Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Phải Chăng Cuộc Chiến Iraq lần thứ 3 đã mở màn?

Tình hình thời sự tại Iraq biến chuyển một cách quá bất ngờ trong vài tuần qua đã khiến nhiều người kinh ngạc và chính quyền Obama phải bối rối duyệt xét lại toàn bộ kế hoạch rút quân ra khỏi vũng lầy ở Trung Đông sau hơn một thập niên tham chiến mà không tạo được một thành quả khả quan hay hứa hẹn nào.

Chỉ riêng trong vòng có vài ngày ngắn ngủi, một đạo binh gồm những phiến quân thuộc tổ chức Al-Qaeda tại Iraq đã mở những cuộc tấn công như vũ bão và nhanh chóng chiếm được nhiều thành phố to lớn ở phía bắc mà chính quyền trung ương tại Baghdad cũng chỉ đành xuôi tay bất lực.

Thật vậy, vào ngày thứ Ba vừa qua, Mosul, thành phố lớn thứ nhì và cũng là trung tâm chính trị và kinh tế của khối dân gốc Sunnitại Iraq, đã bị rơi vào tay của nhóm các phiến quân của tổ chức có tên là Islamic State of Iraq and al-Sham (ISIS), tạm dịch là “Nhà Nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria”,chỉ trong vòng 3 ngày chiến đấu giữa đôi bên. Qua đến ngày hôm sau, nhóm phiến quân tiếp tục tiến công để uy hiếp Tikrit, thành phố quê hương của cựu lãnh tụ Saddam Hussein, chỉ nằm cách xa thủ đô Baghdad có 90 dặm về phía bắc. Một số các nguồn tin còn cho biết là các nhóm phiến quân cũng đã chiếm được nhiều vùng trong thị trấn Baiji, một địa điểm chiến lược trọng yếu vì là nơi có nhiều nhà máy lọc dầu quan trọng.

Bản tin của ký giả Jim Michaels trên tờ USA Today trích dẫn lời nhận xét của ông James Jeffrey, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq, nói rằng nhóm phiến quân đã chiếm được nhiều vùng đất chiến lược rộng lớn, và gần như đã bao vây Baghdad. Với những thành quả bất ngờ, coi như phe này cũng đã chiếm được khá nhiều vũ khí bỏ lại từ quân đội chính qui của Iraq cũng như làm chủ được nhiều hạ tầng cơ sở quan trọng. Ông Jeffrey đưa ra lời cảnh cáo rằng nếu như Hoa Kỳ không mau chóng trợ lực cho quân đội Iraq, nhất là trên mặt trận không lực để ngăn chặn đà tiến quân như vũ bão của nhóm ISIS thì tình hình có thể biến chuyển tồi tệ hơn nữa cho chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki tại thủ đô Baghdad.

Điều đáng nói là ISIS không phải nổi tiếng là một đạo binh tinh nhuệ hay thiện chiến mà chỉ được biết với thành tích là một đội quân binh ô hợp, quy tụ đủ thành phần Hồi-giáo quá khích thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, sẵn sàng liều chết lao mình vào bất cứ trận chiến nào với các chiến thuật khủng bố tàn bạo chỉ với tâm tưởng kiên quyết hy sinh cho lý tưởng thánh chiến một cách điên rồ. 

Ấy vậy mà đạo binh ô hợp này, với khoảng từ 400 đến 800 tay súng (theo nhiều ước lượng khác nhau), đã có thể chiến thắng dễ dàng trước một đội quân đông hơn đến 15 lần, một trong những chiến thắng khá hi hữu trong lịch sử đông tây kim cổ.

Nhà báo Michael Knights, trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy đề ngày 11-6 vừa qua với tựa đề “Iraq War III Has Now Begun”, tạm dịch là “Trận Chiến Iraq Lần Thứ 3 Đã Bắt Đầu”, đã mô tả khá rõ hình ảnh về kết quả của những ngày đầu chiến trận. (Trận chiến Iraq lần đầu là Chiến Dịch Bão Sa Mạc dưới thời Tổng thống Bush Bố vào năm 1991 khi liên quân do Mỹ lãnh đạo tiến vào Iraq để giải phóng Kuwait. Trận chiến Iraq lần thứ nhì vào năm 2003 mang tên Chiến Dịch Giải Phóng Iraq, do Tổng thống Bush Con chủ động để lật đổ chính quyền Saddam Hussein với lý cớ là đòi tiêu diệt kho vũ khí tàn sát quy mô của Iraq. Lý do này liền ngay sau đó đã được chứng minh là hoàn toàn sụp đổ vì dựa vào những tin tình báo sai lạc hoặc được dựng đứng.)

Tiến quân từ vùng Jajira ở biên giới giữa Iraq và Syria, khu sa mạc nằm giữa hai giòng sông Tigris và Euphrates, nhóm quân ISIS đã nhanh chóng chọc thủng các phòng tuyến ở phía tây của thành phố Mosul. Tuy không có đông quân số, nhưng yếu tố bất ngờ và tấn công điên cuồng táo bạo của họ đã khiến cho tinh thần của lực lượng quân đội và cảnh sát của Iraq bị sa sút nhanh chóng chỉ sau vài ngày chiến đấu cam go. Vì thế nên một đạo quân đông đảo đến khoảng 20 tiểu đoàn của quân đội Iraq đã một sớm một chiều tự tan rã, với những hình ảnh các quân nhân tự tan hàng, rời bỏ các nơi đồn trú hoặc kho đạn, vứt bỏ bừa bãicả quân phục và súng ống trên đường phố. Hình ảnh cho thấy có cả quân phục của một chuẩn tướng cảnh sát cũng bị vứt bỏ trong lúc bỏ trốn.

Khi quân lính hoảng loạn bỏ chạy, hàng trăm ngàn dân chúng cũng bồng bế nhau chạy theo lánh nạn, khiến cho Mosul một sớm một chiều bỗng trở nên tiêu điều. Theo lời nhận xét của ông Waleed Alrawi, một cựu chuẩn tướng hồi hưu của Iraq hiện đang sống lưu vong ở Florida, thì rõ ràng là quân đội hiện nay chẳng có ý chí nào cả trong việc chiến đấu. Điều này cho thấy là một đạo quân do Hoa Kỳ chủ động huấn luyện trong nhiều năm trời (với biết bao xương máu và tiền bạc của quân đội và nhân dân Mỹ) đã không hề đủ khả năng và ý chí để có thể tự đảm đương trách nhiệm bảo quốc an dân như mong ước của Bạch Cung và Ngũ Giác Đài.  

Vậy thì tại sao nhóm ISIS lại có thể tạo được một chiến thắng to lớn khá thần tốc như vậy? Khởi đi từ cứ địa an toàn nằm ở tỉnh Raqqa thuộc phía đông bắc Syria (là nơi không còn trong vòng kiểm soát của chính quyền Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến tại đây), dường như nhóm này đã sửa soạn khá kỹ lưỡng trước khi khai mào cho một chiến dịch tấn công đúng vào thời điểm mùa chay Ramadan. Đây là một thời điểm theo truyền thống hàng năm, kéo dài trong cả tháng mà dân Hồi-giáo mộ đạo quyết nhịn ăn chay trong suốt ngày cho đến khi mặt trời lặn, nhưng trớ trêu thay lại luôn là khởi điểm của những chiến dịch tấn công hàng năm của các nhóm dân quân hay phiến quân kể từ sau ngày cuộc chiến tại Iraq nổ ra vào năm 2003.   

Khởi đi từ một nhóm phiến quân ô hợp rất cuồng tín trong sứ mạng chống lại quân đội Mỹ tạm chiến Iraq trong thời gian đầu, bọn họ thoạt đầu chịu trung thành dưới sự lãnh đạo của Al Qaeda và trở thành một chi nhánh chuyên hoạt động tại Iraq, tuy với những phương thức hành động độc lập. Ước mơ hoang tưởng của họ là thiết lập nên một vương quốc hồi giáo (caliphate) tại những vùng đất có đông dân theo giáo phái Sunni tại Iraq, và sau này lan rộng sang đến cả Syria. Nhưng đến tháng 4 năm 2013 thì họ đã tự ly khai để thành lập một tổ chức mang tên là ISIS, và sau 8 tháng tranh giành quyền lực trong nội bộ, tổ chức Al Qaeda đã chính thức đoạn tuyệt với ISIS vào tháng 2 năm nay.

Vào  tháng Giêng vừa qua, ISIS đã mở các cuộc tấn công chiếm được một vài nơi ở phía đông của Iraq, trong đó có thành phố Fallujah. Đây là một trong những địa danh xảy ra những trận chiến đẫm máu khốc liệt của quân đội Mỹ đối phó với phiến quân sau ngày tiến chiếm Iraq vào năm 2003.

Dù với hoả lực hùng hậu và tối tân để đè bẹp dễ dàng quân đội Iraq trong những ngày đầu của cuộc chiến, nhưng quân đội Mỹ đã không thể hoàn toàn làm chủ được nhiều nơi, đặc biệt là tại tỉnh Ramadi (trong đó có thành phố Fallujah) nằm ở phía tây. Chính những cuộc tấn công cảm tử bằng bom nội hoá của các nhóm phiến quân đã gây thiệt mạng và thương vong nặng nề cho các quân nhân Hoa Kỳ kéo dài trong nhiều năm sau đó và đã làm thay đổi cái nhìn của các viên chức cao cấp trong chính quyền Bush, cũng như dẫn đến thái độ mỏi mệt và hết còn muốn dấn thân tại chiến trường Iraq của người dân Mỹ.  

Trong một sự thay đổi chiến thuật khá ngoạn mục có tính tự sửa đổi, các tướng lãnh Mỹ đã quyết định thoả hiệp với các bộ tộc tại địa phương vào năm 2006, lại còn dùng tiền để thuê mướn lại nhiều nhóm dân quân gốc Sunni (mà trước đó Hoa Kỳ quyết định loại trừ ra ngoài vì e sợ rằng họ vẫn luôn trung thành với lãnh tụ Saddam Hussein) để tiêu diệt các nhóm Al Qaeda tại Iraq lúc bấy giờ, vốn là thủ phạm gây ra khá nhiều những vụ nổ bom phá hoại bừa bãi tạo nên tình trạng hỗn loạn kinh hoàng trong nước. Nhờ vậy mà tình hình bỗng nhiên trở nên lắng dịu và xoay chiều một cách khả quan khá mau chóng, giúp cho Hoa Kỳ có thể tính đến chuyện rút khỏi chiến trường này.

ISIS trở nên suy yếu từ đó, nhưng tình hình tại những vùng có đông dân Sunni tại Iraq vẫn không có dấu hiệu phát triển tốt đẹp do bởi chính quyền Maliki ở Baghdad (thuộc phe Shiite lãnh đạo) đã không thực sự theo đuổi một chính sách hoà hợp để chia sẻ quyền lực đồng đều giữa 3 khối dân chính là Shiite, Sunni và Kurd. 

Sau khi Hoa Kỳ rút hết quân ra khỏi Iraq vào cuối năm 2011, ông Maliki bắt đầu củng cố quyền hành riêng cho phe nhóm Shiite của mình đúng như sự lo sợ của nhiều phe nhóm và sắc tộc khác. Ngay cả vị phó tổng thống Tariq al-Hashemi là người theo phái Sunni cũng bị tống trát toà để bị bắt giữ khiến ông ta phải bỏ trốn khỏi thủ đô. Trong khi đó, chính quyền trung ương lại bắt đầu không chịu trả tiền lương cho các nhóm dân quân Sunni đã cùng hợp tác trong cuộc chiến chống lại Al Qaeda trong những năm 2007 và 2008, khiến cho họ bất mãn và dẫn đến tình trạng chống đối và biểu tình bắt đầu từ cuối năm 2012. Nhưng rồi để đối phó với những cuộc biểu tình của khối dân Sunni đa phần có tính cách ôn hoà, ông Maliki lại ra lệnh cho quân đội đến giải tán bằng vũ lực. 

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại nhiều nơi trong đó có 3 thành phần chiến đấu để tranh giành ảnh hưởng và thế lực: đó là quân đội của chính quyền trung ương, các nhóm Sunni chống chính quyền và tổ chức ISIS. Trong cảnh hỗn mang thiếu một thực thể hùng mạnh và vững bền để bảo vệ an ninh cho toàn dân, tổ chức ISIS đã lợi dụng cơ hội này để giành được thắng lợi tại Fallujah vào đầu năm nay, rồi từ đó dẫn đến những chiến thắng khá bất ngờ vào tuần qua.

Khách quan mà nói, tổ chức ISIS hiện nay vẫn chưa đủ thực lực và quân số để có thể tiến chiếm được thủ đô Baghdad một cách dễ dàng được.Với phần lớn quân dân tại đây cũng như ở miền nam thuộc về giáo phái Shiite, nhóm ISIS khó lòng có được sự hậu thuẫn cần thiết. Chẳng thế mà rất nhiều người dân đã tình nguyện gia nhập vào hàng ngũ các tổ chức dân quân theo như lời kêu gọi của một vị đại giáo chủ có uy tín phe Shiite là Al-Sistani. Những hình ảnh mới nhất do phe ISIS tung ra cho thấy là họ đã bắt giữ những nhóm dân quân Shiite và hành quyết tập thể tại những vùng vừa mới chiếm đóng càng đào sâu thêm sự thù hận giữa hai giáo phái này, tuy cùng nguồn gốc Hồi-giáo, nhưng nhiều khi cũng còn tàn sát lẫn nhau một cách rất cuồng tín và khốc hại.

Theo lời thuật lại với nhà báo Michael Knights thì nhiều viên chức cao cấp của Iraq đã cho biết là chính quyền Maliki đã nhiều lần khẩn khoản xin Hoa Kỳ cung ứng những đợt oanh kích vào các cứ điểm của nhóm ISIS dọc theo biên giới với Syria, cũng như ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn, vốn là nơi xuất phát của các đợt tấn công của nhóm này. Ngay cả Chủ tịch Quốc Hội là ông Osama al-Nujaifi, một trong những viên chức cao cấp người Sunni, cũng đã yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường sự trợ giúp quân sự theo như tinh thần của Thoả Hiệp Khung về Chiến Lược mà hai nước đã ký kết vào năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay chính quyền Obama đã từ chối, vì coi đó như là một sự dấn thân quá sâu vào nội tình nước Iraq, và chỉ giới hạn trong nỗ lực ngoại giao bằng cách khuyến khích các bên hãy cùng ngồi lại để thoả hiệp trong một tinh thần hoà giải quốc gia, hầu có thể đem lại niềm tin cho khối thiểu số Sunni rằng họ sẽ không bị đối xử bất công bởi khối đa số Shiite.  

Theo các chuyên gia quân sự thì nếu như Tổng thống Obama muốn đổi ý và cho phép Không lực Mỹ mở các cuộc oanh kích thì có lẽ chỉ trong vòng một ngày thì các chiến đấu cơ hoặc những máy bay không người lái Global Hawk có thể xuất hiện trên bầu trời Iraq để thực hiện các phi vụ. Hàng Không Mẫu Hạm George H.W. Bush, với khoảng 70 chiến đấu cơ, đã được lệnh tiến vào Vịnh Ba Tư vào cuối tuần qua, cùng tháp tùng theo còn có hai chiến hạm USS Truxton và USS Philippines Sea được trang bị các loại phi đạn Tomahawk. Tin mới nhất vào sáng thứ Hai đầu tuần cho biết là một chiến hạm thứ 3, USS Mesa Verde, với các máy bay MV-22 Osprey cùng với khoảng 550 lính Thuỷ Quân Lục Chiến, cũng đã tiến vào vùng Vịnh, với lý do là sẵn sàng để bảo vệ an ninh cho các nhân viên dân sự của Mỹ còn hiện diện tại Iraq.

Theo lời nhận xét của cựu Trung tướng David Deptula, Tư lệnh Phó Không quân Mỹ chia sẻ với nhà báo Eli Lake của báo The Daily Beastthì tất cả những phi vụ oanh kích của Hoa Kỳ, nếu như được chấp thuận, có thể diễn ra tức thời với hoả lực hùng hậu và sẵn sàng hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp quân sự này vẫn chưa được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía các nhà lập pháp, kể cả những vị nghị sĩ có tiếng là “diều hâu” như John McCain và Lindsey Graham, sau khi họ đã được nghe một bản báo cáo mật do Ngũ Giác Đài tường trình về những diễn biến vừa mới xảy ra. 

Leslie Gelb, chủ tịch danh dự của tổ chức nghiên cứu chính trị có uy tín là Council on ForeignRelations, cho rằng giải pháp Hoa kỳ mở các đợt oanh kích có thể đem lại những hậu quả bất lợi trong đường dài nếu như không được đi kèm với một giải pháp chính trị lâu bền. Bởi vì nó có thể khiến cho nhiều người dân càng tin rằng chính quyền Maliki chỉ lo tàn sát các khối dân quân Sunni, hoặc là Hoa Kỳ sẵn sàng nhập cuộc để bảo vệ an ninh cho chính quyền trung ương ở Baghdad khi gặp nguy biến.

Đó cũng là nhận xét của ông Sterling Jensen, hiện đang giảng dạy tại Học Viện Quốc Phòng của Tiểu Vương Quốc Ả Rập ở Abu Dhabi.Ông là một chuyên gia đảm nhận vai trò thông dịch tiếng Ả Rập cho quân đội Mỹ tại tỉnh Anbar trong thời chiến. Ông Jensen cho rằng giải pháp tấn công bằng cách đợt oanh kích, tuy đem lại thành quả khả quan trong đoản kỳ, nhưng có thể sẽ nguy hiểm hơn trong trường kỳ nếu như nó không được đi kèm với một giải pháp chính trị trong đó quyền lợi của khối thiểu số Sunni cần phải được tôn trọng qua nhiều biện pháp cụ thể như thả bớt những tù nhân, huỷ bỏ những đạo luật khai trừ đảng Baath v.v. để từ đó chính quyền đa số gốc Shiite không thể tiếp tục thao túng và giành giựt hết mọi quyền lợi. 

Hiện nay, chính quyền Obama dường như không có nhiều những lựa chọn thoải mái. Phát ngôn viên ở Bạch Cung là Josh Earnest nói rằng “chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên với chính quyền Iraq để biết xem những gì chúng tôi có thể làm để trợ giúp họ.” Nhưng tại Ngũ Giác Đài, phát ngôn viên là Đại tá Steve Warren thì lại nhấn mạnh rằng đây là lúc mà lực lượng an ninh của Iraq cần phải đứng lên để chiến đấu và tiêu diệt kẻ thù. Nhưng không ai chịu nói đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu như quân đội Iraq không thể đứng lên để làm cái công việc cần thiết đó.

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ thật ra cũng đã viện trợ khá nhiều bằng cách bán nhiều vũ khí và đạn dược cho Iraq. Nếu như Baghdad có thể bị suy sụp, hoặc là tình hình tại Iraq có thể dẫn đến một cuộc nội chiến tương tàn kéo dài, thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng, khiến cho một vùng đất vốn đã bất an lại càng trở nên hỗn loạn hơn nữa, và cũng dẫn đến nhiều câu hỏi rằng phải chăng Hoa Kỳ đã lại tiếp tục gặp thất bại sau khi chỉ đạt được những tiến bộ không đáng kể trước khi quyết định rút quân.

Và nó cũng có thể khui lại những cuộc tranh luận khá gay gắt về quyết định của Tổng thống Bush Con năm xưa khi đã vội vã xua quân để tiến chiếm Iraq, để rồi sau đó phải nhận lãnh những hậu quả tai hại về nhân mạng và tiền bạc cho Hoa Kỳ, đồng thời cũng khiến cho uy tín của đệ nhất siêu cường bị tụt dốc thê thảm trên trường quốc tế.


Mai Loan 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét