Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

'Cơ hội, thách thức' cho báo chính thống

Sự phát triển của mạng xã hội và blog mang lại cả cơ hội và thách thức cho báo chính thống?
Ngày 19/6, đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến qua Facebook xoay quanh đề tài "An toàn cho nhà báo trong tác nghiệp"
Buổi giao lưu diễn ra trước thềm ngày báo chí Việt Nam 21/6 do Đại sứ Anh tại Việt Nam Antony Stokes chủ trì, với khách mời là ông Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
BBC đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Lợi về vấn đề an toàn cho các nhà báo đang tác nghiệp tại Việt Nam, cũng như vai trò của giới blogger và mạng xã hội đối với nền báo chí và cách tiếp cận thông tin của người dân trong nước.

'Cơ hội và thách thức'

BBC:Ông có thể cho biết những chi tiết nào mà ông cho là đáng chú ý trong suốt buổi giao lưu?
Nhà báo Phan Lợi: Điều đáng chú ý thứ nhất, đó là không ngờ đề tài này không chỉ báo chí Việt Nam chọn làm chủ đề cho 21/6 mà một quốc gia thông qua sứ quán cũng rất quan tâm bằng một cuộc giao lưu trên mạng xã hội. Đây là một điểm rất mới đối với các nhà báo Việt Nam nên đã thu hút khá nhiều các nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí tại Viêt Nam tham gia và đặt câu hỏi chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ hai, những vấn đề được đặt ra là hết sức thời sự. Không chỉ vấn đề an toàn cho nhà báo Việt Nam tác nghiệp, mà còn cả vấn đề cản trở nhà báo - những thứ đã nói 3,4 năm nay những dường như sự cải thiện chưa được mạnh mẽ và chưa đáp ứng được với yêu cầu và mong đợi của người làm báo ở Việt Nam.
Việc chống cản trở nhà báo là điều được ghi rất rõ ràng trong luật pháp về báo chí ở Việt Nam rồi chứ không phải là đề nghị hay mong muốn gì nữa., nó bắt buộc phải được thực thi. Các cơ chế để thực hiện cũng đã có rồi, nhưng dường như nó đang quá chậm đi vào cuộc sống.
Vấn đề thứ ba là cuộc giao lưu có nhiều blogger hoặc nhiều người quan tâm đến hoạt động của các blogger cũng tham gia và đặt câu hỏi. Ở đây có độ chênh giữa quan điểm của các cơ quan quản lý của Việt Nam và quốc tế về vai trò của các blogger. Ở Việt Nam thì không công nhận tính chất báo chí công dân của blogger một cách công khai, hợp pháp như một số nước.
Trên trang của một đại sứ quán thì có lẽ không gian rộng rãi hơn, tự do hơn nên vấn đề này được thảo luận và bản thân ông đại sứ cũng có nhắc đến điều này.
BBCNhân nói đến blogger, là một nhà báo, ông đánh giá về sự đóng góp của giới blogger với nền báo chí cũng như với sự tiếp cận thông tin của người dân như thế nào?
Nhà báo Phan Lợi: Tôi thấy hoạt động của mạng xã hội và blogger có mối quan hệ tương tác và tương hỗ đối với báo chí và người dân. Điều này mang lại cơ hội cho các nhà báo nhưng cũng là thách thức.
Tôi lấy ví dụ như có nhiều sự kiện mà mạng xã hội và blogger đã đưa rất sớm. Báo chí chính thống thì đưa chậm cả tuần và khi đưa tin thì tin cũng trùng lặp và độ chính xác giống hệt với thông tin mà mạng xã hội và các blogger đã đưa.
Những sự kiện nhỏ lẻ như thế chúng tôi gọi là thách thức với báo chí chính thống khi mà bạn đọc đã tìm kiếm thông tin trên các blog và trên các mạng xã hội rồi, báo chí chính thống có thể mất độc giả vì điều này.
Tuy nhiên trong cuộc nói chuyện tại đại sứ quán Úc trước đó thì tôi cũng đề cập tới những cơ hội cho chính các nhà báo khi mà những thông tin ban đầu của rất nhiều sự việc, sự kiện mà những blogger đã đưa trước vì điều kiện của họ có thể đi đến nhiều nơi, dùng các phương tiện hiện có trong tay như điện thoại, máy tính bảng rồi đưa một cách nguyên sơ lên các trang mạng hoặc các diễn đàn tham gia.
Đây là nguồn tài nguyên rất tốt để các nhà báo coi là đầu vào để từ đó đi thu thập, có những điều tra của riêng mình nhằm nâng cao giá trị.
Mới nhất là dự án về năng lượng mặt trời ở Sơn La, cũng xuất hiện đầu tiên trên blog mà nhiều tờ báo đã cử phóng viên đến điều tra và chất vấn các cơ quan quản lý. Theo tôi được biết thì thủ tướng chính phủ đã giao các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý vấn đề này.
Tôi cho rằng trong một môi trường mạng đang phát triển rất mạnh, sự tham gia của từng người dân trong vai trò là người thu thập, xử lý và công bố thông tin thì các nhà báo phải xem đó là cuộc đua tranh rất mạnh mẽ mà người hưởng lợi cuối cùng là công chúng. Bản thân cơ quan quản lý chính phủ cũng phải tự nâng cao năng lực để thích ứng với vấn đề này.

An toàn báo chí ở Việt Nam

Nhà báo Mai Phan Lợi cho rằng các nhà báo Việt Nam tác nghiệp không an toàn là khá nhiều.
BBC: Trở lại vấn đề an toàn báo chí, bản thân ông đã bắt gặp những trường hợp nào mà an toàn bản thân bị đe dọa khi đang tác nghiệp hay chưa, và ông đã xử lý tình huống đó như thế nào?
Cá nhân tôi thì chưa từng phải đối mặt với sự nguy hiểm liên quan đến tính mạng, thế nhưng tôi đã thực hiện nghiên cứu ở những dự án do chính phủ Anh tài trợ năm 2011, 2012. Tôi thấy việc các nhà báo Việt Nam tác nghiệp không an toàn là khá nhiều.
Nó thể hiện ở việc những đối tượng bị phản ánh bị cáo buộc là tham nhũng ngăn chặn các nhà báo không tiếp cận được thông tin, không công bố được thông tin hoặc dùng biện pháp trả thù khi nhà báo đã công bố thông tin.
Những đối tượng này có thể là bí mật nhưng cũng có thể là công khai khi bên bị cáo buộc là một số quan chức nhà nước đang nắm trong tay quyền lực. Ngoài ra đối tượng là côn đồ hoặc người dân thiếu hiểu biết đe dọa tính mạng hoặc hủy hoại tài sản của nhà báo cũng diễn ra nhưng những trường hợp này là cá biệt, không mang tính hệ thống.
Cái đáng sợ nhất bây giờ là những quyền lực ngầm mà ở Việt Nam gọi là nhóm lợi ích - những nhóm quyền lực cấu kết với nhau và họ không muốn báo chí phanh phui hành vi của họ. Đó mới là thứ đáng sợ nhất.
Tôi nghĩ những vấn đề này bản thân các cơ quan của Việt Nam như Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc các cơ quan phòng chống tham nhũng đã nhận diện được và đã gọi thẳng tên các nhóm lợi ích này đang không chỉ đe dọa các nhà báo mà còn đe dọa các lực lượng tiến bộ khác của xã hội.
"Cái đáng sợ nhất bây giờ là những quyền lực ngầm mà ở Việt Nam gọi là nhóm lợi ích - những nhóm quyền lực cấu kết với nhau và họ không muốn báo chí phanh phui hành vi của họ."
BBC: Không biết đang và sẽ có những biện pháp nào để giải quyết vấn đề này?
Nhà báo Phan Lợi: Tôi nhớ có một hội thảo cách đây vài tháng tổ chức ở Đà Nẵng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Họ gọi thẳng đây là những nhóm thân hữu, với hàng loạt những thủ đoạn được đưa ra như các doanh nghiệp sân sau chuyên tổ chức những nhóm chuyên lobby các quan chức để dành những chính sách có lợi cho mình.
Cách lobby thì không chỉ bằng cách đưa tiền như vụ Huỳnh Ngọc Sỹ mà còn là lobby bằng nhiều hình thức khác nhau mà trong luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam chưa quy định. Ví dụ như mang những món lợi phi vật chất hoặc tạo những ân sủng rất khó định lượng bằng tiền.
Tôi nghĩ một khi một cơ quan kiểm tra của Đảng đã chỉ đích danh những nhóm này, với các thủ đoạn như thế này thì nghĩa là họ đã có những biện pháp và biểu lộ tinh thần, ý chí quyết tâm để xử lý. Có điều cách thức thế nào, có huy động truyền thông và báo chí tham gia cùng họ hay không thì tôi chưa có thông tin gì cả.
Nhưng ít ra hội thảo ở Đà Nẵng với việc thông tin cho một số tờ báo trong đó có báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh thì tôi đánh giá đây là những tín hiệu tốt hơn cho công cuộc phòng chống tham nhũng.
BBC: Theo ông, làm sao để nhà báo trong nước có thể đảm bảo an toàn, nói lên sự thật và đảm bảo tính trung thực của báo chí trong một môi trường bị kiểm duyệt và định nghĩa của chính phủ về ranh giới giữa việc nói lên ý kiến của mình và hành động chống phá là khá mập mờ?
Nhà báo Phan Lợi: Tôi nghĩ ở đâu cũng thế thôi, dù có mội trường nghiệt ngã như thế nào nữa nhưng khi nhà báo tác nghiệp với tâm trong sáng và đạo đức nghề nghiệp tốt, đưa tin một cách cân bằng, phục vụ một lợi ích của công chúng rộng lớn và hành nghề một cách công minh khách quan thì đó là cách thức tốt nhất để bảo vệ mình.
Ở Việt Nam, rất tiếc là những cơ quan báo chí ban hành bản đạo đức tiêu chuẩn nghề nghiệp thì rất là hiếm.
Tôi nghĩ những việc như quy tắc đạo đức hay tiêu chuẩn ứng xử như thế là cẩm nang rất tốt cho các nhà báo tránh bị nguy hiểm rình rập.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét