Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Rafał Tomański: Vấn đề của Việt Nam gần gũi với Ba Lan


Hôm thứ Năm vừa qua, tại trường đại học Almamer ở Warszawa đã diễn ra buổi tọa đàm về những sự kiện đang xảy ra trên Biển Đông. Hội thảo do Viện Văn hóa và Khoa học Việt Nam của trường cùng Câu lạc bộ Lê Quý Đôn tổ chức. Chủ đề của buổi tọa đàm là chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tranh chấp nóng hổi
Từ đầu tháng 5, Trung Quốc đã chọc giận hiệu quả người hàng xóm phía Nam của mình. Cuộc đọ sức diễn ra trên vài chiến tuyến. Trên Biển Đông số giàn khoan Trung Quốc đặt nhân lên, xem thường mọi yêu sách chủ quyền của Việt Nam và bất chấp sự phê bình của quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc. Máy bay khu trục lượn trên đầu ngư dân Việt Nam, những người cứ vài ngày lại phải chịu đựng sự tấn công của hải quân Trung Quốc. Những chiếc máy bay này lẽ ra cũng phải ở chỗ khác. Cuộc chiến lan tới cả các thư viện, nơi cả hai phía cùng lục tìm những tài liệu lịch sử ngày một cổ hơn và đáng tin hơn khẳng định chủ quyền của các hòn đảo tranh chấp mà xung quanh chúng đang diễn ra tất cả mọi chuyện lùm xùm.
Trong buổi gặp ở đại học Almamer, mọi người được xem hai bản đồ cổ của Đức. Một bản đồ từ cuối thế kỷ XIX, một bản đồ từ thời giữa hai thế chiến. Cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã mua chúng từ thư viện của Đức và sẽ gửi về Việt Nam trong thời gian gần nhất để làm bằng chứng rằng các quần đảo Hoàng są và Trường Sa thuộc về Việt Nam từ xưa. Đây không phải là hoạt động duy nhất của người Việt ở Ba Lan. Từ tháng 5 đã có hai cuộc biểu tình của cộng đồng trước đại sứ quán Trung Quốc phản đối sự có mặt của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam. 16 nghìn đô la Mỹ đã được quyên góp để giúp sức trong việc bảo vệ lãnh hải. Các sự kiện ở Warszawa này hầu như đã bị truyền thông Ba Lan bỏ qua.
Lòng nhiệt thành của người Việt
Trong cuộc gặp, có thể thấy được lòng nhiệt thành tha thiết của người Việt đối với việc bảo vệ lãnh thổ. Họ có những lý do nghiêm trọng để bất an, bởi vẫn chưa biết đến bao giờ Trung Quốc mới dời giàn khoan. Sụ không khoan nhượng trong các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông không khiến cho những người dân thường cảm thấy yên ổn. May là chính quyền Việt Nam không mất bình tĩnh và không để cho bị khiêu khích. Những sự kiện xảy ra cách xa chúng ta hàng ngàn cây số có thể khiến ta nghĩ đến hành động của Nga đối với Ukraine và Crime. Trung Quốc là phiên bản Nam Á của nước Nga, là cường quốc vĩ đại với những khả năng quân sự vô hạn, bắt người khác phải theo ý mình. Việt Nam cũng tựa như Ucraine, muốn hướng đến phương Tây, muốn giữ vai trò là một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ – bộ tham mưu Mỹ sẵn lòng nhìn thấy liên minh Mỹ cùng với Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam – và họ biết rằng trên nhiều lãnh địa họ có thể chiến thắng Trung Quốc về kinh tế. Hàng trăm những hòn đảo nhỏ nằm rải rác giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia là Crime mà Putin Trung Quốc có thể tùy hứng đe dọa, xâm lược, xây căn cứ quân sự hay sử dụng cho những mục đích riêng.
Trung Quốc tạo ra những chủ thể quốc tế mới dưới hình thức các đảo nhân tạo gần Philippines. Làm sao có thể xác định tình trạng pháp lý của những hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc đắp lên gần như từ con số không, nơi trên đó họ xây hàng đống nhà cửa, nền tảng cho các căn cứ quân sự và nơi thành phố nhỏ nhất của Trung Quốc được thành lập? Làm sao Việt Nam có thể giữ bình tĩnh và kiểm soát hành động của mình để có thể đương đầu được với gã khổng lồ từ hàng thế kỷ nay vốn coi họ chỉ như thằng em út? Đạo Nho và sự phục tùng đối với anh và những kẻ mạnh hơn xuất phát từ đạo Nho khiến cho những người nhỏ hơn và yếu hơn phải chịu sự bất tương xứng. Một đất nước được hình thành và tồn tại trong tinh thần của những tương quan lực lượng bất bình đằng qua nhiều thế kỷ như thế phải làm thế nào để đấu tranh cho lý lẽ của mình? Việc hiện đại hóa quân đội có ý nghĩa gì nếu đằng nào thì tầm vóc khả năng quân sự của Việt Nam cũng không thể chống lại được sức mạnh của Trung Quốc? Và cuối cùng, từ những hành động của Trung Quốc từ trước tới nay có thể dự đoán được những động thái tiếp theo của họ hay không? Hành động ráo riết quá mức trên Biển Đông của Trung Quốc hiện nay bắt nguồn từ những động thái trước đó của chính phủ họ. Hai năm trước, người Trung Quốc được nhận hộ chiếu mới với hình bản đồ có vẽ các quần đảo tranh chấp, còn từ một năm rưỡi nay người Nhật đã thấy Trung Quốc sát sạt trong cuộc tranh giành một quần đảo khác là Senkaku / Diaoyu.
Hậu quả có thể nghiêm trọng
Những vấn đề này đòi hỏi phải suy nghĩ rất nhiều, bởi những bất an ở châu Á có những hậu quả nghiêm trọng cho cả thế giới. Hậu quả của việc số tàu hải quân và hải giám Trung Quốc tập trung lên đến mức nguy hiểm có thể gây ra thảm họa kinh tế và chính trị không chỉ cho Việt Nam và Philippines, mà còn cho cả Nhật, Trung Quốc và Mỹ – người đang chăm chú quan sát tình hình trong khu vực. Những xáo trộn ở châu Á có thể lan rộng hậu quả ra thế giới rất nhanh, và khi đó người ta mới thấy rằng lẽ ra nên suy nghĩ sớm hơn và giúp đỡ trong việc giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ bề ngoài có vẻ như vô hại và chẳng mấy quan trọng liên quan đến vài hòn đảo nhỏ xíu mấp mé nổi lên mặt biển, nơi chẳng có nước ngọt, nhưng lại có hàng nghìn con rùa biển đẻ trứng to tới vài kí lô.
(bài đăng trên nhật báo Rzeczpospolita ngày 04.07.2014, Thái Linh dịch. Bản tiếng Việt của Lilia Blog)
Một số hình ảnh từ buổi tọa đàm:
Ảnh Võ Văn Long
2 bản đồ cổ được trưng bày trong buổi thảo luận
2 bản đồ cổ được trưng bày trong buổi thảo luận
2 bản đồ cổ được trưng bày trong buổi thảo luận

Ảnh sử dụng của Võ Văn Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét