“…những người này là thiếu tự tin nên chỉ dám đứng một mình, họ sợ khi tham gia vào một tổ chức nào đó thì con người thực của họ sẽ bị phơi bày. Trong trường hợp này, đấu tranh kiểu nhân sĩ là lựa chọn thích hợp nhất với họ…”
Trong con mắt chính quyền cộng sản Việt Nam, những người tranh đấu, từ những người dân oan cho đến những người hoạt động xã hội dân sự đều là những kẻ chống đối, quấy phá chính quyền. Ngay cả trong mắt của một bộ phận nhỏ người dân Việt Nam kém hiểu biết họ cũng nhìn nhận như vậy. Tất nhiên đây là một cái nhìn phiến diện và “phản động”. Người dân có quyền “chống” chính quyền khi thấy quyền lợi của bản thân mình bị xâm hại. Điều kiện duy nhất để sự tranh đấu của người dân có tính chính đáng, đó là phải ôn hòa. Không được dùng bạo lực, đập phá hay tấn công vào các công sở nhà nước cũng như xâm phạm vào sức khỏe và tài sản của người dân.
Thành phần “chống đối” chính quyền Việt Nam ngày càng tăng lên. Không chỉ có những người dân oan mất đất, những người công nhân, nông dân và những người đấu tranh cho dân chủ mà ngay cả những thành phần bất hảo cũng tăng lên. Khó khăn kinh tế cũng là một lý do. Trước đây việc một người dân thường tấn công công an là chuyện rất hiếm, giờ đây nó đã trở thành chuyện bình thường. Ngay cả những người chống đối chính quyền có chủ ý thì với cái nhìn chủ quan, người viết cho rằng đó cũng chỉ là cuộc đấu tranh trong …tuyệt vọng. Họ đấu tranh vì phải đấu tranh chứ họ không tin rằng mình sẽ chiến thắng hay thành công. Những dân oan mất đất đi kiện tụng hay đấu tranh này nọ vì họ phải làm thế và họ không còn việc gì để làm, đường nào để đi vì họ đã mất tất cả. Thử hỏi có mấy ai trong số họ tin rằng sẽ đòi lại được nhà cửa cho mình?
Các tổ chức và phong trào đấu tranh của người Việt tại hải ngoại cũng vậy, sau những cố gắng và nỗ lực đấu tranh vũ trang cuối cùng thông qua Mặt trận Hoàng Cơ Minh (tiền thân của Việt Tân) không thành thì hầu như đa số cũng đã bỏ cuộc. Hải ngoại chỉ còn một ít tổ chức có thực lực trong đó có Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Cộng đồng người Việt tại hải ngoại chăm lo làm ăn và xây dựng cuộc sống mới trên quê hương thứ hai của mình. Tình cảm dành cho quê hương chỉ còn thể hiện bằng cách thỉnh thoảng gửi tiền về ủng hộ những người tranh đấu và tù nhân lương tâm trong nước gặp khó khăn. Chấm hết. Với họ thì chính người dân Việt Nam trong nước phải tự đứng dậy đấu tranh và quyết định số phận của mình. Một mặt nào đó thì điều này không sai, nhưng thực sự là người Việt hải ngoại cũng …bất lực. Họ không thể làm gì hơn được nữa.
Ngay cả trong thành phần đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước thì thử hỏi có mấy người có niềm tin là mình sẽ chiến thắng? Mấy vị trí thức cộng sản thì miễn bàn. Họ chỉ biết van xin và mong muốn chính quyền nới nhẹ tay một chút cho người dân dễ thở chứ họ không muốn có sự thay đổi. Họ ca tụng Hồ Chí Minh và luôn xác quyết rằng họ góp ý để “mong đảng mạnh lên”. Các thành phần tranh đấu khác thì cũng không hề có một tổ chức nào cho rõ ràng, tư tưởng và cương lĩnh chính trị ra sao cũng không thấy có. Những việc họ làm chỉ gây được chút tiếng vang nhất định trên …mạng ảo. Thực tế không được như họ mong muốn. Đa số nếu không muốn nói là hầu hết trong số họ đều thấy cô đơn và bất lực …sau một thời gian tranh đấu. Nhiều người đã rút lui hoàn toàn sau khi ở tù ra. Có người thì quyết tâm là phải “đi sâu vào quần chúng” để vận động người dân đứng dậy. Nhưng rồi có lẽ càng đi sâu chừng nào thì họ sẽ càng thấy bế tắc chừng ấy. Làm chính trị và dấn thân cho đất nước với mong muốn đổi dòng lịch sử luôn là công việc của một số nhỏ tinh hoa và ưu tú của dân tộc. Để làm được cái việc đội đá vá trời này thì một người, dù tài giỏi đến đâu cũng không thể làm gì được. Phải có tổ chức, có đội ngũ và một “tư tưởng chính trị” dẫn đường. Nếu không có cơ sở tư tưởng và lý thuyết đi trước dẫn đường thì trước sau gì cũng rơi vào bế tắc và lạc lối.
Tiếc thay đến tận bây giờ, thì ngay cả trong tầng lớp đấu tranh vẫn chưa hiểu được điều này và họ vẫn cố gắng tranh đấu, một mình, trong bế tắc. Vì chỉ là những “chiếc đũa” nên những người tranh đấu không có tổ chức, nhanh chóng bị chính quyền đè bẹp. Chính quyền có rất nhiều phương tiện và cả sự bỉ ổi để đối phó: từ bỏ tù, triệt đường làm ăn, moi móc đời tư để bêu riễu, cô lập với mọi người xung quanh, dùng gia đình, dư luận viên và cảm tình viên của đảng để quấy rối bằng cách khuyên bảo, hỏi han, phân tích, vặn vẹo này nọ để người đấu tranh không được yên và nếu không có bản lĩnh thì họ sẽ mất bình tĩnh và thế là mắc mưu chính quyền: rằng, là, thì, mà …những người đấu tranh dân chủ thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết, thành phần bất mãn…
Có cách gì để hóa giải những khó khăn này không? Rõ ràng là có. Trước hết, những người dấn thân thật thụ cho dân chủ phải thoát ra khỏi văn hóa Khổng Giáo đeo bám chúng ta hàng ngàn năm nay. Đầu tiên là phải từ bỏ bạo lực. Điều này tưởng chừng là dễ nhưng lại không dễ với tư duy người Việt, vì suốt chiều dài lịch sử Việt Nam thì mọi sự thay đổi đều diễn ra bằng bạo lực lật đổ và tàn sát lẫn nhau. Chúng ta phải biết chấp nhận những khác biệt về chính kiến của người khác trong tinh thần bao dung, lắng nghe và sẵn sàng tranh cãi để tìm ra chân lý. Tuyệt đối không được áp đặt và dùng bạo lực để giải quyết sự bất đồng, nhất là bất đồng về chính kiến và tư tưởng, kể cả “bạo lực ngôn ngữ”. Ai cũng biết là chính quyền luôn dùng dùi cui và nhà tù để “đối thoại” với những người bất đồng chính kiến. Đây là biểu hiện của kẻ yếu và đuối lý chứ không phải biểu hiện của sự quang minh chính đại của nhà cầm quyền.
Điểm yếu thứ hai của người Việt là “khả năng làm việc chung” đó cũng là “khả năng kết hợp lại với nhau trong một mục tiêu chung”. Dù bình thường người Việt dễ dàng cúi đầu và khuất phục trước cường quyền nhưng khi có chút tự do và quyền tự quyết thì họ lại hoàn toàn ngược lại, cái tôi nhỏ bé và tính sĩ diện hão trong mỗi người lại trỗi dậy, khiến họ không thích, không phục và không thể kết hợp được với ai. Chỉ cần một chút tiếng tăm là họ nghĩ mình có thể làm lãnh tụ và qui phục được quần chúng. Đây là một sự ngộ nhận. Thật ra những người này là thiếu tự tin nên chỉ dám đứng một mình, họ sợ khi tham gia vào một tổ chức nào đó thì con người thực của họ sẽ bị phơi bày. Trong trường hợp này, đấu tranh kiểu nhân sĩ là lựa chọn thích hợp nhất với họ. Cái nguy hại nhất mà các nhân sĩ này gây ra cho phong trào dân chủ là nó làm phân tán sự chú ý và trải mỏng sự ủng hộ của người dân cho những tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn.
Đấu tranh chính trị bằng sự Thỏa hiệp, Bao dung và có Tổ chức là một điều xa lạ với người Việt. Kể cả chính quyền lẫn những người chống đối. Cả hai bên đều quyết tâm đối đầu nhau đến cùng và không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào! Vì không biết rằng đấu tranh chính trị là nghệ thuật của sự thỏa hiệp nên trí thức Việt Nam nghĩ là không cần đến tổ chức. Mà không có tổ chức thì không có tính chính danh để thỏa hiệp. Các cá nhân chỉ có thể hợp tác hoặc đầu hàng chứ không thể thỏa hiệp.
Lấy ví dụ, một người rất nổi tiếng và can đảm như ông Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn, giả sử bây giờ ông Vũ muốn nhân danh cá nhân (hoặc nhân danh dân tộc) muốn gặp lãnh đạo đảng cộng sản để “thỏa hiệp” về vấn đề cải cách thể chế và thực thi dân chủ …thì thử hỏi chính quyền Việt Nam liệu có chịu “nói chuyện” với ông Vũ hay không? Và sự thỏa hiệp đó liệu có được đông đảo người dân chấp nhận hay không? Rõ ràng là không. Chỉ có một tổ chức chính trị dân chủ có tầm vóc mới có tư cách để thỏa hiệp với chính quyền và tổ chức đó cũng chỉ có thể buộc chính quyền phải thỏa hiệp khi có được THẾ và LỰC. Thế và lực đó chính là sự ủng hộ của tầng lớp trí thức Việt Nam nói riêng và của đa số người dân Việt Nam nói chung.
Yếu điểm thứ ba của người Việt nói chung và của những người dấn thân chính trị nói riêng đó là sự nông cạn, dễ dãi và hời hợt. Những người này chỉ biết lấy ước mơ làm hiện thực. Họ không muốn mất công gieo trồng, vun xới, chăm bón mà chỉ muốn thu hoạch ngay. Họ chỉ biết đánh bóng tên tuổi và ngồi chờ chứ không muốn tham gia vào cuộc hành trình đầy gian khó để góp phần xây dựng một “hệ thống tư tưởng chính trị” làm kim chỉ nam dẫn đường cho những người tranh đấu hay tham gia vào việc xây dựng một đội ngũ nòng cốt, hạt nhân để từ đó tạo dựng một thanh thế lớn mạnh cho tổ chức để người dân đặt niềm tin và sự lựa chọn của mình vào tổ chức đó. Người dân rất thực tiễn, họ chỉ xuất hiện và ủng hộ cho những tổ chức mà sự chiến thắng đã là đương nhiên và không thể đảo ngược. Người dân chỉ vỗ tay và hò reo cho một đội bóng khi nó chiến thắng, họ không cần biết và quan tâm là đội bóng đó đã phải chuẩn bị và tập luyện vất vả như thế nào. Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan đã phải trải qua một quá trình dài đấu tranh trong gian khó, vất vả mới có ngày chiến thắng chứ không phải tự nhiên mà có được như thế…
Chính vì những người tranh đấu cho dân chủ không có tổ chức, bài bản và lớp lang gì nên, thứ nhất, họ không thể nào kêu gọi được sự ủng hộ của người dân. Thứ hai, chính quyền không coi họ ra gì vì vậy chính quyền chọn cách đàn áp và quấy phá thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp chính trị.
Những người dấn thân thật sự cho dân chủ, nhất là những người đã chịu cảnh tù tội vì tranh đấu hãy dũng cảm và sáng suốt lấy quyết tâm đứng vào hàng ngũ của một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn. Các tổ chức xã hội dân sự là chiếc áo quá chật cho những người có ý định hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Lý do:
1) Có tổ chức tức là đã có hậu thuẫn, về tinh thần và cả vật chất.
2) Có tổ chức là sẽ có tư tưởng, có đường lối, có kiến thức chính trị và có phương pháp hành động đúng đắn.
3) Tổ chức là nơi để những người có năng lực phát huy được khả năng của mình một cách cao nhất, tốt nhất. Tổ chức càng đa dạng thì càng có sức cuốn hút với quần chúng. Tuy nhiên sự đa dạng nào cũng phải có sự đồng thuận chung trên những lập trường căn bản và nền tảng của tổ chức. Mục đích của sự đồng thuận là để các thành viên không bị lạc lối và lan man.
4) Tổ chức là nơi sàng lọc và bổ xung ý kiến, cung cấp những đánh giá khách quan và trung thực nhất về khả năng của mỗi người trong tinh thần anh em và tương kính. Chỉ có người trong tổ chức mới nói thực và đánh giá thực về mỗi người. Tổ chức cũng là môi trường bắt buộc và duy nhất để học hỏi về chính trị, để có thể trở thành những chính trị gia chuyên nghiệp hay những người lãnh đạo đất nước trong tương lai.
Điều cuối cùng và nó cũng khá quan trọng với những người tranh đấu trong nước đó là hãy tham gia vào một tổ chức chính trị để nâng giá trị của mỗi người lên một tầm cao mới. Có tổ chức và tranh đấu trên những lập trường và tư tưởng của tổ chức sẽ khiến cái nhìn của chính quyền phải thay đổi. Khi đó chúng ta không còn là những người “quấy phá” hay “chống đối” chế độ nữa.
Chúng ta là giải pháp cho tương lai, giải pháp đó là “dân chủ đa nguyên”. Chúng ta là “đối trọng” của đảng cộng sản, chúng ta là những người “cạnh tranh” lành mạnh và đứng đắn. Tất nhiên, để bảo vệ sự độc quyền của mình, chính quyền sẽ vẫn chống phá chúng ta, “dìm hàng” chúng ta …Nhưng nếu chúng ta lương thiện và minh bạch, hiểu biết và yêu nước thì rồi sớm muộn người dân Việt Nam sẽ nhận diện được chúng ta và lựa chọn chúng ta. Và dù không muốn thì chính quyền cũng sẽ tôn trọng chúng ta hơn. Dần dần sự chính đáng và cởi mở của chúng ta sẽ thu phục được cả những người hiện tại vẫn đang đứng trong hàng ngũ chính quyền…
Khi có được một tổ chức hùng mạnh thì đối lập dân chủ sẽ thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam về phía dân chủ một cách hòa bình và dứt khoát.
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét