Trao đổi với hãng tin CNN, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, một hệ thống radar đã phát hiện thấy một tên lửa đất đối không xuất hiện và bám theo chiếc Boeing 777 ngay trước khi máy bay rơi xuống. Một hệ thống radar khác phát hiện thấy dấu hiệu của nhiệt độ cao cùng thời điểm với khi máy bay gặp nạn.
Theo vị quan chức này, Mỹ hiện đang phân tích các dữ liệu để xác định hành động tấn công máy bay được thực hiện từ đâu.
Ông Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, nói trên Facebook rằng, “những kẻ khủng bố” đã bắn hạ máy bay bằng một hệ thống tên lửa đất đối không Buk.
Một quan chức Ukraine cũng nói với CNN rằng, lực lượng nổi dậy ở miền Đông nước này tuyên bố đã bắn hạ “một máy bay” cùng với thời điểm MH17 biến mất khỏi màn hình radar.
Thực chất, thứ gì đã làm máy bay của Malaysia rơi?
Các chuyên gia khẳng định, loại tên lửa vác vai mà các nhóm nổi loạn đôi khi sở hữu nên được loại trừ. “Độ cao hành trình thông thường của một máy bay chở khách dân sự nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa vác vai phổ biến trong tay của quân ly khai ở miền Đông Ukraine”, chuyên gia Nick de Larrigana thuộc hãng nghiên cứu IHS nói.
Ông Rick Francona, một quan chức không quân Mỹ về hưu, hiện là chuyên gia phân tích quân sự của CNN, nhận định, các loại vũ khí vác vai cùng lắm chỉ đạt độ cao 15.000 feet.
“Điều này cho thấy, máy bay có thể đã bị bắn bởi tên lửa đất đối không hoặc không đối không. Tôi nghĩ, phỏng đoán tốt nhất hiện nay là một tên lửa đất đối không”, ông Francona nói.
Sự nghi ngờ đang đổ về hệ thống tên lửa Buk được phát triển dưới thời Liên Xô và được sử dụng trong các lực lượng Nga và Ukraine.
Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi tên lửa Buk với cái tên SA-11. Tướng Mỹ về hưu Kevin Ryan, hiện đang làm trong một dự án về quốc phòng và tình báo thuộc Đại học Harvard, nói, loại tên lửa này thừa khả năng bắn hạ một máy bay ở độ cao 30.000 feet.
Ông Francona thì nói thêm rằng, loại vũ khí như vậy đi với lực lượng của Nga từ cấp sư đoàn. “Bởi thế, quân Nga ở gần biên giới Ukraine có loại vũ khí này”, ông Francona nhận định.
Những khả năng khác bao gồm loại tên lửa S-200 do Nga sản xuất, được quân đội Ukraine sử dụng, và tên lửa S-300 và S-400 của Nga. Hai loại tên lửa sau tương đương với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.
Ông Ryan đánh giá, khó có khả năng quân ly khai thân Nga có trong tay những loại vũ khí tân tiến này và dùng vũ khí đó để bắn hạ máy bay Malaysia. “Cần phải đào tạo nhiều và phối hợp kỹ lưỡng mới có thể bắn được những loại tên lửa này trúng mục tiêu nào đó”, ông Ryan nói.
Thông thường, một hệ thống tên lửa đất đối không bao gồm một xe chỉ huy, một xe radar, một số bệ phóng tự hành, xe chở, và thậm chí xe để chở tên lửa mới tới hệ thống nếu cần thiết.
Chuyên gia Ryan kết luận, nếu MH17 thực sự bị bắn hạ, thì một lực lượng quân sự chuyên nghiệp là “tác giả” gây ra vụ việc - cho dù vô tình hay hữu ý. “Đây không phải là loại vũ khí mà một hai người có thể lôi ra và cứ thế bắn”, ông Ryan đánh giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét