Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Đổ thừa

leslie-gelb-2-sized
Nhân viết về việc quân chính phủ Iraq bỏ chạy khi bị quân nổi dậy người Sunni tấn công, ông Leslie Gelb nhắc lại chiến tranh Việt Nam, và đổ thừa việc thất trận cho người Việt Nam.
Gelb không phải là người Mỹ đầu tiên đổ thừa, đổ vấy, như vậy, và ông cũng không phải là người chót làm công việc đó; trước ông nhiều người Mỹ đã viết sai về chiến tranh Việt Nam, và sau ông, nhiều người Mỹ nữa sẽ còn tiếp tục viết sai như vậy.
Gelb, 77 tuổi, là chủ tịch danh dự của tổ chức Council on Foreign Relations (Hội Đồng về Những Liên Hệ Ngoại Giao), một tổ chức think tank tư, bất vụ lợi, có uy tín, và có tuổi – 93 tuổi (thành lập từ năm 1921). Riêng Gelb cũng là một nhân vật bề thế, với những thành tích như tốt nghiệp Harvard, và đã từng là phóng viên của tờ nhật báo lớn nhất Hoa Kỳ – tờ The New York Times.
Nhưng cả cái địa vị của tổ chức Council on Foreign Relations, lẫn uy tín riêng của ông chủ tịch danh dự Gelb, cũng không làm bài báo của ông đúng hơn được tí nào.
Ông viết, “Drones và khu trục Mỹ không giải quyết được vấn đề, vì vấn đề là chính phủ Iraq. Khi lực lượng thánh chiến Hồi Giáo tiến chiếm thành phố Mosul và bắt đầu tiến về thủ đô Baghdad, Hoa Thịnh Đốn bị sốc; các chính khách Hoa Kỳ không cần phải sốc như vậy, vì việc xẩy ra tại Iraq cũng chỉ là việc thường đã xẩy ra.
“Hoa Kỳ từng chiến đấu tại Iraq, tại A Phú Hãn, tại Libya, tại Việt Nam, và tại nhiều nơi khác; Hoa Kỳ cũng đã từng cung cấp nhiều tỉ Mỹ kim để trang bị và huấn luyện cho binh sĩ đồng minh, sau đó Hoa Kỳ rút quân – và chuyện gì đã xẩy ra?
“Lực lượng đồng minh của chúng ta, lực lượng mà chúng ta đã gầy dựng bằng sinh mạng của người Mỹ, bằng tài sản của nước Mỹ vỡ vụn ra. Đó là điều đang xẩy ra tại Iraq.”
Gelb viết tiếp, “Còn nhớ chuyện Việt Nam không? Quân Đội Việt Nam có một triệu rưỡi người, và mặc dù thái độ không tha thứ được của quốc hội Hoa Kỳ là cắt đứt mọi viện trợ, lực lượng này vẫn còn rất nhiều khả năng tác chiến. Vậy mà họ cũng buông súng.
“Một trường hợp khác là Hoa Kỳ và đồng minh không cung cấp nhiều vũ khí, quân cụ cho lực lượng nổi dậy thân hữu với Hoa Kỳ tại Syria (chữ của Gelb dùng là friendly Syrian rebels). Vậy mà quân thánh chiến (jihadis) vẫn tác chiến đến nơi, đến chốn.
“Tại sao đám “good guys” – đám đông được võ trang từ vừa phải đến cực kỳ hùng mạnh lại không tác chiến hùng mạnh như lính thánh chiến tại Syria, tại Iraq, hay như lính Taliban tại A Phú Hãn, hoặc như lính Bắc Việt tại Việt Nam?
“Lý do là họ thiếu động lực, yếu tố quan trọng nhất để chiến thắng. Sau ngần đó kinh nghiệm, người Mỹ phải hiểu rằng nếu bọn “good guys” của chúng ta không tự tìm ra động lực, thì Hoa Kỳ cũng không thể cung cấp cho họ cái động lực đó”.
Bài báo cực kỳ sai lầm, như câu Quân Đội Việt Nam có một triệu rưỡi người, và mặc dù thái độ không tha thứ được của quốc hội Hoa Kỳ là cắt đứt mọi viện trợ, lực lượng này vẫn còn rất nhiều khả năng tác chiến (these armed forces had plenty to fight with). Vậy mà họ cũng buông súng.
Sai lầm ở chỗ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa không hề có plenty to fight with như ông Gelb tưởng. Đạn dược, nhiên liệu viện trợ bị cúp cạn kiệt, đến mức Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân Khu II, không còn nhiên liệu cho thám thính cơ bay tuần phòng biên giới, và phải chờ đến lúc được cố vấn Mỹ cho biết là vài trăm chiếc Molotova, T 54, pháo 130 ly, đang tiến vào lãnh thổ Quân Khu II, ông mới sử dụng không lực tấn công đoàn công voa dài hàng chục cây số trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Sai lầm còn ở chỗ mặc dù không trực thuộc quyền chỉ huy của Hoa Kỳ, nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải tác chiến theo chiến lược được Hoa Kỳ ấn định, và chiến lược đó là phòng thủ thụ động.
Lính Mỹ đóng đồn, lính Việt Nam cũng đóng đồn, bảo vệ đồn, để mặc diện địa bên ngoài hàng rào đồn cho Việt Cộng. Chiến thuật sai lầm của Mỹ khiến 300,000 quân Việt Cộng – trước khi quân Bắc Việt ồ ạt đổ vào Nam tham chiến – nắm thế chủ động tấn công đồn Mỹ, đồn Việt Nam.
Sai lầm còn ở chỗ chiến lược thuần túy phòng thủ miền Nam, không bao giờ đưa quân ra tấn công lãnh thổ Bắc Việt, và công khai nói cho địch biết là họ có thể bỏ ngỏ miền Bắc, đưa toàn bộ quân lực vào tấn công miền Nam. Việc tổng tấn công này đã xẩy ra hai lần – năm 1972 và 1975. Lần thứ nhất, lực lượng Bắc Việt ôm đầu máu lui về Bắc vì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tác chiến dũng mãnh, và được không lực Hoa Kỳ yểm trợ; lần thứ nhì Hoa Kỳ đổi thế đứng trên chiến trường Việt Nam.
Gelb không biết là chính Hoa Kỳ đã chủ trương trói tay, trói chân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lại để trao miền Nam Việt Nam cho Việt Cộng. Ý đồ này được thực hiện không những bằng cách cúp viện trợ cho Việt Nam, mà còn bằng cách ép Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu phải rút bỏ hai quân khu I và II, và phải nhốt hai vị tướng tư lệnh hai quân khu này lại, trong lúc ông bỏ chạy theo Mỹ và theo bà Thiệu.
Ký giả NgyThanh gửi cho tôi bài báo của ông Gelb và yêu cầu tôi viết bài trả lời ông ta; tôi không có khả năng để làm việc này – khả năng viết bằng Anh ngữ, và khả năng lục tìm những tài liệu mật và không mật, liên quan đến chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong những năm từ 1972 đến 1975, và liên quan đến những trao đổi giữa Henry Kissinger và các chính khách Trung Cộng.
Đúng lúc đó thì bà Kim Nguyễn, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Houston, gửi cho tôi một đoạn ngắn trong quyển An Encyclopedia of the Newest Americans của tác giả Ronald H. Bayor, trong đó có đoạn: “As a result of France’s ruthless rule, there were continuous armed rebellions throughout the country. These rebellions were led by different members of different social groups, including scholars and officials. Their goals were to defeat the French government and to achieve independence for Vietnam. The most significant of these rebellions was the Revolutionary Youth Movement in 1925 by Nguyen Thai Hoc, who later changed his name to Ho Chi Minh in 1943.”
Bayor ghi chú là việc ông Nguyễn Thái Học đổi tên thành Hồ Chí Minh là do tiến sĩ Đỗ Hiền Đức viết.
Tiến sĩ Hiền Đức hiện đang là giáo sư Xã Hội Học tại Viện Đại học San Jose. Ông nghiên cứu nhiều về người Mỹ gốc Việt, ông là tác giả quyển The Vietnamese Americans (Greenwood Press, 1999), và cộng tác sản xuất cuồn phim tài liệu “Viet Nam: At the Crossroads” (PBS, 1994), ngoài ra ông cũng viết nhiều bài báo về Việt Nam.
Ngày thứ Tư 6/11, tôi gửi email cho ông Đức, và xin ông xác nhận có phải ông đã viết chuyện ông Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Thái Học không. Nếu được ông Đức trả lời, không biết tôi có nên nhờ ông viết bài minh định lại một vài sai lầm của ông Gelb không?
Nhưng vấn đề vẫn là người Việt hải ngoại có nhu cầu nói lên những cố gắng tuyệt vọng và tuyệt vời của một thế hệ Việt Nam đã làm tất cả những gì họ có thể làm trước khi thất trận trong một cuộc chiến tranh mà họ chưa hề thua trong hàng ngàn trận giao tranh kéo dài 21 năm (1954-1975); câu này do chính Đại tướng Westmoreland viết lên để than thở việc quân Mỹ tại Việt Nam thắng ở Khe Sanh, thắng ở Bình Định, nhưng lại thua tại Hoa Thịnh Đốn.
Think tank là túi khôn, Council on Foreign Relations (Hội Đồng về Những Liên Hệ Ngoại Giao) là một nhúm túi khôn ngồi lại với nhau, và ông chủ tịch Gelb là cái túi khôn bự nhất trong đám túi khôn.
Nhưng ông không khôn bằng ông Obama, trẻ hơn ông 25 tuổi; Gelb chỉ trích quân Shiite đã bỏ chạy, và sẽ bỏ chạy nữa, nhưng Obama biết cách làm quân Shiite không chạy, mà quân Mỹ vẫn không cần đổ trở vào Iraq.
Ông khẳng định với người Shiite là Mỹ yểm trợ họ; yểm trợ bằng hỏa lực không quân, một hình thái tác chiến giống như tại Việt Nam năm 1972 – năm toàn bộ quân Bắc Việt đổ vào tấn công miền Nam – mỗi sư đoàn Việt Nam chống 5 sư đoàn Việt Cộng mà vẫn không để mất một tấc đất nào.
Quân Shiite, cũng như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, không bỏ chạy, mà cũng không cần bộ binh Mỹ trợ chiến; cả hai đạo quân đó đều đối đầu với những lực lượng quân sự lớn hơn họ, do đó họ cần sự yểm trợ của Hoa Kỳ, như một đồng minh, chứ không như một cấp chỉ huy, với rất nhiều thầy dùi hai mang như Kissinger, và rất nhiều túi khôn, khôn vặt, chuyên viên đổ thừa như Gelb.

Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét