trên thế giới, sau Ðịa Trung Hải, với khoảng 300 tàu từ 5000 tấn trở lên di chuyển thường xuyên. Vì thế Trung Quốc không thể độc quyền chiếm cứ vì tuyến đường Biển Ðông là “lợi ích quốc gia” về kinh tế và quân sự chính trị của nhiều cường quốc khác. 

Những lời tuyên bố và hành động thách thức của Bắc Kinh chỉ nhằm mục đích hù dọa để củng cố những gì Trung Quốc đã cướp được của Việt Nam mà thôi. Một sự thách đố có tính chiến lược lâu dài. Một hành động có tính toán kỹ, không cần phải lớn tiếng xác định chủ quyền lãnh hải của mình mà ngang nhiên thực hiện lịch trình chiến lược bằng cách áp đặt các giàn khoan tạo thành một thực tế, để chứng minh chủ quyền, dù là phi pháp, nhưng khó có thể đảo ngược. Và Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động như vậy trừ phi Hoa Kỳ và đồng minh ở Châu Á và Các nơi khác có phản ứng gắn bó, tích cực hơn.

Dư luận còn nhớ Chủ Tịch Tập Cận bình đã từng xác định với Tổng Thống Obama là Thái Bình Dương đủ rộng cho hai quốc gia cùng hoạt động và ông cũng bảo đảm việc tự do giao thông hàng hải trên Biển Ðông.

Dù vậy đối với cộng sản Tàu, Nga, hay Việt, sự tráo trở lật lọng là chuyện thường tình. Nên Mỹ-Nhật và đồng minh đang siết chặt vòng đai bao vây Trung Quốc phòng khi bất trắc. Thiếu Tướng Richard Simcock, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương, ngày 18 tháng 6, 2014, kêu gọi Australia bố trí các tàu chiến đổ bộ lớn, mới nhất, tới Biển Ðông và biển Hoa Ðông để giúp làm giảm sự bất ổn và bảo đảm an ninh trong vùng vì Trung Quốc đang hung hăng gây hấn. Hôm Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014 chánh Văn Phòng Nội Các Nhật Bản, ông Yoshihide tuyên bố trong cuộc họp báo về vụ giàn khoan HD-981 nói rằng, “đây là hành động cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa đến sinh mạng con người.” Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, ông Itsunori Onodera cũng cho báo chí biết “vụ việc nghiêm trọng này” làm cho mọi người cảm thấy bất an. Nhật Bản cũng đã tặng cho Philippines 10 chiếc tàu tuần duyên và đang điều đình trợ giúp tương tự cho Việt Nam. 

Ngày 19 tháng 6, 2014 ông Osius, người được đề cử làm Ðại Sứ Mỹ ở Việt Nam phát biểu tại buổi điều trần trước Quốc Hội rằng, “Ðã đến lúc Washington nên cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam.” Ông còn nói thêm, “Tôi muốn gợi ý rằng điều tốt nhứt mà chúng ta có thể thực hiện nhằm phát đi một thông điệp ở khu vực, đó là tiếp tục xây dựng một quan hệ đối tác mạnh mẽ với ASEAN và Việt Nam.” Ông Osius đã từng giữ chức tùy viên chính trị tại Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn và tại Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nôi. Phải chăng Mỹ thừa cơ hội Hà Nội và Bắc Kinh đang gặp mâu thuẫn trầm trọng vì sự tranh chấp biển đảo, nên Washington muốn khuyến dụ Việt Nam thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc? Thượng Nghị Sĩ Cardin, người mới tới Hà Nội hồi tháng 5, 2014 nhận định rằng Hà Nội thật sự muốn phát triển quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng Mỹ sẽ không vì Việt Nam mà tham chiến. Tuy nhiên ông Ernest Z Bower, nhà phân tích cao cấp về Ðông Nam Á tại trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định với tờ Want China Times: “Trung Quốc không nên nghĩ rằng Mỹ sẽ không sử dụng vũ lực để bảo vệ Việt Nam trước hành động hung hăng vô lý của Bắc Kinh. Ông Bower khẳng định tùy theo tình hình, Mỹ sẽ cân nhắc hỗ trợ quân sự cho Việt Nam, do đó Bắc Kinh không nên coi thường vấn đề nầy. Ông không công bố chắc chắn trong hoàn cảnh nào Mỹ sẽ điều động quân, nhưng nếu nghĩ rằng Mỹ sẽ để Trung Quốc tự do tung hoành là một đánh giá sai lầm.

Tình hình đang biến chuyển có lợi cho Việt Nam vì Trung Quốc tỏ ra quá coi thường luật pháp quốc tế và theo ông Bower Bắc Kinh chủ quan đánh giá sai lầm về quyền lợi và phản ứng của Hoa Kỳ và đồng minh. Vấn đề đặt ra là Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội có dám thừa cơ từ bỏ người láng giềng “khốn nạn,” cướp đất toàn viện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai hay không? Ðể dựa vào Mỹ chống giặc phương Bắc, hay là nghe theo lời kêu gọi của Trung Quốc “trở về với gia đình” và thuận theo ý của Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh rằng, Tranh chấp Việt-Trung là “mâu thuẫn của gia đình!”

Võ Long Triều