Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Chọn đường

Ngô Minh
Chia sẻ bài viết này
Có lần xem VTV6, chuyên mục “Sinh ra từ làng”, tôi thấy ạnh Đoàn Kim Sơn tìm đường làm ăn khắp nơi ở miền Nam, làm qua nhiều nghề nhưng đều thất bại. Sau đó anh về quê nghiên cứu và quyết định về làng mình nuôi lươn xuất khẩu, thế mà trúng to. Bây giờ lươn xuất khẩu của anh đã thành thương hiệu. Anh còn bày cho bà con trong làng cùng làm giàu. Từ chuyện làm ăn của một người, một gia đình, ta nghĩ đến chuyện chọn đường làm ăn của một làng, một nước. Chọn đường không chỉ một lần duy nhất mà chọn sai thì phải chọn lại. Cuộc sống là vậy.
Chuyện thế giới hơn 200 quốc gia, lớn có bé có, tại sao có quốc gia lại giàu sụ, dân luôn ấm no, tự do sung sướng, trong khi có quốc gia lại nghèo, đói rách lầm than, dân không đủ lương thực mà ăn, lại bị áp bức không ngẩng mặt lên được ?. Tại sao vậy? Tôi nghĩ do cách CHỌN CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN. Nhật Bản là nước rất nghèo về tài nguyên, dân số thì đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh thế giới 2, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954) phát triển cao độ (1955-1973) làm thế giới phải kinh ngạc. Người ta gọi đó là "Thần kì Nhật Bản". Hiện nay, Nhật Bản cường quốc kinh tế thế giới , nền kinh tế lớn đứng thứ ba trên thế giới, GDP trên đầu người là 36.218 USD (1989). Hàn Quốc, trước năm 1960 cũng nghèo đói, bây giờ kinh tế Hàn Quốc phát triển với tốc độ phi thường, đến giữa thập niên 1980 đã trở thành một trong những nước công nghiệp hóa mới (NICs). Năm 2004 GDP của Hàn Quốc là 680 tỉ USD đứng thứ 12 trên thế giới.
Cùng trong khối ASEAN với Việt Nam, là Singapore, diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc, tài nguyên không có gì, nhờ chọn đường làm ăn đúng đắn, mà đến nay, Đảo Quốc này là nước giàu nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Singapore 56.532 USD vào năm 2010 tính theo đồng giá sức mua (PPP), cao nhất trên thế giới. GDP bình quân đầu người tính theo PPP của Nauy là 51.226 USD, của Mỹ là 45.511 USD, còn của Hồng Kông là 45.301 USD. Đó là chưa nói đến cuộc sống thiên đường của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan.v.v.. Tổ chức ASEAN có 10 quốc gia là thành viên. So sánh thu nhập bình quân đầu người ( GDP) năm 2010, thì Việt Nam bằng ½ Indonexia, 1/7 Malaixia, ½ Philipine, 1/25 Brunay, 1/36 Singapore. So với nước láng giềng TháiLan, 1980 Việt Nam chỉ kém Thái Lan rất ít, 74% tức xấp xỉ 3/4 Thái Lan thôi, nhưng đến nay, năm 2012 Việt Nam chỉ còn bằng 26, 8 % tức xấp xỉ ¼ Thái Lan. Thể chế nào ưu việt hơn cho sự phồn vinh của dân tộc quả thật không cần bàn cãi. Tại sao vậy ? Tại vì Thái Lan chọn đường đi đúng. Họ không tự hào “đã đánh thắng hai đế quốc to” mà tự hào là đất nước Thái Lan không có chiến tranh.
Về Việt Nam, trừ 20 năm chiến tranh, bắt đầu từ năm 1975, đến nay đã 38 năm rồi. 38 năm là thời gian để Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành Con Rồng Châu Á. Trong khi đó Việt Nam cuộc sống của người dân vẫn nghèo đói, lạc hậu, nhiều xã 80% hộ dân nghèo đói. Mỗi năm nhà nước phải bỏ ra hàng ngàn tấn gạo để cứu đói cho đồng bào. Đạo đức, nhân phẩm ngày càng suy đồi. Tội ác ngày càng tăng, xã hội ngày càng băng hoại; các phe nhóm làm ăn bất chính ngày càng lộng hành; tham nhũng đang điều khiển bộ máy; nhà nước không quản lý được xã hội. Từ y tế, giáo dục, tư pháp, giao thông vận tải, lâm nghiệp…, soi vào ngành nào là hỏng ngành đó.v.v..Tại sao vậy ? Chúng tôi nghĩ rằng, tại chúng ta đã chọn nhầm đường: ĐI THEO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.
Chủ nghĩa xã hội là học thuyết không tưởng dựa trên cơ sở sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất, tổ chức sản xuất theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung dưới hình thức quốc doanh, tập thể (hợp tác xã, trang trại). Kinh tế được điều chỉnh bằng kế hoạch, nhà nước can thiệp vào tất cả các khâu của nền kinh tế, kể cả lao động và phân phối lợi ích. Các cán bộ quản lý kinh tế (xí nghiệp, hợp tác xã,...), nhân viên đều do nhà nước bổ nhiệm theo ý chí chủ quan, không qua cạnh tranh thị trường, nên không khai thác được người tài năng, lương hoặc phân phối lợi ích lao động theo quy chuẩn của nhà nước mang tính duy ý chí vừa có tính chất cào bằng vừa không theo trihnf độ chất xám, năng xuất lao động. Tạo ra sự bất công trong xã hội.
Sai lầm lớn nhất của học thuyết CNXH là bỏ qua chủ thể quyết định nhất là CON NGƯỜI. Trong CNXH con người bị đồng hóa thành một cái đinh ốc của bộ máy, chỉ biết làm theo lệnh, hưởng khẩu phần theo tem phiếu. Nhưng con người trong CNXH ấy vẫn là CON NGƯỜI, nên nó không chịu biến thành một cái đinh ốc của guồng máy sản xuất, nó luôn tìm cách vượt thoát ra khỏi sự trói buộc. Cuộc vượt thoát ngọan mục nhất là sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết khổng lồ sau 80 năm tồn tại dưới sự điều khiển của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Gorbachov. Tiếp theo là sự sụp đổ của CNXH ở các nước Ba Lan, Hungary, Rumani, Tiệp khắc, Đức… Các nước đã chọn con đường khác để phát triển hơn, no ấm hơn, tự do hơn. Đó là sự lựa chọn đúng đắn. Một nước gần ta là Trung Quốc, họ cũng đã bỏ chủ nghĩa Mác-Lê Nin, bỏ CNXH từ lâu để làm tư bản nhà nước, gọi là Xây sựng xã hội khá giả theo kiểu Trung Quốc.
Đó là sự vùng dậy của CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH vì sự sống còn của dân tộc mình. Có người bảo rằng Gorbachov phản bội ĐCS Liên Xô. Nhưng nhân loại thì cho rằng ông ta là người hùng vì đã đánh đổ một thể chế kìm hẵm sự tiến bộ của loài người, một chế độ phản lịch sử. Ở Việt Nam, sự yếu kém trong quản lý kinh tế của CNXH đã các từng lớp sản xuất phải vượt thoát. Từ đó mới có khoán chui trong nông nghiêp, mới có kế hoạch ba, rượt rào, tự hoạch toán.v.v... Tất cả những “vượt thoát” đó đã buộc nhà nước cầm quyền phải “điều chỉnh” trong quán lý CNXH”. Bắt đầu từ Đại hội VI – VII và các Đaị hội sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã công nhận “nền kinh tế nhiều thành phần”, “kinh tế thị trường”. Đó là một bước lùi của CNXH và một bước tiến của KHÁT VỌNG CON NGƯỜI .
Nhưng ĐCS Việt Nam lúc nào cũng tuyên bố “dứt khoát đi theo con đường đã chọn là CNXH”, nên mới thêm CÁI ĐUÔI CNXH đằng sau: “Kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, vẫn “đất đai là sở hữu toàn dân”… Chính cái đuôi CNXH này đang làm lung lay, đang đẩy nền kinh tế vốn đã yếu kém của Việt Nam đến bờ vực sự suy sụp. “Kinh tế quốc doanh là chủ đạo” nên được ưu tiên vốn liếng, ưu tiên giá cả, hỗ trợ thị trường. Nhưng “thời đại khác rồi Đinh Bộ Lĩnh ơi“ (thơ Chế Lan Viên), nên các Tổng giám đốc, giám đốc DNNN hùa với các nhà quản lý ở Trung ương và các Bộ, kinh “doanh ngay” cái “chủ đạo” đó, để trở thành nhóm lợi ích “rút ruột” nền kinh tế đất nước. Vinashine, Vinaline… là những ví dụ cụ thể. Vinashine đang lỗ ngoắc ngoải, vẫn được bơm 700 triệu USDlà một ví dụ sihn động. Tất cả các TCT đều thua lỗ, tổng số vốn thất thoát của tất cả các TCT lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trong không nhỏ trong GDP quốc gia, trong lúc đó lương của Tổng giám đốc lên đến mấy trăm triệu đồng/tháng. Không phải vì các Tổng giám đốc kém, mà họ rất giỏi khai thác lợi thế “chủ đạo” đó để làm giàu cho riêng mình, phe nhóm mình. Sống chết mặc bay, tiền thấy bỏ túi- là phương châm hàng động của không ít các TGĐ các Tập đoàn kinh tế. Cái đuôi “định hướng CNXH” cũng bị lợi dụng khai thác triệt để. Tất cả các khoản hỗ trợ nông dân trong thu mua lúa, khoản ưu đãi để đưa hàng nội “bình ổn giá” v.v... đều vào tay các Tổng công ty, vào Hiệp hội lương thực, còn người nông dân và người tiêu dùng không được một đồng ưu đãi nào. Đó là sự trớ trêu có thật mà các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, vì nhiều lý do, không thấy hoặc không muốn thấy.
Như vậy CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ở Việt Nam hiện nay là môi trường, là cơ hội tham nhũng của bọn quan lại các cấp. Nghĩa là CHXH chỉ cho mọt nhúm người, không phải cho 87 triệu dân Việt Nam. Các dự án “phát triển kinh tế xã hội” được vạch ra để cướp đất nông dân, làm giàu cho một nhóm người. Đất mất, rừng mất, tài nguyên mất, uy tín của Đảng cũng đang dần mất, cũng vì kiên quyết đi theo con đường CNXH. Bỏ cái đuôi “chủ đạo”, cái đuôi “đinh hướng CNXH” đi thì vốn liếng nhà nước được bảo toàn, nhân dân tự do sung sướng, nhưng CNXH sẽ mất! Đảng chọn đường nào? Chọn CNXH để đất nước, dân tộc đi đến cùng khổ, hay chọn con đường làm ăn tấn tới như các nước?
Một gia đình cũng như một nước không ai thích nghèo. Không ai thích con cái nheo nhóc, hư hỏng. Nghèo thì hèn. Hư thì đốn. Cớ sao Nhà nước ta cứ nhìn nhân dân đói khổ, mất tự do bao nhiêu năm mà không chút động lòng? CHỦ NGHĨA XÃ HỘI chỉ là một xã hội không tưởng, không có thực, trong lúc đó nhân dân, dân tộc đói khổ, thua kém các nước trong khu vực là thực tế đau đớn, sao cứ bám lấy CNXH? Không một người cha nào không tủi hổ, buồn đau khi thấy con mình đói rách, không có cơm ăn áo mặc. Nhìn ra thế giới mà xấu hổ thay cho đất nước mình.
Là một công dân Việt Nam lương thiện. Tôi thiết tha đề nghị Đảng và Nhà nước hãy chọn con đường khác, làm ăn khấm khá hơn, để cho dân được ngẩng đầu lên với thế giới. Bài viết này là một suy nghĩ gửi tới những người có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước vì sự bức xúc đó, không vì bất cứ điều gì khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét