Giáo sư Carl Thayer nói việc Trung Quốc điều máy bay quân sự tới gần giàn khoan có thể là để thử nghiệm trước khi tuyên bố một khu phòng không trên Biển Đông.
Một giới chức hàng hải cao cấp của Việt Nam tiết lộ rằng cho tới thời điểm này, hơn 27 tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc cố ý đâm va hơn 100 lần, gây thiệt hại nặng cho các tàu kiểm ngư Việt Nam.
Trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều hôm qua, Phó Cục Trưởng Cục Kiểm Ngư Việt Nam Hà Lê còn cho biết là từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, các tàu của Trung Quốc thường xuyên có hành động nguy hiểm để “tấn công và uy hiếp” nhân viên của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam, ngăn cản không cho họ thi hành phận sự, và vì những hành động này mà từ hồi đầu tháng 6 tới giờ, 15 nhân viên của lực lượng kiểm ngư Việt Nam bị thương.
Trang mạng Đời sống Pháp luật.com đăng tải nội dung của buổi họp báo, nêu lên những vụ điển hình gần đây nhất, xảy ra hôm 17 tháng 6, 18 tháng 8, và đáng chú ý nhất, theo bài báo là vụ xảy ra hôm 23 tháng Sáu, khi tàu kiểm ngư Việt Nam mang số hiệu KN-951 đang thi hành nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, thì bị 4 chiếc tàu Trung Quốc bao vây, đâm va, gây hư hỏng nặng.
Phía Việt Nam cáo buộc rằng hành động hung hăng nguy hiểm đó của Trung Quốc cho thấy một sự tính toán trước, cố tình đâm vào chiếc tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam để gây thiệt hại nặng cho tàu này.
Tin của VnExpress hôm nay tường trình rằng Trung Quốc đã điều thêm máy bay chiến đấu tới giàn khoan HD 981. VnExpress nói rằng chiều ngày 26 tháng từ 6 giờ tới 7g 40, Trung Quốc đã cho máy bay trinh sát bay ba lượt qua khu vực các tàu Việt Nam, và từ 8 g 45 tới 8g 55, lực lượng kiểm ngư phát hiện hai chiến đấu cơ Trung Quốc lượn ở độ thấp cách giàn khoan 12 hải lý.
Nói chuyện với Ban Việt ngữ –Đài VOA, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, từng làm việc cho Học viện Quốc phòng Australia, nhận định về những diễn biến này và những vụ đụng độ trên biển giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc hồi gần đây.
Giáo sư Thayer nói: “Dường như đây là dấu hiệu cuộc tranh chấp đang được quân sự hóa. Trung Quốc đã điều nhiều phi cơ, phần lớn là phi cơ dân sự nhưng cũng có các máy bay quân sự khi nước này băt đầu triển khai giàn khoan dầu Hải Dương 981, và từ đó đã có nhiều máy bay quân sự khác được báo cáo trong khu vực này. Gửi thêm máy bay tới khu vực chỉ quân sự hóa cuộc tranh chấp, nhưng điều đó cho thấy là có thể Trung Quốc đang thử nghiệm khả năng của họ để thiết lập một khu phòng không, buộc các máy bay khác phải báo cáo khi bay ngang qua một vùng không phận giới hạn trên Biển Đông, từ phía Nam đảo Hải Nam và đảo Hoàng Sa, rồi hướng về phía Tây dọc theo bờ biển tới khoảng Đà Nẵng.”
Nhận định về phản ứng có phần không mấy quyết liệt của giới lãnh đạo Việt Nam trước những hành động leo thang và đụng độ trên biển hồi gần đây, Giáo sư Thayer nói:
“Dựa vào những báo cáo đến được tay tôi, thì Bộ Chính Trị hoàn toàn chia rẽ về liệu có nên ra mang vấn đề ra trước tòa án để thách thức Trung Quốc, hay là cứ tiếp tục phản ứng một cách không ồn ào. Giới lãnh đạo Việt Nam rất sợ rằng nếu họ tỏ thái độ quyết liệt hơn phản đối Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ lại leo thang vấn đề lên hơn bây giờ nữa, và trừng phạt Việt Nam phải chịu những hậu quả nặng nề hơn nữa, và có thể phơi bày ra trước ánh sáng công luận Việt Nam rằng giới lãnh đạo Việt Nam không có khả năng hành động một cách cương quyết. Đó là thực tế của tình hình. Quả thực, chính phủ Việt Nam không có khả năng hành động một cách cương quyết.”
Giáo sư Thayer nói trong giới lãnh đạo hàng đầu trong Bộ Chính Trị Việt Nam, sự lo sợ cao tới mức khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry mời Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sang Washington để thảo luận về vấn đề Biển Đông, Bộ Chính Trị đã quyết định phái một Thứ Trưởng Ngoại giao đi thay vì ông Phạm Bình Minh, bởi vì Hà nội sợ phái Bộ trưởng Ngoại giao tới Washington sẽ là hành động quá nhạy cảm vào thời điểm này, và điều đó cho thấy là có một số ủy viên Bộ Chính Trị muốn hòa hoãn, và nhượng bộ Trung Quốc, với hy vọng sẽ có thể giải quyết được cuộc tranh chấp này.
Được hỏi liệu hòa hoãn quá có làm cho tình hình xấu đi hơn nữa hay không, Giáo sư Thayer trả lời:
“Vâng, theo tôi đây là một trường hợp phải lên tiếng bây giờ, nếu không sẽ mất cơ hội mãi mãi. Trung Quốc muốn tăng mức độ uy hiếp các nước ở Á Châu, bằng cách trừng phạt và áp lực các nước này, để họ đừng lên tiếng phản đối những gì mà Trung Quốc đang làm. Nếu ngoan ngoãn im lặng thì có thể làm ăn hợp tác với Trung Quốc, nhưng đây không phải là một quan hệ ngang hàng giữa hai quốc gia ngang nhau, mà phải trở về quan hệ giữa một nước lớn và chư hầu như thời phong kiến khi xưa. Trung Quốc muốn mình là số Một, các nước khác phải thừa nhận điều đó, và không muốn các nước khác liên kết với các thế lực bên ngoài khác.”
Mới đây Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã đến Việt Nam, và đòi hỏi Việt Nam với thái độ khá gay gắt phải ngưng leo thang những lời tố cáo Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Giáo sư Thayer khuyến cáo rằng nếu các nước nhỏ tiếp tục nhượng bộ, Trung Quốc dần dà sẽ thực hiện ý định chiếm thêm biển đảo, xây cất trên biển, và tất cả những gì mà Bắc Kinh muốn làm, và càng để lâu sẽ càng khó giải quyết một cách có lợi cho các nước nhỏ hơn.
Hoài Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét