Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Sự thật lịch sử của đất nước và người trẻ

Ảnh bên:Bia tưởng niệm vụ quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam năm 1979. Ảnh: Lê Quang Nhật

Nhiều tháng 7 đã đến và đi trên đất nước ta. Nhưng tháng 7.2014 này có lẽ đặc biệt hơn tất cả, ít nhất là trong 30 năm qua. Đặc biệt là vì đã 30 lần tháng 7 rồi cuộc chiến khốc liệt diễn ra ở biên giới phía bắc nước ta từ 1984-1988 mới được công khai nhắc tới đậm đặc như thế trên các trang báo ra hàng ngày, trên truyền hình và phát thanh quốc gia.


Từ trước đến giờ rất nhiều người tưởng rằng cuộc chiến tranh chống trả quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía bắc nước ta chỉ diễn ra từ ngày 17.2.1979 đến ngày 18.3.1979, như sự mô tả vắn tắt trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12.

Sự thật hoá ra hào hùng hơn rất nhiều mà cũng bi thương hơn rất nhiều. Hồ sơ quân sự được mở ra trên các trang thông tin chính thức tại Việt Nam tháng 7.2014 cho thấy, đầu năm 1984, Trung Quốc tập trung 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh của Đại quân khu Côn Minh áp sát hướng Vị Xuyên-Yên Minh của tỉnh Hà Giang. Trong suốt tháng 4.1984, Trung Quốc tiến hành một đợt bắn phá lớn trên toàn tuyến sáu tỉnh biên giới phía bắc nước ta với trên 28.000 viên đạn pháo. Thị xã Hà Giang nằm sâu trong nội địa Việt Nam 18km cũng bị bắn phá. Trong suốt 5 năm tiếp theo, Trung Quốc lần lượt huy động 17 sư đoàn bộ binh và 5 sư đoàn, lữ đoàn pháo binh tràn sang đánh chiếm và bắn phá các vùng đất biên giới phía bắc của Việt Nam, ác liệt nhất là những trận đánh ở huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, dọc theo cả hai phía đông và tây sông Lô, ở phía bắc suối Thanh Thuỷ. Số đạn pháo mà Trung Quốc đã bắn vào lãnh thổ phía bắc Việt Nam trong hơn năm năm liền (nhiều nhất ở Vị Xuyên - Yên Minh thuộc Hà Giang ngày nay) là hơn 1,8 triệu quả pháo cối, ngày cao điểm nhất là hơn 60.000 quả! Trong điều kiện địa hình Hà Giang hiểm trở, tiếp tế hậu cần vô cùng khó khăn và tương quan lực lượng chênh lệch, gần 1.200 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 356 đã hy sinh để góp phần đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược.

Nói đến sự ác liệt và những mất mát đau thương trong những năm khói lửa chống Trung Quốc 1984 - 1988 ấy, người Việt Nam, kể cả những người trẻ đều có thể chia sẻ với mức độ khác nhau. Nhưng điều mà nhiều người, người trẻ, không thể hiểu được là vì sao sự thật về những năm tháng hào hùng và bi thương ấy của đất nước lại có thể được “cất kỹ” trong một thời gian dài đến thế.

Sự “cất kỹ” ấy đã dẫn tới những điều đáng tiếc. Trước hết, đã khiến nhận thức và tình cảm của người trẻ có thể lệch lạc trong quá trình trưởng thành. Thật thiếu công bằng khi vì không có thông tin mà nhiều người con quả cảm đã hy sinh vì bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc bị lãng quên thay vì được nhắc nhở, tôn vinh xứng đáng. Thật nguy hiểm khi vì thiếu thông tin (hoặc thông tin bị che giấu) mà nhận thức về bạn-thù, thiện-ác, tốt-xấu bị lẫn lộn, thậm chí đảo lộn. Kẻ xâm lược thì phải được gọi đúng tên và phải bị đánh đuổi như quân và dân ta đã làm với quân Trung Quốc 30 năm trước ở biên giới phía bắc. Bành trướng, bá quyền bất chấp quyền và lợi ích của người khác là phi nghĩa, như nhân dân ta và bè bạn trên thế giới đã khẳng định đối với hành động của Trung Quốc trên biển Đông hôm nay. Không ai muốn có kẻ thù. Nhưng cũng không ai muốn bị sự giả trá đánh lận thù thành bạn. Vấn đề quan trọng nhất là chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mỗi quốc gia phải như thế nào để tạo dựng được lòng tin trước hết đối với các công dân và sau đó với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Trong các chính sách ấy, rất cần có việc nói sự thật về lịch sử đất nước với người trẻ. Nói sự thật lịch sử của đất nước là để người trẻ được trang bị đầy đủ nhận thức về cách ứng xử với các mối quan hệ lớn vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình, bè bạn. Nói sự thật để người trẻ có thể hiểu các nước chỉ có thể làm bạn với nhau trên cơ sở hoà bình, trung thực, tôn trọng lợi ích và chủ quyền của nhau. Nói sự thực để lớp trẻ hiểu rằng luật pháp quốc tế cho phép mỗi quốc gia có quyền liên minh với một hoặc nhiều nước để phòng vệ trước âm mưu thôn tính của nước khác. Nói sự thật để lớp trẻ hiểu rằng quốc gia phải mạnh và chỉ có thể mạnh trên cơ sở nỗ lực của chính mỗi công dân trong phận sự học hành, làm việc, ban hành quốc sách và bảo vệ bờ cõi. Cảm nhận được niềm xúc động của nhiều bạn trẻ khi đón đọc từng dòng thông tin về sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ trên mặt trận biên giới phía bắc cách đây 30 năm mà bây giờ họ mới biết, càng thêm tin rằng nói sự thật là cách để lớp trẻ ghi nhớ: không ai, không điều gì có thể được lãng quên trong hành trình Việt Nam đấu tranh dựng xây và gìn giữ giang sơn bờ cõi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét