Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Những cuộc rượt đuổi tại quần đảo Hoàng Sa


Tờ báo uy tín Le Monde của Pháp số đề ngày 24/06/2014 dành đến hai trang lớn cho vấn đề Biển Đông và Hoa Đông. Còn trên trang nhất là tấm ảnh một tàu Trung Quốc đang dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam, với dòng tựa « Bắc Kinh liên tục khiêu khích và đe dọa hòa bình trên Biển Đông ».

Thụy My xin dịch bài phóng sự của đặc phái viên Bruno Philips, tường thuật từ một tàu kiểm ngư Việt Nam.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại quần đảo được cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đòi hỏi chủ quyền gây căng thẳng.
Ở khoảng cách này, chừng mười hai hải lý, giàn khoan màu cam của Trung Quốc chỉ là một nét vạch thẳng đứng ở chân trời, khó nhận ra trên bầu trời chao đảo của Biển Đông. Bây giờ là tám giờ sáng ngày thứ Bảy, 14 tháng Sáu.

Chiếc tàu hai màu trắng xanh của kiểm ngư Việt Nam rẽ sóng tiến lên, mũi tàu hướng về phía những chiếc tàu Trung Quốc đầu tiên. Khoảng ba chục chiếc tàu Trung Quốc tạo thành một loại vòng cung bảo vệ giàn khoan mà Bắc Kinh đã đặt « bất hợp pháp » - theo như Hà Nội, tại vùng biển tranh chấp Hoàng Sa ở ngoài khơi Việt Nam.

Từ loa phóng thanh bỗng vang lên lời cảnh báo bằng tiếng Việt, Hoa và Anh : « Tất cả các tàu nước ngoài xin chú ý, đây là vùng biển Việt Nam, các vị ở đây là đã vi phạm Công ước 1982 về Luật Biển và chủ quyền Việt Nam. Yêu cầu ngưng ngay các hoạt động và rút khỏi nơi đây ! »


Quyết định của CNOOC, tập đoàn dầu khí quốc doanh thứ ba Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng này hôm 2/5 đã làm căng thẳng đột ngột tăng cao giữa hai quốc gia cộng sản châu Á.

Từ khi hai « nước anh em » cộng sản lao vào một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1979, rồi cuộc hải chiến tang tóc ở phía nam vùng này năm 1988, quan hệ Việt-Trung chưa bao giờ căng thẳng đến thế.

Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa từ năm 1974 sau khi đoạt được từ tay người Việt. Trước đó, và hầu như cho đến cuối cuộc chiến Đông Dương thứ hai, Hoàng Sa nằm dưới sự kiểm soát của chế độ thân phương Tây, nước Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội khẳng định Việt Nam chiếm hữu quần đảo từ rất lâu và nhấn mạnh rằng có những cơ sở pháp lý để chứng minh. Trung Quốc không muốn nghe nói đến luật quốc tế : Bắc Kinh tự tiện yêu sách toàn bộ vùng biển mang tên mình và chối bỏ thực tế tranh chấp.

Chiếc tàu Việt Nam bây giờ tiến gần hai tàu hải cảnh Trung Quốc cho đến nỗi có thể phân biệt rõ cấu trúc tàu, hai màu trắng và đỏ của chúng, cùng với số hiệu : 2101 và 32101. Thuyền trưởng Việt Nam khéo léo cho lách qua mạn trái, và ngay lập tức, cuộc đuổi bắt đã diễn ra. Không nên vuốt râu hùm mạnh tay - hai chiếc tàu Trung Quốc truy đuổi chúng tôi. Chúng lao lên đầy đe dọa, nổ máy chạy hết tốc lực.

Cận cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc.Thêm chú thích

Có lúc do rẽ sát quá, chúng tôi trở thành chạy song song nhưng ngược chiều với một trong các tàu Trung Quốc. Gần cho đến nỗi ngay trước mặt là các thủy thủ đang vận hành. Họ nghĩ gì ? Họ phải thấy rằng ở trên boong tàu kiểm ngư Việt Nam có nhiều phóng viên ngoại quốc, máy quay phim và máy ảnh hướng về « địch thủ », đang chứng kiến vũ điệu ba-lê trên biển đầy ấn tượng. Các nhà báo được chính quyền Hà Nội mời đến để thấy rõ tình hình, trong khuôn khổ một chiến dịch tuyên truyền chặt chẽ. Mục đích : chứng tỏ cho báo chí quốc tế chiến dịch phản kháng hàng ngày của Việt Nam mang tính cách hòa bình, và các hành vi của Trung Quốc là hung hăng.

Tại Hà Nội, vài ngày sau đó cựu đại sứ Việt Nam bên cạnh châu Âu, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biểt những phân tích của mình. Theo bà, vụ này là nghiêm trọng và không giới hạn ở mối đe dọa đối với Việt Nam : « Chúng ta chứng kiến trong lúc này mưu toan của Trung Quốc áp đặt một « pax sinica » (hòa bình được duy trì dưới quyền bá chủ Trung Hoa – ND), coi thường luật lệ quốc tế, với đặc trưng là một sự ngạo mạn lành ít dữ nhiều ». Bà Ninh kết luận bằng lời cảnh báo : « Trung Quốc muốn khẳng định bá quyền, đóng vai hiến binh và trở thành sê-ríp của Đông Á. Những hành động ngang ngược của họ là vấn đề cho tất cả các quốc gia trong khu vực, cũng như với nguyên tắc tự do hàng hải ».

Sự bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam không chỉ mới hôm qua. Hai nước chia sẻ lịch sử ngàn năm : nước Việt Nam tương lai bị lệ thuộc vào đế quốc Trung Hoa từ năm 111 trước Công nguyên cho đến năm 938. Về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, những khẳng định của Trung Quốc và Việt Nam mâu thuẫn với nhau, dựa trên những bản đồ cổ và các chứng cứ lịch sử.

Theo nhà sử học Trần Đức Anh Sơn, Hoàng Sa là sở hữu của Việt Nam được chứng minh từ thời Hoàng đế Gia Long, từ năm 1816 « đã thu thuế các ngư dân ». « Đoàn tàu của nhà Nguyễn thường xuyên tiếp cứu tàu bè bị lạc lối trên biển ». Quần đảo mà người Việt gọi là Hoàng Sa (bãi cát vàng) gồm có khoảng ba chục đảo nhỏ và đảo đá, trong đó chỉ khoảng mười lăm thực sự là đảo.

Trong những năm 1920, thực dân Pháp tại Việt Nam đã phát triển Hoàng Sa, nhất là thiết lập một tháp đèn pha, đài phát sóng trên đảo Pattle (Hoàng Sa) và một trạm khí tượng ở đảo Boisée (Phú Lâm).

Hôm 2/5, Trung Quốc – theo từ ngữ của bản tin mới nhất do Việt Nam công bố, đã « đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hơn 80 hải lý ». Còn Bắc Kinh thản nhiên nói là giàn khoan « nằm trong lãnh hải Trung Quốc »…

Không chỉ yêu sách chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh còn đòi hỏi cả quần đảo Trường Sa nằm xa hơn về phía nam. Trường Sa hiện do Việt Nam chiếm giữ một phần, nhưng cũng bị Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan…yêu sách. Điều này cho thấy tình huống rắc rối trên vùng biển có thể có nhiều trữ lượng dầu khí, nhưng nhất là đóng vai trò chiến lược. Chưa kể vấn đề chủ quyền còn ve vuốt tự ái dân tộc của các bên hiện diện.

Vu vạ bị tàu VN đâm thủng!

Tuần rồi, Trung Quốc lên án các tàu Việt Nam đã « tông vào » tàu Trung Quốc 1.547 lần kể từ ngày 2/5. Người Việt phản bác các cáo buộc này là phóng đại quá trớn, trả đũa lại bằng cách phổ biến các video trong đó người ta thấy cảnh phía Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư Việt Nam. Một đoạn phim cũng cho thấy hôm 26/5 một tàu cá lớn của Trung Quốc đã truy đuổi và đâm lật một chiếc tàu cá nhỏ Việt Nam khiến tàu này bị chìm. Các thủy thủ suýt chết, nhưng rồi được cứu sống.

Ngày 14/6 này, cuộc rượt bắt không thể kéo dài vô tận. Cũng không có chuyện đâm va hay phun nước bởi các thủy thủ Thiên triều. Vào lúc 8 giờ rưỡi, lần này mọi chuyện kết thúc mà không có đụng độ : tàu Trung Quốc không truy đuổi tàu Việt Nam nữa, họ quay đầu lại.

Trong buồng lái, một trong những người chịu trách nhiệm của « vùng 2 » Kiểm ngư, thiếu tá Nguyen Van Tan ghi nhận : « Họ toan ép chúng ta vào giữa. Nếu họ tông vào mạn phải phía sau, tàu mình có thể bị lật. Rõ ràng là họ muốn gài bẫy, muốn chúng tôi phản ứng mạnh mẽ trước. Nhưng chúng tôi không làm thế, vì đã quyết định áp dụng chiến thuật kiềm chế ».

Phía Việt Nam, luôn sẵn sàng tố cáo thái độ hăm dọa của Trung Quốc để đáp lại những lời cảnh báo qua loa phóng thanh, nhấn mạnh rằng những kẻ tấn công hiển nhiên là những kẻ đang ở ngay trước mặt : hải cảnh Trung Quốc tuần tra với các khẩu đại liên 12 ly 7 và những khẩu đại bác 20 ly đã tháo sẵn bạt. Ngược hẳn với cảnh sát biển Việt Nam. Trung Quốc sử dụng quá lố hải quân của họ, điều mà cách đây mấy ngày Bắc Kinh vừa chối cãi. Tuy vậy đó là sự thực : hôm 14/6 cách vị trí tàu chúng tôi chừng vài sải, chúng tôi chứng kiến một hộ tống hạm Trung Quốc im lặng lướt qua, màu xám của nó hòa lẫn vào đại dương.

Hôm sau, thuyền trưởng tàu chúng tôi là Lê Trung Thành chỉ cho các nhà báo thấy trên màn hình video hình dạng của một chiến hạm Trung Quốc khác. Anh nói : « Đó là một tàu phá mìn ». Rồi người thuyền trưởng tỏ ra thư giãn, chiếc tàu lại chạy theo nhịp độ cũ. Một ngày bình thường trên Biển Đông.

Le Monde/Thụy My/RFI 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét