Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Ai thắng ai?

giaitoa0612
Đất chật. Người đông. Mỗi ngày thêm nhiều thành phố, trị trấn mọc ra. Kinh tế phát triển, giao thông phát triển. Thêm nhiều khu công nghiệp, khu giải trí, siêu thị, đường sá, cầu cống… Mở thêm, nới rộng nhiều lối đi. Đường vượt rừng, chạy qua đồng ruộng, xuyên vườn tược, ngang khu dân cư… Chỗ nào cũng mở rộng nên đương nhiên phải xén đất làm đường.
Từ ngày xưa đã có câu “tấc đất, tấc vàng” huống hồ bây giờ đất không phải vàng mà giá còn hơn kim cương. Có vàng trong tay cũng không cách nào chen chân mua nổi miếng đất nằm ngay ngã tư giữa khu thị tứ đông đúc náo nhiệt gần trường, gần chợ, gần… bệnh viện.
Chuyện lấy đất đắp cho các công trình, dự án mà đi cùng là bao vụ lem nhem dẫn đến kiện cáo dai dẳng không cách nào giải quyết được.
Mảnh đất của gia tộc, vườn ruộng đang sinh sống, căn nhà gia đình đang yên ổn ở bỗng nhiên bị “thu hồi” – bởi đất đai là sở hữu toàn dân chứ đâu phải của cá nhân! – rồi người dân được ấn cho một số tiền ít nhiều mà chẳng cần biết sau đó ở đâu, làm gì để sống. Tiền mau chóng bốc hơi và người dân lại nghèo hơn bao giờ hết.
Tức vô cùng khi chứng kiến khu vực bị giải tỏa chỉ nhằm vào dân chúng mà né tránh nhà của quan. Nếu không né thì nhà mình đâu có mất. Chỗ giải tỏa nằm ngay vị trí sinh sôi nảy nở ra tiền mưu sinh chứ đâu phải chỉ là căn nhà để ở. Vì thế, đạp nồi cơm nhà dân nhường miếng ngon cho nhà quan thật khó lòng.
Cách đây mấy năm, thành phố Vĩnh Long mở rộng đường Bạch Đàn. Theo quy hoạch, ông giám đốc công ty xuất nhập khẩu mất 17 mét đất và bà chủ nhà bên kia đường mất 13 mét. Tim đường nằm trên đất của giám đốc. Quy hoạch được niêm yết công khai và tuy buồn vì mất đất nhưng ai nấy phải chấp hành thôi.
Chuyện bất ngờ là sau đó giám đốc lên làm chủ tịch tỉnh. Nhờ quyền lực của chức vụ mới nên con đường bị thu hẹp lại một nửa. Người dân mừng quá, tưởng đỡ mất đất. Ai ngờ, con đường lại bị bẻ cong cho lấn hoàn toàn sang phía kia, bảo toàn nguyên vẹn đất của chủ tịch tỉnh bên này. Dĩ nhiên quy hoạch diễn ra âm thầm chứ làm sao công khai được. Chỉ sau khi công trình hoàn tất, người ta mới ngã ngửa người nhìn thấy con đường cong queo một cách kỳ cục.
Chủ tịch tỉnh vội vã xây ngay nhà trên phần đất xém mất. Nhìn tòa nhà hoành tráng bề thế đó, ai cũng thấy rõ không thể đập bỏ được. Bà chủ nhà bên kia tức tối quá, bèn nộp đơn khiếu nại lên trung ương. Phó thủ tướng giải quyết bằng cách gửi đơn của bà ngược về địa phương, tức là tỉnh, cho chính chủ tịch tỉnh… giải quyết!
Có phải đào sông lấp biển cho cam. Con đường hoàn toàn nằm trong tầm tay người ta vẽ nên dễ dàng muốn cong nên cong, muốn thẳng thành thẳng, rẽ trái quẹo phải tha hồ bẻ sao tùy ý.
Cho nên vừa qua, dư luận nổi lên vụ mở rộng đường Trường Chinh ở Hà Nội. Lần này khá om sòm vì sự việc xảy ra ở thành phố lớn chứ chẳng phải tỉnh lẻ khuất mắt mà kêu lộng quyền.
Đụng vào đất đai mới thấy ghê gớm. Cắt đất nhà của thường dân thì dễ thôi. Muốn cắt xén bao nhiêu cũng được vì đơn từ kiện cáo mấy cũng “đi dăm phút trở về chốn cũ”. Đụng vào quan, vào tướng mới khó.
Ý tưởng con đường cong queo chỉ hiện diện ở miền núi, đồng quê… do ảnh hưởng địa hình thì nay đã đổi khác. Đường sá mới mở ở thành phố thay vì thẳng tắp thì bây giờ trở thành cong queo nhưng không khó hiểu chút nào!
Những con đường mang tên nhân vật lịch sử cũ như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn… thường chật hẹp vì mở từ lâu đời. Đường mới như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng… mới xây dựng sau này thường to, đẹp. Những con đường mới bao giờ cũng là đẹp nhất, to nhất. Càng về sau càng nhất nhất hơn.
Lần mở rộng đường này cũng giống như đường Bạch Đàn, là cuộc chiến không cân sức giữa hai bên lộ giới, của hai cái nhìn khác nhau. Kẻ nói đoạn bị bẻ cong giống như cái ghi-đông xe đạp, người lại bảo chỉ như một “đường cong mềm mại” mà thôi.
Đại diện cho bên “ghi đông xe đạp” là một đại tá – nguyên phó Tư lệnh binh chủng Rađa – quân chủng Phòng không Không quân, cán bộ tiền khởi nghĩa 1945, từng tham gia chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu. Ông cụ 90 tuổi “chưa từng run sợ trước quân thù nhưng nay đã khóc vì uất ức, vì sự bất công trên chính đất nước của mình. Rồi sắp tới phải đi đâu, về đâu???”. Ông cụ nhớ lại từng câu chữ của Tư lệnh khi giao đất: “Bác được ở đây ổn định, lâu dài, an cư lạc nghiệp. Nếu có mở đường thì sẽ mở về phía nam, đất của quân chủng, không lấy đất của cán bộ, bộ đội bên này”.
Đại diện cho tướng, tá, thứ trưởng, anh hùng… bên “đường cong mềm mại” là một thiếu tướng không quân giải thích đơn giản: “Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ bầu trời”.
Một bà đại biểu Quốc hội mạnh miệng… chống Bộ Quốc phòng bằng phát ngôn: “Cong hay thẳng cũng phải phù hợp với điều kiện giao thông thực tế. Về nguyên tắc thì đường thẳng, giao thông mới có hiệu quả nhất”.
Cuối cùng ai thắng ai? Xem chừng bao giờ con đường cong đều chiếm ưu thế hơn những con đường thẳng thắn. Báo chí có dai sức cho lắm cũng chỉ kêu rêu vài tuần rồi thôi, nhường chỗ cho vô số tin tức nóng hổi khác chứ làm sao cứ rỉ rả hoài được. Cho dù có người than thở: “Việc này khiến người dân suy nghĩ con đường thẳng giữa thanh thiên bạch nhật còn bị uốn cong thì thử hỏi những việc không lộ thiên còn cong đến như thế nào?”
Dù sao vì lý do chính đáng là mở đường nên nếu không phải bên này thì bên kia đành chịu thiệt, cho dù con đường có hình dong cổ quái!
Nhưng có nhiều trường hợp không vì mục đích công cộng nào cả, đất có tên nhà có chủ vẫn bị mất một cách trắng trợn.
Bà Bùi Thị Nhàn ở Mỹ Tho cùng chồng lên Sài Gòn kiếm sống, lâu lâu đảo về qua coi chừng thấy căn nhà mình vẫn khóa cửa yên ổn nằm đó. Chẳng ngờ dù có đầy đủ giấy tờ cũng như hộ khẩu nhưng cách đây một năm, khi bà quay về thì căn nhà đã được cấp cho một cán bộ đảng ủy phường với đầy đủ chữ ký chứng nhận quyền sở hữu nhà và sở hữu đất. Bà Nhàn không biết kiện ở đâu và cũng không có tiền để theo kiện nên đành quay trở lên Sài Gòn đi lang thang bán vé số. Căn nhà giữa ban ngày, nghiễm nhiên vào tay người khác với giấy chủ quyền hợp lệ. Dù theo đuổi kiện cáo mấy đời mấy kiếp, e bà Nhàn cũng chẳng lấy lại được nhà đâu.
Còn nữa, tại một huyện của tỉnh Bến Tre, nhà cửa xây cất phải dành ra bốn mét trống trước mặt. Nhà dân đã chừa hơn bốn mét quy định đó rồi mà vẫn bị nhà nước tới đòi giải tỏa để mở rộng thêm vỉa hè. Chỉ riêng đặc biệt nhà của chủ tịch huyện (kiêm trưởng ban an toàn giao thông, kiêm đại biểu hội đồng nhân dân huyện) chồm ra hai mét. Cái căn nhà lồi ra hết sức kỳ cục đó vẫn tồn tại trong khi cấp có thẩm quyền cho biết họ chưa nhận được thư đơn khiếu nại gì cả, có gì đợi nhà xây xong rồi xét!
Đúng là tấc đất tấc vàng, của công chứ có phải nhà riêng đâu. Nhà riêng cũng còn chiếm được nữa là đất. Vì thế Rạch Giá cấp sổ đỏ cho bà phó giám đốc kho bạc tỉnh 240 mét vuông đất. Điều kỳ lạ là miếng đất này lại nằm hoàn toàn trong quy hoạch lộ giới và chồng ra ngay giữa con lộ hiện hữu. Tức là miếng đất được cấp tọa lạc ngay giữa đường đi. Kiện cáo om xòm mất công quá, vì dĩ nhiên tòa phải bảo vệ quan điểm của chính quyền chứ.
Đất đai nằm sờ sờ ngay đó dễ đụng chạm quyền lợi nhau nên tốt hơn hết lấn ở chỗ nào xem chừng ít người để ý. Đó là kênh rạch. Phong trào âm thầm nhưng quyết liệt là mọi người đua nhau lấp rạch lấy đất.
Một phần rạch thoát nước ở phường 13 (Bình Thạnh) bị lấp kín để phân lô bán nền. Thủ Đức cũng vậy, một công ty xây bờ kè lấn rạch dẫn ra sông Sài Gòn. Thanh tra cũng có lập biên bản nhưng rồi sau đó đành chịu thua vì “không đủ phương tiện để cưỡng chế”. Rạch Trau Trảu ở phường Trường Thạnh (quận 9) bị chiếm hàng ngàn mét vuông lại còn được xây tường bê tông bảo vệ chắc chắn. Có muốn dỡ bỏ cũng mệt ghê. Kệ cho rồi!
Rõ ràng con rạch không có ai… ở, không sợ ai vác đơn đi kiện, dù là con kiến đi kiện củ khoai, nên việc chiếm đoạt khuất mặt trở nên dễ dàng rất nhiều. Cũng không phải chỉ những nhánh rạch nhỏ mới bị nuốt chửng mà cả những những kênh rạch có tên có tuổi cũng không thoát thân nổi. Khu du lịch Văn Thánh đã san lấp hơn 4.400 mét vuông rạch Văn Thánh, khu Tân Cảng lấn hơn 1.700 mét vuông sông Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh. Công ty Phú Mỹ Hưng lấp 45.000 mét vuông rạch Ông Kích (quận 7). Cãi qua cãi lại hoài nhùng nhằng quá, thôi thì du di biến rạch Ông Kích vốn là đường thủy giao thông xuống thành con rạch thoát nước cho êm chuyện vậy.
Thành thử trong những vụ tranh chấp, kiện cáo đất đai, ai thắng ai đã rõ vậy.
Saigon cô nương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét