Mời các bạn đọc một bài viết về báo chí Việt Nam thời Pháp thuộc của nhà báo tự do Trần Văn Thạch cách đây 77 năm xem báo chí của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến bao xa.
La Lutte, Số 174, ngày 24-10-1937
Trình độ tệ hại của báo chí Việt Nam
Cần phải xem xét về chuyện dân chúng càng lúc càng tránh
đọc báo chí quốc ngữ.
Báo chí quốc ngữ bây giờ chỉ toàn đăng chuyện vặt vãnh. Vì
không còn những vụ án chính trị gây nhiều tiếng vang, cho nên
các nhà làm báo đồng nghiệp của chúng tôi bây giờ chỉ sống bằng
tin tức săn được từ dinh Thống đốc hay mấy Sở Cảnh sát về tội ác
hay các chuyện phạm pháp. Các ông chủ bút thao thao bất tận
giảng giải về luân lý. Nếu đề cập đến chế độ hiện tại, thì những
suy nghĩ triết lý của họ chắc chắn cũng có vài giá trị biện chứng
nào đó, nhưng họ quá xa rời những bận tâm lo lắng của người
dân. Những người dân đang khổ sở, nhọc nhằn và vô cùng chán
ngán trước những tin toàn than thở khóc lóc, trước sự lạt lẽo của
các nhà báo.
Tại các toà báo, người ta chẳng còn biết viết gì ngoài những
lời lẽ vô tội vạ. Các nhà văn ngồi nhìn ruồi bay để rồi khám phá
trước mắt họ cả một hư không trải dài đến vô tận.
Chuyện đầu độc, tự tử, trộm cắp, hãm hiếp, tội ác kinh tởm
được dàn trải ra nơi những trang chính. Trên tờ Công Luận, ngay
trang nhất, hai cột báo dày đặc chữ kể lại chuyện một anh lính
khố xanh bị mất quần trong một chuyến "du hành trong đêm."
Cũng phải, bởi vì Công Luận là tờ báo của giới kinh tài, thì
vai trò của nó chỉ có thể làm bốc hương thơm. Ông chủ báo nổi
tiếng là người nịnh nọt thượng hạng. Nhưng các tờ báo khác cũng
chẳng khá hơn.
Tai nạn khủng khiếp ở An Lạc với 15 người chết chiếm ba
hay bốn cột trên một tờ báo, cũng đáng lý; nhưng một đồng
nghiệp khác lại dành cả một số đặc biệt cho vụ này với nhiều chi
tiết thêm vào đủ để lấp đầy một trang cho số báo hôm sau, kể
luôn cả điếu văn. Đồng nghiệp ấy quên rằng hàng trăm ngàn công
nhân lao động bản xứ đang chết dần chết mòn vì nghèo đói, vì bất
công xã hội nghiền nát.
Bán được lẹ làng vài số báo không phải là bằng chứng cải chánh
điều chúng tôi đã nói: quả thật là dân chúng càng lúc càng bớt chú ý, họ
chỉ đọc lướt qua báo chí tiếng Việt. Người ta biết được tin tức quốc tế:
nào là chiến tranh giữa Tàu với Nhật, nào là cuộc chiến ở Tân Ban
Nha; và lướt qua mấy hàng chữ về chuyện đập lộn, cướp giựt, về
chuyện mất quần. Rồi thì đem tờ báo xài vào chuyện vặt trong nhà.
Bởi trình độ báo chí Nam Kỳ quá thấp nên dân chúng đua nhau đọc
báo Bắc Kỳ vì vấn đề chính trị được bàn cãi nhiều hơn trong các báo
này. Hai tờ tuần báo của những người theo Staline là Bạn Dân1 và Thời
Báo được người ta thích đọc hơn báo địa phương. Không có gì khác
khá hơn loại văn chương giáo huấn và chán ngấy của báo chí Sài Gòn
nên họ chọn báo chí Đệ Tam Quốc tế vì chúng có tính cách tranh đấu
và chính trị, mặc dù đó là thứ hệ tư tưởng dối trá và nguy hiểm.
Chúng tôi đấu tranh cho báo chí được hoàn toàn tự do. Nhưng
chúng tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp rằng quyền tự do ấy có
được phần lớn là nhờ người viết có can đảm. Nếu người viết e sợ và
không kháng cự lại mọi ức hiếp, nếu người viết chịu gục đầu vì sợ mất
việc nuôi thân tức là họ làm giảm giá trị sứ mạng xã hội của họ.
Trong một đất nước thuộc địa, nơi có độc tài ngự trị, làm báo
không phải và không thể chỉ giản dị là một sinh kế. Một nhà báo tự
trọng phải biết rõ rằng nghề của mình vốn thanh cao mà cũng đầy bất
trắc. Bởi vậy đối với họ, dư luận không hề lãnh đạm: hoặc họ được
trọng vọng hoặc họ bị khinh khi.
Trần Văn Thạch (1905-1945), nhà báo, bị Việt Minh thủ tiêu năm 1945.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét