Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Chảy máu tiền


- Nguyễn Thơ sinh

Máu chảy ruột mềm... Câu nói đó thể hiện tình cảm ruột thịt gia đình của văn hóa Việt dựa trên tinh thầnmột giọt máu đào hơn ao nước lã nghiễm nhiên trở thành quen thuộc, ăn vào máu thịt. Từ đó dẫn đến các hệ lụy khác nhau như: Một người làm quan cả họ được nhờ. Hoặc khi đi làm ăn xa, người tha hương bao giờ cũng nghĩ đến người ở nhà, đến những khúc ruột ngàn dặm người thân mình.
Gởi tiền về Việt Nam là thói quen của người Việt sống xa xứ - có lẽ bắt nguồn từ tình cảm gia đình là chính. Cha mẹ đi làm xa thương yêu con theo lẽ thường, nước mắt chảy xuống. Tất nhiên phải gởi tiền về. Người còn trẻ đi làm ăn xa thì nghĩ đến mẹ già như chuối chín cây, nghĩ đến công lao cha già cần lao nuôi mình ngày còn nhỏ. Còn những ai có anh em ở bên nhà gặp hoàn cảnh khó khăn vì tình nghĩa ruột rà đâu thể quay mặt ngó lơ, dầu dì cũng là môi hở, răng lạnh. Ngay như lúc đầu khi gởi tiền về chưa được, những thùng hàng lủ khủ thuốc cảm, xà phòng, dầu gió, vải, kim chỉ... của người Việt tản cư gởi về gần như là một dạng gởi tiền sơ khởi nhất.

Tất nhiên chuyện gởi tiền về cho người thân không có gì là sai quấy. Thoạt mới nghĩ là vậy. Bởi lẽ làm con thì phải sống tròn đạo hiếu. Tình nghĩa anh chị em cùng cha, cùng mẹ thì mình có ăn phải nghĩ đến anh em còn khổ. Nhưng soi cho kỹ, chuyện gởi tiền giúp thân nhân tất nhiên khó tránh những điều lấn cấn. Chuyện đúng sai e khó mà nói hết được. Bởi chín người mười ý. Hơn nữa mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh. Kể cả chuyện không ít suy nghĩ theo kiểu: Gởi tiền về bên đó xây nhà cho oai với lối xóm. Điều này khiến cho câu chuyện càng trở nên phức tạp hơn.
Khổ chủ ở đây là những nước bản xứ bị xuất huyết tiền bởi các di dân đến lập nghiệp rồi mạnh ai nấy gởi tiền về giúp thân nhân. Thôi thì tử Mễ cho đến Lào, Trung quốc cho đến Uganda, rồi Việt Nam... nói chung bất cứ sắc dân nào đến Mỹ định cư, khi có dịp, sẽ ít hoặc nhiều gởi tiền về cho người thân của mình. Vì thế, dù tự hào về một quê hương mới, dù thấy mình may mắn, hãnh diện có được đời sống tiện nghi, vẫn có khá đông di dân tự hào về chuyện mình đã gởi được bao nhiêu tiền về giúp đỡ người thân. Một số khác nhận ra nạn xuất huyết tiền của nước bản xứ nhưng không nhìn thấy trách nhiệm của người ăn quả là cần phải biết rào cây.
Không chỉ những ngày lễ tết người di dân mới gởi tiền về nhà, mỗi lần nghe tin bên nhà gặp nạn là lòng người di dân chạnh lại. Với người Việt mình, nào là bếp cháy cần sửa, mẹ vừa nhập viện gấp, chị gái bị tai nạn xe máy gãy chân, thằng Út con chị Ba vừa nhập học trên thành phố nhà cạn tiền, cô Út lấy chồng... Tình và lý đôi khi thật khó nói cạn. Đứng trước cảnh đó lòng ai chịu cho thấu. Vì vậy bên này cu-li chết mồ, vẫn bấm bụng gởi tiền về nhà. Riết. Người bên nhà lúc chưa hiểu hết chuyện còn nghĩ ở xứ người tiền hái từ trên cây xuống. Nói trắng ra, từ kỹ sư cho đến bác sỹ, người đi làm hãng, kẻ lãnh trợ cấp, ăn food-stamp vẫn có thể gởi tiền về cho người thân.
Cái hay của người di dân là chịu cực. Di dân Việt cũng không là ngoại lệ. Có việc là làm. Đôi khi còn làmover-time, làm hai ba jobs, làm quên chuyện nghỉ ngơi. Họ sống rất tiết kiệm. Họ làm không có thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ. Hơn nữa do hoàn xuất thân, cách người di dân nghỉ ngơi cũng khác, không vung tay xài tiền như dân bản xứ. Vì thế người di dân dễ có cơ hội để dư. Rồi có dư họ sẽ tìm cách gởi tiền giúp thân nhân. Vô hình trung đây là một dạng xuất huyết tiền của nước bản xứ. Ngay cả du học sinh nước ngoài đến các nước phát triển cũng vậy. Mặc dù không được phép đi làm, vậy mà họ vẫn có thể kiếm việc (với giá lương thấp) và do làm việc cật lực nên các du học sinh có thể gởi về cho thân nhân. Tuy số tiền không lớn, nhưng nhiều người gởi sẽ trở thành góp nhiều gió nhỏ thành cơn bão lớn.
Tại các nước phát triển như Mỹ, Úc, hoặc Canada, một trong những nước có nhiều di dân đến định lượng tiền đổ ra nước ngoài không nhỏ. Điều này chúng ta biết rõ và hiểu ngầm tuy không có con số kiểm chứng cụ thể. Khá dễ hiểu là chỉ tại những nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada nền kinh tế với mức sống cao, người dân có cơ hội lãnh trợ cấp, có cơ hội đi làm, mới có thể căn cơ, tiện tặn để gởi về bên nhà.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong năm 2011 toàn cầu có khoảng 215 triệu di dân sống ở nước ngoài với số tiền 372 tỷ Mỹ kim được các di dân này gởi về quê hương. Trước đó vào năm 2010 thì số tiền gởi về cho người nhà chỉ là 332 tỷ (tức đã tăng vọt lên 40 tỷ). Đến năm 2012 thì con số này là 399 tỷ Mỹ kim (nhiều hơn năm 2011 gần 30 tỷ). Ước tính năm 2014 số tiền gởi về cho thân nhân sẽ lên tới 467 tỷ Mỹ kim.
Theo nhận định của Tạp chí Wall Street thì nguồn tiền do kiều bào các nước (trong đó có Việt kiều di dân sống rải rác trên khắp hành tinh) vẫn liên tục ùn ùn đổ về quê hương, nguyên văn tạp chí này ghi lại:Migrants cash keeps flowing home, cho thấy nguồn kiều hối chủ yếu giúp nền kinh tế của các nước đang phát triển qua dạng tiền gởi giúp thân nhân (remittance).
Ta hỏi: Vậy chứ người sống định cư nước ngoài ci kóp rồi gởi tiền về cho quê hương nghĩ gì? Tất nhiên lúc đầu chuyện gởi tiền là chuyện phải làm. Dầu sao cũng là máu chảy ruột mềm. Nhưng rồi người ta chợt nghĩ lại. Không ít đã nhận thấy việc gởi tiền giúp thân nhân không hề có lợi cho cộng đồng sở tại nơi mình đang sống vì lượng tiền cứ tiếp tục thất thoát.
Nói đến những số tiền bạc tỷ xuất huyết (tính bằng đồng Mỹ kim) người ta mới thấy đáng ngại. Kể cả chuyện gởi không nhiều. Nhưng gởi chỗ này vài trăm, chỗ kia ít ngàn, do nhiều người gởi sẽ hóa thành con số lớn. Hơn nữa nếu nhìn kỹ, ta thấy sự khác biệt giữa (1) làm được 100 đô-la và (2) để dành được100 đồng là hai chuyện hoàn toán khác hẳn. Trong sản xuất kinh doanh, nếu tổng sản lượng quốc nội GPD làm lợi được 1 tỷ đô-la cần phải đổ ra biết bao nhiêu công sức mới có được chứ không hề dễ dàng. Đặt trường hợp làm ăn thua lỗ, chuyện kiếm được một tỷ Mỹ kim càng khó khăn hơn.
Với các nước có lượng công dân định cư nước ngoài lớn như Việt Nam thông qua các nguồn kiều hối từ (a) xuất cảnh định cư, (b) xuất khẩu lao động, hoặc (c) du học sinh thì lượng kiều hối phải nói là không hề nhỏ. Ông Nguyễn Minh Hoàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tại Sài Gòn ước tính số kiều hối gởi về Việt Nam khoảng 12 tỷ Mỹ kim, song vì kinh tế toàn cầu gặp những khủng hoảng lớn nên đến cuối năm 2012 tổng kết lại số kiều hối vẫn lên tới gần 9.5 tỷ Mỹ kim. Ông Hoàng cho biết tỷ lệ kiều hối đổ về Sài Gòn thường chiếm hơn 40% số kiều hối đổ về Việt Nam. Tất nhiên số kiều hối này được gởi về bên nhà qua nhiều dạng khác nhau như đầu tư các dự án làm ăn hoặc để giúp thân nhân. Dầu vậy tiền ở dạng nào cũng là tiền; và đây lượng kiều hối rất đáng kể đối với Việt Nam.

Theo ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (thuộc Bộ Lao Động Thương binh Xã hội) lượng người xuất khẩu lao động có giảm bớt. Năm 2012 Việt Nam có khoảng 80.000 nhân công xuất khẩu lao động so với dự tính là 90.000. Tuy nhiên lượng kiều hối của nhóm này gởi về không suy giảm. Nhân công xuất khẩu lao động của Việt Nam gởi tiền mạnh nhất từ các nước như Đài Loan, Nhật Bản, sau đó là Malaysia, Hàn quốc...
Vậy đó. Đồng tiền luân chuyển từ nước giàu qua nước nghèo do di dân (định cư dài hạn hoặc xuất khẩu lao động) giúp người thân qua lối suy nghĩ máu chảy ruột mềm đã góp phần tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với các vận hành kinh tế trên nhiều bình diện. Tỷ như ở Mỹ, nếu tất cả những di dân đến sống ở Mỹ (từ người Mễ cho đến tất cả những sắc dân khác) không gởi tiền về giúp thân nhân một cách ồ ạt, liệu điều này có ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế nội địa Mỹ? Hoặc nền kinh tế của những nước đang phát triển nếu không có nguồn kiều hối sẽ như thế nào? Rồi chuyện gởi tiền giúp người thân đúng hay sai? Nên hay không? Gởi nhiều hay ít... Phải chăng đó là những câu hỏi chỉ riêng mỗi cá nhân mới có thể trả lời được vì đơn giản chỉ có họ mới là người nằm trong cuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét