Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Một giai thoại giải phóng


Normandie
Hôm thứ Sáu 22 tháng Ba, trong chuyến công du Do Thái, Tổng thống Obama được nghe một giai thoại cảm động về chiến công của quân đội Mỹ 68 năm trước. Người kể lại giai thoại này là tu sĩ Rabbi Lau. Câu chuyện dài khoảng 15 phút, kể xong ông Lau bảo ông Obama, “Binh Đoàn 3 Hoa Kỳ không giải phóng chúng tôi ra khỏi kiếp nô lệ, họ giải phóng chúng tôi ra khỏi lưỡi hái tử thần”.
Rabbi Lau, kể lại chuyện tiếp xúc tù nhân trại tử thần Buchenwald với Tổng thống Obama
Binh Đoàn 3 ngày đó –ngày 11 tháng Tư 1945– đang ào ạt tiến quân, tái chiếm Âu Châu, sau khi đổ bộ lên bờ biển Normandie của Pháp. Đại tướng George Patton, Tư lệnh Binh Đoàn, sử dụng chiến thuật thần tốc, xua chiến xa tiến với tốc độ hàng trăm dặm mỗi ngày trên 2 trục hành quân; ông chỉ nhắm đánh những đại đơn vị của Đức, bỏ lại sau lưng nhiều đơn vị nhỏ Đức Quốc Xã còn nguyên vẹn chưa rút kịp, mà cũng không có cơ hội để đầu hàng.
Tu sĩ Lau hãnh diện nói, “Tướng Patton tiến nhanh như vậy, nhưng vẫn chưa nhanh bằng Rabbi Schacter”.Rabbi là danh xưng của những tu sĩ Do Thái Giáo, và rabbi Schacter là một sĩ quan tuyên úy trong quân đội Hoa Kỳ.
Ngày 11/4/1945, Binh Đoàn 3 Hoa Kỳ tiến đánh Weimar, một thành phố Đức, nổi tiếng là quê hương của văn nghệ với những tư tưởng gia, những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Goethe, Schiller, Franz Liszt, và Bach; nhưng Weimar cũng có vết nhơ lịch sử, khi bị sử dụng như chỗ xây lò giết người và đốt xác Buchenwald, địa điểm quân Đức đã sát hại trên 56,000 người Do Thái.
Không có nhiều khác biệt giữa cuộc sống và cái chết tại trại tử thần Buchenwald
Binh Đoàn 3 vừa đến Weimar, tu sĩ Schacter đã một mình với một người lính tài xế, lái chiếc Jeep đến thẳng trại sát sinh Buchenwald. Chiếc xe xả hết tốc độ, và trưa hôm đó Schacter đến cổng trại giam, vừa được một tiểu đoàn thiết kỵ Hoa Kỳ giải phóng.
Schacter không gặp một người Đức nào cả, đơn vị Đức phụ trách trại tử thần đã tự động tan hàng, bọn cai tù, bọn chuyên viên sử dụng lò đốt người lẩn trốn vào khối cư dân Weimar, mặc dù khói từ lò đốt xác vẫn phảng phất trong không gian và mùi thịt người nướng vẫn nồng nặc.
Schacter bảo một trung úy Mỹ, “Tôi muốn gặp những tù nhân Do Thái”. Mở cổng trại tử thần, viên trung úy lịch sự bảo ông, “Xin mời tuyên úy cứ tự nhiên vào thẳng trong trại; đơn vị địch đã bỏ chạy hết rồi”.
Anh trung úy kỵ binh hướng dẫn Schacter vào trại Kleine Lager, cũng còn được tù nhân gọi là trại nhỏ, một bộ phận của trại lớn Buchenwald. Vài ngàn tù nhân vẫn nằm dài trên những dãy giường 4 tầng chờ chết.
Schacter vào từng phòng, thét lên, “Người Do Thái chúng ta đã được giải phóng, xin mời mọi người đứng dậy đi về nhà”. Trong lúc di chuyển từ dãy nhà giam này sang dãy nhà giam khác, Schacter nhận ra một đứa bé, núp sau một đống xác người, nhìn mình bằng ánh mắt quan sát và thù ghét.
Kéo thằng bé ra khỏi chỗ trốn, ông hỏi nó, “Bé tên gì?”
“Lulek, người tù mang số 17030,” thằng bé dạn dĩ đáp.
“Cháu mấy tuổi?”
“Cháu lớn rồi, không ngủ nhè như ông nữa. Ông khóc đó rồi lại cười đó”.
Rabbi Schacter tìm ra gần một ngàn đứa bé “già hơn tuổi”, chai lì trước đói khổ và chết chóc, mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Sau này ông tổ chức đưa chúng sang nhiều quốc gia Âu Châu, và về Palestine, cố hương lịch sử của người Do Thái. Nhưng ngay lúc đó, ông vào Đại Giảng Đường của nhà giam để thông báo tin chiến sự với những người còn tương đối khỏe mạnh đã kéo vào đó, ngồi chờ ông.
Người Do Thái nằm chờ chết, thì Schacter bảo họ là họ đã được giải phóng
Sau này, lớn lên Lulek đi tu, đổi tên thành Rabbi Lau, và viết hồi ký – quyển Out of the Depths (Vượt Cổng Địa Ngục) – kể lại chuyện ông gặp gỡ Schacter.
Thế Chiến Thứ Nhì chấm dứt, tuyên úy Schacter giải ngũ với cấp bậc đại úy. Là người Mỹ gốc Do Thái, ông chào đời tại Brooklyn ngày 10 tháng Mười 1917, học tại Yeshiva University, Nữu Ước đến bậc cử nhân, rồi đi tu, sống trong tu viện được một năm, ông nhập ngũ.
Kể lại chuyện thằng bé Lulek, rabbi Schacter thường nói, “Nếu bố tôi không nhanh chân xuống tàu đi Mỹ, tôi đã ở vào chỗ thằng bé cang cường Luled”.
Schacter sống với bọn trẻ mồ côi Do Thái trong suốt một năm rồi mới về Mỹ nhậm chức lãnh đạo tinh thần cho trung tâm Mosholu Jewish Center, một tổ chức Do Thái Giáo tại Nữu Ước, từ năm 1947 đến năm 1999.
Schacter lãnh đạo nhiều tổ chức tôn giáo của người Mỹ gốc Do Thái, và từng là cố vấn cho Tổng thống Richard Nixon về những vấn đề Do Thái.
Hôm thứ Sáu 22 tháng Ba, Rabbi Lau cám ơn Tổng thống Obama về việc 68 năm trước, đại úy tuyên úy Schacter đã giải phóng ông và vài ngàn tù nhân; 4 ngày sau, thứ Hai 25/3, một phóng viên tờ The New York Times bảo ông là ông Schacter đã từ trần một ngày trước ngày được Lau cảm ơn.
Ông Lau trả lời anh phóng viên, “Rabbi Schacter không bao giờ chết; ông ta sống mãi trong ký ức của tôi, đối với tôi, ông vẫn mặc bộ quân phục mà tôi không ghét”.

95 tuổi, Rabbi Schacter từ trần hôm thứ Năm, 21 tháng Ba 2013
Trong quyển hồi ký Vượt Cổng Địa Ngục, Rabbi Lau viết, “Lớn lên trong hỏa ngục Buchenwald, tôi ghét mọi bộ quân phục, từ quân phục của quân đội Đức đến đồng phục của bọn công an, bọn chính trị viên SS”.
Mặc dù trả một giá rất đắt tại trại đốt xác người Buchenwald, tu sĩ Lau chỉ học được một góc bài học Vượt Cổng Địa Ngục – cái góc thù hận, góc Do Thái trong thảm kịch Thế Chiến Thứ Nhì; Buchenwald dạy ông yêu thương người Do Thái, yêu thương và biết ơn người Mỹ. Nhưng những đống xác người ngày ngày bị chuồi vào lò nướng, không mở cho ông góc nhìn nhân đạo vô cùng cần thiết cho người đi tu.
Ông đang yểm trợ chính sách người Do Thái xâm lược lãnh thổ Palestine, như 70 năm trước người Đức xâm lược Âu Châu.
Nguyễn đạt Thịnh


Mướn người đánh giặc

Syria-conflict-demands
Hai chữ proxy war dịch là trận giặc đánh mướn có thể tạm coi như sát nghĩa nhưng không nói lên được tính chất cay đắng, hận tủi, của người bị gọi là kẻ đánh giặc mướn.
Trận chiến tranh nổi dậy tại Syria đang trở thành một proxy war, với 160 chuyến bay vận tải quân sự do các phi công Jordan, Saudi và Qatari điều khiển đáp xuống phi trường Esenboga và những phi trường khác của Turkey – quốc gia có một đường biên giới dài vài trăm dặm với Syria. Những chuyến bay này đưa vũ khí vào Syria giúp quân nổi dậy. Đứng sau cuộc tiếp vận vũ khí là CIA, và mọi phí tổn đều được trang trải bằng Mỹ kim trong ngân khoản “Mỹ Quốc Viện Trợ”.

Tổng thống Mỹ âm thầm bỏ rơi chính sách thận trọng, chỉ giúp quân nổi dậy Syria bằng thực phẩm, thuốc men, và nhu yếu phẩm, chứ không giúp vũ khí, nhất là loại vũ khí phòng không, và chống thiết giáp. Obama không muốn những khẩu súng Mỹ – trong giả thuyết lọt vào tay những phần tử Ả Rập chống Mỹ – sẽ được sử dụng để bắn những chuyến bay dân sự Mỹ đáp xuống các phi trường Ả Rập.
Quyết định tiếp viện vũ khí cho quân nổi dậy Syria đến từ việc quân đội Bashar al-Assad tận dụng không quân tấn công quân nổi dậy; quyết định này cũng đến từ áp lực của những chính khách Cộng Hòa Hoa Kỳ, và từ chính phủ Do Thái.
Cuộc tiếp vận khởi diễn từ đầu năm 2012 với mức độ nhỏ, mức độ này gia tăng từ 6 tháng nay, và ông Obama – vị tổng thống từng đoạt giải Nobel Hòa Bình – đang bị cuốn vào chiến tranh, dù Hoa Kỳ không gửi quân nhân Mỹ đến cố vấn giúp quân nổi dậy.
Tại Syria, Hoa Kỳ tham chiến với khoảng cách xa chiến trường hơn khoảng cách giữa họ và chiến trường Việt Nam hay chiến trường Triều Tiên; CIA đặt nhiều văn phòng bí mật tại những quốc gia Trung Đông thân Mỹ để thực hiện vai trò “tư vấn”.
Một viên chức Hoa Kỳ ẩn danh tiết lộ việc CIA “giúp” các chính phủ Ả Rập mua vũ khí – phần lớn mua từ Croatia, một nước Âu Châu nhỏ với 4 triệu dân sinh sống trên 1 ngàn hòn đảo li ti trên biển Địa Trung Hải. Giai đoạn kế tiếp CIA giúp các chính phủ này mướn máy bay chở vũ khí đến các phi trường Thổ Nhĩ Kỳ; dỡ hàng xuống xe trucks để đưa ra biên giới Thổ-Syria. CIA còn giúp các lãnh tụ kháng chiến quyết định phân phối vũ khí cho những thành phần tuyển chọn trong nhiều thành phần của quân nổi dậy. CIA từ chối không trả lời truyền thông về những hoạt động này.
Khối Hồi Giáo Sunni được Hoa Kỳ chọn để giúp việc chuyển vận vũ khí cho quân nổi dậy; ngoại trưởng John Kerry thúc đẩy Iraq không cho không lực Iran bay qua không phận của họ trong những chuyến bay tiếp tế cho quân chính phủ Syria.
Nhiều thành viên quốc hội lên tiếng bênh vực chính sách cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy để cân bằng với số vũ khí quân chính phủ Syria nhận được của Nga qua sự chuyển tiếp của Iran.
Từ sau cuộc tuyển cử tháng 11 năm ngoái, những chuyến bay tiếp tế vũ khí cho quân nổi dậy gia tăng đến mức đáng kể. Ngoài yếu tố tuyển cử, một nguyên nhân khác làm thái độ nhập cuộc của Hoa Kỳ trở thành rõ rệt hơn là tiết đông giá lạnh của Syria khiến nỗi cay cực của những người Syria tị nạn trong các trại tạm trú trên biên giới trở thành khốn khổ hơn, trong lúc giao tranh mỗi ngày một khốc liệt hơn, nhưng quân nổi dậy chỉ đạt được những thắng lợi không đủ lớn để tạo tình trạng ngã ngũ.
Chính phủ Thổ đắc lực trong vai trò gạch nối – chuyên chở vũ khí đến biên giới Thổ-Syria. Ông Hugh Griffiths, thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình tại Stockholm, nhận định, “Tối thiểu cũng đã có đến 3,500 tấn quân nhu, vũ khí được đưa vào Syria. Khối lượng quan trọng và nhịp độ đều đặn này nói lên tầm vóc của cuộc chiến tranh proxy, và bộ máy tiếp vận từ bên ngoài nuôi dưỡng chiến tranh”.
Trước 2013, Hoa Kỳ vẫn giúp quân nổi dậy qua 2 quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ là Qatar và Saudi Arabia. Việc Thổ nhập cuộc giúp đường tiếp vận trở thành công khai và quy mô hơn. Hệ thống tiếp vận cho quân nổi dậy được nhiều người mệnh danh là một bí mật mà ai cũng biết.
Một số lãnh tụ nổi dậy không hài lòng với hoạt động tiếp vận này; họ chê là số lượng quá ít và phẩm chất lại không gồm những loại súng cao xạ và chống chiến xa mà họ rất cần để chống cự với những cuộc tấn công của quân chính phủ.
Abdel Rahman Ayachi, chỉ huy nhóm nổi dậy tại Soquor al-Sham, vùng Bắc Syria, trình bày, “Những nước ngoài giúp chúng tôi rất nhỏ giọt, họ đếm từng khẩu súng, từng viên đạn”.
Hai chỉ huy trưởng khác của quân nổi dậy – ông Hassan Aboud và ông Abu Ayman – chỉ trích hoạt động tiếp vận qua một góc cạnh khác: góc chọn người trao súng. Hai lãnh tụ kháng chiến này nói, “Họ không võ trang cho những người đang chiến đấu chống Al Assad, mà lại trao súng cho những người không thực sự chiến đấu; không cần súng, những người này đem súng bán lại cho chúng tôi”.
Một cựu viên chức Mỹ giải thích là số súng, đạn tiếp tế tương đối quan trọng, nhưng mỗi tuần quân nổi dậy sử dụng đến hàng triệu viên đạn; viên chức này cho biết, trước khi từ chức, tướng David H. Petraeus, đã tạo dựng kế hoạch tiếp tế cho quân nổi dậy Syria. Petraeus không trả lời nhiều email của truyền thông yêu cầu ông nhận định về tình hình Syria.
Phát ngôn viên Bạch Cung, ông Jay Carney, xác nhận Tổng thống Obama thường xuyên theo dõi cuộc chiến Syria.

Ê càng với 2 cuộc chiến tranh vô bổ và tốn kém tại Trung Đông, người Mỹ muốn giới hạn tối đa việc Hoa Kỳ liên hệ đến một cuộc chiến tranh khác tại vùng này. Họ muốn để mặc người Syrian và những người Ả Rập khác giải quyết mọi bất đồng nội bộ của Hồi Giáo. Nhưng rõ ràng thế “đứng ngoài” không nằm trong những lựa chọn Hoa Kỳ có trong tay. Nếu họ không nhập cuộc, Nga vẫn can thiệp vào chiến tranh Syria, khiến al-Assad chiến thắng, đè bẹp lực lượng nổi dậy.
Sau đó, 18 triệu người Syrian sẽ bị giết, bị giam giữ, bị tra khảo, rồi chịu cảnh đói, nghèo, không phải vì họ phạm tội gì mà vì họ khác tín ngưỡng với 2.6 triệu người Syrian theo đạo Alawites.
Trước tình cảnh này, khoanh tay đứng nhìn là thái độ vô trách nhiệm, không xứng đáng với người Mỹ, vốn hào hiệp và có đạo đức chính trị. Nhưng nhập cuộc lại là tham gia vào một cuộc chiến tranh đánh mướn.
Người Việt Nam chúng ta không trách người Mỹ tham gia vào chiến tranh Việt Nam, không tự coi mình là đánh giặc mướn cho người Mỹ. Chúng ta ý thức được chiến tranh Việt Nam là chiến tranh của chúng ta; chúng ta cầm súng để bảo vệ miền Nam Việt Nam, bảo vệ chủ nghĩa tự do dân chủ mà chúng ta yêu thương.
Nhưng chúng ta trách họ về việc họ phản bội lý tưởng tự do, phản bội chúng ta, những người đồng minh của họ trong lúc họ rút bỏ Việt Nam.
Cuối tuần vừa rồi, một sĩ quan cao cấp của binh chủng nhẩy dù từ một tiểu bang khác đến Houston thăm tôi; trong lúc đàm đạo nhắc lại những trận giao tranh bốn, năm chục năm trước, anh ngậm ngùi bảo tôi, “Bắn ra một quả đại bác, phải giữ vỏ đạn lại để đổi quả đạn mới, thật là đáng trách thái độ của người Mỹ 'cúp đạn để giết bạn'”.
Tôi cũng đã viết nhiều về chính sách phản Việt Nam của chính phủ Mỹ; tuy nhiên tôi muốn tách bạch trình bày thêm là chỉ nhờ vào sự yểm trợ của 2 cường quốc Cộng Sản Nga và Tàu dồi dào hơn, kéo dài lâu hơn mà Việt Cộng thắng trận, và chính sách của Mỹ, cúp đạn, cúp nhiên liệu là dụng ý trói gô Nam Việt và quân đội VNCH lại dâng cho Việt Cộng, kẻ thù chung của người lính Mỹ và người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Như vậy thì ưu tư Tổng thống Obama cần có, không phải là quyết định “mướn hay không mướn” người Syrian đánh trận giặc Syria, trận giặc mà người Syrian đang đánh -dù có hay không có “Mỹ Quốc Viện Trợ”.
Ưu tư ông cần cân nhắc là làm cách nào người kế vị ông không tháo chạy vô trách nhiệm như những người tiền nhiệm của ông đã làm tại chiến trường Việt Nam.

Nguyễn đạt Thịnh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét