Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

NGUYỄN TẤT THÀNH (Phần 2)



Thụy Khuê

(Tiếp theo)

● Nguyễn Tất Thành đến Paris

1/ Trong thời gian ở Anh, Nguyễn Tất Thành có trao đổi thư từ với Phan Châu Trinh, gọi cụ Phan là Hy Mã nghi bá đại nhơn - Hy Mã là tên hiệu của Phan Châu Trinh, nghi bá là bác kính- tự xưng là cuồng điệt Nguyễn Tất Thành -cuồng điệt là người cháu hăng say. Vì Phan Châu Trinh bị theo dõi rất kỹ, loạt thư này không qua mắt được mật thám, đó cũng là một trong những lý do xác định khoảng 1914-1918, Nguyễn Tất Thành sống ở Luân Đôn.

2- Theo Thu Trang, mật thám tìm thấy thẻ thư viện mang tên Nguyễn Ái Quốc, ghi năm 1919 (1). Chứng này không đáng tin, vì thẻ thư viện, cũng như thẻ sinh viên, phải đề đầy đủ họ và tên thật Nguyễn Tất Thành, hoặc chỉ đề họ Nguyễn, chứ không thể đề tên hiệu Nguyễn Ái Quốc. Việc này có thể do mật thám nhìn thấy thẻ có tên Nguyễn, rồi bịa thêm thành Nguyễn Ái Quốc để lấy điểm.

3- Về thời điểm sang Pháp, Trần Dân Tiên viết:
Thế giới đại chiến bùng nổ. (....) Anh Ba đến nói với tôi: "Xin từ biệt anh Nam".

- Anh đi đâu?

Tôi đi Pháp (...)

Sau khi rời Luân Đôn, anh Ba viết thư cho tôi. Đại ý thế này:
"Tôi đã gặp nhà ái quốc Phan Châu Trinh. (...) Tôi cũng gặp luật sư Phan Văn Trường và những người khác. Tôi nói với họ: Trong khi vua Duy Tân nổi dậy ở Huế, nhân dân Thái Nguyên và nhiều nơi khác khởi nghiã, thì chúng ta phải làm gì chứ?"(2)

Trích đoạn trên đây cho thấy, "lần sang Pháp vào lúc đại chiến bùng nổ" Tất Thành mới gặp Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Nhưng lại có mâu thuẫn: Đại chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914. Vua Duy Tân nổi dậy, 1916 và khởi nghiã Thái Nguyên, 1917. Vậy nếu Tất Thành sang Paris khi đại chiến bùng nổ vào năm 1914, thì làm sao biết được những biến cố xẩy ra năm 1916 và 1917? 

Tại sao phải nói bừa như vậy?

Đọc đoạn Trần Dân Tiên viết về Hội Nghị Hoà Bình Versailles 1919, chúng ta có thể hiểu lý do: 
"Họ đến để yêu cầu độc lập và tự do. Trong số đó, người ta thấy có ông Nguyễn Ái Quốc (tức là anh Ba). (...) Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Pa-ri và ở các tỉnh Pháp. Với danh nghiã của tổ chức này, ông đã đưa những yêu cầu ra trước hội nghị Véc-Xây (...) Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Châu Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam Yêu Nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con"(3).

Trần Dân Tiên nhận mình đã "tổ chức nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Paris và ở các tỉnh", là nói bậy. Về bản Thỉnh Nguyện Thư thì viết đúng: luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Còn câu: "các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con" nên hiểu: hai ông Phan thuộc lớp già, chê lớp trẻ: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành là trẻ con.

Tóm lại, đoạn "anh Ba đi Pháp khi đại chiến thế giới bùng nổ" sở dĩ có nhiều chỗ vô lý, vì nó được viết ra với hậu ý chứng minh rằng:
- Chính Nguyễn Tất Thành đã dựng nên nhóm Người An Nam Yêu Nước.

- Chính Nguyễn Tất Thành là tác giả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc.

- Chính Nguyễn Tất Thành chủ động đưa ra ý kiến về bản Thỉnh Nguyện Thư ở Hội nghị Hoà Bình Versailles 1919. 

- Và Nguyễn Tất Thành viết được những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc là do đã ở Pháp từ 1914 và đã hết sức cố gắng học tiếng Pháp. 

Xin nhắc lại: Khi Nguyễn Tất Thành đến Pháp -sẽ được xác định vào tháng 6/1919- Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới đã khai mạc từ 18/1/1919 ở Versailles, tức là nửa năm trước, và nhóm An Nam Yêu Nước đã hoạt động từ khoảng 1916. Vậy Nguyễn Tất Thành không thể "tổ chức" nhóm An Nam Yêu Nước và cũng không "đề ra những yêu cầu" ở Versailles. Tất Thành chỉ là người được nhóm An Nam Yêu Nước chỉ định đem bản Thỉnh Nguyện Thư Của Người An Nam đến Hội Nghị Hoà Bình Versaillles.

Hội Nghị Hoà Bình khai mạc ngày 18/1/1919, với tham vọng xây dựng những quốc gia Âu châu mới sau thế chiến. Trong chiến tranh, Pháp đã tập trung 900 ngàn người ở các thuộc địa đến Pháp để đánh giúp, trong đó có 92 ngàn người Việt Nam (4). Số lính thợ di dân tạo nên những phong trào yêu nước chống Pháp của người dân các thuộc địa như Tunisie, Algérie... và Việt Nam với nhóm An Nam Yêu Nước của Phan Văn Trường. Trong bối cảnh tổng thống Wilson tuyên bố chống lại chính sách thuộc địa, Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới là cơ hội hiếm có để tiếng nói của các nước bị đô hộ vùng lên, và nhóm Yêu Nước đã nhắm đúng thời cơ để công bố bản Thỉnh Nguyện Thư tám điểm, ký tên Nguyễn Ái Quấc. 

● Xác định ngày Nguyễn Tất Thành đến Paris
1/ Việc Tất Thành sang Pháp năm 1914, quá khó tin; cho nên trong cuốn Thời thanh niên của bác Hồ (5), Hồng Hà (được lệnh) sửa lại như sau: 
"Anh bỏ nghề phụ bếp ở Luân Đôn, sang Pháp, đấy là vào cuối năm 1917" (6).

"Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh(7) một phố yên tĩnh của quận 13. Đây là nhà của luật sư Phan Văn Trường. Cùng ở có cụ Phan Châu Trinh mà anh Nguyễn Ái Quốc có thư từ thăm hỏi luôn khi anh còn ở Luân Đôn. Ông Trường nhường cho anh một buồng con trên gác ba, vừa đủ kê một cái bàn, một cái giường và một cái tủ con. Dạo ấy, nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh là một trung tâm gặp gỡ của nhiều Việt kiều ở Pa-ri. Có khi bà con đến chơi ăn ở liền mấy ngày (...) Cụ [Phan Châu Trinh] làm nghề ảnh tư ngay tại nhà số 6. Để sống, anh Nguyễn - cả người Việt lẫn người Pháp quen gọi anh Nguyễn Ái Quốc như thế - cùng với một kiều bào khác là Tuyết giúp việc cho cụ Phan đồng thời học nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh. Cụ Phan là một nhà yêu nước chân thành, nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Cụ hơn anh Nguyễn 19 tuổi, còn ông Trường vốn là thông ngôn, học đến tiến sĩ luật học, làm nghề luật sư ở Pa-ri. Ông giỏi tiếng Pháp, vào quốc tịch Pháp, có nghiên cứu chủ nghiã Mác, quen biết nhiều trí thức và nhà chính trị Pháp. Điều mà anh Nguyễn băn khoăn hỏi hai người lúc đó làm gì cho đất nước trong khi đồng bào khao khát cách mạng thì không được trả lời thoả đáng, rõ ràng. Anh Nguyễn vừa làm nghề rửa ảnh vừa chăm chỉ học thêm tiếng Pháp với ông Trường" (8).

Trích đoạn này cho ta một số thông tin rất đáng lưu ý. Đặc biệt câu: "Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh". Chính câu này đã xác định, một lần nữa, ngày tháng Nguyễn Tất Thành đến Paris: Bởi vì căn nhà số 6, ngõ cụt Gobelins, Phan Văn Trường chỉ ở sau giải ngũ, tức là từ tháng 4/1919, khi ông về sống tại Paris (9).

 Tóm lại, nếu Nguyễn Tất Thành đến Paris ở ngay nhà Phan Văn Trường, 6 Villa des Gobelins, thì chỉ có thể là sau tháng 4/1919, thời điểm Phan Văn Trường đã giải ngũ, lên Paris và trước khi Nguyễn Tất Thành đem bản Thỉnh Nguyện đến Versailles, giữa tháng 6/1919.

 2/ Một mật báo của Pierre Guesde - tổng thanh tra quân đội Đông Dương và người Đông Dương- Contrôleur général des troupes indochinois et des Indochinois chắc là chức vụ tình báo cao nhất về vấn đề Đông Dương, thời đó - không đề ngày, nhưng chắc là cuối năm 1919, ghi như sau: 
"Người có tên gọi là Nguyễn Ái Quốc, 27 tuổi, quê ở Đông Dương. Anh ta đã từ Luân Đôn (Anh) đến Paris hồi tháng 6 vừa qua, ở một mình từ ngày 7 đến ngày 11/6/ tại số nhà 10 phố Stockholm, rồi từ ngày 12/6 đến ngày 13/7 vừa qua tại 56 Monsieur Le Prince. Sau đó, anh ta cư trú tại 6 Villa des Gobelins, ở với người đồng hương có tên là Phan Văn Trường sinh năm 1878 ở Hà Nội (Bắc Kỳ), luật sư toà Phúc Thẩm Paris" (10).

Mật báo này có lẽ là nguồn mà Sophie Quinn-Judge trích dẫn trong bài viết của bà, để xác định Tất Thành từ London đến Paris ngày 7/6/1919.

 Tóm lại, theo tổng thanh tra Guesde: Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Ở số 10 Stockholm từ 7/6 đến 11/6. Ở 56 Monsieur Le Prince từ 12/6 đến 13/7. Và từ 14/7/1919 đến ở 6 Villa des Gobelins. Được ông Khánh Ký dạy cho nghề rửa ảnh.

Vậy có thể xác định chắc chắn rằng: Nguyễn Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Kết hợp mật báo của Pierre Guesde và các sự kiện khác, tất cả đều ăn khớp.

Nguyễn Tất Thành ở nhà số 6 Villa des Gobelins của Phan Văn Trường trong hai năm, từ tháng 6/1919 đến ngày 14/7/1921 mới dọn tới số 9, Impasse Compoint, khu 17. 

Đây là khu phố nghèo dành cho thợ thuyền, gần ngoại ô phía Bắc Paris, Tất Thành tiếp tục nghề ảnh ở một cửa hiệu gần nhà. Ngày 14/3/1923, Tất Thành dọn về trụ sở báo Le Paria, số 3 Marché des Patriaches (11), ở được ba tháng đến 13/6/1923, lên đường đi Nga. 

Khi đã xác định được đúng thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Pháp, ta có thể đi sâu hơn nữa vào các tổ chức Việt kiều, vào sự phát sinh cái tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc và những công trình Hồ Chí Minh nhận là của ông nhưng lúc đó ông chưa có mặt tại Paris.

● Căn nhà số 6 Villa des Gobelins và ông Khánh Ký
Căn nhà số 6 Villa des Gobelins, được coi là "trụ sở" của Hội Người An Nam Yêu Nước, nhiều nơi ghi là địa chỉ của Phan Văn Trường từ 1912, đặc biệt trong bản báo cáo của dự thẩm quan ba Caron, ngày 23/6/1915, với câu: "Sở Mật Thám khám nhà hai ông: không bắt được gì tại nhà ông Trường ở 6 Villa des Gobelins. Tại nhà ông Trinh ở 16 Cujas có bắt được một số tư liệu chữ Hán và quốc ngữ" (12). 

Trong hồi ký, Phan Văn Trường cho biết: Từ khi sang Pháp cuối năm 1908 đến 1913, cuộc đời ông chia đôi giữa trường Sinh Ngữ Đông Phương, nơi ông dạy học và trường Luật, nơi ông học. 

Bắt đầu từ tháng 4/1913, ông nói đến địa chỉ rue Bertholet (PVT, trang 99). Và đến tháng 2/1916, đóng ở Toulouse, khi được nghỉ phép về Paris, ông vẫn ở cái appartement ấy (PVT, trang 168). 

1914-1915, đi tù. Ra tù, bị đổi xuống Toulouse, nhưng không ở trong trại lính mà thuê nhà ở riêng, đổi nhà 2 lần, đều ở Phố Taur - Rue du Taur. 

Appartement phố Bertholet có lúc cho cháu ở, bị an ninh khám 2 lần, đều giả ăn trộm, lần thứ nhất khi ông vừa nhập ngũ, lần thứ nhì khi ông đã bị tù trong ngục Cherche-Midi, và mật thám đã lấy đi tất cả tài liệu (PVT, trang 112), cả bài diễn văn Les revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ, đọc ở trường Cao Đẳng Xã Hội ngày 13/3/1914, cũng bị tịch thu trong 2 buổi khám nhà này.

Sự nhầm lẫn của Caron có thể giải thích như sau: số 6 Villa des Gobelins là một nhà lầu (immeuble) có nhiều phòng. Khoảng 1914-1915, có thể ông Khánh Ký đã thuê cho những người đồng hương lỡ bước ở nhờ. 

Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn Xuân, là một nhà ái quốc, thợ ảnh và doanh nhân, một trong ba cột trụ của Hội Đồng Bào Thân Ái, là người kinh tài cho tổ chức Yêu Nước ngay từ những ngày đầu, bạn thân của Phan Văn Trường, không hề rời ông Phan, dù ở Paris, Toulouse hay sang Mayence, Đức. Chính ông Khánh Ký đã dạy cho Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành nghề ảnh để kiếm sống tại Pháp. Và Nguyễn Như Chuyên -có nhiệm vụ theo dõi Phan Châu Trinh từ trên tàu rời Việt Nam- cũng đã ở số 6 Villa des Gobelins trong thời điểm đó.

 Vì vậy mới có sự lầm lẫn trong phúc trình Caron và trong báo cáo của một số chỉ điểm khác. Mà cũng chưa hẳn là nhầm: có thể chính Nguyễn Như Chuyên đã dẫn mật thám đến khám nhà này năm 1914 và bảo đó là nhà của Phan Văn Trường. 

Một mật báo của Deveze ngày 29/4/1921 cho biết thêm: "Hôm qua trong căn hộ của Phan Văn Trường ở 6 Villa des Gobelins đã xẩy ra một cuộc cãi cọ dữ dội giữa một bên là Khánh Ký và bên kia là Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và Tạ Văn Căn. Khánh Ký đã nhân danh Phan Văn Trường cam kết với chủ ngôi nhà, ông Richard, là sẽ trả dần tiền thuê nhà trong 5 năm chiến tranh, nay không thể tiếp tục trả nữa và nói rằng những người ở nhà phải trả nợ đó (...) Khánh Ký còn báo với Phan Châu Trinh là người cháu của Phan Văn Trường là Phan Cao Lu (Lục?) làm cho một ngân hàng tư nhân ở Toulon sẽ đến ở Paris cùng với vợ và một cháu bé và phải giành chỗ ở cho anh ta trong căn hộ. Tình hình đó làm cho Phan Châu Trinh, Tạ Văn Hộ và Nguyễn Ái Quốc rất lo lắng, họ không biết sẽ làm sao ở chung được với gia đình trẻ có một cháu bé như vậy. Do đó họ đã tìm bà gác cổng để hỏi xem trong nhà còn nơi nào chưa có người thuê không" (13).

Như vậy, ông Khánh Ký đã thuê căn nhà Villa des Gobelins từ trong chiến tranh, và tới tháng 4/1921, ông báo cho những ai ở đó phải lo trả tiền nhà. Bởi vì ông đang sửa soạn về nước. Ông về Hà Nội ngày 25/7/1921 (14).

 Đó là lý do khiến ngày 14/7/1921, Tất Thành phải dọn tới 9 Impasse Compoint. Phan Châu Trinh ở lại đến cuối năm 1921 mới dọn ra 21 Pernety. Có lẽ vì giận Tất Thành hay làm ẩu nên ông Khánh Ký nói vậy -khi ở Mayence, ông Khánh Ký đã viết thư răn đe Tất Thành nên ăn ở tử tế với ông Trường- chứ ông Trường viết thư cho ông Trinh ngày 27/4/1921 còn dặn dò: "Tôi đã bảo cho Lục nếu nó cần ở Paris mấy tháng thì có thể đến căn hộ của tôi nhưng phải để gia đình ở Toulon. Nếu nó đem theo ai thì anh báo cho tôi. Roux đến Paris có việc gì hay chỉ đến thăm anh" (15).

● Trình độ chính trị của Nguyễn Tất Thành
Trần Dân Tiên viết: "Lúc ấy, ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng (...) Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo" (16).

Đoạn này xác định thêm một lần nữa: Nguyễn Tất Thành không biết tiếng Pháp và cũng không hiểu gì về chính trị, nhưng những chi tiết này ở các bản tiểu sử chính thức về sau sẽ bị xoá hẳn. Trần Dân Tiên viết tiếp về việc học viết báo tiếng Pháp: "Nhược điểm về tri thức làm ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới toà báo "Dân Chúng", ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ "Đời sống thợ thuyền". Cũng như ông Lông-ghê, người chủ bút này cũng rất đáng mến. Ông bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông. Biết rằng không thể nhờ ông Trường viết mãi, ông Nguyễn nói thật là mình cón kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: "Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm, sáu dòng cũng được". Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông Nguyễn không thiếu. Ông thiếu nhất là văn Pháp (...) Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: "Bây giờ anh viết dài hơn một tý, viết độ bảy tám dòng". Ông Nguyễn viết bảy, tám dòng. Dần dần, ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẽ bảo:"Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn" (17).

Việc học tiếng Pháp để viết báo trong vài năm chỉ có thể đưa đến kết quả: Nguyễn Tất Thành có thể viết được vài hàng tin tức. Còn viết được những bài xã luận ký tên Nguyễn Ái Quốc là một chuyện khác. Nhất là Tất Thành chỉ ở Pháp có 4 năm.

Tóm lại, phần thành thật trong nhật ký Trần Dân Tiên là nhìn nhận lúc ở Pháp, Tất Thành chưa biết gì về chính trị, tiếng Pháp kém và muốn học để viết báo. Nhưng cũng có chỗ không thành thật: vì ông đã nâng thời điểm Tất Thành đến Pháp từ 1919 lên 1914, để chứng tỏ những việc làm của Phan Văn Trường là Nguyễn Tất Thành làm. Theo thông tin tình báo, ông chơi rất thân với Nguyễn Thế Truyền, người bạn có lúc ở chung với ông, hoặc ngày nào cũng gặp, có lẽ Nguyễn Thế Truyền mới là người đắc lực dạy ông tiếng Pháp.

Ở Hội Nghị Tours, khai mạc ngày 27/12/1920, Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với cái tên Nguyễn Ái Quốc. Hémery viết: "Nguyễn xoay sở để được mời đi dự Đại Hội đảng Xã Hội ở Tours, nhân danh đại biểu khu 13 của nhóm Xã Hội Đông Dương ma (fantomatique). Ngày 27/12 anh phát biểu ủng hộ kiến nghị Cachin-Frossard, ủng hộ việc đảng Xã Hội gia nhập Quốc Tế Cộng Sản" (18).

Về Hội Nghị Tours, Trần Dân Tiên viết: "ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu: chủ nghiã tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghiã xã hội, cách mạng (...) Ông Nguyễn nhức đầu vì khó hiểu" (19). 

Tuy không hiểu rõ những bàn cãi chính trị trong Hội Nghị Tours, nhưng Nguyễn vẫn bỏ phiếu cho Đệ Tam Quốc Tế vì ông nghĩ: "Đệ Tam Quốc Tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ" (20). 

Đoạn này Trần Dân Tiên cũng viết rất thực, nhưng trong cuốn Hồng Hà và các tiểu sử chính thức về sau, những đoạn thành thực như thế sẽ bị xoá hẳn, để thêm vào những đoạn dài mô tả "Bác" đã "nghiên cứu" kỹ càng lý thuyết Mác-Lê trước khi dự Hội Nghị Tours.

Chú Thích:

1. Thu Trang, Rapport ký tên Jean, in trong Phụ lục cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Đông Nam Á, Paris, 1983. 
2. Trần Dân Tiên, trang 30-31.
3. Trần Dân Tiên, trang 32.
4. Hémery, sđd, trang 42. 
5. Nxb Thanh Niên, 1976. 
6. Hồng Hà, trang 38.
7. 6 villa des Gobelins. Villa ở đây nghiã là Ngõ cụt, không phải là Phố.
8. Hồng Hà, sđd, trang 38 và 19.
9. Phan Văn Trường, Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'Indochine - Chuyện những người An Nam âm mưu ở Paris hay Sự thật về Đông Dương, L'Insomniaque, 2003. 
10. Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 64. 
11. Hồng Hà, trang 187. 
12. Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 14.
13. Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 188. 
14. Lê Thị Kinh, tập 2, quyển 1, trang 211.
15. Lê Thị Kinh, sđd, t2, q1, trang 190. 
16. Trần Dân Tiên, trang 34- 35.
17. Trần Dân Tiên, trang 35- 36.
18. Hémery, trang 46. 
19. Trần Dân Tiên, trang 46-47.

20. Trần Dân Tiên, trang 49.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét