Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Mặt hàng xuất cảng mới của Tàu Chệt


Lý Anh

Mặt hàng xuất cảng mới:
Bành Lệ Viện, Đệ nhất Phu nhân made in China

Ngày 14/03/2013, Tập Cận Bình được Quốc hội bù nhìn Trung Cộng bầu làm Chủ tịch Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa thay thế Hồ Cẩm Đào, vợ ông ta là Bành Lệ Viện đương nhiên trở thành Đệ nhất Phu nhân.
Từ năm 1949, Mao Trạch Đông kiêm nhiệm 2 chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng. Thời gian này, Mao đề ra một số chủ trương ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, ĐCSTQ đề nghị giao chức Chủ tịch cho Lưu Thiếu Kỳ. Năm 1963, Lưu Thiếu Kỳ lấy tư cách Chủ tịch Trung Quốc đi thăm 4 nước Indonesia, Miến Điện, Cambodia và Việt Nam, người vợ thứ 6 của ông là bà Vương Quang Mỹ cũng đi theo. Lần
đầu tiên Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc xuất hiện. Chỉ vài năm sau, Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng văn hóa vô sản, tay chân của Mao phê phán Lưu Thiếu Kỳ đi thăm các nước đưa vợ đi theo là “tư tưởng tư sản”, a dua theo các nước phương Tây. Từ đó địa vị của chủ tịch Trung Quốc khi có khi không, vai trò Đệ nhất Phu nhân càng không được chú ý đến. Thời kỳ cuối của cuộc Cách mạng văn hóa giết chết vài ba triệu người, Giang Thanh, người vợ thứ tư của Mao Trạch Đông, dựa vào uy thế của chồng, cấu kết với Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, hình thành nhóm Tứ Nhân Bang tước đoạt quyền lãnh đạo của ĐCSTQ. Năm 1976 nhóm này bị đánh bại. Ngày 25/01/1981, Tòa án đặc biệt kết án tử hình Giang Thanh, nhưng được tạm hoãn, cuối cùng bà ta chết ở trong nhà tù.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, ĐCSTQ chủ trương người đứng đầu đảng kiêm luôn 3 chức vụ Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Thời gian này, Trung Quốc ngày càng quan hệ rộng rãi với các nước trên thế giới, vị trí Chủ tịch nước bắt đầu nổi bật, khiến cho cộng đồng quốc tế nghĩ đến vai trò Đệ nhất Phu nhân. Khi Giang Trạch Dân làm Chủ tịch, vợ ông ta là Vương Trị Bình được mọi người chú ý đến. Tuy nhiên, bà này là người mắc nhiều chứng bệnh, sức khỏe không tốt, tính tình lại thầm lặng, một số người dân trong nước gọi là “Vú già”, thế giới bên ngoài gọi là “Phu nhân thầm lặng”.
Đến thời Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch TQ, vợ ông ta là Lưu Vĩnh Thanh cũng ít khi xuất hiện. Lưu Vĩnh Thanh từng theo Hồ Cẩm Đào công du thế giới vài ba lần, nhưng Trung Quốc không đề cao địa vị của bà, truyền thông Trung Quốc không dám nói tới, hình ảnh Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc không được cộng đồng quốc tế chú ý đến. Điều này đã khiến một số dân Tàu cảm thấy thất vọng và suy nghĩ: “Vợ chủ tịch Trung Quốc quá quê mùa”.
Sau khi Tập Cận Bình được cử là Chủ tịch Trung Quốc, vợ ông là Bành Lệ Viện, một ca sĩ quân đội nổi tiếng với quân hàm thiếu tướng, từng nhiều lần ra ngoại quốc trình diễn, được khán giả ngoại quốc ca ngợi. Đặc biệt, từ năm 2011, Bành Lệ Viện lại được cử làm Đại sứ Thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh lao và AIDS. Công việc này đòi hỏi bà ta phải giao tiếp với chính phủ các nước, nên có cơ hội tiếp xúc với các chính khách nổi tiếng thế giới. Vì vậy, khi bà ta trở thành Đệ nhất Phu nhân nhiều người Hoa kỳ vọng bà sẽ trở thành một Đệ nhất Phu nhân dùng “sức mạnh mềm” hỗ trợ CT Tập Cận Bình như Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama từng góp phần vào việc nâng cao hình ảnh của TT Obama.
Mang theo Đệ nhất Phu nhân khi xuất ngoại để tăng thêm hình ảnh của chồng là việc đã được các Tổng Thống Hoa Kỳ thực hiện từ rất lâu. Từ J.F. Kennedy đến B. Obama, vai trò của Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ luôn nổi bật. Sau khi được bầu làm Chủ tịch, Tập Cận Bình bắt đầu nghĩ đến việc – và có điều kiện để, thực hiện chiêu này. Ông ta nhận ra rằng, Trung Quốc phải tìm các cách thức mới để kết bạn với bên ngoài trong bối cảnh hình ảnh của nước Tàu ngày càng lu mờ vì một loạt vấn đề. Ông cũng phá vỡ truyền thống giữ mọi thông tin liên quan đến cuộc sống cá nhân lãnh tụ như một bí mật quốc gia. Báo chí Trung Quốc gần đây cũng đã ra sức trình bày cuộc sống gia đình của ông Tập Cận Bình như hình ảnh ông đi xe đạp cùng con gái, mang theo các dụng cụ lao động lỉnh kỉnh hay chuyện tình lãng mạn giữa ông và bà Bành Lệ Viện...

Dư luận về chuyến công du đầu tiên
của Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viện
Ngày 20/03, trong cuộc họp báo với sự có mặt của ký giả trong và ngoài nước, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho biết, ngày 22/03, CT Tập Cận Bình bắt đầu thực hiện chuyến công du đầu tiên qua Cộng hòa Nga, và 3 nước Châu Phi: Tanzania, Nam Phi, Congo. Bành Lệ Viện, người vợ thứ 2 của Tập Cận Bình cũng đi theo. Khi tin này loan ra, dư luận người dân cũng như báo chí trong và ngoài nước đánh giá là Bành Lệ Viện sẽ xuất hiện hết sức quyến rũ bên cạnh CT Tập Cận Bình như một biểu tượng “Quyền lực mềm” (Soft power) của Trung Quốc.
Sau khi Đài Truyền hình Trung ương TQ (CCTV) phát sóng hình ảnh Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại sân bay Moscow, những bình luận ca ngợi về phong thái, ngoại hình, trang điểm cũng như phục sức của bà đã tràn ngập trên mạng xã hội Weibo, một dạng Twitter của TQ, cho thấy kết quả của quá trình tuyên truyền xây dựng lòng ái quốc cực đoan của TQ trong dân chúng.
Một số dân mạng đã ca ngợi Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viện bằng như câu: “Tuyệt... không còn gì hơn để nói”“Vẻ đẹp thật là tự nhiên, bà ấy sẽ được đón nhận nồng nhiệt”“Bà ấy là Đệ nhất Phu nhân đẹp nhất lịch sử nước nhà!”.
Tờ Shanghai Daily cho hay, “Trên trang mua sắm trực tuyến nổi tiếng, bản sao của chiếc áo và chiếc túi xách Đệ nhất Phu nhân dùng khi đến Moscow cũng được rao bán và rất nhiều người đặt mua”.
Tuy nhiên báo chí ngoại quốc, đặc biệt là phương Tây cũng đã tốn khá nhiều giấy và trang mạng viết về Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viện. Lý do là “đây là chuyện mới”. Trước nay, thông tin về các chuyến đi của các lãnh tụ Trung Cộng thường quá khô khan. Trong vài chục năm qua, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã để lại cho nhiều người ấn tượng khô khan từ ăn mặc, đến phát biểu, dáng điệu của họ không khác gì nhau, nhất là lại thiếu không có hình ảnh của một phụ nữ tô điểm hình bóng các ông. Nay, ở TQ đã có một nhà lãnh đạo tác phong hoàn toàn khác Giang và Hồ. Truyền thông Quốc doanh Trung Quốc cũng “phá lệ” khi hé lộ những hình ảnh về cuộc sống gia đình và đời thường của vị lãnh đạo này. Dân chúng Trung Quốc và thế giới có thể nhìn thấy những hình ảnh trước đây chưa hề thấy.
Bill Ide, ký giả đài Tiếng nói Hoa Kỳ, giới thiệu về Bành Lệ Viên với người nghe và người đọc của VOA, rằng tại Trung Quốc, Đệ nhất Phu nhân cũng nổi tiếng từ lâu như người chồng. Bà là một ca sĩ dân ca nổi tiếng trong nước và đang là một Đại sứ Thiện chí của Tổ Chức Y Tế Thế Giới vì bệnh AIDS. Tin bà tháp tùng phu quân trong chuyến đi này đã lôi cuốn sự chú ý rộng rãi trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, nơi có kỳ vọng cao về khả năng của bà giúp nâng cao hình ảnh của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế. Khi Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viện và CT Tập Cận Bình đến Cộng hòa Nga, Tanzania, Nam Phi, và Cộng Hòa Dân Chủ Congo, mọi người xem là cơ hội đầu tiên gây ấn tượng về một nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc trước công chúng nước ngoài.
Ký giả Bill Ide còn trích dẫn một số lời phát biểu của các học giả Trung Quốc nói về chuyến xuất ngoại đầu tiên của Bành Lệ Viện trong tư cách là First Lady của TQ: Bà Chung Hinh, giáo sư môn báo chí Trường Đại Học Nhân Dân nói, bản thân bà có kỳ vọng cao đối với Bành Lệ Viện trong việc giúp Tập Cận Bình chuyển đi hình ảnh “thân thiện” của TQ. Giáo sư Chung nói: “Bà Bành đẹp và được nhiều người hâm mộ với lý do đây là lần đầu tiên xuất hiện trong vai trò một Đệ nhất Phu nhân với một ảnh hưởng tốt đẹp. Tôi tin rằng tân Đệ nhất Phu nhân sẽ không chỉ tạo ra hình ảnh đẹp đẽ cho bản thân bà, còn tạo ra hình ảnh tốt đẹp cho Chủ tịch Tập Cận Bình và cả Trung Quốc”.
Giáo sư Chung Hinh cho biết, Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viện sẽ tham gia một số hoạt động trước công chúng cùng với các đệ nhất phu nhân khác. Một số tin tức báo chí nói rằng thậm chí bà có thể đọc một bài diễn văn trong Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm BRICS vào tuần tới. Giáo sư Chung còn nói rằng một sự kiện nổi bật cho một Đệ nhất Phu nhân như vậy là một chuyện khác xa đối với trước đây vì Trung Quốc không có truyền thống Đệ nhất Phu nhân đi theo chồng như các nước Phương Tây.
Ngày 24/03, ký giả thường trú ở Bắc Kinh của tờ NewYork Times cũng viết rằng hiện nay Trung Quốc đang cần có một nhân vật biểu tượng, Bành Lệ Viện vừa xuất hiện trong vai trò một Đệ nhất Phu nhân, chính là điều họ mong mỏi. Đa số dân Tàu đã trầm trồ: “Rốt cục họ đã có một Đệ nhất Phu nhân vô cùng xứng đáng”. Một người bình luận trên trang mạng Sina Weibo: “Trung Quốc đang phát sốt vì sự duyên dáng của Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ Viện”. Khi đến sân bay Moscow, Bành Lệ Viện một tay cầm chiếc túi xách, mặc chiếc áo khoác ngoài xanh đậm chít eo, đã bước xuống cầu thang chiếc máy bay Air China một cách tự nhiên bên cạnh chồng. Có lúc bà còn nắm lấy tay ông. Đó là cử chỉ hiếm thấy nơi công cộng đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hình ảnh đó càng khiến cho nhiều người tin vào sự thành công của bà trong cương vị Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc.
Theo giới quan sát, tại Cộng hòa Nga, Đệ nhất Phu nhân TQ đã làm rất tốt công việc thu hút thiện cảm của người dân trong và ngoài nước đối với CT Tập Cận Bình. Bà đã xây dựng một hình mẫu khác hẳn so với các đệ nhất phu nhân trước, những người hầu như “vô hình” ở trong nước và không thu hút sự chú ý mỗi khi tháp tùng chồng công du nước ngoài. Có thể nói sự xuất hiện lần đầu tiên của bà Bành với tư cách Đệ nhất Phu nhân TQ đã thu hút sự chú ý ngang bằng những bình luận về sự can thiệp của Trung Quốc để có được những thoả thuận dầu khí với Cộng hòa Nga. Bà đã thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông ngay khi đặt chân đến Nga ngày 22/03.
Tuy rõ ràng là còn quá sớm, nhưng đã có khá nhiều người - nhất là người Hoa, đã dámbảo rằng Bành Lệ Viên có thể trở thành một Đệ nhất Phu nhân theo kiểu phương Tây, cỡ Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama chứ không kém hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét