Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Ngoại giao: Giầy cao gót vs Bó bàn chân


Chia sẻ bài viết này

High Heels
Nếu tới DC vào ngày đi làm trong metro du khách phương xa sẽ thấy các ông mặc véc, cà vạt nhưng lại đi giầy thể thao, phụ nữ ăn mặc sang trọng, rất mốt nhưng đi giầy bệt.
Những người này đến VP sẽ có đôi giầy đúng mốt chỉ để đi họp, về chỗ ngồi lại bỏ giầy ra. Dân IT như tôi chui gầm bàn sửa máy tính nên rất hiểu thế giới giầy của phái đẹp.
Gọi đó là tính thực dụng của người Mỹ, kể từ cách đi giầy.
Thời trai trẻ mình quen một nàng lúc nào cũng diện đôi guốc 7 phân. Mỗi lần đến chơi ở nhà lắp ghép, nàng càu nhàu, sao bắt bỏ dép guốc bên ngoài thế này. Bỏ đi, chân dài thành chân vừa vừa, bởi nàng cao 1m53, vẻ đẹp bị giảm khá nhiều.
Hôm nay Washington Post có bài “Giầy cao gót có thể trông đẹp nhưng không tốt cho chân” được đọc nhiều nhất, mình nhớ người bạn xưa.
Tay nhà báo chắc nghiên cứu guốc dép khá kỹ. Đôi giầy 7 phân, đôi chân có vẻ dài hơn, bước đi vẻ uyển chuyển. Nhưng phía sau sự tự hào đó là nỗi đau từ những ngón chân mà chỉ có người đi mới thấu.
Đôi chân sinh ra là để giữ thăng bằng trên mặt đất và gót chân phải thẳng góc 90 độ với cẳng chân chứ không phải ở một góc nghiêng 45 độ như lúc trên đôi giầy cao chót vót.
Nếu nói phụ nữ nghiến răng để làm đẹp, quả không sai. Đau đớn, bệnh tật, và dù những ngón chân bị tụ máu hay trẹo chân bó bột cũng không thể ngăn họ leo trên đôi cà kheo.
Nhân chuyện bác Tư Sang đi Trung Quốc bàn về biển Đông với người láng giềng, vừa là đồng chí, vừa là anh em kiêm kẻ thù không đội trời chung, tự nhiên tôi liên tưởng đến người đẹp đi giầy cao gót.
Mấy tuần trước, Thủ tướng Dũng đã có phát biểu nổi tiếng ở Shangri La ngầm ý lên án Trung Quốc “Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”.
Ông được truyền thông thế giới khen rất nhiều về sự đổi chiều.
Thủ tướng đã giành nhiều điểm trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sau đó. Giới am hiểu nói rằng, 210 phiếu “Tín nhiệm cao” thuộc hàng bom tấn, ý nói những người có quyền lực tại VN đã ủng hộ Thủ tướng.
Tuy nhiên, tiếp sau vụ bắt blogger Trương Duy Nhất trước thềm cuộc bỏ phiếu, là nhà văn Phạm Viết Đào và gần đây blogger Đinh Nhật Uy, nhiều người không hiểu phía Việt Nam định gửi tín hiệu gì cho cộng đồng thế giới.
Nhân vụ này, BBC Việt Nam đã “chọc ngoáy” đúng kiểu Ăng lê bằng một bài viết “Bắt để làm quà”, ý nói phe thân Mỹ đã bị qua mặt bởi phe thân Trung Quốc.
Chuyện đời không đơn giản thế. Chủ tịch Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh cùng món quà đó, với người hàng xóm Bắc Kinh là quá nhỏ.
Khó mà tin một lãnh đạo quốc gia tầm cỡ như bác Sang trước khi công du lại bắt giam mấy tay võ mồm, đưa lên bàn đàm phán về biển đảo với Trung Quốc.
Người Mỹ cũng chẳng đến nỗi không đủ trí thông minh. Vài blogger không thể thay đổi tình thế với phương Bắc hay nhằm đối đầu với Hoa Kỳ.
Với họ, 3 bloggers hay 3000 cũng chẳng có ý nghĩa gì, một khi không động chạm đến quyền lợi nước Mỹ. Có chăng, đó là con bài khi đàm phán về quan hệ, nếu cần cao bồi lại lôi ra để đánh đổi.

Bó chân của người Hoa.
Nhớ lại vụ bắt bớ và video nhận tội của mấy người dân chủ ngay khi Jim Webb tới Hà Nội để bàn về đối phó với Trung Quốc, xứ mình có thể hiểu đây là những bước đi ngoại giao trên giầy cao gót.
Cứ lênh khênh, kiễng chân, nín nhịn để được điểm, lúc bên này, lúc bên kia, những người đẹp kiểu này thường nghĩ có nhiều người ngưỡng mộ hơn các chân dài đi bằng giầy thể thao.
Thời xưa, đàn bà Trung Quốc phải bó bàn chân, bó càng chặt, bàn chân càng bé, càng được đánh giá cao. Nhiều người cố bó nên bàn chân bị méo mó và thành tật.
Thời nay đã khác, giầy càng cao càng chứng tỏ sành điệu dù có đau đớn về thể xác.
Suy cho cùng, để có vẻ đẹp giả tạo cũng phải trả giá.
Tới Bắc Kinh với đôi giầy cao gót để đối phó với người đẹp bó bàn chân, khó mà đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Nếu chủ mà yêu cầu khách bỏ đôi giầy cao vót khi vào Trung Nam Hải thì không hiểu sự thể có giống như cô bạn 1m53 thưở nào. Nhưng nếu chủ cũng bỏ giầy ra đẻ tỏ lòng hiếu khách thì chưa chừng lại thấy những bàn chân dị tật.
Kết thúc entry, xin đăng một comment trên Washington Post đặc kiểu Mỹ trong bài High Heels “I would have had sex with her, but I just didn’t like her shoes – Tôi có thể làm tình với cô ta, nhưng đôi giầy thì chẳng làm tôi thích thú”.

Hiệu Minh
PS. Các bạn biết không, riêng về đoạn giầy dép, tôi thích tính thực dụng của người Mỹ, cứ giầy bệt mà chơi, dễ thăng bằng trên mặt đất, chẳng có chuyện chân đau hay dị tật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét