Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Một vài suy nghĩ về “nghệ thuật” trị dân của một nhà nước độc tài (2)

Song Chi
Chia sẻ bài viết này
Một phương pháp thứ hai, nguy hiểm hơn nhiều, là sự dẫn dắt, định hướng dư luận bằng cách gây nhiễu thông tin, tạo những thông tin thật giả lẫn lộn. “Nghệ thuật” cai trị của những chế độ độc tài là bưng bít thông tin, gây nhiễu, tung hỏa mù…các kiểu. Khi dư luận, lòng căm giận của nhân dân đang hướng vào đâu đó thì nhà cầm quyền sẽ tìm cách lái dư luận sang hướng khác.
Ví dụ như lâu nay mối quan tâm của những người yêu nước đối với sự leo thang của TQ trên biển Đông có những lúc bị xao lãng đi, một phần do đủ thứ thông tin trong xã hội cứ ập tới. Khi thì Hội nghị TƯ lần thứ 6, tháng 10.2012 với đủ thứ đồn đoán vể thay đổi nhân sự, cuối cùng mọi sự hạ màn không ai bị kỷ luật, tiếp theo lại Hội nghị TƯ 7 tháng 5.2013 với việc bổ sung 3 nhân sự mới, rồi nào phong trào lấy ý kiến của nhân dân để sửa đổi Hiến pháp, cũng thu hút sự chú ý của người dân suốt một thời gian dài cuối cùng tất cả đều “vũ như cẩn”, hay mấy đợt bắt bớ gần đây cũng vậy…tất cả khiến người ta tạm quên đi mối nguy ngoài biển Đông hay tình hình kinh tế quá bết bát của đất nước.
Và cuối cùng là tạo thông tin thật giả lẫn lộn để gây chia rẽ, làm mất uy tín những người yêu nước, phong trào dân chủ cũng như báo chí “lề dân”.
Lâu nay có vẻ như báo chí “lề dân” mạnh hơn hẳn báo chí “lề đảng” do được tự do hơn, nhanh nhạy đa chiều trong việc thông tin, phản ánh sự việc. Trong nhiều sự kiện có tính chất “nhạy cảm” theo quan điểm của nhà nước VN, báo chí “lề đảng” dù có số lượng và đội ngũ nhà báo “đông như quân Nguyên”, với phương tiện máy móc kinh phí thừa thãi cũng đành phải im lặng, ngậm ngùi nhìn báo chí “lề dân” tha hồ lên tiếng.
Còn trong những cuộc tranh luận trên mọi trang blog, diễn đàn, trang mạng xã hội, dù nhà cầm quyền đã sử dụng cả một đội ngũ đông đảo an ninh mạng, dư luận viên ăn lương từ tiền thuế của nhân dân chỉ để ngồi đọc không sót một thứ gì trên báo chí “lề dân” và nhảy vào comment, tranh cãi khắp nơi…nhưng đám an ninh mạng lẫn dư luận viên này thường bị lột mặt nạ ngay tức khắc hoặc thua cay đắng. Một phần do đám này thường thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng tranh luận chỉ giỏi chửi bậy, bôi nhọ, phá bĩnh, dựng chuyện…một cách vô văn hóa, phần khác, do chỉ lặp đi lặp lại những luận điểm, lập luận cũ mèm giống hệt nhau và điều cuối cùng, khi lẽ phải và tính chính danh đã không thuộc về nhà cầm quyền thì dù có cố bênh vực cho chế độ, những kẻ tay sai cũng không cách nào bênh nổi.
Từ thực tế đó, có vẻ như những người dân chủ phần nào tự tin cho rằng nhà nước đã không còn kiểm soát, hướng dẫn được dư luận nữa. Đừng vội đánh giá thấp một đối thủ đã 68 năm đè đầu cưỡi cổ nhân dân như nhà nước cộng sản VN.
Trong khi báo chí “lề dân” có sự thiệt thòi lớn nhất là nhiều khi không cách gì tiếp cận được với sự thật thì nhà cầm quyền hoàn toàn có thể tạo ra những thông tin thật, giả lẫn lộn làm chúng ta mất đoàn kết, mất uy tín. Hãy nhớ lại vụ công an tung tin blogger Điếu Cày bị mất tay là một ví dụ rất nhỏ. Bây giờ giả dụ Điếu Cày bị hãm hại mất tay thật thì mọi người cũng nửa tin nửa ngờ, và nếu cứ thêm vài vụ nữa thì dư luận thế giới cũng ngần ngại trước một số thông tin từ báo chí “lề dân”. Hãy đọc những câu trả lời phỏng vấn báo chí của ông Bộ trưởng Bộ 4 T (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Bắc Son về vụ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong bài “Một sự bất tín vạn sự bất tin” (Báo Đại Đoàn Kết) để thấy thâm ý của nhà cầm quyền:
Truyền hình quốc gia và các báo khác có quyền nói chuyện này nhưng phải phân tích thêm để người dân thấy rằng sự thật thực sự không phải như một số trang mạng đưa cũng là do các thế lực thù địch dựng lên. Đối với những địa chỉ mạng này, thế là "một sự bất tín, vạn sự bất tin”, vậy là anh đã đưa thông tin sai, rõ ràng các báo chí khác cũng có quyền bình luận thêm cho đúng sự thật…. Rõ ràng qua đó người dân có quyền nghi ngờ tất cả những gì trước kia một số báo thường xuyên chống phá đất nước chúng ta đăng tải”.
Chỉ có điều cho đến thời điểm này thì cái câu “một sự bất tín, vạn sự bất tin” kia là dành cho nhà cầm quyền VN và hệ thống báo chí truyền thông của đảng thì mới đúng!
Đây chỉ là một vài phương cách trong hàng ngàn cách khác nhau để trị dân, kéo dài sự tồn tại của một chế độ độc tài. Để đối phó lại, báo chí truyền thông “lề dân” ngày càng phải cảnh giác hơn với nhà cầm quyền, phong trào dân chủ thì càng cần phải đoàn kết hơn, và có lẽ cũng đã qua rồi cái thời tự phát, riêng lẻ, không có đường lối chiến lược gì. Nhưng làm thế nào để có thể tập hợp thành tổ chức, nhất là trong một môi trường còn thiếu nhiều điều kiện như ở VN, thì điều đó lại nằm ngoài phạm vi bài viết này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét