Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

NHỚ NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH : " ĐÁM CƯỚI BƯỚM " của PHẠM VĂN SONG .

GIỚI THIỆU :  Nguyễn Bính là thi sĩ nổi tiếng thời tiền chiến. Thơ ông đặc sắc và nổi bật ở điểm nhẹ nhàng, trong sáng, lối diễn tả tinh ý và từ ngữ đượm vẽ mộc mạc, chất phác của ca dao. Tiêu biểu cho tính chất bài nầy là “Đám cưới bướm” dưới đây, trích trong tập “Một Nghìn Cửa Sổ”, một tập thơ ít người biết vì được xuất bản trong thời Nam Bộ kháng chiến chống Pháp ….

NGUYÊN VĂN BÀI THƠ :           

                                 Thuyền thơ cập bến thơ rồi.
                           Rước con bướm trắng sang chơi vườn hồng,
                                 Có cô em bé chưa chồng.
                           Bướm có bằng lòng, tôi mối manh cho .
                                 Kết hoa mười mấy bến đò,
                           Kết hoa trắng cả hai bờ sông trong,
                                 Hồng ơi ! Bướm cưới hoa hồng.
                           Mười mấy ngày ròng, pháo nổ liên chi.

                                
Nhận định : Người ta thường nói Nguyễn Bính là một thi sĩ chịu nhiều ảnh hưởng của ca dao. Ở bài nầy chúng ta thấy ngay câu đầu bắt nguồn từ ca dao. Đọc câu nầy chúng ta thấy phảng phất câu ca dao sau đây :

                                    Thuyền than lại đậu bến than  (*)
                                    
Ta thấy thơ Nguyễn Bính không những bắt nguồn từ ca dao mà lại chịu ảnh hưởng của ca dao trong cách diễn tả nữa. Câu đầu làm theo thể hứng thường thấy ở ca dao. Câu Hứng đó là một ấn tượng gợi từ thơ, làm khởi điểm cho bài thơ. Thật ra bất cứ nhà thơ nào khi làm một bài thơ cũng đều do một hình ảnh nào đó… đột nhiên nảy nở trong tâm hồn, đó là tứ thơ, rồi từ cái tứ đó, nhà thơ mới lần lần khai triển ra thành một bài thơ. Nhưng phần nhiều các nhà thơ ít ai viết cái thi hứng hay là điểm phát xuất  của bài thơ đó ra. Một lẽ là cái nguồn thi hứng đó chỉ là một ấn tượng quá mông lung, mờ ảo khó mà tả rõ ra được, hai là vì cái câu hứng đó nếu viết ra  có khi mới xem qua dường như không ăn nhập gì với bài thơ cả. Phải tinh ý và phải có trực giác mới hiểu được cái hứng đó. Vậy cái hứng ở đây là gì ?
                                     Thuyền thơ cập bến thơ rồi.

Thuyền với bến vốn có một mối duyên khắn khít : Bến chờ thuyền và thuyền cũng mong đợi bến. Nhưng ở đây là “bến thơ” và “thuyền thơ”. Qua câu đó ta thấy có một sự gặp gỡ, một sự hòa hợp nào đó rất tương xứng mà cũng rất đẹp nữa : chẳng hạn như một tâm hồn thi sĩ chợt bắt gặp một tứ thơ hay, hoặc một tâm hồn từ lâu đang ấp ủ một hình bóng lý tưởng, chợt bắt gặp một tâm hồn khác cũng đang hoài bão một hình bóng yêu thương, rồi hai tâm hồn đó nhận ra nhau chính là hình ảnh lý tưởng để rồi cùng hòa hợp với nhau trong một mối tình đẹp :

                         Rước con bướm trắng sang chơi vườn hồng.

Đây là một cuộc gặp gỡ đẹp : bướm là khách tình si của hoa mà nay được chuyến đò thơ đưa sang bờ mộng ước thì còn gì đẹp hơn !

                                    Có cô em bé chưa chồng.
                               Bướm có bằng lòng, tôi mối manh cho ?

Nhìn đóa hoa hồng và cánh bướm xứng đôi vừa lứa quá, ai lại không muốn cho hai đứa gặp gỡ nhau, thành duyên đôi lứa với nhau. Câu 8 biến thế (vần gieo ở chữ thứ 4 thay vì chữ thứ 6) một lần nữa ta thấy tính chất ca dao của Nguyễn Bính. Nhưng sau cái biến thể của Nguyễn Bính ở đây lại duyên dáng và dễ thương thế ! Thật chẳng khác nào một thôn nữ vốn đã xinh tươi nay lại được chiếc đủa thần của bà tiên trang điểm thêm.

Hỏi bướm có bằng lòng không, đó chỉ là hỏi để mà chơi thôi, chứ ai lại không biết họ đã bằng lòng nhau “đứt đuôi con nòng nọc” đi rồi còn gì nữa. Quả thật vậy, chưa thấy bướm trả lời là bằng lòng hay không mà ta đã thấy hôn lễ được chuẩn bị rồi :

                                        Kết hoa mười mấy bến đò.
                                  Kết hoa trắng cả hai bờ sông trong .

Đám cưới của bướm có khác. Đám cưới người cũng kết hoa, nhưng ở đây là đám cưới của bướm nên phải kết hoa thật nhiều mới đúng, kết hoa suốt cả “mười mấy bến đò kia “, nhưng sao lại là hoa trắng, không phải là hoa hồng, hoa đỏ, hoa vàng, hoa tím … Nhất định là hoa trắng vì hoa trắng và nước trong gợi cho ta thấy cái gì là trong sạch. Vì tình của họ thanh cao, tinh khiết quá, nên phải dùng hoa màu trắng kết dọc hai bên bờ sông nước trong veo như thế mới xứng với tâm hồn trong trắng của họ.

Đám cưới thật là tưng bừng náo nhiệt với tiếng pháo nổ vang suốt cả mười mấy ngày (mười mấy ngày ròng pháo nổ liên chi). Tiếng pháo đó đều làm cho xa gần đều hay tin là họ lấy nhau. Mối tình đẹp đẽ đó đã thành đề tài cho mọi người bàn tán, nhất là các cô hoa hồng (đồng loại với cô dâu) chắc họ thèm thuồng địa vị của cô dâu lắm, nên họ kháo với nhau về đám cưới đó :

                              Hồng ơi ! bướm cưới hoa hồng.
                        Mười mấy ngày ròng, pháo nổ liên chi .

Câu 8 lại  biến thể , một lần nữa cái biến thể vẫn duyên dáng. Câu 8 biến thể ở đây có tác dụng làm cho mối tình hoa bướm đượm nhiều vẽ ngây thơ chất phác, nếu làm đúng luật thì câu thơ hóa ra nghiêm chỉnh, trang trọng không hợp với mối tình thơ dại của hai người. Vậy những ai đã thắc mắc về hình thức mới và cũ cũng xin đừng lo ngại nữa, cái đẹp vốn có muôn ngàn khía cạnh, chưa ai khai thác hết đâu . Đã mấy nghìn năm rồi chưa ai nói hết cái đẹp của vầng trăng, của ánh sao, của làn môi, của khóe mắt . . . Điều cần thiết là phải biết cách nói lên và nói cho đúng chỗ mà thôi.

Có một buổi chiều nào đó, sau khi đã tắm rữa mát mẻ, cạo hết râu ria, xua đuổi hết những tư tưởng hắc ám ra khỏi tâm hồn, rồi đem bài thơ nầy ra đọc lại, ta sẽ thấy tâm hồn lâng lâng tươi mát như làn gió chiều nhẹ nhàng, như cánh bướm lượn vườn hoa và cũng trong lành như dòng nước mùa Thu trong vắt .

                                                                                PHẠM VĂN SONG.
(*)  Nguyên tác bài ca dao như sau :

                           Thuyền than lại đậu bến than.
                     Gặp cô yếm thắm ôm quàng ngang lưng.
                           “ Tôi van với cậu rằng đừng,
                      Tuổi tôi còn bé, chửa từng nguyệt hoa,
                              Tôi về gọi chị tôi ra ,
                      Chị tôi đã lớn, nguyệt hoa đã từng “


Trích Tạp chí VĂN số 189 năm 1971 – Sài Gòn .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét