Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

TỪ THÀNH ĐÔ ĐẾN DIỄN ĐÀN SHANGRILA hay TỪ NÓI ĐẾN LÀM

TS Đinh Xuân Quân

Từ cuộc gặp tại Thành Đô năm 1991 với giới lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam luôn luôn nói đến “16 chữ vàng và 4 tốt” ngay cả trước những hành động không vàng mà cũng không tốt như cấm đánh cá, đâm tàu, bắt giữ, ngay cả giết ngư dân VN của Trung Quốc tại Biển Đông, đã gây phẫn nộ cho dân nước ta. Tại Diễn đàn đối thoại an ninh khu vực Á châu gọi là Shangri-La được viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức hàng năm tại Singapore Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (NTD) đã được mời đọc bài tham luận chính (key note speaker) trong ngày khai mạc 31/05/2013. 

Tại Singapore, Thủ tướng NTD nhắc tới nhiều lần ý tưởng chủ đạo trong bài diễn văn quan trọng là “Cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta.” 

Qua nội dung bài tham luận của TT NTD quan điểm của VN là gì? Quan điểm của Trung Quốc là gì? Quan điểm của Mỹ và của các quốc gia khác là gì ?  Thủ tướng NTD đã đưa ra một cách suy nghĩ mới về đối ngoại tại Shangri La nhưng việc này sẽ giúp gì cho các vấn đề đối nội của VN hay không?  

Khó khăn đối ngoại của VN và quan điểm của các bên tại Shangri La

Trong nhiều năm qua thái độ của TQ tại Biển Đông đã làm người dân phải xuống đường và công an đã đàn áp các công dân VN chống TQ, chống “đường lưỡi bò” là những đòi hỏi phi lý và “cường quyền kiểu Đại hán.” 

Qua lời phát biểu của TT NTD các quan sát viên quốc tế cho đây là lần đầu tiên một giới chức cao cấp phát biểu quan điểm của VN: 

VN không liên minh với nước này chống nước khác, không chấp nhận căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ VN, và chính sách quốc phòng của VN là tự vệ; 

TQ và Mỹ là hai cường quốc Thái Bình Dương (TBD) và sự hiện diện của họ đáng hoan nghênh. Họ có trách nhiệm đóng góp vào hoà bình, thịnh vượng, và an ninh khu vực theo các luật quốc tế. 

Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đe dọa an ninh khu vực và quyền lợi mọi nước; 

TQ cần chấm dứt các hành động đơn phương, các đòi hỏi phi lý, trái luật pháp quốc tế, các áp đặt có tính cách cường quyền.  

ASEAN cần đoàn kết, và cảnh báo “một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các nước đối tác.”

Ông nhìn nhận rằng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Qua phát biểu này, coi như VN có một chính sách đối ngoại mới đối với TQ mặc dù vẫn chỉ là lên án một cách gián tiếp.  

Qua phát biểu của Tướng Thích Kiến Quốc, quan điểm của Trung Quốc là: 
TQ tiếp tục xác định chủ quyền của mình trong vùng tranh chấp; 
TQ đồng ý giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; 
TQ sẽ tiếp tục có hải quân và hải giám trong vùng vì đây là “lãnh hải TQ”. 

Trung tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân TQ cho là “Các tàu chiến TQ sẽ tiếp tục tuần tra tại các vùng biển mà TQ tuyên bố thuộc chủ quyền của họ (1) /và các cuộc tuần tra như thế là ‘hợp pháp’ và rằng chủ quyền của nước ông đối với những vùng biển này là ‘không thể tranh cãi’. Đây chính là ngôn ngữ ngoại giao của kẻ ngang ngược coi Biển Đông như cái ao nhà.  

Bộ Trưởng Hagel (2) / nêu lên quan điểm của Mỹ: 

Chính sách tái phối trí chiến lược hướng về Á châu-Thái Bình Dương là một “cam kết bền vững” (enduring commitment) được thể hiện bằng những hành động cụ thể;
Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện cam kết này và Hoa Kỳ sẽ chuyển thêm các vũ khí tối tân và sẽ gia tăng khả năng tác chiến của mình sang Á châu-Thái Bình Dương.

Các nước đối tác của Hoa Kỳ phải vững tin vào mối liên hệ song phương với Hoa Kỳ và những cam kết của Hoa Kỳ đối với họ và đối với khu vực Á châu Thái Bình Dương, kể cả các hiệp ước liên minh mà Hoa Kỳ đã ký kết như với Nhật Bản và Phi Luật Tân. 

Hoa Kỳ cảnh báo và quan tâm đến tiềm năng có thể xảy ra những tính toán sai lầm hoặc các khủng hoảng phát sinh từ những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ / lãnh hải trong khu vực này.

Ông Hagel trình bày chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama đối với khu vực và “chủ yếu là một chiến lược kinh tế và văn hóa, ngoại giao" và cũng đã học được tầm quan trọng của việc nước Mỹ phải làm thế nào "để tham dự một cách khôn ngoan ở châu Á."

Các khó khăn đối nội tại VN

Ngày 19/01/2013, một nhóm 72 nhân sĩ/trí thức đã đưa ra bản tham gia ý kiến chi tiết cùng với một bản dự thảo sửa đổi Hiến Pháp (HP) được gọi là “Kiến nghị 72.(3) /.” Việc khởi xướng của họ đã kéo theo một số đóng góp khác của nhiều nhóm về những vấn đề nóng bỏng như đa đảng, quyền con người, quyền tư hữu đất, tổ chức luật pháp, hành pháp, tư pháp, quân đội phi chính trị, trưng cầu dân ý và kéo dài thời gian đóng góp ý kiến. 

Ngày 21/02/2013, nhóm sinh viên và cựu sinh viên Luật Hà Nội (4) / công bố bản kiến nghị độc lập về sửa đổi HP.  

Ngày 28/02/2013, ‘Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do’ gồm 5 điểm chính được công bố và kêu gọi những công dân khác xác nhận: muốn 

bỏ điều 4, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, và có quyền tuyên bố.   

Ngày 1/3/2013, Hội đồng Giám Mục VN (HĐGMVN) gởi thư đề nghị nhằm vào ba vấn đề: I) Quyền con người; II) Quyền làm chủ của nhân dân; III) Thi hành quyền bính chính trị.  Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (CGVN) công khai và mạnh mẽ lên tiếng về một vấn đề hệ trọng của đất nước.  

Ngày 05/03/2013, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuyên bố: « … chúng tôi vui mừng thấy giới sĩ phu đất nước, giới trẻ, giới công dân mạng đã gạt phăng sợ hãi bấy lâu, đứng lên nói bằng lời, bằng bài viết, bằng kiến nghị, bằng cả xuống đường đòi hỏi dân chủ hóa đất nước.” 

Ngày 07/03/2013 Khối 8406 lên tiếng: “…Thiết tha kêu gọi đồng bào tiếp tục ký tên ủng hộ 4 văn kiện nói trên, đồng thời ký tên ủng hộ việc mở một chiến dịch đấu tranh dân chủ, đòi nhà cầm quyền cộng sản tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý có quốc tế giám sát,..”  

Ngày 08/03/2013 Giáo hội Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tán đồng quan điểm chánh trị và ủng hộ các ý kiến của Đức Tăng Thống GHPGVNTN, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, của các nhân sĩ, của anh chị sinh viên, của các Công dân Tự Do và của Khối 8406 đòi đảng Cộng sản phải trả lại quyền Lập hiến và quyền Phúc quyết (Trưng Cầu Dân Ý) của toàn dân. 

Những khó khăn kinh tế trong nước

Theo Tổng cục Thống kê thì VN trong năm 2012 chỉ tăng 5,03%, mức thấp nhất kể từ 13 năm qua (năm 1999 với 4,77%).  Kinh tế VN đang gặp nhiều khó khăn, như mức tín dụng sụt giảm mạnh – đóng băng trong bối cảnh các ngân hàng đầy nợ xấu và thiếu vốn, trong khi đó khu vực kinh tế Nhà nước vẫn hoạt động kém hiệu quả, do nạn tham nhũng và quản lý kém cỏi.

Ta thấy giảm lạm phát phần nào, tăng xuất khẩu và tăng dự trữ ngoại tệ cho năm 2012 (Hối kiều giảm từ trên 10 tỷ xuống còn dưới 9.5 tỷ).  Chỉ số giá tiêu dùng cuối năm là 6,81%, giảm mạnh so với tốc độ phi mã 18,3% của năm 2012 và thấp nhất kể từ 2009 đến nay.  

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 8 lần hạ lãi suất giúp các công ty vượt qua khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, nhưng không chắc là biện pháp đó đủ để cải thiện tình hình trong ngắn hạn.

Trong năm giá địa ốc ở VN đã sụt giảm 30%. 

Chỉ số thị trường chứng khoán VN rơi xuống mức thấp nhất trong một năm. Công ty Moody’s và  Standard and Poor’s đã hạ điểm các trái phiếu của Việt Nam xuống hạng “mang tính đầu cơ cao”.

Hậu quả của tình trạng tăng trưởng chậm lại là thất nghiệp tăng cao. Theo một báo cáo do Tổng cục Thống kê hiện có gần 1 triệu người thất nghiệp ở Việt Nam. 

Doanh Nghiệp Nhà Nước (DNNN).  Việt Nam muốn “hoá rồng” theo định hướng XHCN chép mô hình Chaebol qua chính sách “quả đấm thép.” Chính sách này cho thấy thất bại nặng gây nhiều hậu quả xấu.  TS Vũ Quang Việt (5) / nói nhiều về cách quản lý các doanh nghiệp nhà nước không mấy thành công.Theo TS Lê Đăng Doanh (6) / khó khăn nhất trong 20 năm qua là 2011 và cứ "đầu tư 100 đồng thì hàng hóa, tài sản tạo ra được có lẽ chỉ khoảng 40, 50 đồng, còn lại 60, 50 đồng kia nó bốc hơi."

Hệ thống tài chính – Ngân Hàng.  Với gần 50 ngân hàng trong đó có 5 ngân hàng thương mại quốc doanh [Năm ngân hàng lớn nhất tại VN có tổng tài sản lên tới 63 tỷ đô la.] và 5 ngân hàng nước ngoài. Việt Nam lúng túng trong việc đối phó với lạm phát từ 2008 đến nay 2012 chỉ vì hệ thống tài chính, thị trường tài chính (thị trường vốn + thị trường tiền tệ) bị chính phủ/Ngân hang quốc doanh chi phối. 

Theo công ty tư vấn Anh Quốc Capital Economics đánh giá rằng nợ xấu tại Việt Nam có thể cao gấp ba lần con số thẩm định chính thức và có thể tăng nhanh. 

Nợ xấu ngân hàng cao kỷ lục

Mới đây theo báo cáo của Ủy ban Tài chính của Quốc Hội VN thì “…Tình hình kinh tế và ngân sách hiện nay phải dùng từ “cực kỳ khó khăn.” (7) / và cho số liệu về nợ công của ViệtNam.


Số liệu nợ công từ năm 2003 (tính trên %GDP) 

Trong số nợ trên, và theo định nghĩa nợ công của VNthì chỉ tính nợ được nhà nước bảo lãnh mà "không kể" nhiều khoản nợ rất lớn của DNNN.  Cách tính nợ của World Bank và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công được xác định là tổng khoản vay mượn và trái phiếu phát hành hoặc được bảo lãnh phát hành bởi chính quyền Trung ương, địa phương và cả DNNN. Do đó, số nợ công VN của VN không phải là 54.9% mà lên gần 95% GDP. 

NHNN cho là số nợ xấu là 4.9% GDP trong khi cơ quan giám sát nói là hơn 8,8%, và thống đốc ngân hàng đưa ra 10% còn các nhà phân tích công bố tỷ lệ này cao hơn mức 10%.  Theo TS V. Quang Việt  thì nếu dùng tiêu chuẩn quốc tế (nợ không trả được sau một số thời gian + nợ DNNN + nợ do nhà nước bảo đảm) thì nợ xấu có thể lên cao hơn nhiều và các vụ vay bất động sản và các món vay của DNNN là chính. 

Trong cuộc họp ngày 18/12/12 với lãnh đạo thành phố HCM, (8) / TT Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tổng số nợ xấu của Việt Nam năm 2012 khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu từ bất động sản chiếm 70%, tương đương 140.000 tỷ đồng.  

VN cũng đưa ra một gói tín dụng 30,000 tỷ giúp khu vực bất động sản. Theo người viết / thì gói “tín dụng ưu đãi” chỉ giải các vấn đề ngắn hạn (band aid solution) mà không giúp đi đến cải cách cơ cấu trong nghành bất động sản.  Sẽ có nhiều xác xuất (probability) gây thêm tham nhũng vì lãi suất < 6% trong khi lạm phất > 6%. Nó cũng sẽ gây thêm nợ xấu vì cách tài trợ của các ngân hàng.

Hiện nay có nhiều tranh chấp trong nội bộ chính trị VN, có nhiều vụ bắt bớ, đàn áp các người muốn tỏ ý chống TQ và các khó khăn kinh tế cực kỳ khó khăn.Vậy theođúng tham luận của ông NTD thì VN làm gì để lấy niềm tin chiến lược của dân trong nước?  

Nếu chính quyền, như trong tham luận của TT NTD tạo được niềm tin trong dân chúng và trí thức ví dụ như là chính quyền hay Quốc Hội bàn bạc việc thay đổi có thật với KN 72 và thả các công dân chống đối TQ một cách ôn hòa thì nhiều hồ sơ tiềm tàng gây bất ổn ở VN sẽ giảm đi rất nhiều.

Việc này sẽ gây niềm tin và việc thay đổi cơ cấu kinh tế, chính trị, việc đứng lên bảo vệ quyền lợi VN tại Biển Đông sẽ dễ hơn nhiều.

Kết luận

Tại Shangri La, TT NTD đã đưa ra một bước đi mới về chính sách đối ngoại, khác với quá khứ và đã giám chỉ trích “gián tiếp” các hành động “cường quyết, phi lý, trái với luật của TQ.”  

Nếu nhanh chóng rút ra được các bài học đang diễn ra quanh mình như tại Myanmar, VN có thể tìm được nhiều giải pháp để “chấn chỉnh lòng tin của dân chúng.” Nếu lời nói của TT NTD tại Shangri La đi đôi với việc áp dụng “gây dựng lòng tin chiến lược với các nhóm trong xã hội VN” thì cơ hội chấn chỉnh cơ cấu, kinh tế, kiềm chế các nhóm lợi ích, thả các người bị bỏ tù vì ý kiến sẽ giúp cho việc chuyển biến, thay đổi cơ cấu trong xã hội một cách có trật tự. Liệu TT NTD có thể làm việc này hay không?

TS Đinh Xuân Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét