“Cuộc vui nào cũng phải tàn”, ông già Neymar làm việc cho nhà hàng nói với mọi người lúc đang dọp dẹp chồng bát đĩa sau buổi ăn tối.
Hôm đó mới là ngày cuối cùng của vòng 16, trận Hoa Kỳ-Bỉ cũng vừa chấm dứt chỉ vài giờ trước đó, đoạn đường tranh tài mới đi được hơn một nửa, nhưng với ông cụ gần 70 vẫn nhất định không chịu nghỉ hưu, “những trận banh còn lại chỉ là dấu hiệu của sự kết thúc”, dù cuộc vui đó mang tên “Copa do Mundo” kéo dài 33 ngày tại quốc gia của ông, trên phần đất Nam Mỹ đầy sức sống nổi tiếng với điệu Samba nóng bỏng với 200 triệu người dân lúc nào cũng như đang ở trong tư thế sẵn sàng đổ ra đường và với cả triệu lượt du khách từ mọi nơi rủ nhau về chung vui với ngày hội thể thao quan trọng nhất thế giới.
Trong thời gian 33 ngày đó, hình ảnh đáng nhớ nhất vẫn là hình ảnh của trái banh -không chỉ lăn tròn trên sân cỏ mà lăn ở khắp mọi ngã đường góc phố-. Banh lăn ở những con đường đông đúc người qua lại tại Sao Paulo, ở những bãi biển ngày nào cũng chật cứng người tại Rio, ở khu vực Manaus nổi tiếng vì khí hậu khắc nghiệt, hoặc ở vùng Curitiba có khí hậu mát mẻ hơn. Hình trái banh được vẽ khắp nơi, trong một khu phố nghèo nàn cho đến bức tường dựng chung quanh một khu vực sang trọng, trên những chiếc xe buýt ngày ngày chở khách đi lại hoặc trong những quán rượu lúc nào cũng ồn ào tiếng người xen lẫn với tiếng nhạc. Quả banh cũng được nhìn thấy dính chặt trên đầu của những nghệ nhân tài tử đứng biểu diễn kiếm tí tiền lẻ ngoài đường, hoặc được đặt đứng yên trên miệng một chai bia của một người khách vừa uống cạn.
“Tụi tôi hãnh diện về trái banh và cũng khổ về trái banh”, một sinh viên làm việc trong nhóm thiện nguyện giúp FIFA tổ chức World Cup 2014 nói. Anh thanh niên tên Carlos nhắc lại những ngày dẫn về World Cup “biểu tình khắp nơi, dân chúng phản đối chính phủ bỏ hơn 11 tỷ bạc để lo chuyện trời ơi, không nghĩ đến số phận của người nghèo đang cần sự giúp đỡ của chính quyền”, tới mức cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán những đoàn biểu tình tụ tập ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố Sao Paulo. Anh sinh viên đang học ngành kinh tế này không trả lời câu hỏi quyết định của chính phủ đúng hay đòi hòi của người dân hợp lý, khéo léo như một nhà ngoại giao khi cho rằng “có thể về lâu về dài World Cup sẽ đem lại lợi nhuận cho quốc gia, người dân thì đòi hỏi những điều thiết thực ngay trước mắt”.
Mãi đến ngày World Cup bắt đầu, mọi chuyện mới tạm ổn. Người dân Brazil tạm quên những bực dọc, dành thì giờ theo dõi những trận tranh tài giữa các đội tuyển đại diện cho mọi châu lục diễn ra ngay trên lãnh thổ quốc gia của họ. Đó cũng là lúc cả triệu lượt du khách trông thấy những trận banh bỏ túi giữa những cầu thủ “pelada” chuyên đá chân đất. Lực lượng cầu thủ này có đông không? Câu trả lời: dân số quốc gia Nam Mỹ này khoảng 200 triệu, họ có 200 triệu “pelada” lúc nào cũng lăn theo quả banh.
“Đá chân đất là nét đặc trưng của nền văn hóa bóng tròn Brazil”, anh Luis Rojo, nhà báo đang viết cho tờ Marca chuyên về bóng tròn kể chuyện cho các bạn đồng nghiệp ngoại quốc nghe lúc ngồi uống bia chung với nhau. “Đá chân đất là bước khởi đầu cho sự nghiệp của những cầu thủ nổi tiếng mà chúng tôi đóng góp cho làng bóng tròn thế giới” kể một dọc dài những cầu thủ xuất thân từ đá chân đất: Pele cũng từng đá chân đất, Kaka, Pepe, Ronaldo, Coentrao, Abeloa cũng thế, Neymar cũng từng là một cậu học trò chân không đi giày đá trái banh lăn dọc đường trước khi trở thành một trong những cầu thủ nổi tiếng và đắt giá nhất, ngay cả Fred và Hulk cũng vậy. Cũng vẫn anh Luis nói “đứa bé nào ở Brazil cũng từng có lúc đá chân đất, đá toát mồ hôi xong về nhà đi tắm, ăn cơm xong đi ngủ vẫn nhớ đến trận banh mới đá chung với bạn bè, và trong giấc ngủ đứa bé nào cũng ước mơ trở thành người hùng của quốc gia”. Chữ “người hùng” được dùng ở đây không có nghĩa phải là một chính trính trị gia hay một tướng lãnh tài ba, mà có nghĩa là “sẽ trở thành cầu thù nhà nghề, sẽ khoác áo đội tuyển và tay cầm chiếc cúp vô địch World Cup”. Ước mơ đó được chuyền tay từ thế hệ này sang thế hệ khác, “mãi mãi không ngừng”, anh Luis hãnh diện khoe.
Rất tiếc, ước mơ đó đã không trở thành sự thật ở World Cup 2014 vừa kết thúc trên đất Brazil. Đội tuyển chủ nhà thảm bại trước Đức ở bán kết với tỷ số 7-1, bị Hà Lan buộc phải phơi áo trên sân cỏ trong trận tranh hạng ba (thua cơn lốc màu da cam 3 bàn trắng). Ngay sau trận bán kết những vụ biểu tình đập phá lại xảy ra, khởi đầu bằng việc khán giả Brazil vừa rời sân vừa chửi chính phủ, dùng những lời lẽ thậm tệ để mắng nhiếc những người lãnh đạo quốc gia, đại để cho rằng bỏ một khoản tiền quá lớn ra “mà không đem lại kết quả nào cả”, sao không dùng đồng tiền đó để lo cho dân.
Nhưng điều đó không khiến cho trái banh ngừng lăn trên mọi ngã đường, góc phố của Brazil, cũng không khiến những cậu bé đá chân đất ngừng ước mơ có ngày trở thành người hùng của đất nước. Có thể ngay tối hôm nay sau trận chung kết World Cup Brazil 2014, các sử gia và những nhà xã hội học sẽ đặt bút viết câu “World Cup 2014 là bằng chứng xác nhận sự thất bại của đội tuyển quốc gia Brazil, cũng là bằng chứng chính phủ đã sai lầm khi tổ chức Giải thể thao quan trọng nhất thế giới mà không hề giúp tạo dựng được đoàn kết quốc gia”.
Riêng với “pedala”, tối nay họ vẫn ngủ thật ngon với giấc mơ đã có từ bao nhiêu ngày tháng qua: sẽ có lúc họ đứng bên cạnh những anh hùng như Neymar, dưới chân là quả banh. Họ cũng mơ chạy nhảy khắp nơi trên sân cỏ, dùng đôi chân bảo vệ mầu cờ sắc áo cho quốc gia, không thèm nghĩ đến những sai sót của World Cup 2014. Đó cũng là hình ảnh du khách đem theo khi rời Brazil: không một nơi nào lại có nhiều người mê đá banh đến thế, không một quốc gia nào lại có người chạy theo quả banh nhiều đến thế, cũng không có một quốc gia nào quả banh lại giúp người dân gắn bó với nhau như ở Brazil.
Và điều cần nhớ: sáng sớm mai khi mặt trời vừa mọc, trái banh lại tiếp tục lăn ở Brazil.
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét