Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Giang sơn gấm vóc Việt Nam


Bản đồ Việt Nam​ (Văn Lang) thời lập quốc
Bản đồ Việt Nam​ (Văn Lang) thời lập quốc
Sau khi lấn đất miền thượng du Bắc Việt, người Trung Hoa vẽ bản đồ lưỡi bò dành trọn vẹn biển Đông. Tháng 5-2014 lừ đừ đem dàn khoan khổng lồ đến ngay cửa ngõ Việt Nam. Thách thức cả Đông Nam Á và thế giới. Dân chúng Việt Nam vùng lên trong các cuộc biểu dương: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Lời kêu gào làm Trung Quốc bất bình mà ngay cả chính phủ Việt Nam cũng không vui. Trên thế giới ảo của mạng lưới toàn cầu, những nhà chống Cộng tích cực hô hào tiêu diệt cả Việt Cộng lẫn Trung Cộng. Cuối tuần qua, chúng tôi có dịp tham dự một buổi mạn đàm về thời sự biển Đông với sự hiện diện của bác sĩ Bùi Trọng Cường từ bên Úc qua. Đồng thời cũng có sự hiện diện của ông thẩm phán Phan Quang Tuệ. Ông Cường vốn là chủ tịch cộng đồng người Việt tại liên bang Úc. Bây giờ rút bớt công việc nên chỉ còn là chủ tịch cộng đồng tại Queensland. Qua chuyến du hành Bắc Mỹ, đi cùng phu nhân cũng là bác sĩ, mục đích là để phổ biến hoạt động của Ủy ban chống Bắc thuộc do ông chủ trương. Ông cho biết ủy ban đang có mối liên hệ với nhiều nhân sĩ trên khắp thế giới. Chủ trương hiện nay không phải là để chống lại bá quyền Trung Hoa bằng chính trị hay quân sự. Ủy ban chỉ bắt đầu bằng mục tiêu khiêm tốn là mở ra còn đường tranh đấu bằng lịch sử. Trong hoàn cảnh chính phủ Việt Nam đang đi giây chính trị nên không trình bày trung thực về những tội ác của người Tàu trong thời gian Bắc Thuộc. Hơn nữa những trang sử oai hùng của ông cha chúng ta trong suốt ngàn năm chống giặc phương Bắc đã không được trình bày đầy đủ trong các sách giáo khoa tại Việt Nam. Sau này, bác sĩ Cường nói tiếp, tùy theo khả năng và hoàn cảnh ủy ban chúng tôi có thể sẽ mở ra các dự án mới. Cùng một quan điểm lưu tâm đến câu chuyện biển Đông nổi sóng hiện nay, ông tòa Phan Quang Tuệ nhiệt tình đóng góp ý kiến. Ông Tòa cho rằng giới trí thức khoa bảng bây giờ là lúc phải dấn thân. Ông nghĩ rằng bác sĩ Cường không nên tránh né khi đề cập đến lãnh vực chính trị. Hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam phải coi là hết sức căng thẳng.
Giặc từ phương Bắc đã đến ngay cửa ngõ. Hải ngoại cần có thái độ quyết liệt với Trung Hoa. Hai quan niệm dè dặt và quyết liệt. Một bác sĩ từ Úc Châu và một ông thẩm phán của Mỹ quốc. Cả hai đều nhập cuộc nhưng thể hiện hai khuynh hướng khác nhau. Bác sĩ Cường vừa học xong đại học y khoa Sài Gòn thì trưng tập vào trường quân y để thi hành nghĩa vụ quân sự. Ông chưa ra đơn vị thì quân đội tan hàng. Gia đình ông bác sĩ trẻ tuổi vượt biên đi Mỹ rồi qua Úc định cư. Chưa phục vụ đất nước nhưng ông đã có gần 40 năm phục vụ cộng đồng. Mỗi năm bỏ ra 5 tuần lễ đi khắp thế giới từ các trại ty nạn cho đến các chương trình hội họp bốn phương. Phần ông Phan Quang Tuệ tốt nghiệp luật khoa nên mang cấp bậc trung úy ngành quân pháp. Ông di tản qua Mỹ và sau cùng trở thành thẩm phán tòa di trú liên bang Hoa Kỳ. Năm nay ông về hưu để ra tranh cử dân biểu Mỹ đơn vị liên bang số 11. Ông Tuệ vừa qua vòng đầu sẽ đại diện chính thức cho đảng Cộng Hòa để vào kỳ chung kết. Cả hai đều qua tuổi về hưu để sẵn sàng về nhà tưới hoa sân trước, nghe chim hót vườn sau. Nhưng cả hai dù ở hai phương trời cách biệt lại cùng trăn trở về họa phương Bắc đang đè nặng lên quê hương Việt Nam đã bỏ lại 40 năm qua.
Sau khi tranh luận xong bắt tay ra về, đến bãi đậu xe ông tòa ký vội chi phiếu gửi tiền ủng hộ cho ông bác sĩ chống họa Bắc xâm. Bác sĩ Cường nói rằng tiền này tôi sẽ gửi ngay cho anh em ở Việt Nam. Bởi vì ở biển Đông bọn Tàu lại không trống không kèn, chuẩn bị đem thêm một dàn khoan vào ngay trước cửa ngõ của hải phận Việt Nam.
Giang sơn gấm vóc Việt Nam
Bản đồ Việt Nam ngày nay
Bản đồ Việt Nam ngày nay
Hai người bạn vong niên của tôi, hai thái độ. Anh nóng anh lạnh, nhưng cùng quan tâm. Vẫn nhớ về quê hương cũ. Đó là tấm lòng yêu nước. Yêu thương giải giang sơn gấm vóc Việt Nam mà tiền nhân đã trải qua bao nhiêu gian khổ thăng trầm giữ lại đến ngày nay. Nhìn trên bản đồ, quả thực hình thể Việt Nam hoàn toàn khác biệt với các quốc gia trên thế giới.
Hành lang dài nhìn ra Thái Bình dương. Không có nước nào ở trong đất liền mà lại có một bờ biển dài như vậy. Ba ngàn 200 cây số từ Bắc xuống Nam. Những cửa bể Hải Phòng, Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha trang, Cam Ranh và Sài Gòn, Vũng Tàu. Đất nước tuyệt vời như thế đã trải qua ba lần Bắc thuộc tổng cộng 1 ngàn năm mà sao không bị đồng hoá và diệt vong. Xin các bạn cùng tôi cũng tìm hiểu. Tôi tò mò mở cuốn lịch sử lớp 8 của cháu nội theo chương trình tiểu học Hoa Kỳ. Cuộc chiến Việt Nam với sự tham chiến của Hoa Kỳ suốt 10 năm, 58 ngàn chiến sĩ hy sinh tất cả chỉ có 5 dòng chiều ngang trang sách. Mỹ và Việt Cộng đánh nhau. 1963 Mỹ nhập cuộc. 1973 Mỹ rút quân. Không một chữ nào nói đến Việt Nam Cộng Hoà và QLVNCH. Không nói gì đến thuyền nhân và sự hiện diện của cộng đồng Việt Nam sau cuộc chiến. Lịch sử phần chúng ta như đã bốc hơi. Vậy anh em ta là nhân chứng của giai đoạn lịch sử đó, chúng ta làm gì để sửa chữa. Mỗi năm có hàng ngàn học sinh trung tiểu học vào thăm San Jose History Park. Các em vẫn theo chương trình ghé đến Việt Museum. Hai ngọn cờ Việt Mỹ trên cao. Trước cửa Museum một bên là con tàu vượt biên và một bên là Bức tường tưởng niệm các anh hùng tuẫn tiết. Cô giáo hướng dẫn các em trong 20 phút về thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa.
Đứng trên lầu hai ngó xuống. Đây là giây phút xúc động của những người quét dọn Museum. Cô giáo nói về thuyền nhân đi tìm tự do từ 1975 đến 1995. Hàng trăm ngàn người đã ra đi và hàng trăm ngàn người đã vùi thây ở biển Đông. Rồi các em được giảng về hai lá cờ quốc cộng. Về các anh hùng đã tự vẫn trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Đó là sự góp phần nhỏ bé của Việt Museum vào công tác đem quá khứ đến tương lai.
Chúng ta từ đâu đến
Cuối niên học vừa qua, những đứa cháu chúng tôi ở bậc tiểu học đã làm bài tập trả lời câu hỏi. Người Mỹ là ai, họ từ đâu đến. Em bé Việt Nam đã trả lời. Người Mỹ là tất cả mọi người. Da đỏ đã ở trên đất này từ trước. Da trắng đến từ Âu Châu bằng con thuyền May Flower. Da đen đến từ Phi Châu bằng tàu chở nô lệ. Da vàng đến từ châu Á để làm phu đường xe lửa. Còn người Việt đến từ chiến tranh Việt Nam. Qua đến câu hỏi về nguồn gốc dân Việt, cháu tôi viết ra đầy một trang giấy. Bốn ngàn năm trước người Việt sống rải rác phía Nam sông Dương Tử bên Tàu mà xuống đến châu thổ sông Hồng Hà. Về sau người Tàu lấn đất đẩy Việt tộc xuống phía Nam trong lưu vực sông Hồng. Từ thời kỳ đó người Việt mở nước dần dần về phương Nam. Cũng giống như người Mỹ từ miền Đông, phía Đại tây dương mà Tây tiến qua miền Thái bình Dương. Vào thế kỷ thứ 14, nước Việt phía bắc có Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến phía Nam kéo dài đến đèo Hải Vân. Trải qua 400 năm từ thế kỷ thứ 14 đến thế kỷ thứ 18 tiền nhân Việt Nam tiến đến Trà Vinh, Sóc Trăng và sau cùng là Cà Mau. Tính từng giai đoạn thì vào thế kỷ 15 từ Thừa Thiên vượt qua Hải Vân để có đất Quảng Đà. Thế kỷ 16 đã tiến vào đến Gia Định. Thế kỷ 17 xuống đến Kiên Giang, Hà Tiên. Cho đến năm 1816 vua Gia Long có sắc lệnh tuyên xưng Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Cháu tôi ghi lại rằng ông cha của bà nội là người Bắc di cư từ thế kỷ 17. Ông Nội là dân Bắc Kỳ di cư của thế kỷ thứ 19. Ông bà lập gia đình tại Sài Gòn và sau 20 năm lại di cư qua Hoa Kỳ tại San Jose để trở thành người Mỹ gốc Việt. Tôi đọc bài viết của cháu rất ngạc nhiên nên hỏi rằng tin tức ở đâu ra. Cháu nói rằng tất cả đều lấy trong Wikipedia. Đây là bộ tự điển hết sức vĩ đại trên Internet. Sau cùng ông cháu tôi đều biết. Tất cả mọi gia đình, dù vào Nam từ trăm năm hay ngàn năm trước, đều là Bắc Kỳ di cư. Nếu phía dưới Cà Mâu còn đường đi nữa, có lẽ ông cha ta cũng không dừng bước. Với giang sơn gấm vóc đó, đất nước đã chia cắt nhiều lần. Vào thế kỷ thứ 18 đất nước chia đôi tại Quảng Bình trên con sông Gianh. Qua đến thế kỷ thứ 19 lại chia đôi tại con sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị. Ngày đất nước chia đôi để ông nội vào Nam gặp bà nội là ngày 20 tháng 7-1954. Chiều chủ nhật 20 tháng 7 năm nay 2014 là kỷ niệm đúng 60 năm hiệp định Genève chia đôi đất nước. Buổi họp mặt gọi là 60 năm, đêm giã từ Hà Nội. Hãy đọc lịch sử để yêu quê hương. Hãy đọc lịch sử để nhớ đến những dấu mốc đau thương hay huy hoàng của quê hương mới tự do dân chủ và quê hương cũ vẫn mãi mãi chưa có tự do. Từ ngàn năm trước đến trăm năm sau, kẻ trước người sau, ta cùng đi tìm đất tự do. Bây giờ là lúc đến với nhau…
Đêm nhớ về Hà Nội sẽ không ăm cơm Tây, chắc chắn sẽ không ăn cơm Tầu. Hẹn gặp nhau ở Ta Res. Milpitas. Đúng 6 giờ chủ nhật 20 tháng 7, 2014. Lần đầu hay lần cuối.
© Giao Chỉ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét