Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Vụ án gián điệp Trương Đình Hùng


Tiễn đưa một người bạn quý
Trương Đình Hùng
(2.9.1945 - 26.6.2014)
Trưa nay, 26.6.2014, về tới nhà, tôi nhận được thư anh Ngô Vĩnh Long báo tin anh Trương Đình Hùng đã từ trần buổi sáng, tại Penang (Malaysia). Tin buồn ập tới, đột ngột và choáng ngợp, mặc dù nó đã được báo trước. Cuối tháng 5, chúng tôi được tin anh mắc một chứng bệnh ung thư hiếm và nguy hiểm (pleomorphic liposarcoma/sarcoma mỡ đa hình), qua bàn mổ hai lần, nhưng cái u ác tính vẫn tiếp tục phát triển. "Mình vẫn làm việc và hoạt động hàng ngày nhưng yếu đi nhiều, vài tháng mà xuống đi mấy ki lô. Trông mình bây giờ như một nhà sư (toàn ăn chay, tập thở, tập thiền, trừ khi gặp bạn thì uống một ly rượu nho)", đó là mấy dòng Trương Đình Hùng gửi cho Ngô Vĩnh Long ngày 28.5, báo tin "chung cuộc không thể tiên đoán thế nào" (tạm dịch từ tiếng Anh). Hai ngày sau, anh viết cho tôi: "Tụi mình đã sống một cuộc đời lý thú, đã giúp nhiều đồng bào và bầu bạn, và (những năm gần đây, ở Malaysia) giúp xây dựng gia đình cho một số bạn trẻ trong vùng. Như thế cũng là nhiều rồi. Hi vọng là chung cuộc sẽ tới mà không quá nhiều phức tạp" (tạm dịch từ tiếng Pháp).
Trương Đình Hùng sinh năm 1945 tại Sài Gòn, vào đúng ngày Tuyên ngôn Độc lập 2.9, tạ thế ngày 26.6.2014 tại Penang, thọ 69 tuổi.
Trong thời sự Việt Nam thập niên 1970 và sau này, anh thường được biết với cái tên David Truong.Wikipedia (tiếng Anh) nói tới David Truong, chủ yếu về "vụ án gián điệp" năm 1978: một nhân viên của cục điều tra liên bang FBI, trên là Dung Krall, được cục tình báo CIA "mượn", tố cáo Trương Đình Hùng là "điệp viên Bắc Việt", bị bắt với hai "tài liệu mật" của Bộ ngoại giao Mỹ, do một nhân viên của Bộ ngoại giao Mỹ, Donald Humphrey, trao tay (với hy vọng là David Truong có thể giúp anh ta đoàn tụ với người vợ người Việt bị kẹt ở Việt Nam từ 1975). Kết quả: Trương Đình Hùng bị kết án 15 năm tù, đại sứ Đinh Bá Thi (đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc) bị chính quyền Mỹ trục xuất với tư cách "một đồng lõa không bị truy tố"). Trương Đình Hùng đã ở tù 7 năm 4 tháng, trước khi được trả tự do trước kỳ hạn, với điều kiện ra khỏi nước Mỹ. Từ cuối thập niên 1980, anh sống và làm việc ở Châu Âu (Amsterdam) và Châu Á (Hà Nội, nhân viên của Liên hiệp Châu Âu; rồi Malaysia).
dangmydung8.jpg
Nguồn ảnh: Corbis/Đặng Mỹ Dung
"Vụ án Trương Đình Hùng" được báo chí Âu Mỹ nói nhiều vào cuối thập niên 70, rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Giới thạo tin nhanh chóng hiểu ra bối cảnh đã sản sinh ra "vụ gián điệp" này với hai nhân tố chính. Một là, sau thất bại chua cay ở Việt Nam, trong giới cầm quyền Mỹ, có nhu cầu "bức xúc" là tìm ra được một con vật tế thần. Đơn giản và tiện lợi nhất là: "ta đã mất Việt Nam không phải vì thất trận, mà vì kẻ thù nằm ngay ở Washington". Hai là, nếu năm 1977, Washington muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam (nhưng Hà Nội mắc sai lầm là khăng khăng đòi khoản 3,25 tỉ đô-la mà Nixon đã cam kết trong một lá thư gửi Phạm Văn Đồng khi ký Hiệp định Paris 1973), thì tới cuối năm, Mỹ đã chuyển hướng, liên minh với Bắc Kinh để chống Liên Xô. Không phải ngẫu nhiên mà Đại sứ Đinh Bá Thi bị trục xuất vào đầu năm 1978: ít lâu sau đó, Zbigniew Brzeziński, cố vấn đặc biệt của tổng thống Carter, đứng trên Vạn lí trường thành, nhìn sang Liên Xô, nói với người Trung Quốc đồng hành: "Chúng ta cùng đi săn con Gấu Bắc Cực". Và đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố tại Washington sẽ "dạy Việt Nam một bài học", và "Trung Quốc là NATO ở phương Đông, Việt Nam là Cuba ở phương Đông""Vụ án Trương Đình Hùng" và việc cắt đứt quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, là cái nhẫn "dạm hỏi" của Washington, chuẩn bị cho cuộc hôn phối linh đình sau đó.
Nếu như "vụ án" đã rơi vào quên lãng trong báo chí quốc tế, thì sang thập niên 1990, nó lại được hâm nóng trong dư luận Việt Nam ở Hoa Kỳ với cuốn sách "Ngàn Giọt Lệ Rơi" của nữ điệp viên Dung Krall. Cuốn sách có thể đọc như một thứ tiểu thuyết với những pha gây cấn của phim trinh thám tồi. Giá trị "chứng từ" của nó rõ hơn khi người ta được biết tác giả tung ra cuốn sách này sau khi vòi CIA thêm tiền vì sau khi "lộ hàng" trong "vụ án", bà ta không hành nghề được nữa (và tất nhiên CIA đã từ chối). Không rõ số tiền bán sách được mấy phần so với số tiền "đền bù" mà bà ta muốn được CIA trả. Chỉ có thể nói cuốn sách cũng đáng tin như những thông tin trên Wikipedia (bản tiếng Anh) khẳng định Trương Đình Hùng là con trai... Trương Như Tảng!!!
Thân sinh Trương Đình Hùng, như nhiều người biết, là luật sư Trương Đình Dzu. Ông nổi tiếng như là"ứng cử viên hòa bình" trong cuộc tranh cử tổng thống VNCH năm 1967 với biểu tượng con chim bồ câu hòa bình, chủ trương thương lượng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Theo những nguồn thạo tin, ông được nhiều phiếu nhất tại khu vực Sài Gòn - Gia Định (kết quả "chính thức" thì liên danh Trương Đình Dzu - Trần Văn Chiêu về nhì trong số 11 liên danh, sau liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ trên toàn miền Nam, nghĩa là trong những vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát được). Đó cũng là lí do đủ để tổng thống Thiệu bỏ tù ông. Luật sư Dzu bị giam ở Chí Hòa rồi Côn Đảo cho đến tháng 4.1975 (những ngày ông Trần Văn Hương lên thay Nguyễn Văn Thiệu). Chính quyền Thiệu tố cáo ông Trương Đình Dzu là thân cộng "ngụy hòa", nhưng thực ra họ gờm ông vì biết ông có thể là một con bài dự trữ của phái "liberal" Hoa Kỳ.
Thân sinh bà Dung Krall là ông Đặng Quang Minh, nguyên đại sứ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) tại Liên Xô (ít nhất điều này, cuốn sách của bà nói đúng). Đây cũng là một thảm kịch đau lòng của hơn một gia đình cách mạng: cha rời Sài Gòn đi kháng chiến (Mùa thu rồi, ngày hăm ba...) rồi tập kết ra Bắc, tình báo Mỹ đã khôn khéo khai thác tâm lý "bị cha bỏ rơi"để lôi kéo một số người con. Đặng Mỹ Dung là một trong những người ấy: lấy chồng là sĩ quan tình báo của Hải quân Mỹ, bản thân làm việc cho cục FBI trước khi được cho mượn, làm điệp viên (hay đúng hơn: nhân viên khiêu dụ) của CIA...
Hành trình của Trương Đình Hùng, bắt đầu từ đối cực. Cha anh, năm 1945, khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, làm chánh văn phòng cho "ủy viên cộng hòa" Jean Cédile (xem Wikipedia). Gia đình bên ngoại là thế gia vọng tộc đất Thần Kinh (anh có một người cậu, nếu tôi không lầm, làm đại diện của VNCH ở Liên Hiệp Quốc với tư cách quan sát viên thường trực). Học Jean-Jacques Rousseau rồi sang Mỹ du học (Stanford, California). Năm 22 tuổi, luật sư Dzu bị bắt, anh bắt đầu hoạt động chính trị là vận động đòi trả tự do cho thân sinh, có quan hệ khá chặt chẽ với những chính khách "liberal" có thế lực như thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Hình ảnh người thanh niên David Truong mà giới báo chí và phong trào hòa bình Mỹ ghi nhận là một "lobbyist" lúc nào cũng chỉnh tề bộ "complet" với đầy đủ"gilet", cà-vạt... Các bạn ở Mỹ cho biết, những năm về sau, anh vẫn đóng bộ "trois pièces" như một thói quen, hay như một công cụ giao tiếp, nhưng trong căn phòng ở, toàn bàn ghế, đồ đạc lượm ở hè đường, do người ta sa thải. Trương Đình Hùng đã trở thành một thành viên tích cực của Trung tâm Hòa giải Đông dương (IRC), trụ sở đặt tại Washington DC.
Mãi tới cuối thập niên 1980, tôi mới được gặp Trương Đình Hùng lần đầu tiên, tại Paris, khi anh từ Amsterdam sang cùng với vợ anh, chị Carolyn Gates, một chuyên gia về chính trị Trung - Cận Đông. Nhưng chúng tôi đã liên lạc với nhau qua thư từ (thời đó, chưa có internet) từ khoảng 1970. Chính do mối quan hệ sớm trở thành thân thiết này, mà trong "vụ án" năm 1978, tôi có vinh dự được FBI phong làm "unindicted accomplice" (đồng lõa không bị truy tố). Bây giờ, anh Hùng đã mất, "cái quan định luận", tôi xin tiết lộ về sự nghiệp "gián điệp" của chúng tôi. Đúng là chúng tôi đã trao đổi khá nhiều tài liệu. Tôi gửi cho anh những thông tin, tuyên bố của Mặt trận, của Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN. Anh Hùng gửi cho tôi những thông tin Mỹ, chủ yếu là những tập"Congressional Record" mà Quốc hội Mỹ công bố hàng ngày. Đó là những tập dầy cộm, nặng chịch, in chữ nhỏ li ti ("co" chữ 8). Đó không phải chỉ là những phát biểu của các dân biểu và thượng nghị sĩ trong các phiên họp toàn thể hay tiểu ban, mà tất cả những bài báo, tài liệu nào mà bất cứ một đại biểu Quốc hội nào thấy cần thiết. Tóm lại, đó là một kho tài liệu vô song, mà chúng tôi khai thác đến mỏi mắt, và cung cấp cho hai phái đoàn VNDCCH và CPCMLT tại Hội nghị Paris. Có thời gian, tôi làm phiên dịch cho ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của VNDCCH tại Hội nghị Paris. Hơn một lần, trong cuộc họp báo sau mỗi phiên họp, tôi đã phải dịch sang tiếng Pháp những trích đoạn"Congressional Record" từ bản dịch tiếng Việt (mà chúng tôi đã góp phần dịch từ nguyên tác tiếng Anh). Không thiếu gì những thông tin mà các nhà báo Mỹ, phóng viên của New York Times, Washington Post... được nghe lần đầu, như vậy. Tất nhiên họ càng không biết rằng đó là công lao của Trương Đình Hùng, mà sau này họ phong là "David Truong, North Vietnamese Spy".
Có lần tôi hỏi Hùng: cái gì đã khiến Hùng xuất thân như vậy, lại chọn con đường chống chính sách chiến tranh của Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến Việt Nam. Hùng cười, nụ cười hiền triết: "Có lẽ tại mình chẳng may sinh vào đúng ngày 2 tháng 9 năm 1945"!!!
Câu nói nửa đùa nửa thật rất có ý vị. Càng ý vị hơn nữa khi ta biết anh đã trải qua những thảm kịch gì. Tôi không chỉ nói tới những năm tháng hoạt động ở Washington DC, tới hơn bảy năm trong tù Mỹ. Tôi nghĩ tới những thử thách không ngờ mà anh đã gặp phải, từ một hướng khác. Như đã nói ở trên, ông Trương Đình Dzu, trong con mắt của nhiều người (đầu tiên là ông Nguyễn Văn Thiệu), là một "lá bài dự trữ" của Washington, nghĩa là một "người của Mỹ". Đầu năm 1978, khi đại sứ Đinh Bá Thi bị trục xuất vì "nhận tài liệu mật từ David Truong", thì ở Hà Nội, không ít người cho rằng Trương Đình Hùng là "agent provocateur" của Mỹ. Cũng thời gian đó, khá nhiều "âm mưu phản loạn" của những cựu quân nhân VNCH bị tóm gọn, với danh sách những "chính phủ lâm thời", trong đó tên họ của ông Trương Đình Dzu thường được kể hàng đầu. Thế là ông bà Trương Đình Dzu và người con trai út (em của Hùng) bị đưa đi quản chế ở miền Bắc (khoảng 10 năm). Những năm tháng ấy, đôi lần tôi được Hùng nhờ làm "giao liên" với gia đình anh. Năm 1978, anh vừa kết hôn với Carolyn, chuẩn bị vào tù và biết gia đình ở Sài Gòn lại bị tình nghi, nên mùa hè khi biết tôi sắp về nước, anh gửi tôi tấm ảnh hai vợ chồng chụp ở Washington (trên nền phông là đài tưởng niệm Monument), một tấm ảnh chụp bằng máy polaroid, nhờ tôi trao cho ông bà Dzu để ông bà thấy mặt con dâu. Một lần sau, mùa đông năm 80 hay 81, Hùng ở trong tù, cha mẹ bị quản chế ngoài Bắc, anh nhắn qua chị Hélène, em gái anh, đang ở châu Phi, nhờ tôi mua ba cái áo anorak chống lạnh cho cha mẹ và em trai... Do đó, mà tôi hiểu thêm những thử thách mà Trương Đình Hùng đã trải qua.
Hùng đã an nhiên ra đi sáng hôm nay. Đêm nay, nhớ lại những lần ngắn ngủi tôi được gặp anh, ở Paris, ở Amsterdam, ở Hà Nội (khi anh làm việc cho một chương trình hợp tác của Liên hiệp Châu Âu), ở Singapore (tháng 8 năm ngoái, sau Hội thảo Hè)..., tôi mạn phép nhắc lại những điều trên, để bạn đọc biết và hiểu về một con người chân chính.
Và để gửi tới Carolyn, người bạn đời, suốt 36 năm, cho đến sáng hôm nay 26.6.2014, đã luôn luôn ở bên cạnh Trương Đình Hùng, những tình cảm và lòng biết ơn chân thành nhất, không phải chỉ của riêng tôi.
Maisons-Alfort, 26.6.2014
Nguyễn Ngọc Giao
______________________________________
Tựa đề bài viết do Dân Luận đặt lại, nguyên bản của Diễn Đàn: Trương Đình Hùng (1945-2014)
Nguyễn Ngọc Giao
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét